hieuluat

Thông tư 131/2010/TT-BTC Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Tài chínhSố công báo:558 & 559 - 09/2010
    Số hiệu:131/2010/TT-BTCNgày đăng công báo:19/09/2010
    Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Trần Văn Hiếu
    Ngày ban hành:06/09/2010Hết hiệu lực:27/01/2021
    Áp dụng:21/10/2010Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Tài chính-Ngân hàng, Doanh nghiệp

  • BỘ TÀI CHÍNH

    ------------------

    Số: 131/2010/TT-BTC

     

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    ------------------------

    Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2010

     

     

    THÔNG TƯ

    Hướng dẫn thực hiện Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà

    đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam

    --------------------------------------

     

    Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

    Căn cứ Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg ngày 18/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam;

    Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung trong Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam như sau:

     

    CHƯƠNG I

    QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Đối tượng điều chỉnh

    1. Tổ chức nước ngoài:

    a) Tổ chức thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài, chi nhánh của các tổ chức này tại nước ngoài và tại Việt Nam.

    b) Tổ chức thành lập và hoạt động ở Việt Nam có tỷ lệ tham gia góp vốn của bên nước ngoài trên 49% vốn điều lệ.

    c) Quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán có tỷ lệ tham gia góp vốn của bên nước ngoài trên 49% vốn điều lệ.

    2. Cá nhân nước ngoài là người không mang quốc tịch Việt Nam, cư trú tại nước ngoài hoặc tại Việt Nam.

    Nhà đầu tư cá nhân vừa có quốc tịch Việt Nam, vừa mang quốc tịch nước ngoài được coi là nhà đầu tư trong nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác thì thực hiện theo quy định của pháp luật đó.

    3. Đại diện của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 3 Chương I Thông tư này.

    4. Doanh nghiệp Việt Nam quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg ngày 18/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg).

    5. Cổ đông sở hữu cổ phần trong công ty cổ phần; thành viên góp vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn; thành viên hợp danh, thành viên góp vốn trong công ty hợp danh; chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân.

    Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

    1. Thông tư này hướng dẫn quy trình góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam theo các hình thức quy định tại khoản 1 và tiết a, c, d khoản 2 Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg (không bao gồm hình thức mua cổ phần trong các công ty đại chúng niêm yết và các công ty đại chúng chưa niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán).

    2. Hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong một số lĩnh vực có quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc có cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên khác với quy định tại Thông tư này thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc các điều ước quốc tế đó.

    3. Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các công ty đại chúng niêm yết và các công ty đại chúng chưa niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về chứng khoán.

    4. Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần lần đầu của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thực hiện cổ phần hoá thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần.

    5. Các hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc phạm vi áp dụng Thông tư này bao gồm các hoạt động theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg. Riêng về mức vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện đúng quy định tại Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg.

    Điều 3. Đại diện của nhà đầu tư nước ngoài và người trực tiếp thực hiện các giao dịch góp vốn, mua cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài

    1. Đại diện có thẩm quyền của tổ chức nước ngoài:

    a) Chủ tịch hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc (giám đốc) của tổ chức nước ngoài.

    b) Những người có thẩm quyền theo điều lệ của tổ chức nước ngoài để ký các hồ sơ, thủ tục góp vốn, mua cổ phần và thực hiện các công việc liên quan trong phạm vi, thẩm quyền được giao.

    c) Những người được chủ tịch hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc (giám đốc) của tổ chức nước ngoài ủy quyền bằng văn bản.

    2. Nhà đầu tư nước ngoài có thể ủy quyền cho đại diện giao dịch tại Việt Nam thông qua các văn bản ủy quyền (hợp đồng ủy quyền, hợp đồng ủy thác, hợp đồng chỉ định đầu tư ...) để thực hiện các hoạt động góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam, theo nguyên tắc quy định tại khoản 1, điểm 2.2 khoản 2 Điều 4 Chương II Thông tư này.

