Cơ quan ban hành: | Bộ Tài chính | Số công báo: | 117-118 |
Số hiệu: | 22/VBHN-BTC | Ngày đăng công báo: | 20/01/2014 |
Loại văn bản: | Văn bản hợp nhất | Người ký: | Trần Xuân Hà |
Ngày ban hành: | 30/12/2013 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Đang cập nhật | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng |
BỘ TÀI CHÍNH Số: 22/VBHN-BTC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2013 |
THÔNG TƯ1
HƯỚNG DẪN VIỆC CẤP BỔ SUNG VỐN ĐIỀU LỆ CHO CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI NHÀ NƯỚC
Thông tư số 100/2002/TT-BTC ngày 04 tháng 11 năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước, có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 31/2011/TT-BTC ngày 07 tháng 3 năm 2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 100/2002/TT-BTC ngày 04 tháng 11 năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2011.
Căn cứ Quyết định số 453/QĐ-TTg ngày 14/6/2002 về việc phát hành trái phiếu của Chính phủ để cấp bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng thương mại Nhà nước giai đoạn 2002 - 2004 và Công văn số 36/CP-KTTH ngày 15/7/2002 của Chính phủ về kế hoạch cấp bổ sung vốn điều lệ cho các Ngân hàng thương mại Nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung như sau:2
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Các Ngân hàng thương mại Nhà nước (sau đây được viết tắt là NHTMNN) được cấp bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2002 - 2004 theo Công văn số 36/CP-KTTH ngày 15/7/2002 của Chính phủ, bao gồm: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long.
2. Nguồn cấp bổ sung vốn điều lệ được thực hiện theo quy định tại điểm 1.b Công văn số 36/CP-KTTH ngày 15/7/2002 của Chính phủ về kế hoạch cấp bổ sung vốn điều lệ cho các NHTMNN.
3. Trái phiếu đặc biệt là trái phiếu Chính phủ được phát hành bằng đồng Việt Nam theo phương thức chứng từ ghi sổ để cấp bổ sung vốn điều lệ cho các NHTMNN theo Quyết định số 453/QĐ-TTg ngày 14/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Trái phiếu đặc biệt các NHTMNN nắm giữ được coi như một khoản tài sản của mình và được phép sử dụng để cầm cố trong quan hệ tín dụng với Ngân hàng Nhà nước.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Điều kiện để được cấp bổ sung vốn điều lệ
Để được cấp bổ sung vốn điều lệ theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các NHTMNN phải đảm bảo các điều kiện sau:
1.1. Thực hiện đúng lộ trình xử lý nợ tồn đọng theo đề án đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
1.2. Triển khai thực hiện đúng tiến độ Đề án cơ cấu lại ở từng NHTMNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
1.3. Tỷ lệ nợ quá hạn tại thời điểm báo cáo của các khoản nợ phát sinh từ 01/01/2002 phải thấp hơn 5%.
1.4. Đến cuối tháng 6/2002 xử lý triệt để các tồn tại rút ra từ đợt kiểm toán năm 2000; Đến cuối tháng 12/2002 hoàn tất kiểm toán độc lập cho năm 2001 và xử lý triệt để các tồn tại rút ra từ kiểm toán 2001; Đến cuối tháng 12/2003 hoàn tất kiểm toán độc lập cho năm 2002 và xử lý triệt để các tồn tại rút ra từ kiểm toán 2002.
1.5. Định kỳ hàng quý (trước ngày 10 của tháng đầu quý sau), các ngân hàng phải gửi báo cáo bằng văn bản đánh giá tiến độ thực hiện các nội dung nêu từ điểm 1.1 đến 1.4 cho Ban chỉ đạo cơ cấu lại tài chính Ngân hàng thương mại, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
1.6. Trong trường hợp các NHTMNN không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện quy định từ điểm 1.1 đến 1.5 nêu trên, việc cấp vốn điều lệ bổ sung sẽ bị đình lại cho đến khi tất cả các điều kiện được hoàn tất đầy đủ.
2. Cấp bổ sung vốn điều lệ
2.1. Trên cơ sở báo cáo của NHTMNN về việc thực hiện các điều kiện để được cấp bổ sung vốn điều lệ, sau khi phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và đầu tư tiến hành thẩm định, Bộ Tài chính sẽ ra Quyết định cấp bổ sung vốn điều lệ cho các NHTMNN đáp ứng đủ điều kiện quy định.
