Cơ quan ban hành: | Bộ Tài chính | Số công báo: | 51 & 52 - 01/2011 |
Số hiệu: | 210/2010/TT-BTC | Ngày đăng công báo: | 13/01/2011 |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Phạm Sĩ Danh |
Ngày ban hành: | 20/12/2010 | Hết hiệu lực: | 01/10/2017 |
Áp dụng: | 03/02/2011 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng, Xây dựng |
BỘ TÀI CHÍNH ------------------- Số: 210/2010/TT-BTC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ---------------------------- Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2010 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VIỆC QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN
THUỘC NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THEO NIÊN ĐỘ NGÂN SÁCH HÀNG NĂM.
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính quy định việc quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hàng năm như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng:
Thông tư này quy định việc quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hàng năm (sau đây gọi tắt là quyết toán năm), bao gồm: lập, gửi, thẩm định quyết toán và thông báo kết quả thẩm định quyết toán.
Điều 2. Đối tượng áp dụng:
Hàng năm, kết thúc niên độ ngân sách, các chủ đầu tư, các cơ quan cấp trên của chủ đầu tư, các cơ quan trung ương và địa phương, cơ quan tài chính và Kho bạc nhà nước các cấp thực hiện việc lập, gửi, thẩm định quyết toán và thông báo kết quả thẩm định quyết toán theo nội dung, nguyên tắc, thời hạn quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Thông tư này.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Các loại vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách nhà nước được quyết toán năm, gồm:
1. Vốn trong dự toán ngân sách nhà nước:
a) Vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch Nhà nước giao hàng năm;
b) Vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc kế hoạch năm trước được cơ quan có thẩm quyền quyết định bằng văn bản chuyển sang năm sau tiếp tục thực hiện và thanh toán.
2. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản khác của ngân sách nhà nước được phép sử dụng để đầu tư theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Riêng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn trái phiếu Chính phủ: các chủ đầu tư, các cơ quan cấp trên của chủ đầu tư, các cơ quan trung ương và địa phương, cơ quan tài chính và Kho bạc nhà nước các cấp thực hiện việc lập báo cáo tình hình thanh toán theo quy định tại Thông tư này, nhưng lập báo cáo riêng, không tổng hợp chung vào quyết toán ngân sách hàng năm của các Bộ, ngành trung ương và địa phương. Báo cáo này được gửi cùng quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm. Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo theo quy định.
3. Đối với vốn đầu tư xây dựng cơ bản được cơ quan có thẩm quyền cho phép ứng trước dự toán ngân sách năm sau thì không lập báo cáo quyết toán năm, nhưng lập báo cáo tổng hợp để cơ quan tài chính các cấp theo dõi.
Điều 4. Trình tự lập, gửi, thẩm định và thông báo kết quả thẩm định báo cáo quyết toán năm:
1. Đối với vốn do các Bộ, ngành trung ương quản lý:
a) Chủ đầu tư lập báo cáo quyết toán năm, gửi Bộ, ngành trung ương. Các Bộ, ngành thẩm định quyết toán của các chủ đầu tư; tổng hợp, lập báo cáo quyết toán năm gửi Bộ Tài chính.
b) Trường hợp các Bộ, ngành trung ương đã phân cấp quản lý, chủ đầu tư lập báo cáo quyết toán năm gửi cơ quan cấp trên được phân cấp quản lý của chủ đầu tư; cơ quan cấp trên của chủ đầu tư thẩm định quyết toán của các chủ đầu tư và tổng hợp quyết toán các dự án thuộc phạm vi phân cấp quản lý gửi Bộ, ngành để tổng hợp, lập báo cáo quyết toán năm gửi Bộ Tài chính.
Trường hợp báo cáo quyết toán năm của chủ đầu tư lập chưa đúng quy định, cơ quan cấp trên của chủ đầu tư hoặc Bộ, ngành thông báo cho chủ đầu tư hoàn chỉnh báo cáo hoặc lập lại báo cáo để thẩm định.
c) Kho bạc nhà nước tổng hợp báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác do Kho bạc nhà nước kiểm soát thanh toán, gửi Bộ Tài chính.
d) Bộ Tài chính thẩm định và ra thông báo kết quả thẩm định quyết toán năm gửi các Bộ, ngành trung ương và Kho bạc nhà nước.