    Đại diện giao dịch tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài gồm:

    a) Tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, được pháp luật cho phép thực hiện các nghiệp vụ môi giới đầu tư, tư vấn đầu tư, uỷ thác đầu tư, môi giới chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư (sau đây gọi là tổ chức đại diện tại Việt Nam); hoặc:

    b) Cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam hoặc là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, đáp ứng các điều kiện: là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc trường hợp đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Toà án cấm hành nghề kinh doanh; có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đầu tư tài chính, ngân hàng; có một trong các chứng chỉ hành nghề liên quan đến cung cấp dịch vụ về góp vốn, mua cổ phần (chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán, chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính, chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ...); không đồng thời làm việc ở một trong các tổ chức đại diện quy định tại tiết a khoản 2 Điều này (sau đây gọi là cá nhân đại diện tại Việt Nam).

    3. Người trực tiếp thực hiện các giao dịch: là người trực tiếp thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam.

    a) Người trực tiếp thực hiện các giao dịch góp vốn, mua cổ phần của tổ chức nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam: là đại diện có thẩm quyền của tổ chức nước ngoài; hoặc người được tổ chức đại diện tại Việt Nam (trong trường hợp ủy quyền) giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện các giao dịch góp vốn, mua cổ phần.

    b) Người trực tiếp thực hiện các giao dịch góp vốn, mua cổ phần của cá nhân nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam: là cá nhân nước ngoài; hoặc cá nhân đại diện tại Việt Nam (trường hợp ủy quyền cho cá nhân); hoặc người được tổ chức đại diện tại Việt Nam (trường hợp ủy quyền cho tổ chức) giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện các giao dịch góp vốn, mua cổ phần.

     

    CHƯƠNG II

    NGUYÊN TẮC, ĐIỀU KIỆN THAM GIA GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN

    ĐỐI VỚI NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

     

    Điều 4. Nguyên tắc thực hiện góp vốn, mua cổ phần

    1. Đối với nhà đầu tư nước ngoài vừa tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam, vừa tham gia góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam không phải là công ty đại chúng: thủ tục và quy trình thực hiện góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả công ty đại chúng và không phải là công ty đại chúng) theo quy định hiện hành về quy chế hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam (hiện nay là Quyết định số 121/2008/QĐ-BTC ngày 24/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) và quy định tại Thông tư này.

    2. Đối với nhà đầu tư nước ngoài không tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam, việc thực hiện đầu tư theo các hình thức sau:

    2.1- Tổ chức nước ngoài (thông qua đại diện có thẩm quyền), cá nhân nước ngoài trực tiếp thực hiện đầu tư góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam.

    2.2- Tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài ủy quyền cho đại diện giao dịch tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Chương I Thông tư này thông qua các văn bản ủy quyền để thực hiện các hoạt động góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam, theo quy định sau:

    a) Tổ chức nước ngoài quy định tại tiết a, b khoản 1 Điều 1 Chương I Thông tư này chỉ được ủy quyền cho tổ chức đại diện tại Việt Nam; không được ủy quyền cho cá nhân đại diện tại Việt Nam.

    b) Tổ chức nước ngoài quy định tại tiết c khoản 1 Điều 1 Chương I Thông tư này không được ủy quyền cho tổ chức và cá nhân đại diện tại Việt Nam.

    c) Cá nhân nước ngoài có thể ủy quyền cho tổ chức đại diện tại Việt Nam,  hoặc uỷ quyền cho cá nhân đại diện tại Việt Nam. Cá nhân đại diện tại Việt Nam chỉ được thực hiện các hoạt động góp vốn, mua cổ phần cho cá nhân nước ngoài dưới danh nghĩa của cá nhân nước ngoài.

    3. Mức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả số vốn góp từ mua lại quyền góp thêm vốn, quyền mua cổ phần, chứng quyền) trong doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả mua của các thành viên có vốn góp, cổ đông sở hữu cổ phần) phải đảm bảo tỷ lệ quy định tại Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg.

    Điều 5. Điều kiện tham gia góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam (áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài không tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam)

    1. Đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức:

    1.1- Có tài khoản vốn đầu tư mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Mọi hoạt động mua, bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp, thu và sử dụng cổ tức, lợi nhuận được chia, chuyển tiền ra nước ngoài và các hoạt động khác liên quan đến đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam đều thông qua tài khoản này. Việc mở, đóng, sử dụng và quản lý tài khoản vốn đầu tư phải phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.

