Cơ quan ban hành: | Bộ Tài chính | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 89/1997/TT/BTC | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Phạm Văn Trọng |
Ngày ban hành: | 18/12/1997 | Hết hiệu lực: | 20/11/1999 |
Áp dụng: | 02/01/1998 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 89/1997-TT/BTC NGÀY 18 THÁNG 2 NĂM 1997
HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ VỐN VAY CHO CHƯƠNG TRÌNH
TÍN DỤNG CHUYÊN NGÀNH CỦA QUỸ HỢP TÁC PHÁT TRIỂN
KINH TẾ HẢI NGOẠI NHẬT BẢN (OECF)
Căn cứ Nghị định 58/CP ngày 30 tháng 8 năm 1993 của Chính phủ ban hành Quy chế vay và trả nợ nước ngoài và Nghị định 87/CP ngày 5 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ ban hành về Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA.
Căn cứ vào các Hiệp định tín dụng đã ký giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam với Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế Hải ngoại Nhật Bản OECF.
Bộ Tài chính hướng dẫn công tác quản lý nguồn vốn vay của Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế Hải ngoại Nhật Bản OECF cho chương trình Tín dụng chuyên ngành như sau:
I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG
1.1. Chương trình Tín dụng chuyên ngành là chương trình sử dụng nguồn vốn vay Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế Hải ngoại Nhật Bản (dưới đây gọi tắt là OECF) để tiến hành xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng ở địa phương trong phạm vi cả nước, bao gồm các hệ thống điện, cấp nước và đường giao thông ở nông thôn. Tên chính thức tiếng Anh của Chương trình được nêu trong các Hiệp định ký với OECF là SECTOR PROJECT LOAN.
1.2. Nguồn vốn vay thuộc Chương trình Tín dụng chuyên ngành là khoản vay nợ nước ngoài của Chính phủ từ OECF được cân đối vào Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính có trách nhiệm trả nợ cho phía nước ngoài khi đến hạn (bao gồm cả gốc và lãi).
1.3. Chủ chương trình là Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trong việc điều phối chung thực hiện chương trình, tổng hợp và báo cáo quyết toán với Bộ Tài chính về tình hình sử dụng vốn hàng năm và khi kết thúc công trình.
1.4. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam được Bộ Tài chính uỷ nhiệm thực hiện các nghiệp vụ thanh toán đối ngoại, có trách nhiệm ký thoả ước Ngân hàng với phí nước ngoài trên cơ sở của Hiệp định vay vốn OECF, hướng dẫn của Chủ chương trình và các chủ đầu tư trong các nghiệp vụ thanh toán.
1.5. Uỷ ban Nhân dân tỉnh - thành phố chịu trách nhiệm về chất lượng, kết quả thi công công trình ở địa phương, chịu trách nhiệm với Chủ chương trình và Bộ Tài chính về tình hình sử dụng vốn hàng năm và quyết toán công trình khi hoàn thành. Cơ quan quản lý dự án ở địa phương do Uỷ ban Nhân dân thành lập, có trách nhiệm trực tiếp tổ chức thực hiện thi công xây dựng theo chỉ đạo của Chủ chương trình.
1.6. Các cơ quan quản lý địa phương (Uỷ ban Nhân dân tỉnh - Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính vật giá, Cục đầu tư phát triển) có trách nhiệm tổ chức quản lý việc sử dụng vốn được phân bổ đúng chức năng của mình và theo hướng dẫn của Chủ chương trình, phù hợp quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trong nước và các cam kết trong Hiệp định tín dụng đã ký với OECF .
II. NỘI DUNG CỤ THỂ:
2.1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chính trong việc lập kế hoạch sử dụng vốn Tín dụng Chuyên ngành, soạn thảo các văn bản hướng dẫn các cơ quan quản lý địa phương về công tác lập kế hoạch nói trên.
2.2. Uỷ ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch Đầu tư lập kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình cụ thể của Chương trình tại địa phương theo quy định hiện hành. Kế hoạch này phải thể hiện đầy đủ các nguồn vốn và tiến độ thi công, sử dụng vốn. Cụ thể như sau:
2.2.1. Phần vốn vay của OECF bao gồm:
. Phần phân bổ để thuê tư vấn nước ngoài (Phần này do Chủ chương trình lập và thông báo số phân bổ cho từng địa phương).
. Phần phân bổ để nhập vật tư hàng hoá, thiết bị trong và ngoài nước cho các công trình.
