hieuluat

Quyết định 1612/QĐ-TTg ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:919&920-12/2019
    Số hiệu:1612/QĐ-TTgNgày đăng công báo:01/12/2019
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Trịnh Đình Dũng
    Ngày ban hành:13/11/2019Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:01/12/2019Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Tài nguyên-Môi trường, Nông nghiệp-Lâm nghiệp
  • THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

    -------------

    Số: 1612/QĐ-TTg

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    ---------------

    Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2019

    QUYẾT ĐỊNH

    Ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk

    ----------

    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

    Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

    Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

    Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;

    Căn cứ Luật Khí tuợng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;

    Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

    Xét đề nghị của Bộ truởng Bộ Tài nguyên và Môi truờng,

    QUYẾT ĐỊNH:

    Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vục sông Srêpôk, bao gồm các hồ: Krông Nô 2, Krông Nô 3, Buôn Tua Srah, Chu Pông Krông, Krông Búk hạ, Ea Rớt, Buôn Kuốp, Hòa Phú, Đrây H’Linh, Srêpôk 3, Srêpôk 4 và Nhà máy thủy điện Srêpôk 4A.

    Điều 2. Điều khoản thi hành

    1. Quyết định này có hiệu lục thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2019 và thay thế Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vục sông Srêpôk.

    2. Các Quy trình vận hành của các hồ chứa quy định tại Điều 1 của Quyết định này đã ban hành trước ngày Quyết định này có hiệu lực mà không phù hợp với quy định của Quy trình này thì phải đuợc sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy trình vận hành liên hồ chứa ban hành kèm theo Quyết định này.

    Điều 3. Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; các Bộ trưởng: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải; Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng; Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn; Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Thủ trưởng các đơn vị quản lý, vận hành hộ và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

    Nơi nhận:

    - Thủ tướng, các Phó Thú tướng Chính phủ;

    - Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống thiên tai;

    - Ủy ban QG ứng phó sự cố thiên tai và TKCN;

    - Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng Giao thông vận tải;

    - UBND, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng;

    - Tổng cục Phòng chống thiên tai;

    - Tổng cục Khí tượng thủy văn;

    - Cục Quản lý tài nguyên nước;

    - Tập đoàn Điện lực Việt Nam;

    - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn QG;

    - Đài KTTV khu vực Tây Nguyên;

    - Các đơn vị quản lý, vận hành hồ;

    - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,

    các Vụ: CN, NC, Công báo;

    - Lưu: VT, NN (2).

    KT. THỦ TƯỚNG

    PHÓ THỦ TƯỚNG

    Trịnh Đình Dũng

     
     
     

    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

    ------------

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    ---------------

    QUY TRÌNH

    Vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk

    (Ban hành kèm theo Quyết định số 1612/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2019

    của Thủ tướng Chính phủ)

    ---------

    Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

    Điều 1. Hàng năm, các hồ: Krông Nô 2, Krông Nô 3, Buôn Tua Srah, Chư Pông Krông, Krông Búk hạ, Ea Rớt, Buôn Kuốp, Hòa Phú, Đrây H’Linh, Srêpôk 3, Srêpôk 4 và Nhà máy thủy điện Srêpôk 4A trên lưu vực sông Srêpôk phải vận hành theo nguyên tắc và thứ tự ưu tiên như sau:

    1. Vận hành trong mùa lũ:

    a) Đảm bảo an toàn công trình:

    - Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình: Krông Búk hạ, Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpôk 3, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 năm;

    - Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình Srêpôk 4, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ gia cường với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 năm;

    - Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình: Ea Rớt, Krông Nô 2 và Krông Nô 3, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 500 năm;

    - Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình: Chư Pông Krông, Hòa Phú và Đrây H’Linh, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 200 năm.

    b) Góp phần giảm lũ cho hạ du và không gây biến động dòng chảy đột ngột vùng biên giới Việt Nam và Campuchia;

    c) Đảm bảo hiệu quả cấp nước, phát điện và dòng chảy tối thiểu trên sông.

    2. Vận hành trong mùa cạn:

    a) Đảm bảo an toàn công trình;

    b) Đảm bảo nhu cầu sử dụng nước ở hạ du và dòng chảy tối thiểu trên sông;

    c) Đảm bảo hiệu quả cấp nước và phát điện.

    Điều 2. Thời gian vận hành mùa lũ, mùa cạn trong Quy trình này được quy định như sau:

    1. Thời gian vận hành mùa lũ (sau đây gọi tắt là mùa lũ): từ ngày 01 tháng 8 đến ngày 30 tháng 11.

    2. Thời gian vận hành mùa cạn (sau đây gọi tắt là mùa cạn): từ ngày 01 tháng 12 đến ngày 31 tháng 7 năm sau.

    Điều 3. Việc vận hành các công trình xả của các hồ chứa phải tuân thủ trình tự, phương thức đóng, mở cửa van theo đúng quy trình vận hành công trình xả đã được ban hành, nhằm đảm bảo ổn định cho hệ thống công trình đầu mối; bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân và các hoạt động có liên quan đến vận hành xả nước ở khu vực hạ lưu của hồ chứa.