2. Đối với vốn do địa phương quản lý:
2.1- Nguồn vốn do ngân sách cấp tỉnh quản lý:
a) Chủ đầu tư (hoặc Ban quản lý dự án) lập báo cáo quyết toán năm, gửi các sở, ban, ngành cấp tỉnh, thành phố được phân cấp quản lý.
b) Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thẩm định quyết toán của các chủ đầu tư thuộc trách nhiệm quản lý; tổng hợp, lập báo cáo quyết toán năm gửi Sở Tài chính.
Trường hợp báo cáo quyết toán năm của chủ đầu tư lập chưa đúng quy định, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông báo cho chủ đầu tư hoàn chỉnh báo cáo hoặc lập lại báo cáo để thẩm định.
c) Kho bạc nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác do Kho bạc nhà nước kiểm soát thanh toán, gửi Sở Tài chính.
d) Sở Tài chính thẩm định và thông báo kết quả thẩm định quyết toán năm gửi các sở, ban, ngành và Kho bạc nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tổng hợp vào quyết toán ngân sách địa phương hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân để trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê chuẩn.
Đ) Chậm nhất 5 ngày sau khi được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo theo quy định.
2.2- Nguồn vốn do ngân sách cấp quận, huyện (sau đây gọi tắt là huyện), xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã) quản lý:
a) Để phù hợp với đặc điểm tổ chức và phân cấp của từng địa phương, căn cứ các quy định tại Thông tư này, Sở Tài chính trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định trình tự lập, gửi, thẩm định và thông báo kết quả thẩm định quyết toán năm.
b) Kho bạc nhà nước huyện tổng hợp, lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác do Kho bạc nhà nước kiểm soát thanh toán, gửi Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện và Uỷ ban nhân dân xã (phần cấp xã quản lý).
Điều 5. Nội dung báo cáo quyết toán:
1. Phần số liệu:
a) Đối với chủ đầu tư thực hiện các biểu (ban hành kèm theo Thông tư này):
Biểu số 01/CĐT về báo cáo quyết toán vốn đầu tư XDCB nguồn ngân sách nhà nước;
Biểu số 02/CĐT về báo cáo thanh toán vốn đầu tư XDCB nguồn ứng trước dự toán ngân sách năm sau (nếu có).
Biểu số 03/CĐT về báo cáo thanh toán vốn đầu tư XDCB nguồn trái phiếu Chính phủ (nếu có);
Biểu số 04/CĐT về báo cáo thanh toán vốn đầu tư XDCB nguồn ứng trước trái phiếu Chính phủ (nếu có);
Chủ đầu tư phải đối chiếu số liệu về kế hoạch và vốn đã thanh toán với Kho bạc nhà nước trước khi lập báo cáo quyết toán năm. Đối với ngân sách cấp xã, Kho bạc nhà nước phối hợp với UBND xã rà soát, đối chiếu, bảo đảm khớp đúng số liệu giữa Kho bạc nhà nước và kế toán xã. Kết quả đối chiếu là cơ sở để UBND xã báo cáo quyết toán ngân sách xã.
b) Đối với cơ quan cấp trên được phân cấp quản lý của chủ đầu tư, các Bộ, ngành trung ương, các Sở, ban, ngành địa phương thực hiện các biểu (ban hành kèm theo Thông tư này):
Biểu số 01/CQTH về báo cáo quyết toán vốn đầu tư XDCB nguồn ngân sách nhà nước;
Biểu số 02/CQTH về báo cáo thanh toán vốn đầu tư XDCB nguồn ứng trước dự toán ngân sách năm sau (nếu có).
Biểu số 03/CQTH về báo cáo thanh toán vốn đầu tư XDCB nguồn trái phiếu Chính phủ (nếu có).
Biểu số 04/CQTH về báo cáo thanh toán vốn đầu tư XDCB nguồn ứng trước trái phiếu Chính phủ (nếu có).