    1.2- Có các tài liệu sau:

    a) Đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại tiết a khoản 1 Điều 1 Chương I Thông tư này:

    - Bản sao hợp lệ Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc tài liệu tương đương do cơ quan quản lý có thẩm quyền tại nước tổ chức đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh cấp; hoặc Giấy đăng ký thuế của cơ quan thuế nơi tổ chức đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh; Hoặc Giấy phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam (nếu có chi nhánh tại Việt Nam).

    - Trường hợp uỷ quyền cho tổ chức đại diện tại Việt Nam: có thêm bản sao hợp lệ văn bản về việc ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài cho tổ chức đại diện tại Việt Nam và bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức đại diện tại Việt Nam.

    - Tài liệu liên quan đến người trực tiếp thực hiện giao dịch.

    b) Đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại tiết b khoản 1 Điều 1 Chương I Thông tư này:

    - Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

    - Trường hợp uỷ quyền cho tổ chức đại diện tại Việt Nam: có thêm bản sao hợp lệ văn bản về việc ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài cho tổ chức đại diện tại Việt Nam và bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức đại diện tại Việt Nam.

    - Tài liệu liên quan đến người trực tiếp thực hiện giao dịch.

    c) Đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại tiết c khoản 1 Điều 1 Chương I Thông tư này:

    - Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty đầu tư chứng khoán; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty quản lý quỹ và các tài liệu liên quan về việc thành lập Quỹ đầu tư chứng khoán.

    - Tài liệu liên quan đến người trực tiếp thực hiện giao dịch.

    2. Đối với nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân:

    2.1- Có tài khoản vốn đầu tư mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Mọi hoạt động mua, bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp, thu và sử dụng cổ tức, lợi nhuận được chia, chuyển tiền ra nước ngoài và các hoạt động khác liên quan đến đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam đều thông qua tài khoản này. Việc mở, đóng, sử dụng và quản lý tài khoản vốn đầu tư phải phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.

    2.2- Có các tài liệu sau:

    - Lý lịch tư pháp (đã được chứng thực và hợp pháp hoá lãnh sự) và bản sao hợp lệ hộ chiếu còn giá trị.

    - Trường hợp ủy quyền cho đại diện tại Việt Nam: có thêm bản sao hợp lệ văn bản về việc ủy quyền của cá nhân nước ngoài cho đại diện tại Việt Nam, bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức đại diện tại Việt Nam (trường hợp đại diện là tổ chức) và tài liệu liên quan đến người trực tiếp thực hiện giao dịch.

    3. Tài liệu liên quan đến người trực tiếp thực hiện giao dịch:

    3.1- Đối với người trực tiếp thực hiện giao dịch là người Việt Nam:

    a) Phiếu thông tin về người trực tiếp thực hiện giao dịch có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (chính quyền địa phương, hoặc cơ quan, tổ chức nơi cá nhân đó làm việc), bao gồm các nội dung:

    - Liên quan đến sơ yếu lý lịch: tên, tuổi, giới tính, quốc tịch, hộ khẩu thường trú, nơi ở hiện nay, địa chỉ liên lạc, số điện thoại liên lạc, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đơn vị công tác, vị trí và chức vụ tại đơn vị công tác ...

    - Phạm vi công việc, quyền hạn và trách nhiệm được giao của người trực tiếp thực hiện giao dịch và những nội dung khác có liên quan.

    b) Bản sao hợp lệ chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị.

    3.2- Đối với người trực tiếp thực hiện giao dịch là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam:

    a) Phiếu thông tin về người trực tiếp thực hiện giao dịch có chứng thực và được hợp pháp hoá lãnh sự, bao gồm các nội dung:

    - Liên quan đến sơ yếu lý lịch: tên, tuổi, giới tính, quốc tịch, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi ở tại Việt Nam, nơi ở tại nước ngoài, địa chỉ liên lạc, số điện thoại liên lạc, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đơn vị công tác, vị trí và chức vụ tại đơn vị công tác ....

    - Phạm vi công việc, quyền hạn và trách nhiệm được giao của người trực tiếp thực hiện giao dịch và những số nội dung khác có liên quan.

    b) Lý lịch tư pháp (đã được chứng thực và hợp pháp hoá lãnh sự) và bản sao hợp lệ hộ chiếu còn giá trị.