    Điều 4. Các thông số kỹ thuật cơ bản của các hồ chứa

    Các thông số kỹ thuật cơ bản của các hồ chứa theo Phụ lục I của Quy trình này.

    Chương II. VẬN HÀNH CÁC HỒ CHỨA TRONG MÙA LŨ

    Điều 5. Nguyên tắc vận hành các hồ giảm lũ cho hạ du

    1. Việc thực hiện chế độ vận hành bảo đảm an toàn công trình được thực hiện theo quy trình vận hành của hồ đã được cấp có thẩm quyền ban hành, trừ các trường hợp bất thường quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 của Quy trình này hoặc các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ hoặc Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai quyết định.

    2. Việc vận hành giảm lũ cho hạ du phải bảo đảm không được gây đột biến dòng chảy, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du các hồ chứa; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

    3. Trong thời gian vận hành mùa lũ quy định tại khoản 1 Điều 2 của Quy trình này, khi chưa tham gia vận hành giảm lũ cho hạ du, mực nước các hồ chứa không được vượt quá mực nước cao nhất trước lũ quy định tại Bảng 1 của Quy trình này.

    4. Trong quá trình vận hành phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình thời tiết, mưa, lũ; mực nước tại các trạm thủy văn; mực nước, lưu lượng đến hồ và các bản tin dự báo tiếp theo để vận hành, điều tiết hồ cho phù hợp với tình hình thực tế.

    5. Khi kết thúc quá trình giảm lũ cho hạ du, vận hành trong tình huống bất thường hoặc vận hành bảo đảm an toàn công trình phải đưa dần mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ quy định tại Bảng 1 của Quy trình này.

    Điều 6. Quy định mực nước vận hành hồ trong mùa lũ

    1. Mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên sông tại các Trạm thủy văn Đức Xuyên, Bản Đôn và Giang Sơn thực hiện theo quy định về cấp báo động lũ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

    2. Mực nước cao nhất trước lũ của các hồ trong mùa lũ được quy định tại Bảng 1. Đối với các hồ chứa khác không quy định tại Bảng 1 thì mực nước cao nhất trước lũ của các hồ trong mùa lũ không được vượt quá mực nước dâng bình thường.

    Bảng 1. Mực nước cao nhất trước lũ của các hồ trong mùa lũ

    Hồ

    Mực nước hồ (m)

    Từ 01 tháng 8 đến 31 tháng 8

    Từ 01 tháng 9 đến 30 tháng 9

    Từ 01 tháng 10 đến 19 tháng 10

    Từ 20 tháng 10 đến 30 tháng 11

    Buôn Tua Srah

    486,5

    486,5

    486,5

    487,0 - 487,5

    Srêpôk 3

    270,5

    270,5

    270,5

    271,0-272,0

    Krông Búk hạ

    476,5

    480,0

    482,2

    482,5 - 483,0

    3. Mực nước đón lũ thấp nhất của các hồ khi tham gia giảm lũ cho hạ du được quy định tại Bảng 2.

    Bảng 2. Mực nước đón lũ thấp nhất của các hồ

    Hồ

    Mực nước hồ (m)

    Từ 01 tháng 8 đến 31 tháng 8

    Từ 01 tháng 9 đến 30 tháng 9

    Từ 01 tháng 10 đến 19 tháng 10

    Từ 20 tháng 10 đến 30 tháng 11

    Buôn Tua Srah

    485,5

    485,5

    485,5

    487,0

    Srêpôk 3

    269,5

    269,5

    269,5

    271,0

    Krông Búk hạ

    475,5

    479,0

    481,2

    482,5

    4. Mực nước tại các trạm thủy văn để quyết định các hồ vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du.

    Mực nước để quyết định vận hành các hồ cắt, giảm lũ cho hạ du đối với các Trạm Thủy văn Đức Xuyên, Bản Đôn và Giang Sơn là giá trị nằm giữa (trung bình cộng) của mực nước tương ứng với cấp báo động II và báo động III của từng trạm.

