hieuluat

Thông tư 55/2008/TT-BTC kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2009 - 2011

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Tài chínhSố công báo:379&380 - 7/2008
    Số hiệu:55/2008/TT-BTCNgày đăng công báo:07/07/2008
    Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Phạm Sĩ Danh
    Ngày ban hành:20/06/2008Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:22/07/2008Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Tài chính-Ngân hàng, Chính sách, Chính sách
  • THÔNG TƯ
    THÔNG TƯ

    CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 55/2008/TT-BTC SỐ NGÀT 20 THÁNG 06 NĂM 2008   

    HƯỚNG DẪN THÍ ĐIỂM XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH TRUNG HẠN VÀ KẾ HOẠCH CHI TIÊU TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2009 - 2011

     

    Căn cứ Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29 tháng 5 năm 2008 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan;

    Thực hiện Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 21/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo khả thi Dự án "Cải cách quản lý tài chính công";

    Thực hiện Chỉ thị số 723/CT-TTg ngày 6 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009;

    Bộ Tài chính hướng dẫn công tác xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2009 - 2011 gắn với công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 như sau:

     

    A. QUY ĐỊNH CHUNG:

     

    1. Đối tượng, phạm vi áp dụng: Thông tư này hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2009 - 2011 gắn với công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 áp dụng đối với 6 Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và 3 địa phương: Hà Nội, Bình Dương và Vĩnh Long.

    2. Một số khái niệm, thuật ngữ:

    - Kế hoạch tài chính (KHTC) trung hạn là kế hoạch ngân sách cấp quốc gia hoặc cấp địa phương trong thời gian trung hạn (từ 3 đến 5 năm), kể từ năm dự toán ngân sách tiếp theo, được lập hàng năm theo phương thức "cuốn chiếu". Trong đó trình bày dự báo về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, về khả năng cân đối thu - chi ngân sách; các nguyên tắc cân đối đảm bảo tính bền vững của ngân sách trong trung hạn dựa trên cơ sở các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, những chính sách tài chính - ngân sách của Nhà nước hiện hành sẽ tiếp tục thực hiện và dự kiến sẽ thực hiện trong giai đoạn trung hạn. Mặt khác KHTC trung hạn thể hiện thứ tự ưu tiên phân bổ nguồn lực ngân sách trong trung hạn đối với từng ngành, lĩnh vực chi trong phạm vi cả nước hoặc từng địa phương. Đồng thời trình bày một số giải pháp chủ yếu để cân đối giữa nhu cầu chi và khả năng nguồn lực tài chính công, đưa ra các cảnh báo về nợ dự phòng.

    - Kế hoạch chi tiêu (KHCT) trung hạn là kế hoạch chi ngân sách của từng ngành, từng cơ quan đơn vị trong thời gian trung hạn (từ 3 đến 5 năm), kể từ năm dự toán ngân sách tiếp theo, được lập hàng năm theo phương thức "cuốn chiếu". Trong đó trình bày mục tiêu, nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách cơ bản, chủ yếu của từng ngành, từng cơ quan đơn vị sẽ thực hiện trong trung hạn và dự báo các nguồn lực tài chính, trong đó dự báo cụ thể nguồn lực tài chính công để thực hiện. Mặt khác KHCT trung hạn thể hiện cách thức xác định, sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách và dự kiến cụ thể kinh phí trong tổng mức trần chi tiêu được xác định trước. Đồng thời trình bày một số giải pháp chủ yếu để cân đối giữa nhu cầu chi và khả năng nguồn lực tài chính công, đưa ra các cảnh báo về nợ dự phòng.

    - Chi tiêu cơ sở: Thể hiện các khoản chi tiêu để thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách hiện hành do ngân sách nhà nước đảm bảo, đã được cam kết về tài chính đang triển khai thực hiện sẽ phải tiếp tục thực hiện trong trung hạn; được lập trên cơ sở mức trần do cơ quan Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thông báo.

    - Chi tiêu cho sáng kiến mới: Thể hiện các khoản chi tiêu để thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách mới hoặc để nhân rộng các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách đã được triển khai từ trước và các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách chưa được cam kết về tài chính hoặc bị đình hoãn do thiếu nguồn nhưng cần tiếp tục thực hiện hoặc hoàn thành trong trung hạn; được lập trên cơ sở mức trần do cơ quan Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thông báo.

