hieuluat

Thông tư 61/2016/TT-BTC quản lý khoản lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Tài chínhSố công báo:301&302-04/2016
    Số hiệu:61/2016/TT-BTCNgày đăng công báo:27/04/2016
    Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Đỗ Hoàng Anh Tuấn
    Ngày ban hành:11/04/2016Hết hiệu lực:01/01/2022
    Áp dụng:26/05/2016Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Tài chính-Ngân hàng, Doanh nghiệp
  •  

    BỘ TÀI CHÍNH
    -------
    Số: 61/2016/TT-BTC
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 2016
     
     
    THÔNG TƯ
    HƯỚNG DẪN THU, NỘP VÀ QUẢN LÝ KHOẢN LỢI NHUẬN, CỔ TỨC ĐƯỢC CHIA CHO PHẦN VỐN NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ TẠI DOANH NGHIỆP
     
    Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;
    Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;
    Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;
    Căn cứ Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03 tháng 06 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 ngày 19 tháng 06 năm 2013;
    Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 07 năm 2013 của Chính phủ quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi Tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số Điều các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Nghị định về thuế;
    Căn cứ Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước;
    Căn cứ Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp;
    Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
    Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế;
    Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định chi Tiết, hướng dẫn thu, nộp và quản lý Khoản lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp như sau:
     
    Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
     
    Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh
    Thông tư này quy định chi Tiết việc thu, nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ đối với công ty mẹ của các Tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của các Tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ; thu, nộp cổ tức và lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu.
    Điều 2. Đối tượng áp dụng
    1. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ, bao gồm:
    a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế nhà nước;
    b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty mẹ của tổng công ty nhà nước (gồm cả Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước - gọi tắt là SCIC);
    c) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;
    d) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập.
    2. Công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu.
    3. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu.
    4. Cơ quan đại diện chủ sở hữu.
    5. Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
    6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước.
     
    Chương II. THU VÀO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI LỢI NHUẬN SAU THUẾ CÒN LẠI SAU KHI TRÍCH LẬP CÁC QUỸ CỦA DOANH NGHIỆP DO NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ 100 % VỐN ĐIỀU LỆ
     