    Điều 7. Các chế độ vận hành hồ và thẩm quyền chỉ đạo, quyết định vận hành hồ trong mùa lũ

    1. Việc vận hành các hồ trong thời gian mùa lũ quy định tại Điều 2 của Quy trình này bao gồm các chế độ vận hành sau đây:

    a) Vận hành giảm lũ cho hạ du:

    - Đối với các hồ có quy định mực nước cao nhất trước lũ tại Bảng 1 và mực nước đón lũ thấp nhất tại Bảng 2 được quy định cụ thể tại Điều 8, Điều 9 và Điều 10 của Quy trình này bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các chế độ vận hành như sau:

    + Vận hành hạ thấp mực nước hồ: là quá trình vận hành điều tiết xả nước với tổng lưu lượng xả lớn hơn lưu lượng đến hồ nhằm hạ dần mực nước hồ về mực nước đón lũ thấp nhất hoặc về mực nước cao nhất trước lũ theo quy định để tạo thêm dung tích phòng lũ. Căn cứ vào mực nước hồ, lưu lượng đến hồ và mực nước tại trạm thủy văn, người có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này quyết định cụ thể về thời gian xả, lưu lượng xả phù hợp để hạ dần mực nước hồ, tạo thêm dung tích phòng lũ;

    + Vận hành duy trì mực nước hồ: là quá trình vận hành điều tiết xả nước với tổng lưu lượng xả tương đương với lưu lượng đến hồ (sai số cho phép +/-10%) nhằm duy trì mực nước hồ;

    + Vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du: là quá trình vận hành điều tiết với tổng lưu lượng xả nhỏ hơn lưu lượng đến hồ để tích nước vào hồ nhằm cắt, giảm lũ cho hạ du, nhưng phải đảm bảo mực nước hồ không vượt quá mực nước dâng bình thường.

    Ngoài ra, việc vận hành giảm lũ cho hạ du còn bao gồm cả chế độ vận hành điều tiết mực nước hồ để bảo đảm mực nước hồ không vượt quá mực nước đón lũ thấp nhất đối với trường hợp mực nước hồ thấp hơn so với mực nước đón lũ theo quy định.

    - Đối với các hồ chứa khác, việc phối hợp vận hành giảm lũ cho hạ du được quy định cụ thể tại Điều 11 của Quy trình này.

    b) Vận hành bảo đảm an toàn công trình: là quá trình vận hành điều tiết xả nước của hồ để bảo đảm an toàn công trình khi mực nước hồ đạt mực nước dâng bình thường mà lưu lượng đến hồ vẫn tiếp tục tăng và được quy định cụ thể tại Điều 12 của Quy trình này;

    c) Vận hành tích nước cuối mùa lũ: là quá trình vận hành với tổng lưu lượng xả nhỏ hơn lưu lượng đến hồ nhằm tích nước vào hồ và được quy định cụ thể tại Điều 13 của Quy trình này;

    d) Vận hành trong tình huống bất thường: là quá trình điều chỉnh chế độ vận hành hồ để xử lý các tình huống cụ thể được quy định tại điểm c khoản 2 Điều này và được quy định tại Điều 15 của Quy trình này;

    đ) Vận hành trong điều kiện bình thường: là chế độ vận hành khác với quy định tại điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản này để điều tiết, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước ở hạ du, dòng chảy tối thiểu trên sông gắn với nhiệm vụ phát điện và được quy định cụ thể tại Điều 14 của Quy trình này.

    2. Điều kiện thực hiện các chế độ vận hành hồ quy định tại khoản 1 Điều này được quy định như sau:

    a) Các hồ phải thực hiện chế độ vận hành giảm lũ cho hạ du quy định tại điểm a khoản 1 Điều này khi xuất hiện tình huống sau:

    Khi Tổng cục Khí tượng Thủy văn cảnh báo hoặc dự báo có bão khẩn cấp, áp thấp nhiệt đới gần bờ hoặc có các hình thế thời tiết khác có khả năng gây mưa, lũ mà trong vòng 24 đến 48 giờ tới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương hoặc gây ngập, lụt ở hạ du trên lưu vực sông Srêpôk (sau đây gọi tắt là dự báo có mưa, lũ). Trường hợp không có dự báo có mưa, lũ mà lưu lượng về hồ vượt 650 m3/s đối với hồ Buôn Tua Srah, 220 m3/s đối với hồ Krông Búk hạ, 1.200 m3/s đối với hồ Srêpôk 3 (sau đây gọi tắt là lũ đến hồ) thì phải thực hiện chế độ vận hành giảm lũ cho hạ du theo quy định.

    Việc thực hiện chế độ vận hành giảm lũ cho hạ du phải được thực hiện kể từ khi xuất hiện tình huống quy định tại điểm này cho đến khi mực nước hồ không vượt quá mực nước cao nhất trước lũ theo quy định của Quy trình này, đồng thời có bản tin kết thúc đợt mưa, lũ hoặc mực nước tại các trạm thủy văn đã xuống dưới mức báo động I, còn đang tiếp tục xuống và không có khả năng xuất hiện một đợt lũ mới;

    b) Các hồ phải thực hiện chế độ vận hành bảo đảm an toàn công trình kể từ khi mực nước hồ đã đạt đến mực nước dâng bình thường mà lũ đến hồ còn tiếp tục tăng và có khả năng ảnh hưởng đến an toàn công trình cho đến khi mực nước hồ đã giảm xuống dưới mực nước dâng bình thường và lũ đến hồ đã giảm;

    c) Các hồ phải chuyển sang chế độ vận hành trong tình huống bất thường nếu trong quá trình vận hành các hồ mà xuất hiện một trong các tình huống sau đây:

    - Tổng cục Khí tượng Thủy văn cảnh báo tiếp tục xuất hiện hoặc có nguy cơ xuất hiện đợt mưa, lũ lớn tiếp theo mà ở dưới hạ du đang bị ngập, lụt do lũ, ngập lụt với cấp độ rủi do thiên tai từ cấp độ 3 trở lên;

    - Mực nước của một trong các hồ Buôn Tua Srah, Srêpôk 3 và Krông Búk hạ đã đạt đến mực nước dâng bình thường mà mực nước tại một trong các trạm thủy văn quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy trình này vẫn trên báo động III;

    - Xuất hiện sự cố hoặc có nguy cơ đe dọa đến an toàn của hồ chứa, an toàn công trình thủy lợi, kết cấu hạ tầng ở hạ du;

    - Các tình huống bất thường khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk quyết định để đảm bảo an toàn cho hạ du.

    Việc thực hiện chế độ vận hành trong tình huống bất thường được thực hiện kể từ khi xuất hiện một trong các tình huống bất thường quy định tại điểm này cho đến khi các tình huống đó đã hết hoặc đã được khắc phục.

    d) Các hồ được thực hiện chế độ vận hành tích nước cuối mùa lũ, nếu từ sau ngày 20 tháng 10 mà không có bản tin cảnh báo hoặc dự báo quy định tại điểm a khoản này và Tổng cục Khí tượng Thủy văn dự báo trong 10 ngày tới ở các địa phương trên lưu vực sông Srêpôk không xuất hiện các hình thế thời tiết có thể gây mưa, lũ lớn trên lưu vực;

    đ) Ngoài thời gian thực hiện các chế độ vận hành quy định tại điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản này, các hồ thực hiện chế độ vận hành đảm bảo cấp nước và phát điện, kể cả việc vận hành điều tiết qua tràn để bảo đảm mực nước hồ không vượt quá mực nước cao nhất trước lũ (sau đây gọi tắt là chế độ vận hành bình thường).

    3. Trách nhiệm, thẩm quyền quyết định vận hành các hồ trong mùa lũ được quy định như sau:

    a) Đối với việc thực hiện chế độ vận hành giảm lũ cho hạ du, vận hành trong tình huống bất thường của các hồ thuộc Quy trình này do Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk (sau đây gọi tắt là người có thẩm quyền) quyết định, được quy định như sau:

    - Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk quyết định đối với việc thực hiện chế độ vận hành giảm lũ cho hạ du;

    - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk quyết định đối với việc thực hiện chế độ vận hành trong tình huống bất thường.

    b) Đối với việc thực hiện chế độ vận hành bảo đảm an toàn công trình, vận hành trong điều kiện bình thường và vận hành tích nước cuối mùa lũ do Giám đốc hoặc Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, vận hành hồ (sau đây gọi tắt là Chủ hồ) quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;

    c) Việc quyết định, chỉ đạo vận hành các hồ đối với các trường hợp quy định tại điểm a khoản này được thực hiện bằng một trong các hình thức sau: lệnh vận hành, chỉ đạo bằng điện thoại, tin nhắn, văn bản hoặc chỉ đạo trực tiếp bằng các hình thức phù hợp khác (sau đây gọi chung là lệnh vận hành). Trường hợp không chỉ đạo bằng văn bản thì Chủ hồ phải thông báo lại việc thực hiện bằng văn bản và lưu trữ để phục vụ việc kiểm tra, giám sát việc vận hành.

    Trường hợp xuất hiện các tình huống phải thực hiện chế độ vận hành giảm lũ cho hạ du hoặc phải chuyển sang chế độ vận hành trong tình huống bất thường theo quy định của Quy trình này mà Chủ hồ không nhận được quyết định, chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk thì Chủ hồ quyết định việc vận hành theo quy định của Quy trình này và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, đồng thời báo cáo ngay Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Lắk theo thẩm quyền quy định tại điểm a khoản này.

    Trường hợp người có thẩm quyền chỉ đạo, quyết định vận hành hồ theo quy định tại khoản này mà không thực hiện trách nhiệm của mình dẫn đến mất an toàn cho công trình, hạ du, gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của người dân thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

    Điều 8. Vận hành giảm lũ cho hạ du đối với hồ Buôn Tua Srah

    1. Trường hợp mực nước hồ lớn hơn giá trị quy định tại Bảng 2:

    a) Nếu mực nước tại Trạm Thủy văn Đức Xuyên đang dưới báo động II thì thực hiện vận hành hạ thấp mực nước hồ để hạ dần mực nước hồ, nhưng tối đa không thấp hơn giá trị quy định tại Bảng 2.