    3. Mục tiêu của công tác xây dựng KHTC trung hạn và KHCT trung hạn giai đoạn 2009 - 2011:

    - Gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, đồng thời tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

    - Nhằm dự báo nguồn lực tài chính công; đề xuất sắp xếp thứ tự ưu tiên phân bổ nguồn lực cho từng lĩnh vực và từng nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách trong từng lĩnh vực; phân tích và đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong giai đoạn 2006 - 2010; đồng thời góp phần cải thiện công tác xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách trong trung hạn, giai đoạn 2011 - 2015 và hàng năm trong tương lai.

    - Gắn với công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 tại một số bộ, địa phương tham gia thí điểm nhằm mục đích tiếp tục đánh giá, phân tích và cải thiện những vấn đề tồn tại hiện nay trong việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách; xây dựng kế hoạch và hoạch định chính sách gắn với khả năng cân đối ngân sách năm 2009 và giai đoạn 2009 - 2011 nhằm nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

    - Kết quả thí điểm lập KHTC trung hạn và KHCT trung hạn giai đoạn 2009 - 2011, cùng với kết quả thí điểm đã được thực hiện thời gian vừa qua theo Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ tại các bộ, địa phương là căn cứ để tuyên truyền phổ biến kiến thức nhằm nhân rộng mô hình thí điểm, tạo tiền đề tiếp tục hoàn thiện mô hình này gắn với việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, đồng thời là cơ sở để đề xuất việc sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về tài chính - ngân sách nhà nước trong thời gian tới.

    4. Giá trị pháp lý của KHTC trung hạn và KHCT trung hạn giai đoạn 2009 - 2011:

    - KHTC trung hạn cấp quốc gia và KHCT trung hạn ngành cấp quốc gia giai đoạn 2009 - 2011 là một trong những căn cứ để Chính phủ xem xét xây dựng dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ chi ngân sách Trung ương năm 2009 trước khi trình Quốc hội.     

    - KHTC trung hạn cấp địa phương và KHCT trung hạn ngành cấp địa phương giai đoạn 2009 - 2011 là một trong những căn cứ để Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng dự toán ngân sách địa phương và phương án phân bổ chi ngân sách cấp tỉnh năm 2009 trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua.  

     

    B. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

    I. Nội dung KHTC và KHCT trung hạn giai đoạn 2009 - 2011

    1. Nội dung KHTC trung hạn giai đoạn 2009 - 2011:

    1.1. KHTC trung hạn cấp quốc gia giai đoạn 2009 - 2011, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

    - Dự báo các xu hướng và triển vọng kinh tế, tài chính vĩ mô trong giai đoạn trung hạn 2009 - 2011; dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng cho giai đoạn 2009 - 2011 như tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP, chỉ số giá tiêu dùng, tỷ giá, tỷ lệ và cơ cấu đầu tư toàn xã hội, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu.v.v. đưa ra các giả định và rủi ro có thể gặp phải.

    - Dự kiến các thay đổi trong chính sách thu của Nhà nước và những cải cách về quản lý thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn trung hạn 2009 - 2011, dự báo chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước theo lĩnh vực, theo sắc thuế giai đoạn 2009 - 2011 trên cơ sở pháp luật về thuế, phí và lệ phí.

    - Dự kiến mức thâm hụt ngân sách thể hiện tính thực tế và độ bền vững, phương án huy động bù đắp thâm hụt. Dự kiến mức dư nợ Chính phủ, dư nợ quốc gia, phân tích, dự báo các tác động tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.

    - Dự báo khuôn khổ tài khoá tổng thể, khung cân đối thu-chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2009 - 2011, trong đó thể hiện sự chuyển biến trong cơ cấu thu, chi ngân sách, tính bền vững và chủ động của ngân sách, những khó khăn và rủi ro của ngân sách.

    - Dự báo tổng nguồn lực chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2009 - 2011:

    + Xác định các mục tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của Chính phủ cho giai đoạn 2009 - 2011 như mục tiêu tăng trưởng, giảm nghèo, tạo việc làm, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước.v.v.

    + Cam kết, thoả thuận của Chính phủ với các nước, các tổ chức và các định chế tài chính quốc tế.

    + Dự báo tổng nguồn lực chi ngân sách nhà nước theo cơ cấu chi giai đoạn 2009 - 2011, đưa ra các nguyên tắc phân bổ chi ngân sách nhà nước cho từng ngành, lĩnh vực trên cơ sở các định hướng sắp xếp thứ tự ưu tiên về chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trong giai đoạn 2009 - 2011, dự kiến khả năng nguồn lực ngân sách có thể dành cho từng ngành, lĩnh vực trong giai đoạn trung hạn (trần chi ngân sách).