    Điều 3. Đối tượng nộp vào ngân sách nhà nước phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ
    Doanh nghiệp thực hiện nộp ngân sách nhà nước phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ tại Chương này là các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Chương I Thông tư này (bao gồm cả các doanh nghiệp do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập và quản lý; các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh quy định tại Nghị định số 93/2015 ngày 15/10/2015 của Chính phủ về tổ chức, quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh).
    Đối với các doanh nghiệp xổ số, việc phân phối lợi nhuận và nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.
    Điều 4. Xác định lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ nộp ngân sách nhà nước
    1. Lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp quy định tại Khoản 1 Điều 2 Chương I Thông tư này là lợi nhuận được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán (đã được trừ đi các Khoản chi không được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng phù hợp với quy định của pháp luật về kế toán) sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, trừ đi các Khoản phân phối, trích lập các quỹ theo quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Thông tư số 219/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
    Đối với các trường hợp Chính phủ có quy định riêng về phân phối, trích lập các quỹ thì thực hiện trích lập các quỹ theo quy định riêng của Chính phủ, lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi phân phối, trích lập các quỹ phải nộp vào ngân sách nhà nước.
    2. Đối với lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của các công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn Điều lệ:
    Căn cứ quy chế tài chính của các công ty con do công ty mẹ ban hành, hàng năm công ty mẹ có trách nhiệm phê duyệt báo cáo tài chính và quyết định việc phân phối, sử dụng lợi nhuận sau thuế tại các công ty con để tiến hành thu lợi nhuận sau thuế của các công ty con.
    Các công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn Điều lệ (công ty mẹ thuộc đối tượng quy định tại Điều 3 Thông tư này) thực hiện nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ về công ty mẹ, công ty mẹ hạch toán doanh thu tài chính theo cùng niên độ tài chính để xác định lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
    Ví dụ 1: Tập đoàn A là công ty mẹ nắm giữ 100% vốn Điều lệ đối với Công ty B. Lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quyết toán năm 2016 của Công ty B phải nộp về Tập đoàn A là 1.000 tỷ đồng. Tập đoàn A hạch toán phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ năm 2016 của Công ty B phải nộp về Tập đoàn là 1.000 tỷ đồng vào doanh thu tài chính năm 2016 để xác định lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp ngân sách nhà nước năm 2016 của Tập đoàn A.
    Trường hợp sau khi đã phê duyệt báo cáo tài chính, quyết định phân phối lợi nhuận sau thuế và thu lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của các công ty con mà vốn chủ sở hữu tại công ty con lớn hơn mức vốn Điều lệ đã được công ty mẹ phê duyệt thì công ty mẹ thực hiện thu Khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn Điều lệ của công ty con về công ty mẹ và hạch toán là Khoản doanh thu tài chính của công ty mẹ, xác định lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của công ty mẹ phải nộp ngân sách nhà nước.
    3. Đối với cổ tức, lợi nhuận được chia của các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của công ty mẹ:
    Công ty mẹ hạch toán các Khoản cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên có vốn góp của công ty mẹ vào doanh thu tài chính, xác định lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp theo quy định. Thời Điểm hạch toán cổ tức, lợi nhuận được chia vào doanh thu tài chính của công ty mẹ là thời Điểm nhận được thông báo chia cổ tức, lợi nhuận của Hội đồng quản trị (đối với cổ tức được chia tại công ty cổ phần) hoặc Nghị quyết của Hội đồng thành viên đã được các thành viên thông qua có hiệu lực thi hành (đối với lợi nhuận được chia tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên).
    Ví dụ 2: Công ty C là công ty mẹ nắm giữ 60% vốn Điều lệ tại Công ty cổ phần D. Ngày 15/4/2016 Công ty cổ phần D tổ chức đại hội cổ đông và ban hành Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, trong đó có quyết định chia cổ tức từ hoạt động kinh doanh năm 2015 của Công ty cổ phần D, thời Điểm nhận tiền là ngày 01/7/2016. Ngày 20/6/2016 Hội đồng quản trị Công ty cổ phần D có thông báo chia cổ tức gửi cho các cổ đông. Công ty C hạch toán doanh thu tài chính đối với số cổ tức được chia theo thời Điểm thông báo chia cổ tức của Hội đồng quản trị công ty D (tháng 6/2016) để xác định lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp của Công ty C năm 2016.
    Công ty mẹ có vốn góp tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có trách nhiệm biểu quyết chi trả cổ tức khi có đủ các Điều kiện theo quy định của Luật doanh nghiệp đồng thời đề nghị, đôn đốc công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nộp phần cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn góp của công ty mẹ về công ty mẹ.
    Trường hợp công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của công ty mẹ vi phạm thời hạn chia cổ tức, lợi nhuận theo quy định của Luật doanh nghiệp thì công ty mẹ có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản của công ty mẹ để xử lý theo quy định của pháp luật.
    Trường hợp công ty mẹ nhận được cổ phiếu của công ty cổ phần có vốn góp của công ty mẹ mà không phải thanh toán do công ty cổ phần sử dụng thặng dư vốn cổ phần, các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn Điều lệ, doanh nghiệp căn cứ vào số lượng cổ phiếu nhận được thực hiện mở sổ kế toán theo dõi, ghi chép và phản ánh trên báo cáo tài chính theo quy định của chế độ kế toán hiện hành đối với các doanh nghiệp.
    Điều 5. Khai, nộp ngân sách nhà nước đối với lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ
    1. Khai, nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ:
    a) Hàng quý, căn cứ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh quý doanh nghiệp thực hiện tạm nộp số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp ngân sách nhà nước của quý chậm nhất vào ngày thứ 30 (ba mươi) của quý liền sau quý phát sinh nghĩa vụ nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ.
    b) Kết thúc năm tài chính căn cứ số liệu trên báo cáo tài chính, doanh nghiệp thực hiện khai quyết toán lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp ngân sách nhà nước theo Tờ khai mẫu số 01/QT-LNCL ban hành kèm theo Thông tư này và nộp số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ còn phải nộp (nếu có) chậm nhất vào ngày thứ 90 (chín mươi), kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.
    Trường hợp tại thời Điểm khai quyết toán lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ doanh nghiệp chưa có quyết định công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp của chủ sở hữu thì việc xếp loại doanh nghiệp căn cứ vào báo cáo xếp loại doanh nghiệp của doanh nghiệp gửi cho chủ sở hữu. Trường hợp chưa có báo cáo xếp loại của doanh nghiệp gửi cho chủ sở hữu thì doanh nghiệp tạm đánh giá xếp loại doanh nghiệp để làm căn cứ trích lập các quỹ và xác định lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp ngân sách nhà nước.
    Sau khi có quyết định công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp của chủ sở hữu nếu có sự thay đổi về xếp loại doanh nghiệp, doanh nghiệp xác định lại Khoản trích lập các quỹ và lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp ngân sách nhà nước để kê khai Điều chỉnh quyết toán Khoản lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ và nộp số phải nộp tăng thêm (nếu có) vào ngân sách nhà nước theo quy định.
    Trường hợp khi quyết toán năm hoặc khi có quyết định công bố xếp loại doanh nghiệp của chủ sở hữu, nếu phát sinh số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ đã nộp vào ngân sách nhà nước lớn hơn số thực tế phải nộp thì doanh nghiệp được giảm trừ vào số phải nộp của kỳ tiếp theo.
    c) Trường hợp doanh nghiệp thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, cổ phần hóa, chấm dứt hoạt động theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì doanh nghiệp có trách nhiệm khai quyết toán lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ đến thời Điểm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, cổ phần hóa, chấm dứt hoạt động theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và nộp số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp vào ngân sách nhà nước chậm nhất vào ngày thứ 45 (bốn mươi lăm) kể từ ngày thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, cổ phần hóa, chấm dứt hoạt động theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
    2. Trách nhiệm nộp tờ khai lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ cho cơ quan thuế:
    Doanh nghiệp thực hiện khai, nộp tờ khai lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp ngân sách nhà nước cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo hình thức điện tử.
    Điều 6. Phân chia ngân sách nhà nước
    a) Lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ nộp ngân sách nhà nước quy định tại Điều này của doanh nghiệp Trung ương được phân chia 100% cho ngân sách Trung ương. Doanh nghiệp thực hiện nộp vào tài Khoản thu ngân sách nhà nước mở tại Sở giao dịch kho bạc nhà nước Trung ương.
    b) Lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ nộp ngân sách nhà nước quy định tại Điều này của doanh nghiệp địa phương được phân chia 100% cho ngân sách địa phương. Doanh nghiệp thực hiện nộp vào tài Khoản thu ngân sách nhà nước mở tại kho bạc nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.
    Điều 7. Xử lý vi phạm đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ và chậm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ vào ngân sách nhà nước
    1. Doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ khai lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ so với thời hạn quy định tại Điều 5 Chương II Thông tư này thì bị xử phạt về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế.
    2. Lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ nộp ngân sách nhà nước là một Khoản thu ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp thuộc đối tượng nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ có trách nhiệm nộp đúng, nộp đủ, nộp kịp thời Khoản lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Thông tư này.
    Doanh nghiệp chậm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ vào ngân sách nhà nước phải nộp tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế.
    3. Trường hợp tổng số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ đã tạm nộp của năm tài chính thấp hơn số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp theo quyết toán năm từ 20% trở lên thì doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số phải nộp theo quyết toán với số đã tạm nộp tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp quý bốn đến ngày thực nộp số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ còn thiếu so với số quyết toán.
    Ví dụ 3: Số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ Công ty E phải nộp theo quyết toán năm 2016 là 100 tỷ đồng. Trong năm, Công ty E đã tạm nộp của 4 quý năm 2016 là 70 tỷ đồng. Chênh lệch giữa số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp theo quyết toán năm và số đã tạm nộp là 30 tỷ đồng (tăng 30%). 20% số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp theo quyết toán là 20 tỷ đồng. Phần chênh lệch từ 20% trở lên là (30 tỷ đồng - 20 tỷ đồng) = 10 tỷ đồng. Công ty E đã thực hiện nộp phần chênh là 30 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước đúng thời Điểm quy định là 31/3/2017. Như vậy công ty E phải nộp tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên là 10 tỷ đồng tính từ thời Điểm tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp lợi nhuận quý 4 năm 2016 là ngày 31/01/2017 đến ngày 31/3/2017.
    Đối với tổng số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ đã tạm nộp theo quý thấp hơn số phải nộp theo quyết toán năm dưới 20% mà doanh nghiệp chậm nộp so với thời hạn quy định thì tính tiền chậm nộp kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quyết toán năm đến ngày thực nộp vào ngân sách nhà nước số còn thiếu so với số quyết toán.
    Ví dụ 4: Số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ Công ty G phải nộp theo quyết toán năm 2016 là 100 tỷ đồng. Trong năm, Công ty G đã tạm nộp của 4 quý năm 2016 là 85 tỷ đồng. Chênh lệch giữa số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp theo quyết toán năm và số đã tạm nộp là 15 tỷ đồng (tăng 15%). Công ty G thực hiện nộp phần chênh lệch giữa số lợi nhuận còn lại phải nộp theo quyết toán và số đã tạm nộp vào ngân sách nhà nước là 15 tỷ đồng ngày 31/8/2017. Công ty G phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền là 15 tỷ đồng tính từ thời Điểm tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ năm 2016 là ngày 01/4/2017 đến ngày 31/8/2017.
    Trường hợp cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra sau khi doanh nghiệp đã khai quyết toán lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ, nếu phát hiện số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp tăng so với số đã khai quyết toán thì doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp đối với toàn bộ số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp tăng thêm qua thanh tra, kiểm tra tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quyết toán năm hoặc quyết toán đến thời Điểm chấm dứt hoạt động theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đến ngày thực nộp tiền lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ.
    4. Trường hợp sau khi có quyết định công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp của chủ sở hữu, số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp của doanh nghiệp phát sinh tăng so với số đã kê khai thì doanh nghiệp thực hiện nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ. Đối với số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp tăng thêm do Điều chỉnh kết quả xếp loại doanh nghiệp theo công bố của chủ sở hữu từ thời Điểm ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ đến ngày 30/6 là thời hạn công bố kết quả xếp loại của chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ thì doanh nghiệp không phải nộp tiền chậm nộp.
    Ví dụ 5: Tại thời Điểm nộp hồ sơ quyết toán lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ năm 2016 (ngày 31/3/2017) Công ty H xác định số phải nộp theo quyết toán năm 2016 là 230 tỷ đồng sau khi trích lập các quỹ theo quy định trên cơ sở tự xếp loại doanh nghiệp của Công ty H (loại A). Công ty đã thực hiện nộp ngân sách nhà nước số tiền 230 tỷ đồng vào thời Điểm 31/3/2017. Đến ngày 30/6/2017 chủ sở hữu Công ty H công bố xếp loại doanh nghiệp của Công ty H là loại B, trên cơ sở đó, Công ty H Điều chỉnh giảm số trích lập các quỹ và xác định lại số lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước năm 2016 là 280 tỷ đồng. Công ty H không phải nộp tiền chậm nộp từ ngày 01/4/2017 đến ngày 30/6/2017 đối với số phải nộp tăng lên 50 tỷ đồng do Điều chỉnh xếp loại doanh nghiệp của chủ sở hữu.
    Mức tính tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế. Tiền chậm nộp được sử dụng từ quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp được trích theo quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
     
    Chương III. THU VÀO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CỔ TỨC VÀ LỢI NHUẬN ĐƯỢC CHIA CHO PHẦN VỐN NHÀ NƯỚC TẠI CÁC CÔNG TY CỔ PHẦN, CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN HAI THÀNH VIÊN TRỞ LÊN CÓ VỐN NHÀ NƯỚC DO BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG ĐẠI DIỆN CHỦ SỞ HỮU
     
    Điều 8. Cổ tức và lợi nhuận được chia phải nộp ngân sách nhà nước quy định tại Chương này bao gồm:
    - Số cổ tức được chia trong năm tài chính (bao gồm cả số cổ tức của năm tài chính tạm chia trong năm và số cổ tức các năm trước được chia trong năm tài chính) cho phần vốn nhà nước theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị của công ty cổ phần quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này;
    - Số lợi nhuận được chia trong năm tài chính (bao gồm cả số lợi nhuận của năm tài chính tạm chia trong năm và số lợi nhuận của các năm trước được chia trong năm tài chính) cho phần vốn nhà nước theo Quyết định của Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên quy định tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư này.
    Điều 9. Khai, nộp ngân sách nhà nước đối với cổ tức, lợi nhuận được chia
    1. Khai, nộp cổ tức, lợi nhuận được chia: Doanh nghiệp quy định tại Điều 8 Thông tư này thực hiện khai số cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước theo mẫu Tờ khai số 01/CTLNĐC ban hành kèm theo Thông tư này và thực hiện nộp ngân sách nhà nước trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày có thông báo chia cổ tức, lợi nhuận của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
    2. Trách nhiệm nộp tờ khai cho cơ quan thuế:
    Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên quy định tại Điều 8 Chương này thực hiện, nộp tờ khai về cổ tức, lợi nhuận được chia cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo hình thức điện tử.
    Điều 10. Phân chia ngân sách nhà nước
    a) Cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước do bộ, ngành đại diện chủ sở hữu được phân chia 100% cho ngân sách Trung ương. Doanh nghiệp thực hiện nộp vào tài Khoản thu ngân sách nhà nước mở tại Sở giao dịch kho bạc nhà nước Trung ương.
    b) Cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của nhà nước do địa phương đại diện chủ sở hữu được phân chia 100% cho ngân sách địa phương. Doanh nghiệp thực hiện nộp vào tài Khoản thu ngân sách nhà nước mở tại kho bạc nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.
    Điều 11. Xử lý vi phạm đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai cổ tức, lợi nhuận được chia và chậm nộp cổ tức, lợi nhuận được chia vào ngân sách nhà nước
    1. Doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ khai cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước so với thời hạn quy định tại Điều 9 Chương III Thông tư này thì bị xử phạt về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế.
    2. Cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước quy định tại Chương này là một Khoản thu ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp thuộc đối tượng nộp cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước có trách nhiệm nộp đúng, nộp đủ, nộp kịp thời Khoản cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước theo quy định tại Thông tư này.
    Doanh nghiệp chậm nộp cổ tức và lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước vào ngân sách nhà nước phải nộp tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế.
    3. Thời Điểm tính tiền chậm nộp từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn phải nộp cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Chương này.
    Mức tính tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế. Tiền chậm nộp được sử dụng từ phần lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của nhà nước của kỳ sau căn cứ chứng từ nộp tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước.
    Ví dụ 6: Công ty E là công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước do Bộ Công thương là đại diện chủ sở hữu. Ngày 15/4/2016 Công ty E tổ chức Đại hội cổ đông và ngày 01/7/2016 Công ty có thông báo chia cổ tức của hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015 cho các cổ đông, trong đó cổ tức chia cho phần vốn nhà nước là 130 tỷ đồng. Công ty E phải kê khai, nộp ngân sách nhà nước số cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước là 130 tỷ đồng chậm nhất vào ngày 14/8/2016. Ngày 15/9/2016 Công ty E mới thực hiện nộp phần cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước vào ngân sách nhà nước thì Công ty E phải nộp tiền chậm nộp tính từ ngày 15/8/2016 đến ngày 15/9/2016. Chứng từ nộp tiền chậm nộp là ngày 15/9/2016, tiền chậm nộp được sử dụng từ phần lợi nhuận sau thuế năm 2016 của Công ty E.
     
    Chương IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
     
    Điều 12. Hiệu lực thi hành
    Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/5/2016 và áp dụng cho niên độ từ năm 2016.
    Điều 13. Trách nhiệm thi hành
    1. Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp theo ủy quyền thực hiện kiểm tra, đôn đốc doanh nghiệp khai, nộp các Khoản thu ngân sách nhà nước theo quy định tại Thông tư này.
    2. Người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước có trách nhiệm biểu quyết chi trả cổ tức khi có đủ các Điều kiện theo quy định của Luật doanh nghiệp đồng thời đề nghị, đôn đốc công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khai, nộp phần cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước về ngân sách nhà nước theo quy định.
    Trường hợp công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước vi phạm thời hạn chia cổ tức, lợi nhuận theo quy định của Luật doanh nghiệp thì người đại diện phần vốn nhà nước có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính và cơ quan đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước để xử lý theo quy định của pháp luật.
    3. Trách nhiệm của cơ quan Thuế các cấp:
    Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác quản lý thu lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ và cổ tức, lợi nhuận được chia và phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp thuộc đối tượng nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ và cổ tức, lợi nhuận được chia thực hiện theo nội dung Thông tư này.
    a) Trách nhiệm của tổ chức quản lý thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế:
    - Tổ chức xây dựng, quản lý khai thác sử dụng thông tin dữ liệu về nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
    - Trực tiếp tổ chức thực hiện công tác quản lý thu bao gồm: hỗ trợ doanh nghiệp khai, nộp vào ngân sách nhà nước, đôn đốc thu kịp thời, tổ chức công tác kiểm tra, thanh tra việc thu nộp vào ngân sách nhà nước đối với các Khoản lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ do Trung ương quản lý (bao gồm cả SCIC); cổ tức, lợi nhuận được chia của các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của nhà nước do Bộ, Ngành đại diện chủ sở hữu;
    - Chỉ đạo công tác tổ chức quản lý thu lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ và cổ tức, lợi nhuận được chia phải nộp ngân sách nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc trách nhiệm tổ chức quản lý thu của cục thuế địa phương quy định tại Điểm b, Khoản 3 Điều này; phối hợp với cục thuế địa phương kiểm tra, thanh tra việc thu, nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ, cổ tức và lợi nhuận được chia phải nộp ngân sách nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc trách nhiệm tổ chức quản lý thu của cục thuế địa phương quy định tại Điểm b, Khoản 3 Điều này.
    b) Trách nhiệm của cục thuế địa phương:
    - Trực tiếp tổ chức thực hiện công tác quản lý thu đối với các Khoản lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ do địa phương quản lý; cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của nhà nước do địa phương đại diện chủ sở hữu.
    - Thực hiện đôn đốc, thu kịp thời, tổ chức công tác kiểm tra, thanh tra việc thu nộp vào ngân sách nhà nước đối với lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ và cổ tức, lợi nhuận được chia phải nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp do cục thuế trực tiếp tổ chức thực hiện công tác quản lý thu.
    4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện Thông tư này.
    Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.
     