    Trong quá trình vận hành, căn cứ vào mực nước tại trạm thủy văn, mực nước hồ và lưu lượng đến hồ tương ứng để chuyển sang thực hiện chế độ vận hành duy trì mực nước hồ quy định tại điểm b, cắt, giảm lũ cho hạ du quy định tại điểm c, hạ dần mực nước hồ quy định tại điểm d khoản này hoặc chuyển sang chế độ vận hành bảo đảm an toàn công trình quy định tại Điều 12 của Quy trình này.

    b) Nếu mực nước tại Trạm Thủy văn Đức Xuyên vượt mức báo động II nhưng vẫn dưới mực nước để quyết định vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du theo quy định tại khoản 4 Điều 6 của Quy trình này hoặc lưu lượng đến hồ từ 650 m3/s đến 1.000 m3/s thì thực hiện vận hành duy trì mực nước hồ.

    Trong quá trình vận hành, căn cứ vào mực nước tại trạm thủy văn, mực nước hồ và lưu lượng đến hồ tương ứng để chuyển sang thực hiện chế độ vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du quy định tại điểm c, hạ dần mực nước hồ quy định tại điểm d khoản này hoặc chuyển sang chế độ vận hành bảo đảm an toàn công trình quy định tại Điều 12 của Quy trình này.

    c) Nếu mực nước tại Trạm Thủy văn Đức Xuyên vượt mực nước để quyết định vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du theo quy định tại khoản 4 Điều 6 của Quy trình này hoặc lưu lượng đến hồ lớn hơn 1.000 m3/s thì thực hiện vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du.

    Trong quá trình vận hành theo quy định tại Điểm này, nếu mực nước hồ đạt đến mực nước dâng bình thường, thì thực hiện chế độ vận hành duy trì mực nước hồ; đồng thời sẵn sàng chuyển sang chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình theo quy định tại Điều 12 của Quy trình này.

    d) Sau khi thực hiện vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du theo quy định tại điểm c khoản này nếu mực nước hồ cao hơn giá trị quy định tại Bảng 1 thì thực hiện chế độ vận hành hạ mực nước hồ để hạ dần mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ quy định tại Bảng 1, nếu xuất hiện một trong các tình huống sau đây:

    - Mực nước tại Trạm Thủy văn Đức Xuyên đã xuống dưới mức báo động I;

    - Mực nước tại Trạm Thủy văn Đức Xuyên vẫn trên mức báo động I nhưng dưới báo động II và dự báo có khả năng xuất hiện một đợt lũ mới.

    đ) Trong quá trình vận hành theo quy định tại điểm d khoản này, nếu lũ tiếp tục lên lại thì căn cứ vào từng trường hợp mực nước tại các trạm thủy văn, mực nước hồ và lưu lượng đến hồ tương ứng để thực hiện chế độ vận hành giảm lũ cho hạ du theo quy định tại điểm b và điểm c khoản này.

    2. Trường hợp mực nước hồ nhỏ hơn giá trị quy định tại Bảng 2:

    a) Nếu mực nước tại Trạm Thủy văn Đức Xuyên đang dưới báo động II thì thực hiện vận hành điều tiết để bảo đảm mực nước hồ không vượt quá giá trị quy định tại Bảng 2;

    b) Trong quá trình vận hành theo quy định tại điểm a khoản này, căn cứ vào mực nước trạm thủy văn và lưu lượng đến hồ tương ứng để thực hiện các chế độ vận hành giảm lũ cho hạ du theo quy định tại các điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều này.

    Điều 9. Vận hành giảm lũ cho hạ du đối với hồ Srêpôk 3

    1. Trường hợp mực nước hồ lớn hơn giá trị quy định tại Bảng 2:

    a) Nếu mực nước tại Trạm Thủy văn Bản Đôn đang dưới báo động II thì thực hiện vận hành hạ thấp mực nước hồ để hạ dần mực nước hồ, nhưng tối đa không thấp hơn giá trị quy định tại Bảng 2.

    Trong quá trình vận hành, căn cứ vào mực nước tại trạm thủy văn, mực nước hồ và lưu lượng đến hồ tương ứng để chuyển sang thực hiện chế độ vận hành duy trì mực nước hồ quy định tại điểm b, cắt, giảm lũ cho hạ du quy

    định tại điểm c, hạ dần mực nước hồ quy định tại điểm d khoản này hoặc chuyển sang chế độ vận hành bảo đảm an toàn công trình quy định tại Điều 12 của Quy trình này;

    b) Nếu mực nước tại Trạm Thủy văn Bản Đôn vượt mức báo động II nhưng vẫn dưới mực nước để quyết định vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du theo quy định tại khoản 4 Điều 6 của Quy trình này hoặc lưu lượng đến hồ từ 1.200 m3/s đến 1.400 m3/s thì thực hiện vận hành duy trì mực nước hồ.