Riêng đối với các đơn vị nhận vốn bằng hình thức lệnh chi tiền: thực hiện 4 biểu mẫu 01/CQTH, 02/CQTH, 03/CQTH, 04/CQTH nêu trên và các biểu số 01/KBQT về báo cáo quyết toán các nguồn vốn đầu tư XDCB được giao theo niên độ ngân sách; biểu số 05/KBQT về báo cáo tổng hợp thanh toán vốn đầu tư XDCB theo mục lục ngân sách.
c) Đối với Kho bạc nhà nước các cấp thực hiện các biểu (ban hành kèm theo Thông tư này):
Biểu số 01/KBQT về báo cáo quyết toán các nguồn vốn đầu tư XDCB. Biểu này do Kho bạc nhà nước và các đơn vị nhận vốn bằng hình thức lệnh chi tiền tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp.
Biểu số 02/KBQT về báo cáo quyết toán vốn đầu tư XDCB – chi tiết theo đơn vị, do Kho bạc nhà nước tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp.
Biểu số 03/KBQT về báo cáo quyết toán vốn đầu tư XDCB – chi tiết theo đơn vị và dự án, do Kho bạc nhà nước tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp.
Biểu số 04/KBQT về báo cáo tổng hợp vốn đầu tư XDCB ứng trước dự toán ngân sách năm sau – chi tiết theo đơn vị và dự án, do Kho bạc nhà nước tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp.
Biểu số 05/KBQT về báo cáo tổng hợp thanh toán vốn đầu tư XDCB theo Mục lục ngân sách nhà nước. Biểu này do Kho bạc nhà nước và các đơn vị nhận vốn bằng hình thức lệnh chi tiền tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp.
Biểu số 06/KBQT về báo cáo tổng hợp thanh toán vốn đầu tư XDCB tạm ứng theo chế độ chưa thu hồi – chi tiết theo đơn vị, do Kho bạc nhà nước tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp.
Biểu số 07/KBQT về báo cáo tổng hợp thanh toán vốn đầu tư XDCB từ nguồn trái phiếu Chính phủ - chi tiết theo đơn vị và dự án, do Kho bạc nhà nước tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp.
Biểu số 08/KBQT về báo cáo tổng hợp thanh toán vốn đầu tư XDCB ứng trước dự toán ngân sách năm sau nguồn trái phiếu Chính phủ - chi tiết theo đơn vị và dự án, do Kho bạc nhà nước tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp.
2. Phần thuyết minh:
a) Đối với chủ đầu tư: báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản Nhà nước giao trong năm; thuyết minh các tồn tại, vướng mắc, các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch, thanh toán, quyết toán vốn; đề xuất các biện pháp tháo gỡ có liên quan đến quản lý vốn đầu tư.
b) Đối với cơ quan cấp trên chủ đầu tư, các Bộ, ngành trung ương, các Sở, phòng, ban, ngành địa phương: báo cáo tổng quát tình hình thực hiện kế hoạch, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản Nhà nước giao trong năm; thuyết minh các tồn tại, vướng mắc, các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch, thanh toán, quyết toán vốn so với kế hoạch được giao; đề xuất các biện pháp tháo gỡ có liên quan đến quản lý vốn đầu tư.
c) Đối với cơ quan Kho bạc nhà nước:
Báo cáo tổng quát đặc điểm, tình hình thanh toán, quyết toán sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Đề xuất và kiến nghị tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến công tác quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm cũng như công tác quản lý vốn đầu tư, trong đó nêu rõ những nguyên nhân tăng giảm vốn đầu tư của các Bộ, ngành, địa phương và những dự án có tồn tại, vướng mắc.