    - Dự báo về rủi ro của KHTC trung hạn, bao gồm cả các rủi ro của dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, rủi ro do thay đổi cơ chế, chính sách, rủi ro phát sinh công nợ dự phòng,...

    1.2. KHTC trung hạn cấp địa phương (không chi tiết cho từng cấp tỉnh, huyện, xã) giai đoạn 2009 - 2011, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

    - Dự báo các xu hướng và triển vọng kinh tế, tài chính lớn của địa phương trong giai đoạn trung hạn 2009 - 2011; dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng cho giai đoạn 2009 - 2011 như tốc độ tăng trưởng và cơ cấu các lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp-xây dựng, dịch vụ, tỷ lệ và cơ cấu đầu tư toàn xã hội trên địa bàn,v.v.

    - Mục tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của địa phương cho giai đoạn 2009 - 2011, như mục tiêu tăng trưởng, giảm nghèo, tạo việc làm, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước,v.v.

    - Nguyên tắc và trọng tâm ưu tiên trong xây dựng và phân bổ dự toán ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

    - Cơ chế, chính sách, định hướng do Trung ương ban hành được áp dụng trên địa bàn địa phương, các địa phương có trách nhiệm tổ chức thực hiện.

    - Cam kết, thoả thuận cụ thể của địa phương đối với các bộ, cơ quan trung ương, các tổ chức và định chế tài chính quốc tế.

    - Dự báo khung cân đối thu-chi ngân sách địa phương giai đoạn 2009 - 2011, trong đó thể hiện sự chuyển biến trong cơ cấu thu, chi ngân sách, tính bền vững và chủ động của ngân sách, những khó khăn và rủi ro của ngân sách:

    + Dự báo chi tiết thu ngân sách nhà nước trên địa bàn theo lĩnh vực giai đoạn 2009 - 2011 trên cơ sở pháp luật về thuế, phí và lệ phí; dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của địa phương và dự kiến thay đổi trong chính sách thu của Nhà nước và hiệu quả quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, phân định và xác định rõ nguồn thu ngân sách địa phương, trong đó nguồn thu ngân sách cấp tỉnh được hưởng theo phân cấp.

    + Dự kiến phương án huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, tổng hợp mức dư nợ và dự kiến phân bổ nguồn trả nợ.

    + Dự báo tổng nguồn lực chi ngân sách địa phương theo cơ cấu chi giai đoạn 2009 - 2011, đưa ra các nguyên tắc phân bổ chi ngân sách địa phương cho từng ngành, lĩnh vực trên cơ sở các định hướng sắp xếp thứ tự ưu tiên về chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 2009 - 2011, dự kiến khả năng nguồn lực ngân sách có thể dành cho từng ngành, lĩnh vực trong giai đoạn trung hạn (trần chi ngân sách).

    - Dự báo về rủi ro của KHTC trung hạn, bao gồm cả các rủi ro của dự báo các chỉ tiêu kinh tế lớn của địa phương, rủi ro do thay đổi cơ chế, chính sách, rủi ro phát sinh công nợ dự phòng.v.v.

    2. Nội dung KHCT trung hạn giai đoạn 2009 - 2011:

    2.1. KHCT trung hạn ngành giai đoạn 2009 - 2011:

    a) KHCT trung hạn ngành cấp quốc gia giai đoạn 2009 - 2011, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

    - Dự kiến những thay đổi về chính sách, chế độ của Nhà nước trong giai đoạn 2009 - 2011 có ảnh hưởng đến hoạt động, nhiệm vụ, mục tiêu của ngành.

    - Mục tiêu, nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách ưu tiên của ngành trong trung hạn gắn với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của quốc gia và kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực.

    - Dự kiến cụ thể các nguồn thu (phí, lệ phí,...), số được phép để lại chi cho các nhiệm vụ cụ thể của ngành.

    - Dự kiến nguyên tắc phân bổ kinh phí tập trung ưu tiên cho các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách chủ yếu, trong đó dự kiến phân bổ kinh phí cho từng nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách cụ thể; theo tính chất chi (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên); dự kiến xác định rõ chi tiêu cơ sở, chi tiêu cho sáng kiến mới trên cơ sở mức trần chi ngân sách đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thông báo. Trên cơ sở đó dự kiến kết quả đạt được.