    3.3- Trường hợp người trực tiếp thực hiện giao dịch là cá nhân đại diện tại Việt Nam: Phiếu thông tin có thêm các nội dung đáp ứng các điều kiện quy định tại tiết b khoản 2 Điều 3 Chương I Thông tư này và tài liệu có thêm bản sao hợp lệ một trong các chứng chỉ hành nghề liên quan đến cung cấp dịch vụ về góp vốn, mua cổ phần.

    4. Ngoài việc đảm bảo các điều kiện tại khoản 1, 2, 3 Điều này, nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo thực hiện đầy đủ:

    - Các điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề.

    - Các điều kiện khác (nếu có) quy định trong điều lệ doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần và bảo đảm không trái với quy định của pháp luật.

     

    CHƯƠNG III

    CÁC HÌNH THỨC GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN CỦA

    NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TRONG DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

     

    Điều 6. Các hình thức góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn

    1. Nhà đầu tư nước ngoài mua lại phần vốn góp, quyền góp vốn của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, hoặc góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên để trở thành thành viên mới của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

    2. Nhà đầu tư nước ngoài mua lại một phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hoặc góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

    3. Một nhà đầu tư nước ngoài mua lại toàn bộ số vốn điều lệ của chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để trở thành chủ sở hữu mới của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

    4. Từ hai nhà đầu tư nước ngoài trở lên mua lại toàn bộ số vốn điều lệ của chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và trở thành chủ sở hữu mới của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

    5. Một nhà đầu tư nước ngoài mua lại toàn bộ số vốn điều lệ của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên để chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và trở thành chủ sở hữu mới của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

    6. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài mua lại một phần vốn góp, hoặc góp thêm vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên để chuyển đổi thành công ty cổ phần và trở thành cổ đông của công ty cổ phần.

    Điều 7. Các hình thức góp vốn vào công ty hợp danh

    1. Nhà đầu tư nước ngoài (tổ chức hoặc cá nhân) mua lại phần vốn góp, quyền góp vốn của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh, hoặc góp vốn vào công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn mới trong công ty hợp danh.

    2. Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân mua lại phần vốn góp, quyền góp vốn của thành viên hợp danh trong công ty hợp danh, hoặc góp vốn vào công ty hợp danh để trở thành thành viên hợp danh mới, sau khi được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.

    Điều 8. Các hình thức góp vốn vào doanh nghiệp tư nhân

    1. Nhà đầu tư nước ngoài mua lại một phần vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân để chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

    2. Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn với chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân để chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

    Điều 9. Các hình thức mua cổ phần

    1. Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần phát hành lần đầu cho các cổ đông không phải là cổ đông sáng lập của công ty cổ phần.

    2. Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trong số cổ phần được quyền chào bán, cổ phiếu quỹ, cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần.

    3. Nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần, quyền mua cổ phần của các cổ đông trong công ty cổ phần, bao gồm cả mua lại cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập sau khi được đại hội đồng cổ đông chấp thuận để trở thành cổ đông sáng lập của công ty cổ phần.

    4. Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác trong công ty cổ phần khi điều lệ công ty có quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.

    5. Một nhà đầu tư nước ngoài mua lại toàn bộ số cổ phần của các cổ đông trong công ty cổ phần để chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và trở thành chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

     

    CHƯƠNG IV

    THỰC HIỆN GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN

     

    Điều 10. Các trường hợp nhận vốn góp, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài

    Doanh nghiệp Việt Nam nhận vốn góp, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong các trường hợp:

    1. Tăng vốn điều lệ, mở rộng hoạt động và thu hút nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp; chuyển giao công nghệ mới, cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp trở thành nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp.

    2. Thay đổi cơ cấu sở hữu vốn thông qua việc:

    a) Chuyển nhượng (bán) một phần vốn góp (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân).

    b) Bán cổ phần phát hành lần đầu cho cổ đông không phải là cổ đông sáng lập, cổ phần trong số cổ phần được quyền chào bán, cổ phiếu quỹ (đối với công ty cổ phần).

    c) Bán bớt một phần vốn kết hợp thực hiện tăng vốn điều lệ.

