hieuluat

Thông tư 35/2016/TT-BTC hướng dẫn việc mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Tài chínhSố công báo:283&284-04/2016
    Số hiệu:35/2016/TT-BTCNgày đăng công báo:12/04/2016
    Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Nguyễn Hữu Chí
    Ngày ban hành:26/02/2016Hết hiệu lực:15/02/2018
    Áp dụng:10/04/2016Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Tài chính-Ngân hàng
  •  

    BỘ TÀI CHÍNH
    -------
    Số: 35/2016/TT-BTC
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2016
     
     
    THÔNG TƯ
    HƯỚNG DẪN VIỆC MUA SẮM TÀI SẢN NHÀ NƯỚC THEO PHƯƠNG THỨC TẬP TRUNG
     
     
    Căn cứ Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;
    Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
    Căn cứ Luật đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013;
    Căn cứ Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
    Căn cứ Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;
    Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
    Căn cứ Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung;
    Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý công sản,
    Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.
     
    Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
     
    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
    1. Thông tư này hướng dẫn việc mua sắm tài sản nhà nước (hàng hóa, dịch vụ) theo phương thức tập trung, bao gồm:
    a) Quy trình thực hiện mua sắm tập trung đối với các loại tài sản nhà nước. Riêng quy trình thực hiện mua sắm tập trung áp dụng cho đơn vị mua sắm tập trung thuốc tại Bộ Y tế và các địa phương thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
    b) Quản lý thu, chi liên quan đến mua sắm tập trung;
    c) Các quy định khác liên quan đến việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.
    2. Việc mua sắm các loại tài sản sau đây không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này:
    a) Tài sản đặc biệt và tài sản chuyên dùng tại đơn vị vũ trang nhân dân; tài sản của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài;
    b) Tài sản mua sắm từ nguồn vốn viện trợ, tài trợ, nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài mà nhà tài trợ có yêu cầu về mua sắm khác với quy định tại Thông tư này.
    Điều 2. Đối tượng áp dụng
    1. Đơn vị mua sắm tập trung bao gồm:
    a) Đơn vị mua sắm tập trung quốc gia;
    b) Đơn vị mua sắm tập trung của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ quan khác ở trung ương (sau đây gọi chung là Bộ, cơ quan trung ương) và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh).
    2. Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Ban quản lý dự án (sau đây gọi tắt là cơ quan, tổ chức, đơn vị) thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh trực tiếp sử dụng tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung.
    3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị không thuộc phạm vi quy định tại khoản 2 Điều này khi mua sắm tài sản bằng nguồn kinh phí không thuộc phạm vi quy định tại Điều 4 Thông tư này được khuyến khích áp dụng theo quy định tại Thông tư này.
    Điều 3. Yêu cầu trong mua sắm tập trung
    1. Việc mua sắm phải tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ, danh mục tài sản mua sắm tập trung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và công bố.
    2. Thực hiện mua sắm trong phạm vi dự toán được giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm và có hiệu quả.
    3. Bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại phù hợp với yêu cầu, nội dung hoạt động và quá trình cải cách nền hành chính nhà nước, cải cách tài chính công.
    4. Việc mua sắm tập trung phải được thực hiện thông qua đơn vị mua sắm tập trung.
    5. Thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
    Điều 4. Nguồn kinh phí mua sắm tập trung
    1. Kinh phí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
    2. Nguồn công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương.
    3. Nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA; nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc nguồn ngân sách nhà nước mà nhà tài trợ không có yêu cầu mua sắm khác với quy định tại Thông tư này.
    4. Nguồn kinh phí từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên; nguồn kinh phí từ Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước.
    5. Nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập.
    Điều 5. Cách thức thực hiện mua sắm tập trung
    Việc mua sắm tập trung được thực hiện theo một trong hai cách thức sau đây:
    1. Mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung: Đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu, ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn. Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản trực tiếp ký hợp đồng mua sắm với nhà thầu được lựa chọn, trực tiếp thanh toán cho nhà thầu được lựa chọn (trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán cho đơn vị mua sắm tập trung), tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản và thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, chế độ bảo hành, bảo trì tài sản từ nhà thầu được lựa chọn;
    2. Mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp: Đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu, trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn và trực tiếp thanh toán cho nhà thầu. Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản và thực hiện chế độ bảo hành, bảo trì tài sản từ nhà thầu được lựa chọn.
     