    - Số chênh lệch (nếu có) giữa trần ngân sách đã được thông báo với nhu cầu chi (bao gồm cả chi tiêu cơ sở, chi tiêu cho sáng kiến mới, trượt giá, tăng khối lượng, điều chỉnh dự toán,...) để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách của ngành trong giai đoạn 2009 - 2011; số phát sinh nợ tồn đọng sau khi đã xử lý trong mức chi ngân sách (nợ khối lượng, nợ vay, nợ ứng, các nghĩa vụ tài chính phát sinh theo quy định nhưng chưa có nguồn xử lý); kiến nghị các biện pháp về nguồn tài chính để xử lý (cắt giảm kinh phí các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách đang thực hiện nhưng kém hiệu quả để điều chỉnh hoặc thay thế bằng các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách mới có hiệu quả hơn; đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách nhằm huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách,...); đưa ra các cảnh báo về khả năng thực thi các mục tiêu của ngành đã đặt ra trong cả giai đoạn.

    - Dự kiến rủi ro phát sinh công nợ dự phòng.v.v.

    b) KHCT trung hạn ngành cấp địa phương (không chi tiết cho từng cấp tỉnh, huyện, xã) giai đoạn 2009 - 2011, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

    - Dự kiến những thay đổi về chính sách, chế độ của Trung ương và địa phương trong giai đoạn 2009 - 2011 có ảnh hưởng đến nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách của ngành ở địa phương.

    - Dự kiến cụ thể các nguồn thu (phí, lệ phí,...), số được phép để lại chi cho các nhiệm vụ cụ thể của ngành ở địa phương.

    - Dự kiến nguyên tắc phân bổ kinh phí tập trung ưu tiên cho các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách chủ yếu, trong đó dự kiến phân bổ kinh phí cho từng nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách cụ thể; theo tính chất chi (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên), trong đó phân định rõ nguồn chi do ngân sách cấp tỉnh thực hiện; dự kiến xác định rõ chi tiêu cơ sở, chi tiêu cho sáng kiến mới trên cơ sở mức trần chi ngân sách đã được sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính thông báo. Trên cơ sở đó dự kiến kết quả đạt được.

    - Số chênh lệch (nếu có) giữa trần ngân sách đã được thông báo với nhu cầu chi (bao gồm cả chi tiêu cơ sở, chi tiêu cho sáng kiến mới, trượt giá, tăng khối lượng, điều chỉnh dự toán,...) để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách của ngành ở địa phương trong giai đoạn 2009 - 2011; số phát sinh nợ tồn đọng sau khi đã xử lý trong mức chi ngân sách (nợ khối lượng, nợ vay, nợ ứng, các nghĩa vụ tài chính phát sinh theo quy định nhưng chưa có nguồn xử lý); kiến nghị các biện pháp về nguồn tài chính để xử lý (cắt giảm kinh phí các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách đang thực hiện nhưng kém hiệu quả để điều chỉnh hoặc thay thế bằng các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách mới có hiệu quả hơn; đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách nhằm huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách,...); đưa ra các cảnh báo về khả năng thực thi các mục tiêu của ngành ở địa phương đã đặt ra trong cả giai đoạn.

    - Dự kiến rủi ro phát sinh công nợ dự phòng,...

    2.2. KHCT trung hạn của cơ quan (bộ, sở) giai đoạn 2009 - 2011:

    a) KHCT trung hạn của bộ giai đoạn 2009 - 2011, bao gồm các nội dung chủ yếu:

    - Dự kiến những chính sách, chế độ chung của Nhà nước, của ngành trong giai đoạn 2009 - 2011 có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động, nhiệm vụ của bộ.

    - Dự kiến cụ thể các nguồn thu (phí, lệ phí,...), số được phép để lại để chi cho các nhiệm vụ cụ thể của bộ.

    - Dự kiến nguyên tắc phân bổ kinh phí tập trung ưu tiên cho các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách chủ yếu, trong đó dự kiến phân bổ kinh phí cho từng nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách cụ thể; theo tính chất chi (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên); dự kiến xác định rõ chi tiêu cơ sở, chi tiêu cho sáng kiến mới trên cơ sở mức trần chi ngân sách đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thông báo. Trên cơ sở đó dự kiến kết quả đạt được.