    Trong quá trình vận hành, căn cứ vào mực nước tại trạm thủy văn, mực nước hồ và lưu lượng đến hồ tương ứng để chuyển sang thực hiện chế độ vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du quy định tại điểm c, hạ dần mực nước hồ quy định tại điểm d khoản này hoặc chuyển sang chế độ vận hành bảo đảm an toàn công trình quy định tại Điều 12 của Quy trình này;

    c) Nếu mực nước tại Trạm Thủy văn Bản Đôn vượt mực nước để quyết định vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du theo quy định tại khoản 4 Điều 6 của Quy trình này hoặc lưu lượng đến hồ lớn hơn 1.400 m3/s thì thực hiện vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du.

    Trong quá trình vận hành theo quy định tại điểm này, nếu mực nước hồ đạt đến mực nước dâng bình thường, thì thực hiện chế độ vận hành duy trì mực nước hồ; đồng thời sẵn sàng chuyển sang chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình theo quy định tại Điều 12 của Quy trình này;

    d) Sau khi thực hiện vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du theo quy định tại điểm c khoản này nếu mực nước hồ cao hơn giá trị quy định tại Bảng 1 thì thực hiện chế độ vận hành hạ mực nước hồ để hạ dần mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ quy định tại Bảng 1, nếu xuất hiện một trong các tình huống sau đây:

    - Mực nước tại Trạm Thủy văn Bản Đôn đã xuống dưới mức báo động I;

    - Mực nước tại Trạm Thủy văn Bản Đôn vẫn trên mức báo động I nhưng dưới báo động II và dự báo có khả năng xuất hiện một đợt lũ mới.

    đ) Trong quá trình vận hành theo quy định tại điểm d khoản này, nếu lũ tiếp tục lên lại thì căn cứ vào từng trường hợp mực nước tại các trạm thủy văn, mực nước hồ và lưu lượng đến hồ tương ứng để thực hiện chế độ vận hành giảm lũ cho hạ du theo quy định tại điểm b và điểm c khoản này.

    2. Trường hợp mực nước hồ nhỏ hơn giá trị quy định tại Bảng 2:

    a) Nếu mực nước tại Trạm Thủy văn Bản Đôn đang dưới báo động II thì thực hiện vận hành điều tiết để bảo đảm mực nước hồ không vượt quá giá trị quy định tại Bảng 2;

    b) Trong quá trình vận hành theo quy định tại điểm a khoản này, căn cứ vào mực nước trạm thủy văn và lưu lượng đến hồ tương ứng để thực hiện chế độ vận hành giảm lũ cho hạ du theo quy định tại các điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều này.

    Điều 10. Vận hành giảm lũ cho hạ du đối với hồ Krông Búk hạ

    1. Trường hợp mực nước hồ lớn hơn giá trị quy định tại Bảng 2:

    a) Nếu mực nước tại Trạm Thủy văn Giang Sơn đang dưới báo động II thì thực hiện vận hành hạ thấp mực nước hồ để hạ dần mực nước hồ, nhưng tối đa không thấp hơn giá trị quy định tại Bảng 2.

    Trong quá trình vận hành, căn cứ vào mực nước tại trạm thủy văn, mực nước hồ và lưu lượng đến hồ tương ứng để chuyển sang thực hiện chế độ vận hành duy trì mực nước hồ quy định tại điểm b, cắt, giảm lũ cho hạ du quy định tại điểm c, hạ dần mực nước hồ quy định tại điểm d khoản này hoặc chuyển sang chế độ vận hành bảo đảm an toàn công trình quy định tại Điều 12 của Quy trình này.

    b) Nếu mực nước tại Trạm Thủy văn Giang Sơn vượt mức báo động II nhưng vẫn dưới mực nước để quyết định vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du theo quy định tại khoản 4 Điều 6 của Quy trình này hoặc lưu lượng đến hồ từ 220 m3/s đến 400 m3/s thì thực hiện vận hành duy trì mực nước hồ.

    Trong quá trình vận hành, căn cứ vào mực nước tại trạm thủy văn, mực nước hồ và lưu lượng đến hồ tương ứng để chuyển sang thực hiện chế độ vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du quy định tại điểm c, hạ dần mực nước hồ quy định tại điểm d khoản này hoặc chuyển sang chế độ vận hành bảo đảm an toàn công trình quy định tại Điều 12 của Quy trình này.

    c) Nếu mực nước tại Trạm Thủy văn Giang Sơn vượt mực nước để vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du quy định tại khoản 4 Điều 6 của Quy trình này hoặc lưu lượng đến hồ lớn hơn 400 m3/s thì thực hiện vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du.