2.2. Trường hợp cấp bổ sung vốn điều lệ bằng nguồn trái phiếu Chính phủ Kho bạc Nhà nước Trung ương căn cứ vào Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính phát hành trái phiếu đặc biệt theo phương thức chứng từ ghi sổ.
Chứng từ ghi sổ được lập thành 2 liên: liên 1 lưu tại Kho bạc Nhà nước Trung ương, liên 2 giao cho Ngân hàng được cấp bổ sung vốn điều lệ.
3. Các quy định về quản lý trái phiếu đặc biệt
3.1. Trong 5 năm đầu tiên, các NHTMNN không được chuyển nhượng trái phiếu đặc biệt. Sau thời hạn này, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xem xét lại quy định này và đề xuất ý kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3.2. Các giao dịch cầm cố trái phiếu đặc biệt chỉ được thực hiện giữa NHTMNN với Ngân hàng Nhà nước. Các NHTMNN sử dụng liên 2 chứng từ ghi sổ theo dõi trái phiếu để cầm cố trong quan hệ tín dụng với Ngân hàng Nhà nước.
3.3. Thủ tục, khối lượng cầm cố trái phiếu đặc biệt được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước phù hợp với điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.
3.4. Định kỳ hàng tháng (trước ngày 10 tháng sau) các NHTMNN gửi báo cáo cho Bộ Tài chính về các giao dịch cầm cố trái phiếu đặc biệt trong tháng.
4. Thanh toán và hạch toán vốn điều lệ được cấp bổ sung
4.1. Khi được cấp bổ sung vốn điều lệ các NHTMNN hạch toán tăng vốn điều lệ và theo dõi ở một tiểu khoản riêng.
4.2. Lãi trái phiếu đặc biệt được ngân sách nhà nước thanh toán một năm một lần vào ngày trái phiếu đặc biệt được phát hành tại Kho bạc nhà nước Trung ương.
Lần thanh toán đầu tiên sau 1 năm kể từ ngày phát hành trái phiếu đặc biệt.
4.3.3 Ngân hàng thương mại nhà nước sử dụng tiền lãi trái phiếu đặc biệt thu được để tăng vốn điều lệ và được hạch toán, theo dõi ở một tiểu khoản riêng.
- Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần thì tiền lãi trái phiếu đặc biệt thu được, được hạch toán thu nhập của ngân hàng kể từ thời điểm chính thức chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN4
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, xem xét, giải quyết./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
1 Văn bản này được hợp nhất từ 2 Thông tư sau:
- Thông tư số 100/2002/TT-BTC ngày 04 tháng 11 năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước, có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký;
- Thông tư số 31/2011/TT-BTC ngày 07 tháng 3 năm 2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 100/2002/TT-BTC ngày 04 tháng 11 năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2011.
Văn bản hợp nhất này không thay thế 2 Thông tư nêu trên.
2 Thông tư số 31/2011/TT-BTC ngày 07 tháng 3 năm 2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 100/2002/TT-BTC ngày 04 tháng 11 năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2013, có căn cứ ban hành như sau:
“- Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
- Căn cứ Quyết định số 453/QĐ-TTg ngày 14/6/2002 về việc phát hành trái phiếu của Chính phủ để cấp bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng thương mại Nhà nước giai đoạn 2002 - 2004 và Công văn số 36/CP-KTTH ngày 15/7/2002 của Chính phủ về kế hoạch cấp bổ sung vốn điều lệ cho các Ngân hàng thương mại Nhà nước;
- Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 477/VPCP-KTTH ngày 24/01/2011 của Văn phòng Chính phủ về việc sửa đổi Thông tư số 100/2002/TT-BTC về trái phiếu đặc biệt;
Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi một số nội dung tại Thông tư số 100/2002/TT-BTC ngày 04/11/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho các Ngân hàng thương mại Nhà nước như sau:”
3 Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 31/2011/ TT-BTC, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2011.
4 Điều 2 của Thông tư số 31/2011/TT-BTC, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2011 quy định như sau:
“1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2011.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.”
01 | Văn bản được hợp nhất (sửa đổi) |
02 | Văn bản được hợp nhất |
Văn hợp nhất