    - Số chênh lệch (nếu có) giữa trần ngân sách đã được thông báo với nhu cầu chi (bao gồm cả chi tiêu cơ sở, chi tiêu cho sáng kiến mới, trượt giá, tăng khối lượng, điều chỉnh dự toán,...) để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách của bộ trong giai đoạn 2009 - 2011; số phát sinh nợ tồn đọng sau khi đã xử lý trong mức chi ngân sách (nợ khối lượng, nợ vay, nợ ứng, các nghĩa vụ tài chính phát sinh theo quy định nhưng chưa có nguồn xử lý); kiến nghị các biện pháp về nguồn tài chính để xử lý (cắt giảm kinh phí các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách đang thực hiện nhưng kém hiệu quả để điều chỉnh hoặc thay thế bằng các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách mới có hiệu quả hơn; đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách nhằm huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách,...); đưa ra các cảnh báo về khả năng thực thi các mục tiêu của bộ đã đặt ra trong cả giai đoạn.

    - Dự kiến rủi ro phát sinh công nợ dự phòng.v.v.

    b) KHCT trung hạn của sở giai đoạn 2009 - 2011, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

    - Dự kiến những chính sách, chế độ chung của Nhà nước, của ngành trong giai đoạn 2009 - 2011 có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động, nhiệm vụ của sở quản lý ngành ở địa phương.

    - Dự kiến cụ thể các nguồn thu (phí, lệ phí,...), số được phép để lại để chi cho các nhiệm vụ cụ thể của sở.

    - Dự kiến nguyên tắc phân bổ kinh phí tập trung ưu tiên cho các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách chủ yếu, trong đó dự kiến phân bổ kinh phí cho từng nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách cụ thể; theo tính chất chi (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên); dự kiến xác định rõ chi tiêu cơ sở, chi tiêu cho sáng kiến mới trên cơ sở mức trần chi ngân sách đã được sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính thông báo. Trên cơ sở đó dự kiến kết quả đạt được.

    - Số chênh lệch (nếu có) giữa trần ngân sách đã được thông báo với nhu cầu chi (bao gồm cả chi tiêu cơ sở, chi tiêu cho sáng kiến mới, trượt giá, tăng khối lượng, điều chỉnh dự toán,...) để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách của sở trong giai đoạn 2009 - 2011; số phát sinh nợ tồn đọng sau khi đã xử lý trong mức chi ngân sách (nợ khối lượng, nợ vay, nợ ứng, các nghĩa vụ tài chính phát sinh theo quy định nhưng chưa có nguồn xử lý); kiến nghị các biện pháp về nguồn tài chính để xử lý (cắt giảm kinh phí các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách đang thực hiện nhưng kém hiệu quả để điều chỉnh hoặc thay thế bằng các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách mới có hiệu quả hơn; đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách nhằm huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách,...); đưa ra các cảnh báo về khả năng thực thi các mục tiêu của sở đã đặt ra trong cả giai đoạn.

    - Dự kiến rủi ro phát sinh công nợ dự phòng,...

    2.3. Tóm tắt KHCT trung hạn giai đoạn 2009 - 2011:

    Là bản tóm tắt KHCT trung hạn ngành và KHCT trung hạn của cơ quan giai đoạn 2009 - 2011, được lập sau khi đã hoàn thiện lại KHCT trung hạn ngành và KHCT trung hạn của cơ quan giai đoạn 2009 - 2011 theo đề xuất của cơ quan kế hoạch và đầu tư, cơ quan tài chính.  

    II. Cơ sở xây dựng KHTC và KHCT trung hạn giai đoạn 2009 - 2011:

    Cơ sở để xây dựng KHTC và KHCT trung hạn giai đoạn 2009 - 2011 của quốc gia, ngành, địa phương là các chiến lược, kế hoạch, nhiệm vụ, chương trình, dự án cả giai đoạn đến 2010 và định hướng đến 2015; nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, địa phương cả giai đoạn đến 2010 và định hướng đến 2015; Luật ngân sách nhà nước, pháp luật về thuế và các văn bản hướng dẫn có liên quan; các cơ chế, chính sách hiện hành đã được thông qua và dự kiến những thay đổi trong trung hạn; đồng thời phải bám sát mục tiêu tiếp tục tập trung thực hiện kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, giữ vững an ninh tài chính quốc gia; các dự báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố liên quan khác. Dưới đây, Bộ Tài chính hướng dẫn thêm một số điểm như sau:

                1. Cơ sở xây dựng KHTC trung hạn giai đoạn 2009 - 2011

                1.1. Cơ sở xây dựng KHTC trung hạn cấp quốc gia giai đoạn 2009 - 2011:

                - Các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia giai đoạn đến 2010, định hướng đến 2015; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết số 56/2006/QH11 của Quốc hội khoá XI về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010; Chiến lược phát triển tài chính Việt Nam đến năm 2010, Chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và một số định hướng lớn đến năm 2015 và năm 2020.