    Chương II. QUY TRÌNH THỰC HIỆN MUA SẮM TẬP TRUNG
     
    Mục 1: QUY TRÌNH THỰC HIỆN MUA SẮM TẬP TRUNG THEO CÁCH THỨC KÝ THỎA THUẬN KHUNG
    Điều 6. Quy trình thực hiện mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung
    1. Lập, phê duyệt dự toán mua sắm tài sản.
    2. Tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung.
    3. Lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
    4. Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu.
    5. Tổ chức lựa chọn nhà thầu.
    6. Đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo thỏa thuận khung.
    7. Thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.
    8. Ký kết thỏa thuận khung về mua sắm tập trung.
    9. Ký kết hợp đồng mua sắm tài sản.
    10. Thanh toán, bàn giao, tiếp nhận tài sản, quyết toán, thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản.
    11. Bảo hành, bảo trì tài sản.
    Điều 7. Lập, phê duyệt dự toán mua sắm tập trung
    1. Căn cứ tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, nhu cầu và hiện trạng sử dụng tài sản, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản đề xuất nhu cầu mua sắm tài sản cùng với việc lập dự toán ngân sách hàng năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; trong đó, xác định cụ thể chủng loại, số lượng, dự toán kinh phí mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung.
    2. Cấp có thẩm quyền quyết định giao dự toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu và đủ điều kiện được mua sắm tài sản.
    Điều 8. Tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung
    1. Căn cứ thông báo dự toán mua sắm tài sản được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm lập văn bản đăng ký mua sắm tập trung gửi cơ quan quản lý cấp trên (sau đây gọi là đầu mối đăng ký mua sắm tập trung) để tổng hợp gửi đơn vị mua sắm tập trung của các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh trước ngày 31 tháng 01 hàng năm.
    Nội dung chủ yếu của văn bản đăng ký mua sắm tập trung bao gồm:
    a) Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản sau khi hoàn thành việc mua sắm;
    b) Chủng loại, số lượng tài sản mua sắm tập trung;
    c) Dự toán, nguồn vốn thực hiện mua sắm tập trung và phương thức thanh toán;
    d) Dự kiến thời gian, địa điểm giao, nhận tài sản sau khi hoàn thành mua sắm và các đề xuất khác (nếu có).
    2. Đơn vị mua sắm tập trung tại các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh có trách nhiệm:
    a) Tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo Mẫu số 01a/TH/MSTT ban hành kèm theo Thông tư này để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hồ sơ mời thầu đối với tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp Bộ, cơ quan trung ương và địa phương;
    b) Tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo Mẫu số 01b/TH/MSTT ban hành kèm theo Thông tư này, báo cáo Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phê duyệt, gửi Bộ Tài chính đối với tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia trước ngày 28 tháng 02 hàng năm.
    3. Đơn vị mua sắm tập trung quốc gia tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung cấp quốc gia theo Mẫu số 02/TH/MSTT ban hành kèm theo Thông tư này để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hồ sơ mời thầu đối với tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia.
    4. Trường hợp quá thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này mà cơ quan, tổ chức, đơn vị và các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không gửi nhu cầu mua sắm tập trung thì không được phép mua sắm tài sản đó.
    Điều 9. Lập, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu
    1. Đơn vị mua sắm tập trung lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Việc thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
    2. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung được quy định như sau:
    a) Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung quốc gia;
    b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung của Bộ, cơ quan trung ương;
    c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung thuộc địa phương.
    3. Việc phân chia tài sản mua sắm thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, bảo đảm đồng bộ trong việc mua sắm, quy mô gói thầu hợp lý, bảo đảm khả năng bảo hành và các dịch vụ sau bán hàng của nhà cung cấp. Nghiêm cấm việc chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của pháp luật nhằm mục đích hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.