. Phần thi công xây dựng lấy từ nguồn vốn Tín dụng Chuyên ngành đã ghi trong kế hoạch được Chủ chương trình phê duyệt và được phía OECF chấp thuận.
. Lệ phí khoản vay 0,1% do OECF thu khi rút vốn.
2.2.2. Vốn đối ứng trong nước bao gồm vốn để thanh toán các khoản dưới đây:
. Chi phí trong nước để trả cho người nhập khẩu: phí uỷ thác nhập khẩu, thuế nhập khẩu hàng hoá (nếu có) chi phí tiếp nhận, cung ứng, vận chuyển hàng hoá từ cảng đến chân công trình, các chi phí khác (nếu có).
. Chi phí vật liệu, nhân công, phí quản lý công trình nằm ngoài kế hoạch sử dụng vốn Tín dụng Chuyên ngành vay OECF.
. Chi phí cho Chủ chương trình phân bổ cho các địa phương được thực hiện theo quy định riêng không nằm trong Thông tư này.
. Các khoản chi không thuộc diện lấy từ nguồn Tín dụng Chuyên ngành theo quy định của Hiệp định đã ký với OECF.
Các địa phương phải tự đảm bảo nguồn vốn đối ứng trong nước. Nếu nguồn này chưa được cân đối trong Ngân sách địa phương khi giao ổn định ngân sách mà địa phương không có khả năng bố trí, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn để bổ sung có mục tiêu cho Ngân sách địa phương.
2.2.3. Các cơ quan quản lý dự án ở địa phương phải xây dựng kế hoạch và thực hiện đấu thầu công trình ở địa phương theo Nghị định 43/CP ban hành ngày 16-7-1996 và Nghị định 93/CP ban hành ngày 23-8-1997 của Chính phủ.
3.1. Việc ký kết và thông qua hợp đồng được thực hiện theo quy định dưới đây:
3.1.1. Chủ chương trình chủ trì tiến hành tổ chức đấu thầu và đàm phán hợp đồng thuê tư vấn, mua sắm hàng hoá và vật tư thiết bị cho chương trình hoặc công trình (dưới đây gọi tắt là Hợp đồng) với các nhà cung ứng hợp lệ theo quy định của Hiệp định.
Chủ chương trình lựa chọn các đơn vị để uỷ thác giao dịch, ký kết hợp đồng nhập khẩu hàng hoá về đến Việt Nam, đồng thời trực tiếp ký kết hợp đồng thuê tư vấn cho cả Chương trình.
Sau khi ký hợp đồng, đơn vị được uỷ thác giao dịch nhập hàng hoá (dưới đây được gọi là Nhà nhập khẩu) hoặc Chủ chương trình trong trường hợp hợp đồng thuê tư vấn, thông qua Chủ chương trình, làm hai bản sao Hợp đồng đã ký, một bản gửi cho OECF và một bản gửi cho Bộ Tài chính để làm thủ tục chấp thuận hợp đồng.
3.1.2. Đối với phần khối lượng thi công xây dựng thuộc diện được nhận vốn Tín dụng Chuyên ngành, Chủ chương trình hướng dẫn các cơ quan quản lý dự án tổ chức đấu thầu và ký kết hợp đồng theo quy định hiện hành trong nước về đầu tư xây dựng cơ bản và theo quy định của Hiệp định vay vốn.
Sau khi ký kết, cơ quan quản lý dự án lập ba bản sao Hợp đồng có giá trị pháp lý gửi Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính vật giá, Cục đầu tư phát triển địa phương cùng quyết định phê duyệt trúng thầu của cơ quan có thẩm quyền.
Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm xem xét Hợp đồng và tổng hợp các Hợp đồng đó gửi Chủ chương trình.
Chủ chương trình sau khi xem xét thông qua bản tổng hợp hợp đồng sau đó gửi Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) để làm thủ tục rút vốn.
3.1.3. Sau khi nhận được Thông báo chấp thuận hợp đồng của OECF, Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) sẽ thông báo cho Chủ chương trình và Nhà nhập khẩu biết để tiến hành thực hiện Hợp đồng và thông báo cho Ngân hàng Ngoại thương để làm thủ tục đối ngoại thanh toán cho Nhà cung cấp hàng hoá hoặc Nhà thầu nước ngoài (nếu có).
