hieuluat

Thông tư 46/2003/TT-BTC hướng dẫn tham gia mua công trái lần đầu của các DN

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Tài chínhSố công báo:52/2003
    Số hiệu:46/2003/TT-BTCNgày đăng công báo:10/06/2003
    Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Lê Thị Băng Tâm
    Ngày ban hành:15/05/2003Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:03/05/2003Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Tài chính-Ngân hàng
  • thông tư

    THÔNG TƯ

    CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 46/2003/TT-BTC NGÀY 15 THÁNG 05 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN VIỆC THAM GIA MUA CÔNG TRÁI LẦN ĐẦU CỦA
    CÁC DOANH NGHIỆP VÀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH MUA, BÁN
    CÔNG TRÁI CỦA CÁC TỔ CHỨC ĐƯỢC PHÉP KINH DOANH CÔNG TRÁI

     

    Căn cứ Pháp lệnh số 12/1999/UBTVQH10 ngày 27/4/1999 về phát hành công trái xây dựng Tổ quốc;

    Căn cứ Nghị định số 28/2003/NĐ-CP ngày 31/3/2003 của Chính phủ quy định việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc năm 2003 - Công trái giáo dục;

    Căn cứ Luật thuế Thu nhập Doanh nghiệp số 03/1997/QH9 ngày 10/5/1997;

    Bộ Tài chính hướng dẫn việc sử dụng vốn để tham gia mua công trái lần đầu của các doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh mua, bán công trái của các tổ chức được phép kinh doanh công trái cụ thể như sau:

     

    I. HƯỚNG DẪN VIỆC SỬ DỤNG VỐN MUA CÔNG TRÁI
    LẦN ĐẦU CỦA CÁC DOANH NGHIỆP

     

    1. Nguồn vốn mua công trái: Các doanh nghiệp không được sử dụng các khoản kinh phí do Ngân sách Nhà nước cấp cho việc thực hiện nhiệm vụ công ích, dự trữ quốc gia, dự trữ bình ổn giá hoặc kinh phí được Nhà nước giao cho việc thực hiện các mục tiêu theo chỉ định Nhà nước để mua công trái.

    Ngoài các khoản kinh phí có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước nêu trên, các doanh nghiệp được sử dụng mọi nguồn vốn thuộc phạm vi quản lý của mình theo quy định của pháp luật để tham gia mua công trái theo chủ trương chung của Nhà nước.

    2. Thu nhập từ công trái: Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được miễn thuế thu nhập đối với số tiền lãi thu được từ công trái mua lần đầu do Kho bạc Nhà nước phát hành.

    3. Hạch toán tiền lãi công trái được hưởng: Khoản tiền lãi được hưởng từ mua công trái nói trên được hạch toán theo nguyên tắc dự thu vào thu nhập hoạt động tài chính hàng năm của doanh nghiệp (riêng đối với các tổ chức tín dụng thì hạch toán vào doanh thu) theo công thức sau:

     

    Số tiền lãi dự thu trong năm


    =

    Số tiền mua công trái x 8%

    12 (tháng)


    x

    Số tháng sử dụng vốn để mua công trái trong năm

     

    Trong đó: số tiền mua công trái được tính theo mệnh giá của công trái

    Khoản chênh lệch do mức trượt giá thực tế trong 5 năm cộng (+) với lãi suất 5 năm cao hơn 40%, được Nhà nước thanh toán thêm, hạch toán vào thu nhập hoạt động tài chính (hoặc doanh thu đối với tổ chức tín dụng) của năm cuối cùng.

    Ví dụ: Tháng 5/2003 doanh nghiệp A mua 10 tỷ đồng công trái với lãi suất được hưởng là 8%/năm. Hết tháng 4/2008, mức trượt giá thực tế trong 5 năm cộng (+) với lãi suất 5 năm đạt 45%. Việc phân bổ khoản lãi được hưởng từ công trái vào thu nhập hàng năm của doanh nghiệp như sau:

    - Năm 2003: (10 x 8%) x 8/12 = 0,533 tỷ đồng

    - Năm 2004: (10 x 8%) x 12/12 = 0,8 tỷ đồng

    - Năm 2005: (10 x 8%) x 12/12 = 0,8 tỷ đồng

    - Năm 2006: (10 x 8%) x 12/12 = 0,8 tỷ đồng

    - Năm 2007: (10 x 8%) x 12/12 = 0,8 tỷ đồng

    - Năm 2008: (10 x 8%) x 4/12 + {10 x (45% - 40%)} = 0,767 tỷ đồng

    Các khoản tiền lãi nêu trên được hạch toán vào thu nhập hoạt động tài chính (hoặc doanh thu đối với các tổ chức tín dụng) hàng năm của doanh nghiệp, nhưng không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp trong năm tài chính đó do được miễn thuế thu nhập theo quy định của Pháp lệnh số 12/1999/UBTVQH10 về phát hành công trái xây dựng Tổ quốc.

     

    II. HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG KINH DOANH MUA, BÁN
    CÔNG TRÁI CỦA CÁC TỔ CHỨC ĐƯỢC PHÉP
    KINH DOANH CÔNG TRÁI

     

    1. Tổ chức được phép kinh doanh công trái là các tổ chức tín dụng là pháp nhân Việt Nam hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh mua, bán công trái với các tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 28/2003/NĐ-CP ngày 31/3/2003 về phát hành công trái xây dựng Tổ quốc năm 2003-Công trái giáo dục.