Điều 6. Nội dung thẩm định báo cáo quyết toán năm:
1- Đối với các cơ quan cấp trên của chủ đầu tư:
a) Kiểm tra tính đầy đủ và khớp đúng về kế hoạch vốn, danh mục, tên dự án và vốn thanh toán của từng dự án thuộc kế hoạch được giao hàng năm.
b) Kiểm tra tính đầy đủ và khớp đúng về kế hoạch, danh mục, tên dự án và vốn thanh toán của từng dự án thuộc kế hoạch năm trước được chuyển sang năm sau tiếp tục thực hiện và thanh toán.
c) Kiểm tra, so sánh số vốn thanh toán với số vốn kế hoạch của từng dự án; xác định số vốn được chuyển sang năm sau tiếp tục thực hiện và thanh toán; số kế hoạch vốn huỷ bỏ.
d) Kiểm tra sự phù hợp về nguồn vốn, cơ cấu vốn của các dự án.
Đ) Kiểm tra, tổng hợp dự án hoàn thành (bao gồm cả các hạng mục, tiểu dự án hoặc dự án thành phần hoàn thành thuộc các dự án nhóm A) trong năm kế hoạch.
e) Nhận xét về tình hình thực hiện, thanh toán và quyết toán vốn trong năm, tình hình chấp hành chế độ chính sách và tình hình khác.
g) Các nhận xét khác.
2. Đối với cơ quan tài chính:
a) Kiểm tra, xác định sự phù hợp về tổng nguồn vốn, cơ cấu vốn trong báo cáo quyết toán của các Bộ, ngành, địa phương và báo cáo tổng hợp quyết toán của Kho bạc nhà nước.
b) Kiểm tra, xác định sự phù hợp về danh mục dự án giữa báo cáo quyết toán của các Bộ, ngành, địa phương và Kho bạc nhà nước cùng cấp.
c) Kiểm tra, so sánh kế hoạch vốn và số vốn thanh toán của từng dự án giữa báo cáo quyết toán của các Bộ, ngành, địa phương và Kho bạc nhà nước cùng cấp. Xác định số vốn được chuyển sang năm sau tiếp tục thực hiện và thanh toán; số kế hoạch vốn huỷ bỏ.
d) Các nhận xét khác.
Điều 7. Các nguyên tắc quyết toán năm:
1. Đối với Kho bạc nhà nước, thời hạn khoá sổ để lập báo cáo quyết toán là cuối ngày 31 tháng 1 năm sau (gồm ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã).
Số vốn được thanh toán đến hết ngày 31 tháng 01 năm sau được báo cáo vào quyết toán ngân sách nhà nước năm kế hoạch; số vốn thanh toán sau ngày 31 tháng 01 năm sau được báo cáo vào quyết toán ngân sách nhà nước năm sau.
2. Đối với chủ đầu tư, thời hạn khóa sổ để lập báo cáo quyết toán là cuối ngày 31 tháng 1 năm sau và lập báo cáo quyết toán theo mẫu biểu số 01/CĐT tại Thông tư này.
Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép kéo dài thời hạn thanh toán sau thời hạn khóa sổ trên, thì vốn thanh toán sau thời hạn khóa sổ được quyết toán vào ngân sách nhà nước năm sau.
3. Vốn thanh toán được đưa vào báo cáo quyết toán năm, bao gồm:
a/ Vốn thanh toán cho khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành của các dự án đầu tư bằng nguồn được giao trong năm kế hoạch, kể cả thanh toán bằng hình thức ghi thu, ghi chi hay thanh toán bằng ngoại tệ từ ngày 01 tháng 01 năm kế hoạch đến thời hạn khoá sổ.
Trường hợp trong kế hoạch vốn đầu tư được giao có bố trí để thu hồi số vốn đã được ngân sách nhà nước ứng trước dự toán của các dự án, số vốn quyết toán là tổng số thanh toán khối lượng hoàn thành đến hết niên độ quyết toán, bao gồm cả phần thanh toán khối lượng hoàn thành của kế hoạch ứng trước đã thanh toán trước đây chuyển sang.
* Ví dụ 1: Dự án A được ngân sách nhà nước ứng trước dự toán ngân sách năm 2009 trong năm 2008 là 5 tỷ đồng. Kế hoạch vốn đầu tư năm 2009 của dự án được bố trí 10 tỷ đồng, trong đó thu hồi vốn ứng là 5 tỷ đồng, còn thanh toán khối lượng hoàn thành trong năm 2009 là 5 tỷ đồng, thì số vốn thanh toán được đưa vào báo cáo quyết toán năm 2009 của dự án A tối đa là 10 tỷ đồng cho khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành.