    - Dự báo về các chỉ số kinh tế vĩ mô của cả nước:

    + Nhận định chung: Dự báo năm 2009 và giai đoạn 2010 - 2011 tình hình kinh tế vĩ mô sẽ từng bước ổn định, lạm phát có chiều hướng giảm so với năm 2008, tăng trưởng kinh tế trong nước được phục hồi một bước; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; đầu tư toàn xã hội vẫn ở mức cao, thu hút vốn FDI vẫn tiếp tục tăng khá;

    + Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 khoảng 7-7,5%, giai đoạn 2010 - 2011 trung bình là 7,5-8%/năm;

    + Chỉ số giá tiêu dùng, dự báo năm 2009 khoảng 12-14%, giai đoạn 2010 - 2011 trung bình là 8-10%/năm;

    + Cơ cấu kinh tế sẽ chuyển dịch theo hướng tích cực: Tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp.

    + Kim ngạch xuất khẩu dự kiến năm 2009 tăng khoảng 24-26%, giai đoạn 2010 - 2011 tăng khoảng 22-24%; kim ngạch nhập khẩu dự kiến năm 2009 tăng khoảng 24-26%, giai đoạn 2010 - 2011 tăng khoảng 20-22%/năm.

    - Các giả định liên quan tới cải cách tiền lương giai đoạn 2009 - 2011:

    + Trần chi tiêu thông báo cho từng ngành giai đoạn 2009 - 2011 trên cơ sở mức tiền lương tối thiểu 540.000 đồng (chưa bao gồm nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện điều chỉnh tiền lương trong giai đoạn 2009 - 2011 - nếu có);

    + Tiếp tục thực hiện các biện pháp tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định hiện hành: thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương) trong phạm vi trần chi tiêu của ngành đã được thông báo; sử dụng 35-40% nguồn thu được để lại theo chế độ; sử dụng một phần tăng thu của ngân sách trung ương và 50% tăng thu ngân sách địa phương.

    - Giả định cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của năm 2011 giữ ổn định như giai đoạn 2007-2010.

    1.2. Cơ sở xây dựng KHTC trung hạn cấp địa phương giai đoạn 2009 - 2011:

    - Các định hướng, cơ chế, chính sách do Trung ương ban hành được áp dụng trên địa bàn địa phương; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn đến 2010, định hướng đến 2015; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ địa phương và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 của địa phương.

                - Dự báo về các chỉ số phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

    - Các giả định liên quan tới cải cách tiền lương giai đoạn 2009 - 2011:

    + Trần chi tiêu thông báo cho từng ngành ở địa phương giai đoạn 2009 - 2011 trên cơ sở mức tiền lương tối thiểu 540.000 đồng (chưa bao gồm nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện cải cách tiền lương trong giai đoạn 2009 - 2011 - nếu có);

    + Tiếp tục thực hiện các biện pháp tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định hiện hành: thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương) trong phạm vi trần chi tiêu của ngành đã được thông báo; sử dụng 35-40% nguồn thu được để lại theo chế độ; sử dụng 50% tăng thu ngân sách địa phương.

    - Giả định cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cũng như giữa các cấp chính quyền địa phương của năm 2011 giữ ổn định như thời kỳ ổn định 2007-2010.

    2. Cơ sở xây dựng KHCT trung hạn giai đoạn 2009 - 2011:

                2.1. Cơ sở xây dựng KHCT trung hạn ngành cấp quốc gia giai đoạn 2009 - 2011:

                - Các mục tiêu phát triển chiến lược của ngành; kế hoạch hành động của ngành triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; dự kiến thay đổi cơ chế, chính sách phát triển ngành trong trung hạn.

                - Dự báo về các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến việc triển khai các mục tiêu phát triển của ngành trong phạm vi cả nước.

                - Các chế độ, chính sách, định mức chi tiêu hiện hành của Nhà nước quy định cho ngành.

    2.2. Cơ sở xây dựng KHCT trung hạn của từng ngành ở cấp địa phương giai đoạn 2009 - 2011:

                - Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn đến 2010, định hướng đến 2015; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ địa phương và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 của địa phương; kế hoạch hành động của từng ngành triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X.

                - Các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương liên quan đến phát triển ngành.

    - Các chế độ, chính sách, định mức chi tiêu hiện hành chung của ngành và của địa phương quy định cho ngành.