    Điều 10. Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng; thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu
    1. Việc chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng; thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
    2. Đơn vị mua sắm tập trung thực hiện lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Đơn vị mua sắm tập trung được phép thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp thực hiện lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản theo quy định tại Điều 26 Thông tư này trong trường hợp đơn vị mua sắm tập trung không đủ năng lực thực hiện.
    3. Đối với thông tin về đấu thầu mua sắm tập trung, ngoài việc đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo đấu thầu, đơn vị mua sắm tập trung hoặc tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp được thuê cung cấp dịch vụ đấu thầu phải thực hiện đăng tải trên Trang thông tin về tài sản nhà nước của Bộ Tài chính (đối với tất cả các gói thầu mua sắm tập trung) và Cổng thông tin điện tử của Bộ, cơ quan trung ương và của tỉnh (đối với các gói thầu mua sắm tập trung của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương).
    Điều 11. Ký kết thỏa thuận khung về mua sắm tập trung
    1. Thỏa thuận khung về mua sắm tập trung được ký kết giữa đơn vị mua sắm tập trung và nhà thầu cung cấp tài sản được lựa chọn.
    2. Thỏa thuận khung về mua sắm tập trung được lập thành văn bản theo Mẫu số 03/TTK/MSTT ban hành kèm theo Thông tư này.
    3. Đơn vị mua sắm tập trung có trách nhiệm:
    a) Đăng tải danh sách các nhà thầu được lựa chọn, thỏa thuận khung ký kết giữa nhà thầu và Đơn vị mua sắm tập trung, tài liệu mô tả chi tiết từng tài sản (tên, tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, màu sắc, xuất xứ); mẫu hợp đồng mua sắm với từng loại tài sản trên Trang thông tin về tài sản nhà nước của Bộ Tài chính (đối với tất cả các gói thầu mua sắm tập trung) và Cổng thông tin điện tử của Bộ, cơ quan trung ương và tỉnh (đối với các gói thầu mua sắm tập trung của Bộ, cơ quan trung ương và địa phương);
    b) Thông báo bằng hình thức văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp gửi nhu cầu mua sắm tập trung về đơn vị mua sắm tập trung, cụ thể:
    - Đơn vị mua sắm tập trung quốc gia gửi thông báo đến các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh;
    - Đơn vị mua sắm tập trung của Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh gửi thông báo đến các đơn vị đầu mối đăng ký mua sắm tập trung.
    4. Trên cơ sở thông báo bằng văn bản của đơn vị mua sắm tập trung theo quy định nêu trên, các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, các đơn vị đầu mối đăng ký mua sắm tập trung thông báo cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản biết để ký hợp đồng mua sắm tài sản.
    Điều 12. Ký kết hợp đồng mua sắm tài sản
    1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản ký hợp đồng mua sắm tài sản với nhà thầu đã được đơn vị mua sắm tập trung ký thỏa thuận khung. Trường hợp tại thời điểm ký hợp đồng mua sắm tài sản, giá bán tài sản do nhà cung cấp công bố thấp hơn giá trúng thầu mua sắm tập trung, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản đàm phán với nhà thầu để giảm giá, bảo đảm giá mua không cao hơn giá do nhà cung cấp công bố tại thời điểm ký hợp đồng.
    2. Hợp đồng mua sắm tài sản được lập thành văn bản theo Mẫu số 04a/HĐMS/MSTT ban hành kèm theo Thông tư này.
    3. Hợp đồng mua sắm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản được gửi 01 bản cho đơn vị mua sắm tập trung hoặc đăng nhập thông tin về hợp đồng mua sắm tài sản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước theo Tài liệu hướng dẫn sử dụng của Bộ Tài chính.
    Điều 13. Thanh toán mua sắm tài sản
    1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản có trách nhiệm thanh toán tiền mua tài sản cho nhà thầu được lựa chọn.
    2. Việc thanh toán tiền mua sắm tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật, theo thỏa thuận khung và hợp đồng mua sắm tài sản đã ký với nhà thầu được lựa chọn.
    3. Kho bạc nhà nước có trách nhiệm kiểm soát chi đối với các khoản mua sắm từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
    Điều 14. Bàn giao, tiếp nhận tài sản
    1. Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản được thực hiện giữa hai bên (nhà thầu cung cấp tài sản và cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản) theo hợp đồng mua sắm tài sản đã ký kết.