    3. Chuyển đổi doanh nghiệp theo các hình thức quy định tại Điều 6, 8, 9 Chương III Thông tư này.

    4. Thành viên góp vốn, cổ đông sở hữu cổ phần bán phần vốn góp của mình theo mục đích và nhu cầu của cá nhân, hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền trong doanh nghiệp nhằm phục vụ mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp.

    Điều 11. Thẩm quyền quyết định nhận vốn góp, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài

    1. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên, công ty hợp danh: 

    1.1- Trường hợp doanh nghiệp tăng vốn, kết hợp/hoặc chuyển nhượng một phần vốn: chủ tịch hội đồng thành viên, hoặc tổng giám đốc (giám đốc) công ty (theo điều lệ công ty) xây dựng và trình hội đồng thành viên phê duyệt phương án huy động vốn, kết hợp/hoặc chuyển nhượng một phần vốn trong đó có nội dung nhận vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

    1.2- Đối với thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên: thành viên góp vốn có quyền chuyển nhượng vốn (bao gồm cả chuyển nhượng quyền góp thêm vốn khi công ty tăng vốn điều lệ) cho người khác không phải là thành viên trong đó có nhà đầu tư nước ngoài sau khi yêu cầu công ty mua lại, hoặc chào bán cho các thành viên còn lại trong công ty nhưng công ty hoặc các thành viên còn lại không mua hoặc mua không hết, theo quy định tại Điều 43, 44, 45 Luật Doanh nghiệp.

    1.3- Đối với thành viên góp vốn trong công ty hợp danh: thành viên góp vốn có quyền chuyển nhượng phần vốn góp, bao gồm cả chuyển nhượng quyền góp thêm vốn (khi công ty tăng vốn điều lệ) cho người khác trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. 

    1.4- Đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh: thành viên hợp danh chỉ được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác trong đó có cá nhân nước ngoài sau khi được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại. 

    2. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: tổng giám đốc (giám đốc) công ty (theo điều lệ công ty) xây dựng và trình chủ sở hữu công ty phê duyệt phương án huy động vốn, kết hợp/hoặc chuyển nhượng một phần vốn trong đó có nội dung nhận vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

    Trường hợp chủ sở hữu công ty đồng thời là tổng giám đốc (giám đốc) công ty, chủ sở hữu công ty giao đơn vị có chức năng trong công ty xây dựng phương án huy động vốn, kết hợp/hoặc chuyển nhượng một phần vốn trong đó có nội dung nhận vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài. Chủ sở hữu công ty quyết định và chịu trách nhiệm toàn bộ về quyết định này theo đúng quy định của pháp luật.

    3. Đối với doanh nghiệp tư nhân: chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân quyết định và chịu trách nhiệm toàn bộ về việc bán lại một phần vốn hoặc huy động vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật.

    4. Đối với công ty cổ phần đang hoạt động:

    4.1- Trường hợp phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ: hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc (giám đốc) công ty xây dựng và trình đại hội cổ đông hoặc hội đồng quản trị (theo Luật doanh nghiệp và điều lệ công ty) phê duyệt phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, trong đó có nội dung bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

    4.2- Trường hợp bán số cổ phần phát hành lần đầu cho các cổ đông không phải là cổ đông sáng lập, cổ phần trong số cổ phần được quyền chào bán, cổ phiếu quỹ:

    a) Nếu điều lệ công ty có quy định về tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với quy định tại Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg: hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc (giám đốc) công ty (theo điều lệ công ty) giao đơn vị có chức năng trong công ty xây dựng phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc (giám đốc) công ty (theo điều lệ công ty) quyết định phương án đảm bảo tỷ lệ quy định tại điều lệ công ty.

    b) Nếu điều lệ công ty chưa quy định tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài: căn cứ nhu cầu hoạt động và điều lệ doanh nghiệp, hội đồng quản trị xây dựng phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trình đại hội đồng cổ đông quyết định; hoặc tổng giám đốc (giám đốc) công ty xây dựng phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trình hội đồng quản trị quyết định, đảm bảo tỷ lệ quy định tại Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg.

