ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ------------------ Số: 4072/UBND-QHXDGT V/v: đảm bảo công tác cấp nước sạch mùa hè và thoát nước đô thị mùa mưa năm 2012 trên địa bàn Thành phố. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------ Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 2012 |
Kính gửi: | - Các Sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên - Môi trường; - Công an Thành phố; - UBND các quận, huyện, thị xã; - Tổng Công ty Điện lực Hà Nội; - Các Công ty: Thoát nước Hà Nội, Nước sạch Hà Nội; - Công ty Nước sạch Hà Đông; - Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội; - Công ty CP ĐT XD và Kinh doanh nước sạch (VITWACO); - Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây; - Các Công ty: Môi trường đô thị Hà Đông, Sơn Tây. |
Theo dự báo, tình hình mưa bão, nắng nóng năm 2012 có thể sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Để chủ động thực hiện tốt công tác cấp nước sạch ổn định, đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân Thủ đô trong mùa hè và đảm bảo công tác thoát nước đô thị mùa mưa năm 2012, UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện một số nhiệm vụ sau:
I. VỀ CÔNG TÁC CẤP NƯỚC SẠCH MÙA HÈ:
1. Sở Xây dựng:
- Tiếp tục triển khai Kế hoạch cấp nước hè năm 2012, có các giải pháp cụ thể để đảm bảo cung cấp nước sạch ổn định, đảm bảo chất lượng. Chỉ đạo rà soát, kiểm tra, có phương án cấp nước ổn định đối với các khu vực mạng thường xảy ra không đảm bảo áp lực, bị thiếu nước sạch sinh hoạt. Tổ chức tiếp nhận thông tin và kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương để bố trí các xe téc phục vụ cho các điểm dân cư thiếu nước sạch, khi xảy ra sự cố về đường ống, nguồn cấp nước với thời gian ngắn nhất.
- Tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sử dụng tiết kiệm nước sạch. Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng nước sạch để làm dịch vụ rửa xe, đục phá đường ống cấp nước, làm thất thu, thất thoát nước sạch.
- Chủ trì cùng Sở Y tế, Viện vệ sinh dịch tễ Hà Nội, các đơn vị cấp nước định kỳ lấy mẫu phân tích chất lượng nước thô, nước sạch, có các giải pháp để đảm bảo chất lượng nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
- Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo, phát triển mạng cấp nước theo kế hoạch. Kiểm tra đảm bảo hoạt động của hệ thống các trụ cấp nước và bể cấp nước cứu hỏa trên toàn mạng lưới.
- Thực hiện giao ban định kỳ hàng tuần với các đơn vị chuyên ngành cấp nước, đơn vị có liên quan về tình hình sản xuất, cung cấp nước sạch, nhu cầu nước sạch của nhân dân các khu vực, địa bàn quản lý để có giải pháp đảm bảo cung cấp ổn định.
2. Các công ty: Nước sạch Hà Nội, Nước sạch Hà Đông, VIWACO, Cấp nước Sơn Tây:
- Xây dựng và triển khai kế hoạch cung cấp nước sạch theo nhiệm vụ được giao, đảm bảo cung cấp nước ổn định, đảm bảo chất lượng, không để xảy ra thiếu nước cục bộ.
- Có phương án đảm bảo công suất, áp lực của hệ thống đường ống cấp nước, kịp thời điều chỉnh khi xảy ra sự cố; Phối hợp giữa các công ty, đơn vị cấp nước để có phương án đấu nối, bổ sung, hỗ trợ khi có sự cố xảy ra, đảm bảo ổn định nguồn cấp nước.
- Xây dựng các phương án cung cấp nước sạch bằng xe téc đối với khu vực có khó khăn về nguồn cấp, khu vực bị sự cố. Đảm bảo đủ phương tiện chở nước sẵn sàng phục vụ cấp nước cho các khu vực có khó khăn theo yêu cầu của Sở Xây dựng, UBND Thành phố.
- Đảm bảo an toàn, an ninh cho các nhà máy xử lý nước, giếng, công trình thu nước và thực hiện việc kiểm nghiệm chất lượng nước theo quy định.
- Phối hợp với Thanh tra Xây dựng, Thanh tra Giao thông vận tải để kiểm tra, xử lý các trường hợp đục phá đường ống cấp nước, làm rò rỉ, thất thoát nước sạch.
- Phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Điện lực Hà Nội để đảm bảo việc cấp điện liên tục cho các nhà máy sản xuất nước sạch; khắc phục kịp thời khi xảy ra các sự cố về điện.
3. Sở Giao thông vận tải: Chỉ đạo phối hợp kịp thời với các đơn vị cung cấp nước sạch trong việc cấp phép đào hè, đường để sửa chữa đường ống, khắc phục sự cố, đảm bảo cấp nước sạch ổn định.
4. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội: Có trách nhiệm đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các đơn vị sản xuất, cung cấp nước sạch; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sản xuất, cung cấp nước sạch để chủ động, sớm thông báo đến nhân dân khi phải tạm ngừng cung cấp điện và kịp thời khắc phục sự cố về cung cấp điện trong thời gian ngắn nhất.
5. Sở Tài nguyên-Môi trường: Thường xuyên kiểm nghiệm chất lượng nguồn nước; phát hiện và có giải pháp kịp thời ngăn chặn những ô nhiễm về môi trường có ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước trên địa bàn Thành phố.
6. UBND các quận, huyện, thị xã:
- Chỉ đạo các phường, xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước sạch; Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi đục phá đường ống cấp nước, sử dụng nước lãng phí, làm thất thoát nước sạch, kịp thời báo cáo cho các đơn vị quản lý chuyên ngành trên địa bàn để xử lý.
II. VỀ CÔNG TÁC THOÁT NƯỚC ĐÔ THỊ MÙA MƯA:
1. Sở Xây dựng:
- Tiếp tục triển khai các nội dung của Kế hoạch thoát nước mùa mưa 2012 trên địa bàn Thành phố với các giải pháp cụ thể, phân công thực hiện đến các đơn vị chuyên ngành thoát nước. Chủ động phối hợp với các ngành Giao thông vận tải, Công an Thành phố để hướng dẫn, có giải pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản khi mưa úng xảy ra.
- Xây dựng các phương án thoát nước khi có xảy ra mưa lớn, phương án thoát nước cục bộ đối với một số khu vực bị úng ngập khi có mưa, bão xảy ra. Chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành thường xuyên kiểm tra, dọn dẹp, nạo vét hệ thống tiêu thoát nước tại các khu vực có nguy cơ ngập úng khi mưa lớn và tăng cường nạo vét cống, mương, sông thoát nước, kịp thời điều chỉnh mực nước các hồ điều hòa theo quy định. Kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành đảm bảo an toàn Trạm bơm Yên Sở, các trạm bơm tiêu thoát nước, bảo đảm sẵn sàng vận hành và hoạt động với 100% công suất.
- Đôn đốc các dự án liên quan đến xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước khẩn trương hoàn thành đưa vào sử dụng. Phối hợp với các chủ đầu tư các dự án cống hóa mương, sông để phân dòng đảm bảo yêu cầu tiêu thoát nhanh nhất. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Xây dựng kiểm tra, giải tỏa các điểm lấn chiếm sông, mương thoát nước, cản trở dòng chảy, tháo dỡ các đăng, đó tại các cửa, miệng xả.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng phương án kết hợp giữa tiêu thoát nước đô thị và tiêu thoát nước nông nghiệp, đảm bảo tiêu thoát nhanh khu vực đô thị khi có mưa úng và hiệu quả hoạt động của các trạm bơm, kênh mương tiêu thoát nước nông nghiệp.
- Chủ trì làm việc với Công ty Điện lực Hà Nội để có phương án đảm bảo cung cấp điện cho Trạm bơm Yên Sở, các trạm bơm cục bộ, các trạm bơm tiêu, đập Thanh Liệt và các giải pháp cấp nguồn động lực dự phòng.
- Tổ chức họp giao ban hàng tuần về công tác triển khai Kế hoạch thoát nước với các đơn vị chuyên ngành; Kiểm tra và giao ban hàng tháng với các sở, ngành, quận, huyện liên quan, các đơn vị quản lý chuyên ngành để kiểm điểm tình hình thực hiện Kế hoạch thoát nước, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện.
2. Công ty Thoát nước Hà Nội, các Công ty MTĐT Hà Đông, Sơn Tây:
- Chủ động kiểm tra hệ thống thiết bị, điện lực, hệ thống mương vào, ra, cống qua đê để đảm bảo hoạt động an toàn của hệ thống, các trạm bơm đầu mối (đặc biệt là Trạm bơm đầu mối Yên Sở) và vận hành các trạm bơm tiêu úng khác.
- Triển khai kế hoạch nạo vét hệ thống cống, mương, sông thoát nước, giải tỏa những vướng mắc, thu dọn rác thải, chất thải trên các sông, mương tiêu thoát nước, đảm bảo thông thoát dòng chảy.
- Tổ chức kiểm tra, duy trì mực nước các hồ điều hòa và phối hợp với các đơn vị quản lý thủy nông quản lý hồ để thống nhất mực nước hồ, kênh tiêu trong khu vực trong điều kiện mưa lũ.