    III. Một số yêu cầu khi xây dựng KHTC và KHCT trung hạn giai đoạn 2009 - 2011

    1.  Đánh giá lại các ưu tiên phân bổ ngân sách:

    - Để xây dựng KHTC và KHCT trung hạn giai đoạn 2009 - 2011, các bộ, các địa phương đánh giá lại việc thực hiện KHTC và KHCT trung hạn giai đoạn 2008 - 2010 với các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho giai đoạn này; đánh giá, dự báo bối cảnh, yêu cầu, mục tiêu trong giai đoạn mới, trên cơ sở đó xem xét điều chỉnh các ưu tiên phân bổ ngân sách.

    - Để chuẩn bị xây dựng KHCT trung hạn giai đoạn tiếp theo, các bộ, địa phương rà soát kỹ các khoản chi tiêu cơ sở, trong đó loại bỏ các khoản chỉ phát sinh một lần trong năm hiện tại, đồng thời rà soát, xem xét điều chỉnh các khoản chi cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ, chính sách, hoạt động đã được quyết định nhưng quá trình triển khai trên thực tế không đạt được kết quả như mong muốn sang các chương trình, dự án, nhiệm vụ, chính sách, hoạt động khác có ưu tiên cao hơn. Việc phân bổ kinh phí cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ, chính sách, hoạt động hiện tại cần dựa trên cơ sở đánh giá hiệu quả triển khai thực hiện trên thực tế.

    2. Yêu cầu đảm bảo trần chi ngân sách nhà nước:

    - Một trong những mục tiêu cơ bản của việc xây dựng KHCT trung hạn là gắn kết việc xây dựng kế hoạch với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc xây dựng KHCT ngân sách cần phải đảm bảo sắp xếp trong phạm vi trần chi ngân sách được cơ quan Tài chính, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư thông báo. 

    - Trong phạm vi trần ngân sách được thông báo, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động sắp xếp, rà soát lại các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách nhằm đảm bảo chi tiêu cơ sở chặt chẽ, hiệu quả, đồng thời dành nguồn kinh phí thích đáng chi cho sáng kiến mới.

    3. Phân tích các giải pháp xử lý thiếu hụt, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý công nợ dự phòng:

    - Trên cơ sở xác định số chênh lệch giữa số trần ngân sách đã được thông báo với nhu cầu chi, các bộ, ngành, địa phương phải phân tích rõ nguyên nhân chênh lệch, trên cơ sở đó đề xuất rõ biện pháp xử lý số chênh lệch để vừa có thể thu xếp trong phạm vi trần chi tiêu ngân sách được thông báo, vừa đảm bảo huy động thêm các nguồn lực khác để thực hiện.

    - Thực hiện phân tích, phân loại rõ các loại nợ dự phòng, trên cơ sở đó chủ động sắp xếp xử lý để giảm dần công nợ dự phòng trong trung hạn.

    4. Gắn kết với quá trình xây dựng, thảo luận dự toán ngân sách nhà nước năm 2009:

    Việc xây dựng KHTC và KHCT trung hạn giai đoạn 2009 - 2011 phải được gắn với việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 của các bộ, ngành, địa phương. Thời gian, quy trình và phân công thực hiện xây dựng KHTC trung hạn và KHCT trung hạn thực hiện theo quy định tại phần IV của Thông tư này.

    IV. Thời gian, quy trình và phân công tổ chức thực hiện xây dựng KHTC và KHCT trung hạn giai đoạn 2009 - 2011:

    Thực hiện theo đúng quy định tại Chỉ thị số 723/CT-TTg ngày 6 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 và Thông tư số 54/2008/TT-BTC ngày 20 tháng 06 năm 2008 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2009. Bộ Tài chính hướng dẫn thêm về quy trình và phân công tổ chức thực hiện xây dựng KHTC và KHCT trung hạn giai đoạn 2009 - 2011 như sau:

    1. Trong tháng 6 năm 2008:

    - Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mức trần chi đầu tư phát triển ngành và trần chi đầu tư phát triển của 4 Bộ tham gia thí điểm giai đoạn 2009 - 2011; Bộ Tài chính công bố mức trần chi thường xuyên ngành và trần chi thường xuyên của 4 Bộ tham gia thí điểm giai đoạn 2009 - 2011.

    - Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ở các địa phương tham gia thí điểm giao Sở Kế hoạch và Đầu tư công bố mức trần chi đầu tư phát triển ngành của địa phương và trần chi đầu tư phát triển của sở chuyên ngành giai đoạn 2009 - 2011; sở Tài chính công bố mức trần chi thường xuyên ngành của địa phương và trần chi thường xuyên của sở giai đoạn 2009 - 2011 cho các sở chuyên ngành tham gia thí điểm.

    2. Trong tháng 7 năm 2008:

    - Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng KHTC trung hạn giai đoạn 2009 - 2011 cấp quốc gia.

    - Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải xây dựng KHCT trung hạn của ngành và của Bộ giai đoạn 2009 - 2011 cùng với xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; gửi báo cáo đến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán nhà nước.

    - Uỷ ban nhân dân các địa phương: Hà Nội, Bình Dương, Vĩnh Long tổ chức xây dựng KHTC trung hạn và KHCT trung hạn giai đoạn 2009 - 2011 trên địa bàn địa phương:

    + Chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng KHTC trung hạn giai đoạn 2009 - 2011 cấp địa phương.

    + Chỉ đạo 4 Sở: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải (Giao thông công chính) xây dựng KHCT trung hạn ngành của địa phương và của Sở giai đoạn 2009 - 2011 cùng với xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; gửi báo cáo đến Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư; gửi KHCT trung hạn ngành của địa phương tới 4 Bộ chuyên ngành tham gia thí điểm.

    3. Trong tháng 8 năm 2008:

    - Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ở các địa phương tham gia thí điểm giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thảo luận với các sở về KHCT trung hạn giai đoạn 2009 - 2011 cùng với thảo luận dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; giao Sở Tài chính chủ trì tổng hợp KHTC trung hạn báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để xin ý kiến Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán nhà nước.

    - Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thảo luận với 4 Bộ tham gia thí điểm (về KHCT trung hạn của ngành và của bộ giai đoạn 2009 - 2011) và 3 địa phương tham gia thí điểm (về KHTC trung hạn cấp địa phương giai đoạn 2009 - 2011) cùng với thảo luận dự toán ngân sách nhà nước năm 2009.

    - Trước ngày 31 tháng 8 năm 2008, các bộ, địa phương tham gia thí điểm hoàn thiện lại KHTC trung hạn và KHCT trung hạn giai đoạn 2009 - 2011 trên cơ sở kết quả thảo luận với cơ quan Tài chính, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư để gửi cơ quan Tài chính và cơ quan Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp KHTC trung hạn cấp quốc gia, KHCT trung hạn ngành cấp quốc gia giai đoạn 2009 - 2011 cùng với dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 để trình Chính phủ. 

     

     

     

    C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

     

    1. Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và đào tạo, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông vận tải; Uỷ ban nhân dân các địa phương: Bình Dương, Vĩnh Long theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, có trách nhiệm tổ chức xây dựng KHCT trung hạn hoặc/và KHTC trung hạn giai đoạn 2009 - 2011 cùng với thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 theo quy định tại Thông tư này.

    2. Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm tổ chức xây dựng KHTC và KHCT trung hạn giai đoạn 2009 - 2011 cùng với thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 theo quy định tại Thông tư này trên cơ sở địa giới hành chính mới đã được quy định tại Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan.

    3. Giao Ban quản lý Dự án cải cách quản lý tài chính công xây dựng và ban hành Sổ tay nghiệp vụ lập KHTC trung hạn và KHCT trung hạn giai đoạn 2009 - 2011 đảm bảo thực hiện theo đúng yêu cầu và nội dung quy định tại Thông tư này.

    4. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

    Trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách năm 2009 gắn với công tác xây dựng KHTC trung hạn và KHCT trung hạn giai đoạn 2009 - 2011 theo quy định tại Thông tư này, nếu có vướng mắc đề nghị các Bộ, địa phương tham gia thí điểm phản ánh về Bộ Tài chính để kịp thời xử lý./.

     

    KT. BỘ TRƯỞNG

    THỨ TRƯỞNG

    Phạm Sỹ Danh

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Chỉ thị 723/CT-TTg về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2009
    Ban hành: 06/06/2008 Hiệu lực: 06/06/2008 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Quyết định 432/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Báo cáo khả thi Dự án đầu tư "Cải cách quản lý tài chính công"
    Ban hành: 21/04/2003 Hiệu lực: 21/04/2003 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    03
    Thông tư 54/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2009
    Ban hành: 20/06/2008 Hiệu lực: 22/07/2008 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Thông tư 55/2008/TT-BTC kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2009 - 2011

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Tài chính
    Số hiệu:55/2008/TT-BTC
    Loại văn bản:Thông tư
    Ngày ban hành:20/06/2008
    Hiệu lực:22/07/2008
    Lĩnh vực:Tài chính-Ngân hàng, Chính sách, Chính sách
    Ngày công báo:07/07/2008
    Số công báo:379&380 - 7/2008
    Người ký:Phạm Sĩ Danh
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X