    4.3- Đối với cổ đông phổ thông và cổ đông sáng lập:

     a) Đối với cổ đông phổ thông: có quyền chuyển nhượng cổ phần của mình (bao gồm cả chuyển nhượng quyền mua thêm cổ phần khi công ty tăng vốn điều lệ) cho cổ đông khác và cho người không phải là cổ đông trong đó có nhà đầu tư nước ngoài.

    b) Đối với cổ đông sáng lập:

    - Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập trong đó có nhà đầu tư nước ngoài nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó và nhà đầu tư nước ngoài trở thành cổ đông sáng lập của công ty sau khi hoàn thành việc mua lại cổ phần.

    - Sau thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập trong đó có nhà đầu tư nước ngoài.

    c) Việc chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài của cổ đông phổ thông và cổ đông sáng lập phải đảm bảo tỷ lệ quy định tại Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg.

    4.4- Đối với cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác: nhà đầu tư nước ngoài được mua khi Điều lệ công ty có quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định (bao gồm cả trường hợp mua của cổ đông ưu đãi).

    5. Đối với doanh nghiệp Việt Nam có vốn góp của Nhà nước:

    Thẩm quyền quyết định tăng, giảm vốn Nhà nước và trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước khi doanh nghiệp Việt Nam nhận vốn góp, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện  theo quy định của pháp luật có liên quan.

    Điều 12. Phương án huy động vốn, kết hợp/hoặc chuyển nhượng một phần vốn góp, bán cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài

    Tùy theo thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp, trong phương án huy động vốn, kết hợp/hoặc chuyển nhượng một phần vốn góp, bán cổ phần (sau đây viết tắt là phương án) để trình cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phê duyệt cần có thêm các nội dung  liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài:

    1. Tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài dự kiến huy động; số vốn dự kiến chuyển nhượng (bán) cho nhà đầu tư nước ngoài; số cổ phần và loại cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư nước ngoài.

    2. Phương thức thực hiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài: đấu giá, thoả thuận trực tiếp hoặc đấu thầu.

    2.1- Phương thức đấu giá: qua Sở giao dịch chứng khoán, hoặc tổ chức có chức năng thực hiện dịch vụ đấu giá, hoặc tại doanh nghiệp huy động vốn, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và bình đẳng theo quy định của pháp luật về đấu giá.

    2.2- Phương thức thoả thuận trực tiếp, phương thức đấu thầu:

    a) Phương thức thoả thuận trực tiếp áp dụng trên cơ sở đã có đàm phán sơ bộ với các nhà đầu tư nước ngoài về việc góp vốn, mua cổ phần (bao gồm cả việc đàm phán với đối tượng dự kiến trở thành nhà đầu tư chiến lược).

    b) Phương thức đấu thầu áp dụng khi có từ hai nhà đầu tư trở lên cùng tham gia góp vốn, mua cổ phần và sau khi sử dụng phương pháp thỏa thuận trực tiếp, doanh nghiệp vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư.

    c) Trong phương án thoả thuận trực tiếp hoặc phương án đấu thầu có thêm các nội dung sau:

    - Thông tin về các nhà đầu tư nước ngoài đang có các đàm phán sơ bộ: tên, địa chỉ, vốn điều lệ (đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức), mối quan hệ của nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp này và các doanh nghiệp khác trong hoạt động sản xuất kinh doanh (về cung cấp nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao công nghệ, thương hiệu ...). Dự kiến nhà đầu tư chiến lược trong số các đối tác đang đàm phán.

    - Nếu có từ hai nhà đầu tư nước ngoài trở lên: nội dung đánh giá ảnh hưởng của từng nhà đầu tư nước ngoài nếu đầu tư vào doanh nghiệp, đề xuất phương án lựa chọn để cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp có cơ sở đưa ra quyết định chọn nhà đầu tư nước ngoài (nhà đầu tư chiến lược).

    3. Đối với việc tăng vốn điều lệ theo hình thức tăng vốn góp của các thành viên hoặc cổ đông hiện hữu: trong phương án phải có nội dung quy định rõ về việc chuyển nhượng quyền góp vốn của thành viên hoặc quyền mua cổ phần của cổ đông hiện hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.

    4. Giá trị dự kiến thu được từ việc huy động vốn, chuyển nhượng phần vốn góp; giá bán cổ phần dự kiến cho nhà đầu tư nước ngoài.

