hieuluat

Thông tư 75/2006/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung Quyết định số 107/2006/QĐ-TTg

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Tài chínhSố công báo:67&68 - 8/2006
    Số hiệu:75/2006/TT-BTCNgày đăng công báo:24/08/2006
    Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Trần Xuân Hà
    Ngày ban hành:18/08/2006Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:08/09/2006Tình trạng hiệu lực:Không còn phù hợp
    Lĩnh vực:Tài chính-Ngân hàng, Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Chính sách
  • THÔNG TƯ

    CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 75/2006/TT-BTC NGÀY 18 THÁNG 8 NĂM 2006

    HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 107/2006/QĐ-TTG

    NGÀY 18/5/2006 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TÍN DỤNG

    ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN

     

     

     

    Thi hành Quyết định số 107/2006/QĐ-TTg ngày 18/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung như sau:

     

    I - QUY ĐỊNH CHUNG

     

    1. Tín dụng đối với học sinh, sinh viên là việc Nhà nước thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ để trang trải một phần chi phí học tập, sinh hoạt của học sinh, sinh viên đang theo học hệ chính qui tập trung tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề có thời gian đào tạo từ 1 năm trở lên.

    Ngân hàng Chính sách xã hội là tổ chức tín dụng của Nhà nước được giao nhiệm vụ huy động vốn để thực hiện chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định số 107/2006/QĐ-TTg ngày 18/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

    2. Nguyên tắc của tín dụng đối với học sinh, sinh viên:

    a. Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm thực hiện cho vay đúng đối tượng, đúng qui định theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này.

    b. Đối tượng được vay vốn phải sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ đúng hạn cả gốc và lãi theo thoả thuận trong hợp đồng tín dụng.

     

    II - CÁC QUI ĐỊNH CỤ THỂ

     

    1. Lập kế hoạch tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

    a. Kế hoạch tín dụng đối với học sinh, sinh viên là một bộ phận của kế hoạch tín dụng xoá đói, giảm nghèo và tạo việc làm hàng năm do Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.

    b. Nội dung của kế hoạch tín dụng đối với học sinh, sinh viên do Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng phải thể hiện và có thuyết minh cụ thể các chỉ tiêu cơ bản sau:

    - Các nguồn vốn để cho vay học sinh, sinh viên (nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã cấp, các nguồn vốn đã có, nguồn vốn huy động bổ sung thêm); Dư nợ cho vay đầu năm; Số vốn cho vay trong năm; Số vốn thu hồi nợ trong năm; Dư nợ cho vay cuối năm kế hoạch.

    - Số lượng học sinh, sinh viên đã được vay vốn tín dụng đầu năm kế hoạch; số lượng học sinh, sinh viên được vay vốn trong năm kế hoạch phân theo địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

    c) Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện việc cho vay đối với học sinh, sinh viên trong phạm vi kế hoạch tín dụng xoá đói, giảm nghèo và tạo việc làm và kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp nhu cầu tín dụng đối với học sinh, sinh viên tăng cao dẫn đến nhu cầu tín dụng xoá đói, giảm nghèo và tạo việc làm trong năm vượt mức kế hoạch hoặc vượt mức kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất đã được phê duyệt, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

    2. Qui định về học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

    Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội bao gồm:

    a. Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.

    b. Học sinh, sinh viên là con (con đẻ hoặc con nuôi hợp pháp) của chủ hộ gia đình, thuộc một trong các đối tượng:

    - Hộ nghèo theo qui định của pháp luật.

    - Hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo qui định của pháp luật.

    3. Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng không được vay vốn:

    a. Học sinh, sinh viên bị các cơ quan xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật.

    b. Học sinh, sinh viên đang bị các trường học kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

    4. Trách nhiệm xác nhận của các cơ quan.

    Hồ sơ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội qui định cụ thể, phần xác nhận của các cơ quan phải thể hiện rõ các nội dung liên quan đến qui định về đối tượng được vay vốn, điều kiện được vay vốn. Nội dung xác nhận bao gồm:

    a. Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường nơi hộ gia đình của học sinh, sinh viên sinh sống có trách nhiệm xác nhận về việc:

    - Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo qui định tại điểm 2 mục II Thông tư này.