    2. Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản phải lập thành Biên bản nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận tài sản theo quy định tại Mẫu số 05a/BBGN/MSTT ban hành kèm theo Thông tư này, kèm theo các hồ sơ, tài liệu có liên quan, gồm:
    a) Hợp đồng mua sắm tài sản (bản chính);
    b) Hóa đơn bán hàng (bản chính);
    c) Phiếu bảo hành (bản chính);
    d) Hồ sơ kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn sử dụng (bản chính);
    đ) Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
    3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản có trách nhiệm tiếp nhận, theo dõi trên sổ kế toán, quản lý, sử dụng tài sản được trang bị theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
    Điều 15. Quyết toán, thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản
    1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản có trách nhiệm:
    a) Thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản với nhà thầu được lựa chọn;
    b) Quyết toán kinh phí mua sắm tài sản.
    2. Việc quyết toán, thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật và hợp đồng mua sắm tài sản đã ký với nhà thầu được lựa chọn.
    Điều 16. Bảo hành, bảo trì tài sản
    1. Nhà thầu được lựa chọn cung cấp tài sản có trách nhiệm bảo hành, bảo trì đối với tài sản đã cung cấp.
    2. Nội dung công việc bảo hành, thời hạn bảo hành, chi phí liên quan và trách nhiệm của các bên (cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản, đơn vị mua sắm tập trung và nhà thầu trúng thầu) phải được thể hiện trong hồ sơ mời thầu, thỏa thuận khung và hợp đồng mua sắm tài sản.
    Mục 2: QUY TRÌNH THỰC HIỆN MUA SẮM TẬP TRUNG THEO CÁCH THỨC KÝ HỢP ĐỒNG TRỰC TIẾP
    Điều 17. Quy trình thực hiện mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp
    1. Tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung.
    2. Lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
    3. Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu.
    4. Tổ chức lựa chọn nhà thầu.
    5. Đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng.
    6. Thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.
    7. Ký kết hợp đồng mua sắm tài sản.
    8. Thanh toán, bàn giao, tiếp nhận tài sản, quyết toán, thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản.
    9. Bảo hành, bảo trì tài sản.
    Điều 18. Tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung
    Cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu mua sắm tài sản để phục vụ hoạt động các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài mà nhà tài trợ có yêu cầu áp dụng theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp có trách nhiệm lập văn bản đăng ký mua sắm tập trung, gửi cơ quan quản lý cấp trên. Cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp, gửi đơn vị mua sắm tập trung để tập hợp nhu cầu theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.
    Điều 19. Lập, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu
    Việc lập và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.
    Điều 20. Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng; thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu
    Việc chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng; thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.
    Điều 21. Ký kết hợp đồng mua sắm tài sản
    1. Căn cứ kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, đơn vị mua sắm tập trung đàm phán, ký hợp đồng mua sắm tài sản với nhà thầu được lựa chọn.
    2. Hợp đồng mua sắm tài sản được lập thành văn bản theo Mẫu số 04b/HĐMS/MSTT ban hành kèm theo Thông tư này.
    Điều 22. Thanh toán mua sắm tài sản
    1. Đơn vị mua sắm tập trung có trách nhiệm thanh toán cho nhà thầu cung cấp tài sản thông qua một trong các hình thức sau đây:
    a) Đơn vị mua sắm tập trung đề nghị cơ quan quản lý chương trình, dự án chuyển tiền thanh toán cho nhà thầu cung cấp tài sản;
    b) Đơn vị mua sắm tập trung đề nghị cơ quan quản lý chương trình, dự án chuyển tiền cho đơn vị mua sắm tập trung để thanh toán cho nhà thầu cung cấp tài sản.
    2. Việc thanh toán tiền mua sắm tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật và hợp đồng mua sắm tài sản đã ký với nhà thầu cung cấp tài sản.
    3. Kho bạc nhà nước có trách nhiệm kiểm soát chi đối với các khoản mua sắm từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
    Điều 23. Bàn giao, tiếp nhận tài sản