    5. Hình thức thanh toán dự kiến áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài: tiền mặt; ngoại tệ tự do chuyển đổi hoặc tài sản hợp pháp khác. Trường hợp góp vốn, mua cổ phần bằng ngoại tệ hoặc tài sản khác, trong phương án phải có thêm các nội dung về cách thức quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam hoặc cách thức định giá tài sản theo đúng quy định tại Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg.

    6. Các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ công ty.

    Điều 13. Công bố thông tin trước và sau về việc nhận vốn góp, bán cổ phần

    1. Trường hợp thực hiện theo phương thức đấu giá: chậm nhất 7 ngày  trước khi tiến hành đấu giá bán cổ phần, nhận vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam phải hoàn thành việc công bố thông tin tại doanh nghiệp, tại nơi tổ chức đấu giá và trên các phương tiện thông tin đại chúng với các nội dung chủ yếu: tên, địa chỉ của doanh nghiệp; số lượng cổ phần bán/số vốn nhận góp; các thông tin cần thiết về tình hình kinh doanh, vốn, quỹ của doanh nghiệp năm báo cáo và 2 năm trước liền kề; điều kiện tham gia đấu giá; phương thức thanh toán và các vấn đề khác có liên quan.

    Kết quả đấu giá phải được công bố công khai chậm nhất không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc đấu giá.

    2. Trường hợp thực hiện theo phương thức thỏa thuận trực tiếp hoặc đấu thầu: cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phê duyệt phương án quyết định hình thức và nội dung công bố thông tin trước và sau khi có kết quả thỏa thuận trực tiếp hoặc đấu thầu, đảm bảo công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.

    Điều 14. Thực hiện góp vốn, mua cổ phần

    1. Góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam:

    a) Qua đấu giá, đấu thầu: Trên cơ sở phương án được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp Việt Nam phê duyệt và quy định tại quy chế đấu giá, đấu thầu, nhà đầu tư nước ngoài cung cấp các tài liệu theo quy định tại Điều 5 Chương II Thông tư này và các tài liệu khác theo quy định tại quy chế đấu giá, đấu thầu cho cơ quan tổ chức đấu giá, đấu thầu để thực hiện đấu giá vốn góp, cổ phần.

    - Trường hợp đấu giá: giá chuyển nhượng phần vốn góp, giá bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là giá đấu thành công quy định tại Quy chế bán đấu giá. Đối với nhà đầu tư chiến lược là giá đấu thành công bình quân hoặc giá khác với giá đấu thành công bình quân do cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án quyết định, nhưng không được thấp hơn giá trị sổ sách của phần vốn góp, cổ phần tại thời điểm phê duyệt phương án.

    - Trường hợp đấu thầu: giá chuyển nhượng phần vốn góp, giá bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả nhà đầu tư chiến lược) là giá trúng thầu quy định tại Quy chế đấu thầu.

    b) Theo phương thức thoả thuận trực tiếp: Trên cơ sở phương án được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phê duyệt, nhà đầu tư nước ngoài cung cấp các tài liệu theo quy định tại Điều 5 Chương II Thông tư này và hồ sơ tài liệu khác có liên quan cho doanh nghiệp Việt Nam nhận vốn góp, bán cổ phần. Doanh nghiệp Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài tiến hành tiếp các bước đàm phán để thống nhất và hoàn tất các thủ tục góp vốn, mua cổ phần.

    Giá chuyển nhượng phần vốn góp, giá bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả nhà đầu tư chiến lược) là giá do cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phê duyệt phương án quyết định, nhưng không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán; hoặc giá trị sổ sách của phần vốn góp, cổ phần tại thời điểm phê duyệt phương án trong trường hợp không có giá thị trường.

    c) Phương thức thanh toán, hình thức thanh toán, việc xác định quyền lợi và nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn, mua cổ phần thực hiện theo phương án đã được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phê duyệt và quy định của pháp luật có liên quan.