    Trong quá trình vận hành theo quy định tại điểm này, nếu mực nước hồ đạt đến mực nước dâng bình thường, thì thực hiện chế độ vận hành duy trì mực nước hồ; đồng thời sẵn sàng chuyển sang chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình theo quy định tại Điều 12 của Quy trình này.

    d) Sau khi thực hiện vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du theo quy định tại điểm c khoản này nếu mực nước hồ cao hơn giá trị quy định tại Bảng 1 thì thực hiện chế độ vận hành hạ mực nước hồ để hạ dần mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ quy định tại Bảng 1, nếu xuất hiện một trong các tình huống sau đây:

    - Mực nước tại Trạm Thủy văn Giang Sơn đã xuống dưới mức báo động I;

    - Mực nước tại Trạm Thủy văn Giang Sơn vẫn trên mức báo động I nhưng dưới báo động II và dự báo có khả năng xuất hiện một đợt lũ mới.

    đ) Trong quá trình vận hành theo quy định tại điểm d khoản này, nếu lũ tiếp tục lên lại thì căn cứ vào từng trường hợp mực nước tại các trạm thủy văn, mực nước hồ và lưu lượng đến hồ tương ứng để thực hiện chế độ vận hành giảm lũ cho hạ du theo quy định tại điểm b và điểm c khoản này.

    2. Trường hợp mực nước hồ nhỏ hơn giá trị quy định tại Bảng 2:

    a) Nếu mực nước tại Trạm Thủy văn Giang Sơn đang dưới báo động II thì thực hiện vận hành điều tiết để bảo đảm mực nước hồ không vượt quá giá trị quy định tại Bảng 2;

    b) Trong quá trình vận hành theo quy định tại điểm a khoản này, căn cứ vào mực nước trạm thủy văn và lưu lượng đến hồ tương ứng để thực hiện chế độ vận hành giảm lũ cho hạ du theo quy định tại điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều này.

    Điều 11. Phối hợp vận hành giảm lũ cho hạ du đối với các hồ khác

    Trong quá trình các hồ Buôn Tua Srah, Krông Búk hạ và Srêpôk 3 vận hành, các hồ chứa khác phải tham gia cùng với các hồ chứa bậc trên, bậc dưới phối hợp vận hành để giảm lũ cho hạ dư phù hợp với năng lực thực tế của hồ, tình hình mưa, lũ, không gây lũ chồng lũ và được quy định cụ thể như sau:

    1. Đối với hồ Buôn Kuốp:

    a) Trong quá trình các hồ Buôn Tua Srah hoặc Krông Búk hạ vận hành theo quy định tại Điều 8 và Điều 10 của Quy trình này, vận hành hồ với tổng lưu lượng xả tương đương với lưu lượng đến hồ (với sai số cho phép +/-10%);

    b) Khi mực nước hồ đạt đến mực nước dâng bình thường thì thực hiện chế độ vận hành duy trì mực nước hồ; đồng thời sẵn sàng chuyển sang chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình theo quy định tại Điều 12 của Quy trình này.

    2. Đối với hồ Srêpôk 4:

    a) Trong quá trình hồ Srêpôk 3 vận hành theo quy định tại Điều 9 của Quy trình này, ưu tiên vận hành phát điện liên tục với công suất tối đa có thể, bảo đảm mực nước hồ không được vượt quá mực nước dâng bình thường;

    b) Khi mực nước hồ đạt đến mực nước dâng bình thường thì thực hiện chế độ vận hành duy trì mực nước hồ; đồng thời sẵn sàng chuyển sang chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình theo quy định tại Điều 12 của Quy trình này.

    3. Đối với Nhà máy thủy điện Srêpôk 4A:

    Khi hồ Srêpôk 4 vận hành phát điện, Nhà máy thủy điện Srêpôk 4A phải vận hành phát điện liên tục tương đương với lưu lượng nước đến nhà máy (với sai số cho phép +/-10%).

    4. Đối với các hồ Ea Rớt và Krông Nô 2:

    a) Trong quá trình các hồ vận hành giảm lũ cho hạ du, bảo đảm an toàn công trình hoặc thực hiện chế độ vận hành trong tình huống bất thường, phải phối hợp vận hành để góp phần giảm lũ cho hạ du;

    b) Khi mực nước hồ đạt đến mực nước dâng bình thường thì thực hiện chế độ vận hành duy trì mực nước hồ; đồng thời sẵn sàng chuyển sang chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình theo quy định tại Điều 12 của Quy trình này.

    5. Đối với các hồ Krông Nô 3, Chư Pông Krông, Hòa Phú và Đrây H’Linh:

    a) Trong quá trình các hồ bậc trên vận hành giảm lũ cho hạ du, bảo đảm an toàn công trình hoặc thực hiện chế độ vận hành trong tình huống bất thường, phải vận hành hồ với tổng lưu lượng xả tương đương với lưu lượng đến hồ (với sai số cho phép +/-10%);

    b) Khi mực nước hồ đạt đến mực nước dâng bình thường thì thực hiện chế độ vận hành duy trì mực nước hồ; đồng thời sẵn sàng chuyển sang chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình theo quy định tại Điều 12 của Quy trình này.