    2. Tổ chức kinh doanh công trái phải tổ chức theo dõi, hạch toán đầy đủ, rõ ràng hoạt động kinh doanh công trái và có nghĩa vụ nộp thuế đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư này.

    3. Tổ chức kinh doanh công trái chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan tài chính và cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đối với hoạt động kinh doanh công trái theo quy định của pháp luật.

    4. Các tổ chức thuộc đối tượng được phép kinh doanh công trái khi tiến hành hoạt động kinh doanh công trái không phải làm thủ tục xin phép các cơ quan quản lý Nhà nước.

    5. Trong quá trình kinh doanh công trái, tổ chức kinh doanh công trái phải công bố công khai mức giá mua, giá bán công trái và phải thực hiện việc mua, bán đúng mức giá đã công bố.

    Đối với công trái có thời gian mua chưa đủ 12 tháng tính từ ngày phát hành ghi trên công trái, mức giá mua tối thiểu không thấp hơn 90% mệnh giá ghi trên công trái.

    Đối với công trái có thời gian mua từ đủ 12 tháng trở lên tính từ ngày phát hành ghi trên công trái, giá mua công trái được xác định trên cơ sở mệnh giá công trái và tiền lãi công trái đã phát sinh đến thời điểm mua công trái và phải lớn hơn mệnh giá công trái.

    6. Các tổ chức kinh doanh công trái có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập theo quy định của Luật thuế Thu nhập Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật hiện hành. Cách xác định thu nhập chịu thuế trong các trường hợp như sau:

    a. Đối với khoản thu nhập có được từ số công trái mua vào, bán ra trong kinh doanh thì thu nhập chịu thuế (nếu có) được xác định như sau:

    Trường hợp tổ chức kinh doanh công trái mở sổ kế toán, theo dõi và hạch toán riêng toàn bộ các khoản doanh thu, chi phí có liên quan đến hoạt động kinh doanh mua, bán công trái:

     

    Thu nhập
    chịu thuế

    =

    Giá bán
    công trái

    -

    Giá mua số công trái tương ứng

    -

    Chi phí hợp lý tương ứng

     

    Trường hợp tổ chức kinh doanh công trái không hạch toán riêng được doanh thu, chi phí có liên quan đến hoạt động kinh doanh mua, bán công trái:

     

    Thu nhập
    chịu thuế

    =

    Giá bán
    công trái

    -

    Giá mua số công trái tương ứng

     

    b. Đối với khoản thu nhập có được từ số công trái đã mua vào, không bán ra mà được thanh toán trực tiếp với cơ quan Kho bạc nhà nước khi đến hạn hoặc được thanh toán trước hạn, thu nhập chịu thuế (nếu có) được xác định như sau:

    Trường hợp tổ chức kinh doanh công trái mở sổ kế toán, theo dõi và hạch toán riêng toàn bộ các khoản doanh thu, chi phí có liên quan đến hoạt động kinh doanh mua, bán công trái:

     

    Thu nhập
    chịu thuế

    =

    Tiền công trái được thanh toán (gốc và lãi)

    -

    Giá mua số công trái tương ứng

    -

    Chi phí hợp lý tương ứng

     

    Trường hợp tổ chức kinh doanh công trái không hạch toán riêng được doanh thu, chi phí có liên quan đến hoạt động kinh doanh mua, bán công trái:

     

    Thu nhập
    chịu thuế

    =

    Tiền công trái được thanh toán (gốc và lãi)

    -

    Giá mua số công trái tương ứng

     

    c. Chi phí hợp lý tương ứng nêu tại các tiết a, b trên là các chi phí liên quan đến vốn mua và tổ chức hoạt động kinh doanh mua bán công trái.

    7. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân đầu cơ kinh doanh công trái, gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng giả tạo đến việc tăng, giảm giá mua, bán công trái.

    8. Các tổ chức kinh doanh công trái mua công trái với mức giá thấp hơn mức giá tối thiểu đã quy định tại khoản 5 Mục II của Thông tư này thì số tiền chênh lệch phải bị truy thu nộp vào ngân sách nhà nước. Nếu tái phạm thì tổ chức kinh doanh công trái bị đình chỉ hoạt động kinh doanh công trái.

     

    III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

     

    1. Thông tư này áp dụng đối với đợt phát hành công trái xây dựng Tổ quốc năm 2003 - Công trái giáo dục và có hiệu lực kể từ ngày Nghị định 28/2003/NĐ-CP ngày 31/3/2003 của Chính phủ có hiệu lực.

    2. Ngoài các quy định tại Thông tư này, các doanh nghiệp là tổ chức tín dụng còn có trách nhiệm thực hiện đúng quy định hiện hành.

    3. Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 57-L/CTN của Quốc hội
    Ban hành: 10/05/1997 Hiệu lực: 01/01/1999 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Pháp lệnh Phát hành công trái xây dựng tổ quốc
    Ban hành: 27/04/1999 Hiệu lực: 08/05/1999 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Nghị định 28/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc phát hành công trái xây dựng tổ quốc năm 2003 - Công trái giáo dục
    Ban hành: 31/03/2003 Hiệu lực: 03/05/2003 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X