    2. Mua lại phần vốn góp của thành viên có vốn góp, mua lại cổ phần của cổ đông.

    a) Nhà đầu tư nước ngoài mua lại phần vốn góp, quyền góp thêm vốn, mua lại cổ phần, mua lại quyền mua thêm cổ phần trên cơ sở thoả thuận với thành viên có vốn góp, cổ đông sở hữu cổ phần. Giá bán cho nhà đầu tư nước ngoài không được thấp hơn giá bán cho nhà đầu tư trong nước tại cùng thời điểm.

    b) Nhà đầu tư nước ngoài cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam có thành viên chuyển nhượng vốn góp, cổ đông chuyển nhượng cổ phần các tài liệu cần thiết theo quy định tại Điều 5 Chương II Thông tư này và hồ sơ tài liệu khác do doanh nghiệp quy định khi làm thủ tục mua lại phần vốn góp, quyền góp thêm vốn, mua lại cổ phần, mua lại quyền mua thêm cổ phần của thành viên góp vốn, cổ đông sở hữu cổ phần đó.

    c) Phương thức thanh toán, hình thức thanh toán, chi phí chuyển nhượng, xác định quyền lợi và nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài khi mua lại phần vốn góp, quyền góp thêm vốn, mua lại cổ phần, quyền mua thêm cổ phần thực hiện theo quy định của doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

    d) Thành viên có vốn góp, cổ đông sở hữu cổ phần khi chuyển nhượng vốn góp, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình theo quy định của doanh nghiệp và pháp luật có liên quan. 

    3. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần bằng ngoại tệ hoặc tài sản khác: việc quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam hoặc định giá tài sản thực hiện theo phương án đã được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phê duyệt.

    Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn bằng tài sản phải thực hiện chuyển quyền sở hữu tài sản theo quy định tại Điều 29 Luật Doanh nghiệp.

    Điều 15. Trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam sau khi hoàn thành góp vốn, mua cổ phần

    Việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có liên quan đến chuyển đổi hình thức sở hữu và loại hình của doanh nghiệp Việt Nam nhận vốn góp, bán cổ phần; liên quan đến cấp, điều chỉnh hoặc thay đổi Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam nhận vốn góp, bán cổ phần phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về chuyển đổi hình thức sở hữu và loại hình doanh nghiệp; về thủ tục chứng nhận đầu tư và chứng nhận đăng ký kinh doanh; về nghĩa vụ thuế và các quy định khác có liên quan.

     

    CHƯƠNG V

    TỔ CHỨC THỰC HIỆN

     

    Điều 16. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

    1- Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

    2- Các cá nhân, tổ chức quy định tại Điều 1 và các cá nhân, tổ chức có liên quan có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

    3- Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.

     

    Nơi nhận:

    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

    - Văn phòng Quốc hội;

    - Văn phòng Chính phủ;

    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

    - Văn phòng Chủ tịch nước;

    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

    - Văn phòng BCĐTW về phòng chống tham nhũng;

    - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

    - Toà án nhân dân tối cao;

    - Kiểm toán Nhà nước;

    - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

    - Công báo;

    - Website Chính phủ;

    - Cục Kiểm tra Văn bản (Bộ Tư pháp);

    - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;

    - Website BTC;

    - Lưu: VT,Cục TCDN

    KT. BỘ TRƯỞNG

    THỨ TRƯỞNG

     

     

     

     

     

    Trần Văn Hiếu

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Nghị định 118/2008/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
    Ban hành: 27/11/2008 Hiệu lực: 21/12/2008 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Quyết định 88/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam
    Ban hành: 18/06/2009 Hiệu lực: 15/08/2009 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản được hướng dẫn
    03
    Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 của Quốc hội
    Ban hành: 29/11/2005 Hiệu lực: 01/07/2006 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    04
    Quyết định 121/2008/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam
    Ban hành: 02/12/2008 Hiệu lực: 18/02/2009 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    05
    Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016
    Ban hành: 12/03/2015 Hiệu lực: 12/03/2015 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    06
    Thông tư 60/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
    Ban hành: 19/06/2020 Hiệu lực: 03/08/2020 Tình trạng: Còn Hiệu lực
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Thông tư 131/2010/TT-BTC Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Tài chính
    Số hiệu:131/2010/TT-BTC
    Loại văn bản:Thông tư
    Ngày ban hành:06/09/2010
    Hiệu lực:21/10/2010
    Lĩnh vực:Tài chính-Ngân hàng, Doanh nghiệp
    Ngày công báo:19/09/2010
    Số công báo:558 & 559 - 09/2010
    Người ký:Trần Văn Hiếu
    Ngày hết hiệu lực:27/01/2021
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X