3.1.4. Được sự uỷ quyền của Bộ Tài chính, Ngân hàng Ngoại thương mở tài khoản vãng lai bằng tiền Yên tại Ngân hàng Tokyo - Mitsubishi. Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) làm thủ tục rút vốn lần đầu tiên vào tài khoản nói trên theo quy định của Hiệp định. Kỳ rút vốn đầu tiên không cần chứng từ kèm theo.
3.2. Việc rút vốn vay và thanh toán hợp đồng được tiến hành theo quy định dưới đây:
3.2.1. Đối với phần chi bằng ngoại tệ được quy định trong hợp đồng sẽ áp dụng hình thức rút vốn Thư cam kết để thanh toán.
3.2.2. Đối với phần chi bằng nội tệ (VNĐ) được quy định trong hoạt đồng sẽ áp dụng hình thức rút vốn Chuyển tiền và Hoàn trả để thanh toán.
3.2.3. Đối với Hợp đồng ký kết để thực hiện việc mua sắm thiết bị, thi công xây dựng Hệ thống đường và Hệ thống cung cấp nước được nêu ở mục (A) và (B) trong phần Phân bổ vốn vay của Hiệp định sẽ áp dụng hình thức rút vốn Tài khoản đặc biệt để thanh toán.
3.2.4. Chủ chương trình có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan quản lý địa phương lập các chứng từ theo mẫu quy định của OECF đối với từng phương thức rút vốn. Cách thức rút vốn để thanh toán và sơ đồ luân chuyển chứng từ cụ thể theo từng hình thức rút vốn trên được quy định trong Thông tư 95 TC/ĐT ban hành ngày 14-11-1994 và 18 TC/ĐTPT ban hành ngày 12-3-1996 của Bộ Tài chính.
3.2.5. Chủ chương trình có trách nhiệm kiểm tra và tập hợp các chứng từ đề nghị thanh toán từ các địa phương, hoàn chỉnh theo mẫu rút vốn của OECF, định kỳ mỗi tháng một lần gửi Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại). Các chứng từ đó phải có xác nhận của Cục đầu tư phát triển địa phương về khối lượng theo quy định của hợp đồng đã được ký kết.
3.2.6. Sau khi nhận được chứng từ, Bộ Tài chính sẽ tiến hành thanh toán cho các địa phương và làm thủ tục rút vốn với OECF.
4.3. Các loại phí phát sinh
4.3.1. Phí phục vụ Ngân hàng Ngoại thương: Ngân hàng Ngoại thương thực hiện các nghiệp vụ thanh toán đối ngoại: mở L/C và chuyển tiền thanh toán trả nợ nước ngoài khi đến hạn. Ngân hàng Ngoại thương thu phí theo biểu phí dịch vụ Ngân hàng hiện hành do Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương quy định.
Việc thu phí cụ thể được tiến hành như sau:
* Đối với phí chuyển tiền khi trả nợ nước ngoài: Ngân hàng Ngoại thương được tự động ghi nợ Tài khoản Ngân sách Nhà nước tại Kho bạc Nhà nước Trung ương (mở tại Ngân hàng Ngoại thương).
* Đối với phí liên quan đến việc mở và thanh toán L/C nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ tư vấn: Ngân hàng Ngoại thương tiến hành thu phí từ người uỷ thác nhập khẩu hoặc từ Tài khoản thu lãi trên Tài khoản Đặc biệt trong trường hợp người mở L/C là Chủ chương trình.
* Đối với phí thanh toán trực tiếp cho nhà thầu thi công xây dựng từ Tài khoản đặc biệt được tính vào phần vốn đối ứng trong nước để thanh toán. Ngân hàng thu phí này từ người thụ hưởng từ Tài khoản tiền gửi của người thụ hưởng mở tại Ngân hàng Ngoại thương hoặc trừ vào giá trị hoá đơn được thanh toán.
4.3.2. Phí của các đơn vị nhập khẩu: Các đơn vị được uỷ thác nhập khẩu (Nhà nhập khẩu) có nhiệm vụ đàm phán ký kết Hợp đồng mua hàng với Công ty nước ngoài trúng thầu do Chủ chương trình lựa chọn theo quy định, thực hiện mọi thủ tục nhập khẩu hàng hoá với sự giám sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và được hưởng phí uỷ thác nhập khẩu, phí cung ứng theo quy định hiện hành của Nhà nước. Các phí này Nhà nhập khẩu thu từ các đơn vị nhận hàng.
Các đơn vị nhập khẩu có trách nhiệm thanh toán cho Ngân hàng Ngoại thương các khoản phí liên quan đến việc mở L/C nhập khẩu hàng hoá, sửa đổi L/C (nếu có), thanh toán L/C và các phí khác do Ngân hàng nước ngoài thu của Ngân hàng Ngoại thương liên quan đến việc nhập hàng hoá đó.
4.3.3. Phí cho ban quản lý Chương trình ở Trung ương: Phí trả cho ban quản lý Chương trình ở Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sẽ được thanh toán từ nguồn vốn đối ứng trong nước của các địa phương theo quy định riêng.
5.1. Hạch toán qua Ngân sách:
Vốn vay OECF dùng để cấp phát cho các dự án ở địa phương đều phải được hạch toán đầy đủ kịp thời vào Ngân sách Nhà nước. Nguyên tắc hạch toán qua Ngân sách là ghi thu ngân sách Trung ương, ghi chi trợ cấp Ngân sách Trung ương cho Ngân sách địa phương. Sở Tài chính vật giá chuyển vốn OECF (do Bộ Tài chính ghi chi) cho Cục đầu tư phát triển để hạch toán cấp vốn cho các công trình theo kế hoạch. Việc hạch toán qua ngân sách được thực hiện cụ thể như sau: 5.1.1. Đối với chi phí thuê tư vấn:
Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) lập bảng kê từng lần rút vốn theo Hợp đồng tư vấn trên cơ sở thông báo của OECF. Hàng quý, Vụ Tài chính Đối ngoại sẽ gửi Thông tri duyệt y dự toán cho Vụ Ngân sách Nhà nước để làm thủ tục ghi thu vay nợ và ghi chi ứng vốn trợ cấp cho Sở Tài chính vật giá của từng địa phương. Sở Tài chính vật giá làm thủ tục chuyển vốn cho Cục đầu tư phát triển địa phương bằng ghi thu - ghi chi hạch toán phân bổ phí thuê tư vấn cho các công trình. Căn cứ để phân bổ chi phí tư vấn là Kế hoạch phân bổ vốn Tín dụng Chuyên ngành cho các công trình ở địa phương do Chủ chương trình lập theo mục 2.1. 1. nêu trên.
Sau khi việc phân phối hàng hoá nhập khẩu, thi công xây dựng theo kế hoạch kết thúc, Chủ chương trình, Sở Tài chính vật giá, Cục đầu tư phát triển địa phương sẽ phối hợp với Vụ Ngân sách NN, Vụ Tài chính Đối ngoại tiến hành quyết toán số vốn ứng trên cho phù hợp với thực tế.
5.1.2. Đối với hàng hoá nhập khẩu:
Mỗi lần nhận được thông báo của Ngân hàng Ngoại thương về việc rút tiền từ Tài khoản đặc biệt của Bộ Tài chính để thanh toán cho các lô hàng nhập khẩu, Chủ chương trình có văn bản đề nghị phân bổ mức vốn và khối lượng hàng nhập khẩu cho các địa phương trên cơ sở bảng kê chi tiết đính kèm. Vụ Tài chính Đối ngoại sẽ gửi Thông tri duyệt y dự toán cho Vụ Ngân sách Nhà nước để làm thủ tục ghi thu vay nợ nước ngoài và ghi chi ứng vốn trợ cấp cho Sở Tài chính vật giá của các địa phương đó. Sở Tài chính vật giá làm thủ tục ghi thu Ngân sách địa phương ghi chi chuyển vốn cho Cục đầu tư phát triển địa phương để hạch toán cấp phát vốn cho công trình.
Căn cứ để ghi chi tạm ứng cấp phát cho các địa phương là Kế hoạch phân phối lô hàng nhập khẩu cho từng lô hàng đó của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Sau khi việc phân phối hàng nhập khẩu theo kế hoạch kết thúc, Chủ chương trình, Sở Tài chính địa phương sẽ căn cứ vào các chứng từ giao nhận hàng phối hợp với Vụ Ngân sách Nhà nước, Vụ Tài chính Đối ngoại tiến hành quyết toán số vốn ứng trên cho phù hợp với thực tế.
Trị giá ghi thu, ghi chi của Ngân sách bằng trị giá ngoại tệ nhận nợ với nước ngoài tính bằng đồng Yên Nhật nhân với tỷ giá do Bộ Tài chính quy định và thông báo cụ thể mỗi lần tiến hành hạch toán (Trị giá ngoại tệ nhận nợ bao gồm cả phí rút vốn 0,1% do OECF thu).
Chủ chương trình phối hợp với Nhà nhập khẩu định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý gửi báo cáo về số lượng hàng nhập và phân bổ cho các địa phương đến Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại và Tổng Cục đầu tư phát triển) để làm căn cứ hạch toán Ngân sách Nhà nước.
Trường hợp có sự chênh lệch giữa kế hoạch được phân phối với số hàng thực nhận (bao gồm cả hao hụt định mức), các địa phương làm việc với các đơn vị được uỷ quyền cung ứng hàng hoá để xác nhận số chênh lệch này và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xử lý theo nguyên tắc hao hụt ở khâu thuộc trách nhiệm của cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu, cụ thể như sau:
. Hao hụt ngoài định mức được xác định trong quá trình nhập khẩu thì Nhà nhập khẩu phải chịu.
. Hao hụt ngoài định mức trong quá trình cung ứng thì đơn vị được uỷ quyền cung ứng phải chịu.
. Hao hụt ngoài định mức do địa phương chậm trễ, trì hoãn trong khâu tiếp nhận hàng hoá thì địa phương phải chịu.
5.1.3. Đối với phần hợp đồng thi công xây dựng thanh toán bằng VNĐ, Vụ Tài chính Đối ngoại phối hợp với Vụ Ngân sách Nhà nước ghi chi cấp phát cho Sở Tài chính địa phương ngay khi chuyển tiền thanh toán. Sở Tài chính vật giá làm thủ tục ghi thu Ngân sách địa phương ghi chi chuyển vốn cho Cục đầu tư phát triển địa phương để hạch toán cấp phát vốn cho công trình.
III. CÔNG TÁC KIỂM TRA, BÁO CÁO, QUYẾT TOÁN:
6.1. Hàng quý các địa phương (Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư) báo cáo cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tiến độ thực hiện Chương trình, tình hình nhận và sử dụng vốn vay.
6.2. Bộ Tài chính kiểm tra định kỳ và đột xuất tình hình quản lý và sử dụng vốn vay của các địa phương. Nếu phát hiện trường hợp sử dụng vốn vay không đúng với quy định thì sẽ thu hồi số vốn đã chuyển hoặc tạm ngừng chuyển vốn để xử lý.
6.3. Chủ chương trình phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính vật giá, Cục đầu tư phát triển địa phương tiến hành nghiệm thu và quyết toán công trình đã hoàn thành, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đồng kính gửi Bộ Tài chính.
6.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương, vào ngày 1 đến 15 của tháng đầu quý phải có báo cáo bằng văn bản về tình hình nhập và giao nhận vật tư thiết bị, khối lượng thi công xây dựng của quý trước cho Chủ chương trình. Việc lập báo cáo trên là căn cứ để Chủ chương trình tiến hành phân bổ vốn cho địa phương ở các quý tiếp theo. Nếu cơ quan chủ quản địa phương không tiến hành báo cáo thì Chủ chương trình không được phép tiếp tục phân bổ vốn.
6.5. Các chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước các cơ quan chủ quản địa phương và Chủ chương trình về chất lượng cũng như tiến độ của công trình.
6.6. Chủ chương trình chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu cho các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và chịu trách nhiệm đối với phần việc thuộc phạm vi của mình.
IV. HIỆU LỰC THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày từ ngày ký. Những nội dung không được nêu trong văn bản này được áp dụng theo Thông tư 95TC/ĐT ngày 14-11-1994 và thông tư 18TC/ĐTPT ngày 12-03-1996 của Bộ Tài chính.
Thông tư này thay thế cho Thông tư 39 TC/TCĐN ban hành ngày 22-7-1996 của Bộ Tài chính.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan phản ánh về Bộ Tài chính.
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản căn cứ |
03 | Văn bản thay thế |
04 | Văn bản dẫn chiếu |
05 | Văn bản dẫn chiếu |
06 | Văn bản dẫn chiếu |
07 | Văn bản dẫn chiếu |
08 |
Thông tư hướng dẫn chế độ quản lý vốn vay cho chương trình tín dụng chuyên ngành của OECF
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Tài chính |
Số hiệu: | 89/1997/TT/BTC |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 18/12/1997 |
Hiệu lực: | 02/01/1998 |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Phạm Văn Trọng |
Ngày hết hiệu lực: | 20/11/1999 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!