    1. Căn cứ hợp đồng mua sắm tài sản đã ký kết, đơn vị mua sắm tập trung thông báo kế hoạch và thời gian bàn giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản chậm nhất là 15 ngày trước ngày bàn giao.
    2. Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản được thực hiện giữa ba bên (nhà thầu trúng thầu, đơn vị mua sắm tập trung và cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản). Địa điểm bàn giao, tiếp nhận tài sản cần phải thuận lợi cho cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng tài sản và tiết kiệm chi phí khi bàn giao, tiếp nhận tài sản.
    3. Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản phải được lập thành Biên bản nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận tài sản theo Mẫu số 05b/BBGN/MSTT ban hành kèm theo Thông tư này, kèm theo các hồ sơ, tài liệu có liên quan gồm:
    a) Hợp đồng mua sắm tài sản (bản chính);
    b) Hóa đơn bán hàng (bản chính hoặc bản sao theo quy định);
    c) Phiếu bảo hành (bản chính);
    d) Hồ sơ kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn sử dụng (bản chính);
    đ) Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
    4. Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản có trách nhiệm tiếp nhận, hạch toán kế toán, quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Đơn vị mua sắm tập trung có trách nhiệm mở sổ theo dõi tài sản bàn giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản.
    Điều 24. Quyết toán, thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản
    1. Thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản:
    a) Đơn vị mua sắm tập trung có trách nhiệm thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản với nhà thầu cung cấp tài sản;
    b) Việc thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật và hợp đồng mua sắm tài sản đã ký với nhà thầu cung cấp tài sản.
    2. Quyết toán kinh phí mua sắm tài sản:
    a) Cơ quan quản lý chương trình, dự án chịu trách nhiệm quyết toán trong trường hợp thanh toán tiền mua tài sản theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Thông tư này.
    b) Đơn vị mua sắm tập trung có trách nhiệm quyết toán với cơ quan quản lý chương trình, dự án trong trường hợp thanh toán tiền mua tài sản theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 22 Thông tư này.
    Điều 25. Bảo hành, bảo trì tài sản
    1. Nhà thầu được lựa chọn cung cấp tài sản có trách nhiệm bảo hành, bảo trì đối với tài sản đã cung cấp.
    2. Nội dung công việc bảo hành, thời hạn bảo hành, chi phí liên quan và trách nhiệm của các bên (cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản, đơn vị mua sắm tập trung và nhà thầu trúng thầu) phải được thể hiện trong hồ sơ mời thầu và hợp đồng mua sắm tài sản.
    Mục 3: LỰA CHỌN TỔ CHỨC ĐẤU THẦU CHUYÊN NGHIỆP TRONG MUA SẮM TẬP TRUNG
    Điều 26. Lựa chọn tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp trong mua sắm tập trung
    Trường hợp đơn vị mua sắm tập trung không đủ năng lực tổ chức lựa chọn nhà thầu thì được phép thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp để tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản. Việc lựa chọn tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
    Điều 27. Hợp đồng thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp trong mua sắm tập trung
    1. Hợp đồng thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp trong mua sắm tập trung được ký kết giữa đơn vị mua sắm tập trung và tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp.
    2. Hợp đồng thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp trong mua sắm tập trung phải được lập thành văn bản và có các nội dung chủ yếu sau đây:
    a) Thông tin của đơn vị mua sắm tập trung;
    b) Thông tin của tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp;
    c) Chủng loại, số lượng tài sản kèm theo mô tả chi tiết các yêu cầu về tài sản cần mua sắm;
    d) Giá trị mua sắm dự kiến;
    đ) Hình thức lựa chọn nhà thầu;
    e) Thời hạn hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản;
    g) Chi phí thuê tiến hành lựa chọn nhà thầu trong mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật;
    h) Quyền, nghĩa vụ của các bên;
    i) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
    k) Các nội dung khác do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.
    3. Việc chấm dứt thực hiện lựa chọn tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp trong mua sắm tập trung thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
     
    Chương III. QUẢN LÝ THU, CHI LIÊN QUAN ĐẾN MUA SẮM TẬP TRUNG
     
    Điều 28. Các khoản thu liên quan đến mua sắm tập trung
    1. Đối với đơn vị mua sắm tập trung chuyên nghiệp:
    a) Thu từ việc bán hồ sơ mời thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
    b) Thu từ nhà thầu trong trường hợp giải quyết kiến nghị theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
    c) Thu về bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng trong trường hợp nhà thầu không được nhận lại các khoản chi phí này theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
    d) Thu từ cung cấp dịch vụ trong trường hợp cung cấp dịch vụ tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản cho đơn vị mua sắm tập trung khác;
    đ) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
    2. Đối với đơn vị mua sắm tập trung kiêm nhiệm được thu các khoản quy định tại khoản 1 Điều này, trừ khoản thu quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.
    Điều 29. Các khoản chi liên quan đến mua sắm tập trung
    1. Nội dung chi:
    a) Chi phí trong lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật đấu thầu năm 2013, Điều 9 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và quy định của pháp luật có liên quan;
    b) Chi thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp và chi phí thuê tư vấn (nếu có) để lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản trong mua sắm tập trung theo quy định;
    c) Chi phí bàn giao, tiếp nhận tài sản;
    d) Chi giải quyết các kiến nghị của nhà thầu (nếu có);
    đ) Chi hoạt động liên quan trực tiếp thực hiện mua sắm tập trung;
    e) Các khoản chi khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
    2. Mức chi đối với các khoản chi phí quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức và chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, định mức và chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì người đứng đầu đơn vị mua sắm tập trung quyết định mức chi, đảm bảo phù hợp với chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
    Điều 30. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ mua sắm tập trung
    1. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ mua sắm tập trung của đơn vị mua sắm tập trung chuyên nghiệp:
    a) Đối với gói thầu thực hiện theo nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao: Trường hợp các khoản thu không đủ để bù đắp các khoản chi thì phần chênh lệch được sử dụng từ nguồn kinh phí được phép sử dụng của đơn vị mua sắm tập trung; trường hợp các khoản thu lớn hơn các khoản chi, đơn vị mua sắm tập trung được bổ sung số tiền chênh lệch vào kinh phí hoạt động của đơn vị để sử dụng theo quy định của pháp luật;
    b) Đối với các gói thầu thực hiện theo hợp đồng cung cấp dịch vụ tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, đơn vị mua sắm tập trung quản lý, sử dụng số tiền thu được từ mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật.
    2. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ mua sắm tập trung của đơn vị mua sắm tập trung kiêm nhiệm: Trường hợp các khoản thu không đủ để bù đắp các khoản chi thì phần chênh lệch được sử dụng từ nguồn kinh phí được phép sử dụng của đơn vị mua sắm tập trung; trường hợp các khoản thu lớn hơn các khoản chi, đơn vị mua sắm tập trung có trách nhiệm nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
     
    Chương IV. CÔNG KHAI, BÁO CÁO MUA SẮM TẬP TRUNG
     
    Điều 31. Công khai trong mua sắm tập trung
    Đơn vị mua sắm tập trung có trách nhiệm công khai các thông tin về mua sắm tập trung bao gồm:
    1. Công khai nhu cầu mua sắm tập trung:
    a) Nội dung công khai: Số lượng tài sản mua sắm; chủng loại tài sản mua sắm; dự toán mua sắm tài sản; nguồn vốn mua sắm tài sản.
    b) Thời gian thực hiện công khai: Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày tổng hợp xong nhu cầu mua sắm tập trung.
    2. Công khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung: Nội dung và thời gian thực hiện công khai theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
    3. Công khai kết quả mua sắm tập trung:
    a) Nội dung công khai: Số lượng tài sản mua sắm; chủng loại tài sản mua sắm; đơn giá mua sắm tài sản; nguồn vốn mua sắm tài sản; hình thức mua sắm tài sản; nhà thầu cung cấp tài sản; các khoản hoa hồng, chiết khấu, khuyến mãi (nếu có) khi thực hiện mua sắm.
    b) Thời gian thực hiện công khai: Theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
    4. Hình thức công khai: Ngoài các hình thức công khai được quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này; việc công khai các thông tin về mua sắm tập trung tại các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương có liên quan và Trang thông tin về tài sản nhà nước.
    Điều 32. Báo cáo mua sắm tập trung
    1. Hàng năm, đơn vị mua sắm tập trung có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện mua sắm tập trung của năm trước theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
    2. Báo cáo tình hình thực hiện mua sắm tập trung là một nội dung trong báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm, Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức, đơn vị về một số nội dung cụ thể của báo cáo (nếu cần).
    3. Nội dung báo cáo bao gồm:
    a) Danh mục mua sắm tập trung;
    b) Kết quả mua sắm tập trung trong năm;
    c) Tổng số tiền tiết kiệm được do mua sắm tập trung (Tổng dự toán mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung - Tổng chi thực tế mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung) trong năm;
    d) Xử lý vi phạm trong mua sắm tập trung.
    4. Trình tự và thời hạn báo cáo tình hình mua sắm tập trung hàng năm được quy định như sau:
    a) Đơn vị mua sắm tập trung quốc gia báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Y tế trước ngày 31 tháng 01;
    b) Đơn vị mua sắm tập trung của Bộ, cơ quan trung ương và tỉnh báo cáo Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh để tổng hợp, gửi Bộ Tài chính trước ngày 28 tháng 02;
    c) Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo gửi Bộ Tài chính trước ngày 15 tháng 3;
    d) Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Chính phủ kết quả mua sắm tập trung của cả nước cùng với Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hàng năm theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trước ngày 31 tháng 3;
    đ) Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong phạm vi cả nước trước ngày 30 tháng 4.
     
    Chương V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
     
    Điều 33. Hiệu lực thi hành
    1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 4 năm 2016.
    Bãi bỏ Thông tư số 22/2008/TT-BTC ngày 10 tháng 3 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Quy chế tổ chức mua sắm tài sản, hàng hóa từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung ban hành kèm theo Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.
    2. Thực hiện mua sắm tập trung trong năm 2016:
    a) Đối với các gói thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trước ngày 10 tháng 4 năm 2016 (đối với xe ô tô thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia), trước ngày 30 tháng 6 năm 2016 (đối với tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương) thì tiếp tục thực hiện mua sắm theo quy định hiện hành.
    b) Đối với các trường hợp mua xe ô tô trong danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia không thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản này thì thực hiện như sau:
    - Căn cứ thông báo dự toán mua sắm tài sản được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm lập văn bản đăng ký mua sắm tập trung đối với xe ô tô thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia, gửi cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp, gửi đơn vị mua sắm tập trung của Bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 30 tháng 4 năm 2016.
    - Đơn vị mua sắm tập trung hoặc đơn vị khác (trong trường hợp chưa có đơn vị mua sắm tập trung) của các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo Mẫu số 01b/TH/MSTT ban hành kèm theo Thông tư này, báo cáo Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, gửi Bộ Tài chính đối với xe ô tô thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia trước ngày 30 tháng 5 năm 2016.
    - Đơn vị mua sắm tập trung quốc gia thuộc Bộ Tài chính thực hiện việc mua sắm đối với xe ô tô thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia theo quy trình quy định tại Thông tư này.
    c) Đối với các trường hợp mua tài sản trong danh mục mua sắm tập trung của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương không thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể thời hạn đăng ký mua sắm tập trung và thời hạn tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung cho phù hợp với tình hình thực tế.
    3. Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết./.
     

     

     Nơi nhận:
    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
    - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
    - Văn phòng Tổng Bí thư;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Kiểm toán Nhà nước;

    - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
    - Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam;
    - Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
    - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
    - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
    - Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
    - Các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty nhà nước;
    - Cổng TTĐT Chính phủ;
    - Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
    - Cổng TTĐT Bộ Tài chính;
    - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
    - Lưu: VT, QLCS.
    KT. BỘ TRƯỞNG
    THỨ TRƯỞNG




    Nguyễn Hữu Chí
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 của Quốc hội
    Ban hành: 16/12/2002 Hiệu lực: 01/01/2004 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước số 09/2008/QH12 của Quốc hội
    Ban hành: 03/06/2008 Hiệu lực: 01/01/2009 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Nghị định 52/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước
    Ban hành: 03/06/2009 Hiệu lực: 20/07/2009 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    04
    Luật Đấu thầu của Quốc hội, số 43/2013/QH13
    Ban hành: 26/11/2013 Hiệu lực: 01/07/2014 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    05
    Nghị định 215/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
    Ban hành: 23/12/2013 Hiệu lực: 15/02/2014 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    06
    Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu
    Ban hành: 26/06/2014 Hiệu lực: 15/08/2014 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    07
    Quyết định 08/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định việc mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung
    Ban hành: 26/02/2016 Hiệu lực: 10/04/2016 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    08
    Thông tư 144/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
    Ban hành: 29/12/2017 Hiệu lực: 15/02/2018 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản thay thế
    09
    Chỉ thị 09/CT-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách Nhà nước năm 2016
    Ban hành: 12/04/2016 Hiệu lực: 12/04/2016 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    10
    Công văn 5283/BTC-QLCS của Bộ Tài chính về việc triển khai mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung
    Ban hành: 19/04/2016 Hiệu lực: 19/04/2016 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    11
    Quyết định 323/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc về việc ban hành Chương trình hành động của Ủy ban Dân tộc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016
    Ban hành: 23/06/2016 Hiệu lực: 23/06/2016 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    12
    Công văn 9897/BTC-CS của Bộ Tài chính về việc mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với xe ô tô
    Ban hành: 18/07/2016 Hiệu lực: 18/07/2016 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    13
    Công văn 5505/UBND-KT của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung (trừ thuốc)
    Ban hành: 23/09/2016 Hiệu lực: 23/09/2016 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    14
    Chỉ thị 04/CT-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công
    Ban hành: 16/03/2017 Hiệu lực: 16/03/2017 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    15
    Quyết định 393/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc về việc ban hành Chương trình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí của Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2016-2020
    Ban hành: 04/07/2017 Hiệu lực: 04/07/2017 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    16
    Công văn 14065/BTC-QLCS của Bộ Tài chính về việc xử lý một số vấn đề phát sinh trong quá trình mua sắm tài sản Nhà nước
    Ban hành: 19/10/2017 Hiệu lực: 19/10/2017 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    17
    Công văn 15803/BTC-QLCS của Bộ Tài chính về việc kéo dài thời gian thực hiện đối với khoản kinh phí mua sắm tập trung năm 2017
    Ban hành: 22/11/2017 Hiệu lực: 22/11/2017 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    18
    Quyết định 71/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính năm 2018
    Ban hành: 07/01/2019 Hiệu lực: 07/01/2019 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    19
    Quyết định 190/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính kỳ 2014 - 2018
    Ban hành: 29/01/2019 Hiệu lực: 29/01/2019 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    20
    Thông tư 15/2019/TT-BYT của Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập
    Ban hành: 11/07/2019 Hiệu lực: 01/10/2019 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • Văn bản đang xem

    Thông tư 35/2016/TT-BTC hướng dẫn việc mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Tài chính
    Số hiệu:35/2016/TT-BTC
    Loại văn bản:Thông tư
    Ngày ban hành:26/02/2016
    Hiệu lực:10/04/2016
    Lĩnh vực:Tài chính-Ngân hàng
    Ngày công báo:12/04/2016
    Số công báo:283&284-04/2016
    Người ký:Nguyễn Hữu Chí
    Ngày hết hiệu lực:15/02/2018
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu (13)
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X