    - Học sinh, sinh viên trong thời gian theo học không bị các cơ quan xử phạt hành chính trở lên theo qui định tại điểm 3a mục II Thông tư này.

    b. Các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề xác nhận về việc:

    - Học sinh, sinh viên được theo học và đang theo học hệ chính qui tập trung có thời gian đào tạo từ 1 năm trở lên.

    - Học sinh, sinh viên không bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên trong thời gian đã theo học tại trường theo qui định tại điểm 3b mục II Thông tư này.

    5. Mức vốn cho vay.

    a. Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội công bố mức vốn cho vay đối với học sinh, sinh viên theo nguyên tắc:

    - Phù hợp với khả năng tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội và nhu cầu vay vốn của đối tượng được vay.

    - Mức vốn cho vay được thay đổi theo từng thời kỳ, mức vốn cho vay được công bố phải ổn định tối thiểu trong 2 năm.

    - Mức vốn cho vay được qui định cụ thể: Số tiền cho vay tối đa 01 tháng; số tiền cho vay tối đa trong một năm học; số tiền cho vay tối đa cho cả khoá học.

    b. Trường hợp học sinh, sinh viên thuộc diện được miễn giảm học phí theo chế độ Nhà nước qui định vẫn được vay theo mức tối đa do Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội công bố.

    c. Số tiền cho vay cụ thể đối với mỗi hộ gia đình căn cứ vào số lượng học sinh, sinh viên trong gia đình; mức vốn cho vay tối đa và thời gian còn phải theo học tại trường của học sinh, sinh viên.

    6. Giải ngân vốn cho vay.

    a. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giải ngân vốn cho vay theo đề nghị của đối tượng được vay vốn vào đầu các kỳ học để đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng.

    b. Số tiền giải ngân từng lần do đối tượng được vay vốn thoả thuận với Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng tổng số tiền giải ngân trong năm không vượt quá số tiền được duyệt cho vay tối đa trong một năm học của học sinh, sinh viên.

    c. Mỗi lần giải ngân vốn vay, Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với đối tượng được vay vốn lập giấy nhận nợ theo mẫu do Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành.

    7. Chế độ báo cáo.

    Định kỳ hàng Quí và kết thúc năm tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội lập báo cáo kết quả thực hiện tín dụng đối với học sinh, sinh viên báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng Nhà nước. Nội dung báo cáo theo mẫu biểu đính kèm, bao gồm các chỉ tiêu cơ bản sau:

    - Dư nợ cho vay đầu kỳ báo cáo; số vốn cho vay trong kỳ; số vốn thu hồi nợ trong kỳ; dư nợ cho vay cuối kỳ báo cáo.

    - Số lượng học sinh, sinh viên đã được vay vốn tín dụng đầu kỳ; số lượng học sinh, sinh viên được vay vốn trong kỳ phân theo địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

     

    III – TỔ CHỨC THỰC HIỆN

     

    1. Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 107/2006/QĐ-TTg ngày 18/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên và qui định tại Thông tư này.

    2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Đối với số dư nợ cho vay trực tiếp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo quyết định số 51/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục thực hiện theo hợp đồng tín dụng đã ký kết với học sinh, sinh viên.

    3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.

     

    KT.BỘ TRƯỞNG

    THỨ TRƯỞNG

    Trần Xuân Hà

     

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Quyết định 107/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên
    Ban hành: 18/05/2006 Hiệu lực: 12/06/2006 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản được hướng dẫn
    02
    Quyết định 51/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc lập quỹ tín dụng đào tạo
    Ban hành: 02/03/1998 Hiệu lực: 18/03/1998 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X