     

    Nơi nhận:
    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Văn phòng Tổng Bí thư;
    - Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Kiểm toán nhà nước;
    - VP Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
    - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
    - Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan, Kho bạc nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
    - Công báo;
    - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
    - Website Chính phủ;
    - Website Bộ Tài chính;
    - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
    - Lưu: VT, TCT (VT,DNL).
    KT. BỘ TRƯỞNG
    THỨ TRƯỞNG



    Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 của Quốc hội
    Ban hành: 29/11/2006 Hiệu lực: 01/07/2006 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 của Quốc hội
    Ban hành: 03/06/2008 Hiệu lực: 01/01/2009 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    03
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế của Quốc hội, số 21/2012/QH13
    Ban hành: 20/11/2012 Hiệu lực: 01/07/2013 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    04
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của Quốc hội, số 32/2013/QH13
    Ban hành: 19/06/2013 Hiệu lực: 01/01/2014 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    05
    Nghị định 83/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế
    Ban hành: 22/07/2013 Hiệu lực: 15/09/2013 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    06
    Nghị định 215/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
    Ban hành: 23/12/2013 Hiệu lực: 15/02/2014 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    07
    Nghị quyết 71/2014/QH13 của Quốc hội về việc phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2012
    Ban hành: 09/06/2014 Hiệu lực: 09/06/2014 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    08
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế của Quốc hội, số 71/2014/QH13
    Ban hành: 26/11/2014 Hiệu lực: 01/01/2015 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    09
    Luật Doanh nghiệp của Quốc hội, số 68/2014/QH13
    Ban hành: 26/11/2014 Hiệu lực: 01/07/2015 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    10
    Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp của Quốc hội, số 69/2014/QH13
    Ban hành: 26/11/2014 Hiệu lực: 01/07/2015 Tình trạng: Đã sửa đổi
    Văn bản căn cứ
    11
    Nghị định 87/2015/NĐ-CP của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước
    Ban hành: 06/10/2015 Hiệu lực: 01/12/2015 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    12
    Nghị định 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp
    Ban hành: 13/10/2015 Hiệu lực: 01/12/2015 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    13
    Thông tư 85/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn một số nội dung về thu, nộp khoản lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp
    Ban hành: 05/10/2021 Hiệu lực: 01/01/2022 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản thay thế
    14
    Luật Doanh nghiệp của Quốc hội, số 68/2014/QH13
    Ban hành: 26/11/2014 Hiệu lực: 01/07/2015 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản được hướng dẫn
    15
    Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp của Quốc hội, số 69/2014/QH13
    Ban hành: 26/11/2014 Hiệu lực: 01/07/2015 Tình trạng: Đã sửa đổi
    Văn bản được hướng dẫn
    16
    Nghị định 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp
    Ban hành: 13/10/2015 Hiệu lực: 01/12/2015 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản được hướng dẫn
    17
    Công văn 1567/TCT-DNL của Tổng cục Thuế về việc thu vào ngân sách Nhà nước đối với lợi nhuận còn lại và cổ tức, lợi nhuận được chia
    Ban hành: 14/04/2016 Hiệu lực: 14/04/2016 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    18
    Công văn 5189/TCT-CS của Tổng cục Thuế về việc giới thiệu các nội dung mới của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế
    Ban hành: 07/12/2020 Hiệu lực: 07/12/2020 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    19
    Thông tư 91/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017
    Ban hành: 24/06/2016 Hiệu lực: 10/08/2016 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản liên quan khác
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • Văn bản đang xem

    Thông tư 61/2016/TT-BTC quản lý khoản lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Tài chính
    Số hiệu:61/2016/TT-BTC
    Loại văn bản:Thông tư
    Ngày ban hành:11/04/2016
    Hiệu lực:26/05/2016
    Lĩnh vực:Tài chính-Ngân hàng, Doanh nghiệp
    Ngày công báo:27/04/2016
    Số công báo:301&302-04/2016
    Người ký:Đỗ Hoàng Anh Tuấn
    Ngày hết hiệu lực:01/01/2022
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ (12)
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X