    6. Ngoài việc thực hiện việc vận hành hồ theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này, các hồ phải thực hiện vận hành hồ theo quyết định, chỉ đạo của người có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 của Quy trình này (nếu có).

    Điều 12. Vận hành bảo đảm an toàn công trình

    Trong quá trình vận hành, khi mực nước các hồ đạt đến mực nước dâng bình thường, mà lưu lượng đến hồ còn tiếp tục tăng và có khả năng ảnh hưởng đến an toàn của công trình thì phải thực hiện chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình theo Quy trình vận hành của hồ đã được cấp có thẩm quyền ban hành, đồng thời phải báo cáo ngay tới Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk.

    Riêng đối với các hồ Krông Nô 2 và Krông Nô 3 còn phải báo cáo ngay tới Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng; các hồ Buôn Tua Srah và Chư Pông Krông còn phải báo cáo ngay tới Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông.

    Điều 13. Tích nước cuối mùa lũ

    1. Khi các hồ Buôn Tua Srah, Srêpôk 3 và Krông Búk hạ thực hiện chế độ vận hành tích nước cuối mùa lũ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 7 của Quy trình này thì phải báo cáo ngay tới Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk. Việc vận hành tích nước cuối mùa lũ phải bảo đảm mực nước hồ không được vượt quá khoảng mực nước tương ứng quy định tại Bảng 1.

    2. Trong quá trình vận hành tích nước theo quy định tại khoản 1 Điều này, phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình thời tiết, mưa, lũ, mực nước tại các trạm thủy văn; mực nước, lưu lượng đến hồ và các bản tin dự báo để xem xét điều chỉnh, chuyển sang chế độ vận hành hồ giảm lũ cho hạ du (hạ thấp mực nước, duy trì mực nước hồ, cắt, giảm lũ cho hạ du) hoặc chế độ vận hành bảo đảm an toàn công trình (nếu có) phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 7 của Quy trình này.

    3. Việc xem xét, quyết định chế độ vận hành tích nước cuối mùa lũ của các hồ phải bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho hạ du và bảo đảm an toàn cho tính mạng, tài sản của nhân dân và các công trình, kết cấu hạ tầng khác.

    Điều 14. Vận hành các hồ trong điều kiện bình thường

    Trong thời gian các hồ được thực hiện chế độ vận hành trong điều kiện bình thường quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 7 của Quy trình này, Chủ hồ được chủ động vận hành phát điện nhưng phải đảm bảo yêu cầu về mực nước cao nhất trước lũ, duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập theo quy định và phải thực hiện vận hành hàng ngày để bảo đảm yêu cầu sử dụng nước ở dưới hạ du như sau:

    1. Đối với các hồ Buôn Tua Srah và Srêpôk 3 phải bảo đảm tổng lưu lượng xả trung bình ngày không nhỏ hơn:

    a) 40 m3/s đối với hồ Buôn Tua Srah;

    b) 50 m3/s đối với hồ Srêpôk 3.

    2. Đối với hồ Srêpôk 4 và Nhà máy thủy điện Srêpôk 4A phải phối hợp vận hành để bảo đảm duy trì dòng chảy sau đập Srêpôk 4 như sau:

    a) Trường hợp hồ Srêpôk 4 vận hành phát điện, Nhà máy thủy điện Srêpôk 4A phải căn cứ vào lượng nước xả qua đập về hạ lưu sông Srêpôk của hồ Srêpôk 4 để điều chỉnh cống xả nước đầu kênh bảo đảm tổng lưu lượng nước xả liên tục về sông Srêpôk không nhỏ hơn 27 m3/s;

    b) Trường hợp hồ Srêpôk 4 không phát điện, hồ Srêpôk 4 phải vận hành xả nước liên tục qua đập về hạ lưu sông Srêpôk với lưu lượng không nhỏ hơn 27 m3/s.

    3. Đối với hồ Krông Búk hạ:

    Ngoài việc vận hành hệ thống cống lấy nước đầu kênh để bảo đảm cấp đủ nước trong hệ thống, phải tham gia điều tiết, cấp nước cho hạ du khi mực nước hồ đã đạt 482,2 m.

    4. Đối với hồ Ea Rớt:

    Ngoài việc vận hành hệ thống cống lấy nước đầu kênh để bảo đảm cấp đủ nước trong hệ thống, phải tham gia điều tiết, cấp nước cho hạ du.

    5. Đối với các hồ Krông Nô 2, Krông Nô 3, Chư Pông Krông, Buôn Kuốp, Hòa Phú và Đrây H’Linh:

    Vận hành bảo đảm tổng lưu lượng xả trung bình ngày tương đương với lưu lượng đến hồ (với sai số cho phép +/-10%).

    Trong quá trình vận hành theo quy định tại Điều này, trường hợp có yêu cầu của người có thