Cơ quan ban hành: | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 07/1997/TT-NHNN7 | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Lê Đức Thuý |
Ngày ban hành: | 04/12/1997 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 19/12/1997 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng |
THÔNG TƯ
CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 07/1997/TT-NHNN7
NGÀY 04 THÁNG 12 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN
QUYẾT ĐỊNH 802/TTG NGÀY 24-09-1997 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
VỀ VIỆC XỬ LÝ TỒN TẠI VỀ MỞ THƯ TÍN DỤNG
Ngày 24-09-1997 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 802/TTg về việc xử lý tồn tại về mở thư tín dụng. Thực hiện Điều 6 Quyết định nói trên, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Đối tượng áp dụng của Thông tư này gồm các Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Pháp luật Việt Nam, được phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp và/hoặc có Giấy phép nhập khẩu của Bộ Thương mại và được thực hiện bằng phương thức mở thư tín dụng nhập hàng trả chậm.
2. Doanh nghiệp mở thư tín dụng nhập hàng trả chậm, khi đến hạn thanh toán phải có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ thanh toán với Ngân hàng bảo lãnh theo đúng quy định của Hợp đồng. Trường hợp Doanh nghiệp chưa có khả năng thanh toán hoặc Doanh nghiệp đã nộp tiền vào Ngân hàng bảo lãnh thì Ngân hàng bảo lãnh phải có trách nhiệm thanh toán cho nước ngoài đầy đủ, đúng hạn theo đúng Quy chế của Ngân hàng Nhà nước về mở thư tín dụng nhập hàng trả chậm và theo thông lệ Quốc tế.
Trường hợp Doanh nghiệp đã nộp đồng Việt Nam vào ngân hàng để xin mua ngoại tệ thanh toán cho Ngân hàng thì tỷ giá áp dụng để chuyển đổi Đồng Việt Nam sang ngoại tệ được thực hiện theo thoả thuận trong Hợp đồng giữa Ngân hàng với Doanh nghiệp và phù hợp với Quy chế quản lý ngoại hối hiện hành.
3. Số tiền doanh nghiệp nhận nợ bắt buộc do ngân hàng bảo lãnh thanh toán thay không tính vào hạn mức dư nợ của ngân hàng đối với Doanh nghiệp.
4. Việc cho vay bình thường quy định trong Quyết định 802/TTg là việc cho vay theo mức lãi suất trần hiện hành do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định (không áp dụng lãi suất quá hạn).
5. Số tiền ngân hàng đã thanh toán thay và Doanh nghiệp phải nhận nợ bắt buộc được thực hiện cho vay bình thường áp dụng cho các trường hợp sau:
a. Trường hợp thiết bị vật tư, hàng hoá nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho dự án, nhưng do nguyên nhân khách quan (như thiên tai, sâu bệnh, thay đổi cơ chế vĩ mô...) dẫn đến tình trạng không có khả năng thanh toán đúng hạn. Doanh nghiệp phải giải trình cụ thể, có xác nhận bằng văn bản của cơ các quan chức năng (như nếu lý do giải phóng mặt bằng chậm, hoặc do thiên tai thì Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Tỉnh, Thành phố hoặc người được uỷ quyền của Chủ tịch ký xác nhận; nếu do hàng nhập về chậm so với tiến độ thì cơ quan Hải quan xác nhận...), đối với Doanh nghiệp do Trung ương quản lý thì có xác nhận của Cơ quan chủ quản và các nguyên nhân được Ngân hàng bảo lãnh chấp nhận. Đồng thời Ngân hàng bảo lãnh và Doanh nghiệp nhận nợ thoả thuận để thống nhất kế hoạch trả nợ căn cứ vào chu kỳ sản xuất và thời hạn thu hồi vốn của Doanh nghiệp nhận nợ và làm các thủ tục cầm cố thế chấp (trong trường hợp chưa hoặc chưa có đủ hồ sơ hợp lệ và tài sản đảm bảo) để đảm bảo thu hồi hết nợ vay.
b. Đối với hàng hoá nhập khẩu trả chậm Doanh nghiệp chưa tiêu thụ được hoặc đã tiêu thụ một phần; Doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán ngay cho Ngân hàng bảo lãnh số tiền đã thu được tương ứng với số hàng hoá đã tiêu thụ (trong trường hợp đã tiêu thụ một phần hàng hoá nhập khẩu). Tổng Giám đốc (Giám đốc) Ngân hàng căn cứ vào số lượng hàng hoá của Doanh nghiệp chưa tiêu thụ hoặc số lượng, trị giá và khả năng tiêu thụ của hàng hoá còn tồn kho để xem xét quyết định số tiền cho doanh nghiệp vay bắt buộc theo hình thức bình thường. Ngân hàng thương mại quy định thời hạn cho vay theo chu kỳ sản xuất, khả năng tiêu thụ hàng hoá... và làm thủ tục cầm cố, thế chấp (trong trường hợp chưa có hoặc chưa có đủ hồ sơ hợp lệ và tài sản làm đảm bảo) để có thể thu hồi hết nợ vay.
c. Các nguyên nhân khách quan dẫn đến hàng hoá nhập khẩu bị thất thoát phải được các cơ quan chức năng xác nhận (tuỳ theo tính chất và nguyên nhân tổn thất hàng hoá, Doanh nghiệp có văn bản báo cáo để cơ quan chức năng xác nhận). Đồng thời Doanh nghiệp giải trình cụ thể từng trường hợp với Ngân hàng bảo lãnh và các cơ quan liên quan như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính để có phương án xử lý hàng hoá bị thất thoát trình Thủ tướng Chính phủ.
d. Đối với Doanh nghiệp nhập khẩu trả chậm những mặt hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, nếu do biến động tỷ giá nên phát sinh lỗ, việc kê khai để xin bù lỗ, doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính.
6. Trường hợp Doanh nghiệp đã sử dụng vốn nhập hàng trả chậm không đúng mục đích: Doanh nghiệp có trách nhiệm thu hồi vốn hoàn trả Ngân hàng bảo lãnh số tiền Ngân hàng đã thanh toán thay cho Doanh nghiệp. Đồng thời, Doanh nghiệp phải nhận nợ vay Ngân hàng với lãi suất nợ quá hạn. Ngân hàng bảo lãnh chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm kê, đánh giá hàng hoá nhập khẩu, tài sản thế chấp và các tài sản khác liên quan để làm thủ tục xiết nợ, phát mại tài sản theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ.
Trường hợp hàng hoá bị thất thoát do biển thủ, tham ô thì Ngân hàng bảo lãnh có quyền đề nghị Cơ quan Pháp luật truy tố.
7. Trách nhiệm của Tổ chức hay cá nhân bảo lãnh cho Doanh nghiệp mở thư tín dụng hoặc bảo lãnh cho Doanh nghiệp mua lại hàng hoá của Doanh nghiệp nhập khẩu được quy định như sau:
a. Trường hợp doanh nghiệp được tổ chức, cá nhân bảo lãnh để mở thư tín dụng trả chậm, nếu doanh nghiệp chưa có hoặc chưa có đủ khả năng thanh toán, thì tổ chức, cá nhân bảo lãnh phải thanh toán thay Doanh nghiệp để Ngân hàng thanh toán cho nước ngoài đúng hạn. Trường hợp Tổ chức hay cá nhân bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Ngân hàng thì Ngân hàng được phát mại tài sản theo quy định của Pháp luật.
b. Trường hợp tổ chức, cá nhân đứng ra bảo lãnh để doanh nghiệp mua lại hàng hoá của doanh nghiệp nhập khẩu, Doanh nghiệp nhập khẩu có trách nhiệm thanh toán cho ngân hàng. Nếu doanh nghiệp mua lại hàng hoá chưa có hoặc chưa có đủ khả năng thanh toán cho Doanh nghiệp nhập khẩu thì tổ chức, cá nhân đứng ra bảo lãnh cho Doanh nghiệp mua lại hàng hoá phải thực hiện thanh toán thay Doanh nghiệp mua hàng nhập khẩu. Trường hợp Tổ chức, cá nhân bảo lãnh không hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với doanh nghiệp nhập khẩu thì thực hiện theo các quy định của pháp luật.
8. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Thống đốc; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; các Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương; các Tổng Giám đốc, Giám đốc Ngân hàng Thương mại; Ngân hàng Đầu tư và phát triển chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
01 | Văn bản được hướng dẫn |
Cơ quan ban hành: | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Số hiệu: | 07/1997/TT-NHNN7 |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 04/12/1997 |
Hiệu lực: | 19/12/1997 |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Lê Đức Thuý |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!