* Ví dụ 2: Dự án B được ngân sách nhà nước ứng trước dự toán ngân sách năm 2009 trong năm 2008 là 5 tỷ đồng. Kế hoạch vốn đầu tư năm 2009 của dự án được bố trí 10 tỷ đồng, trong đó thu hồi vốn ứng trước là 3 tỷ đồng, còn thanh toán khối lượng hoàn thành trong năm 2009 là 7 tỷ đồng, thì số vốn thanh toán được đưa vào báo cáo quyết toán năm 2009 của dự án B tối đa là 10 tỷ đồng cho khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành. Số vốn ứng trước còn chưa thu hồi 2 tỷ đồng của dự án B sẽ tiếp tục theo dõi để thu hồi khi được giao kế hoạch vốn thu hồi của dự án.
b/ Vốn thanh toán cho khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành của các dự án đầu tư bằng nguồn thuộc kế hoạch năm trước được phép chuyển năm sau chi tiếp, kể cả thanh toán bằng hình thức ghi thu, ghi chi hay thanh toán bằng ngoại tệ từ ngày 01 tháng 02 năm kế hoạch đến thời hạn khoá sổ.
c/ Thanh toán từ ngày 01 tháng 02 năm kế hoạch đến thời hạn khoá sổ các khoản đã tạm ứng theo chế độ chưa thu hồi từ các năm trước chuyển sang năm kế hoạch.
4. Trường hợp các dự án đầu tư thuộc kế hoạch thanh toán vốn đầu tư hàng năm được phép chuyển năm sau chi tiếp, thì số vốn thanh toán đưa vào báo cáo quyết toán là số vốn thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành từ ngày 01 tháng 01 năm kế hoạch đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách (31/01 năm sau). Vốn thanh toán sau thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách năm trước được quyết toán vào ngân sách năm sau.
Ví dụ 3: Dự án C được ghi kế hoạch năm 2009 là 10 tỷ đồng; đến hết ngày 31/1/2010 dự án đã thanh toán khối lượng hoàn thành là 7 tỷ đồng; số kế hoạch vốn còn lại 3 tỷ đồng được phép tiếp tục thanh toán đến hết niên độ ngân sách năm 2010. Số vốn thanh toán được đưa vào báo cáo quyết toán năm 2009 của dự án C là 7 tỷ đồng; 3 tỷ đồng được thanh toán sau ngày 31/01/2010 được đưa vào quyết toán ngân sách năm 2010.
5. Đối với số vốn tạm ứng theo chế độ quy định chưa thu hồi không đưa vào quyết toán niên độ ngân sách của năm kế hoạch, được chuyển sang ngân sách năm sau thanh toán và quyết toán theo quy định của Thông tư số 108/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý ngân sách cuối năm và lập, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm và các quy định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).
6. Số liệu báo cáo phải được phản ánh chi tiết theo nguồn vốn, trong đó chi tiết vốn trong nước và vốn ngoài nước (nếu có).
Riêng đối với vốn ngoài nước, Kho bạc nhà nước báo cáo quyết toán số vốn đã được hạch toán ghi thu ghi chi cho dự án; chủ đầu tư báo cáo theo số vốn đã thanh toán cho dự án, trong đó chi tiết: số vốn đã ghi thu, ghi chi và số vốn chưa ghi thu, ghi chi.
Trường hợp dự án áp dụng cơ chế vốn ngoài nước được thanh toán như vốn trong nước hoặc dùng vốn trong nước thanh toán cho kế hoạch vốn ngoài nước thì quyết toán vào vốn ngoài nước và ghi chú rõ: vốn trong nước thanh toán cho kế hoạch vốn ngoài nước.