- Xây dựng phương án tiêu thoát nước kịp thời, chủ động, hiệu quả trong trường hợp xảy ra mưa úng, lũ lụt quy mô lớn, trên diện rộng.
- Bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị thường trực kiểm tra, theo dõi tình hình mưa bão, lũ lụt để thực hiện các biện pháp phòng ngừa và xử lý tiêu thoát theo kế hoạch và qui định.
- Thường xuyên kiểm tra, bổ sung các hố ga, rãnh thoát bị mất nắp và đặt các biển cảnh báo tại các điểm, khu vực bị ngập úng khi có mưa bão, các khu vực mương, sông thoát nước, cửa cống, cửa xả và có các giải pháp cụ thể để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện đi lại. Xây dựng phương án, bố trí lực lượng, trang thiết bị, phương tiện sẵn sàng thực hiện các biện pháp tổ chức tiêu thoát nước hiệu quả đối với các khu dân cư, đường giao thông bị ngập úng khi xảy ra mưa bão.
3. Sở Giao thông vận tải:
- Chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an Thành phố xây dựng phương án phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các điểm, các khu vực, tuyến đường giao thông bị úng ngập khi có mưa, bão, lũ xảy ra.
- Có phương án bố trí, huy động phương tiện để hỗ trợ, phục vụ yêu cầu bức thiết của nhân dân về giao thông tại các điểm úng ngập, các tuyến đường quan trọng khi có mưa bão, úng ngập lớn xảy ra.
- Chỉ đạo các đơn vị quản lý giao thông tăng cường công tác kiểm tra thoát nước mặt đường, có kế hoạch kịp thời khắc phục mặt đường sau úng ngập trên địa bàn quản lý.
4. Công an Thành phố: Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước Hà Nội, Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội xây dựng phương án cụ thể về phân luồng giao thông khi xảy ra úng ngập cục bộ, cây xanh, cột điện gãy, đổ và bảo vệ tài sản của nhân dân khi có mưa bão, úng ngập xảy ra.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng để có phương án, quy trình, quy chế phối hợp cụ thể trong việc vận hành các trạm bơm, đập, cửa cống phục vụ tiêu thoát nước đô thị khi mưa bão, úng ngập. Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý, đơn vị thủy nông các tỉnh bạn thuộc lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy để đảm bảo việc tiêu thoát nước khi có mưa lớn bất thường xảy ra.
6. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội:
- Kiểm tra, bảo dưỡng các trạm biến áp, thiết bị, đường dây, cáp cấp điện tới các trạm bơm, cống tiêu thoát nước, bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, kịp thời.
- Phối hợp với Sở Xây dựng, các đơn vị thoát nước đảm bảo cung cấp đủ, ổn định nguồn điện cho trạm bơm Yên Sở, đập Thanh Liệt, các trạm bơm tiêu, trạm bơm thoát nước cục bộ.
7. UBND các quận, huyện, thị xã:
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng, các đơn vị chuyên ngành thoát nước kiểm tra, xử lý vi phạm lấn chiếm sông mương, làm cản trở dòng chảy và phối hợp thực hiện các giải pháp giải quyết úng ngập trên địa bàn.
- Có phương án cụ thể đảm bảo trật tự trị an, ứng cứu trên địa bàn khi có úng ngập xảy ra. UBND quận Hoàng Mai phối hợp với Công ty Thoát nước Hà Nội có phương án PCLB đảm bảo an toàn khu công trình đầu mối Yên Sở.
8. Công ty Công viên Cây xanh và các đơn vị chuyên ngành công viên, cây xanh: Cắt tỉa cành cây, chặt hạ những cây sâu mục, không để xảy ra sự cố khi mưa bão. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện và phối hợp với các đơn vị liên quan để thu dọn kịp thời những cây đổ, cành gãy trong mưa bão.
9. Các đơn vị chuyên ngành: điện lực, bưu điện, viễn thông: Tăng cường kiểm tra, thay thế, bổ sung các nắp ga, nắp bể, cống của hệ thống công trình ngầm do đơn vị quản lý bị hư hỏng, mất; có giải pháp an toàn đối với người, phương tiện và đường dây, cáp khi có mưa xảy ra.
Nơi nhận: - Như trên; - Đ/c Bí thư Thành ủy; (để b/cáo) - TT Thành ủy, TT HĐND TP; (để b/cáo) - Đ/c Chủ tịch UBND TP; (để b/cáo) - Các đ/c PCT UBND TP; - Ban Tuyên giáo TU; - Các Ban HĐND TP; - Bưu điện HN, Viễn thông HN; - ĐPTTHHN, các báo HNM, KTĐT, ANTĐ; PXHN; - VPUB: CPVP, TH, QHXDGT, NN; - Lưu VT, GTtháng (80). | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Nguyễn Văn Khôi |