Điều 8. Thời hạn gửi báo cáo, thẩm định và thông báo kết quả thẩm định quyết toán năm:
1. Thời hạn gửi báo cáo quyết toán năm:
1.1. Đối với vốn do các Bộ, ngành trung ương quản lý:
a) Chủ đầu tư gửi báo cáo quyết toán năm cho cơ quan cấp trên được phân cấp quản lý chủ đầu tư trước ngày 1 tháng 6 năm sau.
b) Các Bộ, ngành trung ương gửi quyết toán năm cho Bộ Tài chính trước ngày 1 tháng 10 năm sau.
1.2. Đối với vốn do địa phương quản lý: Thời hạn gửi và thẩm định báo cáo quyết toán do Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định theo Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật, nhưng phải đảm bảo thời gian tổng hợp, lập, gửi báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước theo chế độ quy định.
1.3. Kho bạc nhà nước tổng hợp, lập và gửi báo cáo quyết toán năm: trước ngày 15 tháng 3 năm sau (đối với ngân sách cấp xã, ngân sách cấp huyện); trước ngày 1 tháng 4 năm sau (đối với ngân sách cấp tỉnh và ngân sách trung ương).
2- Thời hạn thẩm định và thông báo kết quả thẩm định quyết toán năm:
Trong thời hạn 30 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo chế độ quy định), cơ quan tài chính phải hoàn thành việc thẩm định và thông báo kết quả thẩm định quyết toán năm đối với từng cơ quan, đơn vị cùng cấp và các đơn vị trực thuộc theo mẫu số 01/TBTĐ (ban hành kèm theo Thông tư này).
III. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN CÓ LIÊN QUAN
Điều 9. Trách nhiệm của chủ đầu tư, các cơ quan cấp trên của chủ đầu tư, các cơ quan trung ương và địa phương:
1- Chịu trách nhiệm về số liệu được đưa vào báo cáo quyết toán năm; tổng hợp, lập, thẩm định báo cáo quyết toán năm theo hướng dẫn của Thông tư này và gửi cơ quan tài chính đồng cấp đúng thời hạn quy định.
2- Trong thời hạn 15 ngày làm việc (kể từ khi nhận được thông báo kết quả thẩm định quyết toán năm của cơ quan tài chính), có trách nhiệm thực hiện và có văn bản giải trình về các kiến nghị trong thông báo thẩm định quyết toán năm gửi cơ quan tài chính.
3- Cơ quan cấp trên chủ đầu tư chịu trách nhiệm xử lý các số liệu chênh lệch của từng dự án. Riêng số liệu thanh toán, phải được đối chiếu, khớp đúng với số liệu của Kho bạc nhà nước.
Điều 10. Trách nhiệm của cơ quan tài chính các cấp:
1. Trên cơ sở báo cáo quyết toán năm do các đơn vị dự toán cấp I và Kho bạc nhà nước các cấp lập, cơ quan tài chính thực hiện việc thẩm định, thông báo kết quả thẩm định và tổng hợp vào quyết toán ngân sách nhà nước các cấp theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2. Trường hợp không nhận được đầy đủ các báo cáo quyết toán năm (kể cả báo cáo điều chỉnh, bổ sung, giải trình về các kiến nghị trong thông báo thẩm định quyết toán năm của cơ quan tài chính) do đơn vị dự toán cấp I (hoặc đơn vị cấp dưới trực thuộc, các chủ đầu tư) không thực hiện đúng quy định về chế độ báo cáo quyết toán năm:
a) Để đảm bảo thời gian quyết toán ngân sách các cấp theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, căn cứ báo cáo quyết toán năm của Kho bạc nhà nước, cơ quan tài chính kiểm tra, tổng hợp vào quyết toán ngân sách nhà nước các cấp.
b) Cơ quan Tài chính có quyền tạm đình chỉ hoặc yêu cầu Kho bạc Nhà nước tạm đình chỉ việc thanh toán vốn đầu tư cho tới khi nhận được báo cáo quyết toán năm, đồng thời có văn bản thông báo để đơn vị biết và phối hợp thực hiện.
3. Trường hợp đã nhận được báo cáo quyết toán năm (kể cả báo cáo điều chỉnh, bổ sung, giải trình về các kiến nghị trong thông báo thẩm định quyết toán năm của cơ quan tài chính), nhưng có chênh lệch số liệu giữa báo cáo của các đơn vị dự toán cấp I và Kho bạc nhà nước, cơ quan tài chính căn cứ báo cáo quyết toán năm của Kho bạc nhà nước để thẩm định và tổng hợp vào quyết toán ngân sách nhà nước các cấp.
IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Hiệu lực thi hành:
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Thông tư số 53/2005/TT-BTC ngày 23/6/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, thẩm định báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hàng năm.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị gửi ý kiến về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận: - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể, Tổng công ty nhà nước; -HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng TW Đảng; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Chính phủ; - Toà án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ban Chỉ đạo Trung uơng về phòng , chống tham nhũng; - Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Uỷ ban giám sát Tài chính; - Website Chính phủ; - Website Bộ Tài chính; - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; - Sở Tài chính, KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Công báo; - Lưu: VP, Vụ Đầu tư. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG (Đã ký)
Phạm Sỹ Danh
|
Mẫu số 01/TBTĐ.
Bộ, Sở, Phòng Tài chính.... --------------------- Số: /20../TB - | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ---------------------------- ....., ngày tháng năm 20 |
THÔNG BÁO
Thẩm định quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản
thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách
Năm 20...
Căn cứ Thông tư số /2009/TT-BTC ngày tháng năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hàng năm.
Sau khi tiến hành thẩm định báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách năm 20... của ..........................................................; ............ Tài chính có ý kiến như sau:
1- Nhận xét chung về công tác quyết toán năm, về việc chấp hành thời gian gửi báo cáo và các nội dung, biểu mẫu báo cáo.
2- Về nội dung:
- Xác định sự phù hợp về tổng nguồn vốn, cơ cấu vốn trong báo cáo quyết toán của các Bộ, ngành, địa phương và Kho bạc nhà nước.
- Xác định, so sánh danh mục dự án giữa báo cáo quyết toán của các Bộ, ngành, địa phương và Kho bạc nhà nước cùng cấp.
- Xác định, so sánh kế hoạch vốn và số vốn thanh toán của từng dự án giữa báo cáo quyết toán của các Bộ, ngành, địa phương và kho bạc nhà nước cùng cấp. Xác định số vốn được chuyển sang năm sau tiếp tục thực hiện và thanh toán; số kế hoạch vốn huỷ bỏ.
- Xác định số vốn quyết toán năm.
- Các nhận xét khác.
(Chi tiết theo biểu số liệu đính kèm)
3- Kiến nghị:
4- Cơ quan cấp trên chủ đầu tư chịu trách nhiệm đối chiếu, xử lý các số liệu chênh lệch của từng dự án (nếu có); số liệu thanh toán, phải khớp đúng với số liệu của Kho bạc nhà nước.
| Thủ trưởng cơ quan Tài chính (Ký tên, đóng dấu) |
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản hết hiệu lực |
03 | Văn bản thay thế |
04 | Văn bản được hướng dẫn |
05 | Văn bản được hướng dẫn |
06 | Văn bản hướng dẫn |
07 | Văn bản dẫn chiếu |
08 | Văn bản dẫn chiếu |
09 | Văn bản dẫn chiếu |
10 | Văn bản dẫn chiếu |
11 | Văn bản dẫn chiếu |
12 | Văn bản dẫn chiếu |
13 | Văn bản dẫn chiếu |
14 | Văn bản dẫn chiếu |
15 | Văn bản dẫn chiếu |
16 | Văn bản dẫn chiếu |
17 | Văn bản dẫn chiếu |
18 | Văn bản dẫn chiếu |
19 | Văn bản dẫn chiếu |
20 | Văn bản dẫn chiếu |
Thông tư 210/2010/TT-BTC quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn NSNN
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Tài chính |
Số hiệu: | 210/2010/TT-BTC |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 20/12/2010 |
Hiệu lực: | 03/02/2011 |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng, Xây dựng |
Ngày công báo: | 13/01/2011 |
Số công báo: | 51 & 52 - 01/2011 |
Người ký: | Phạm Sĩ Danh |
Ngày hết hiệu lực: | 01/10/2017 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!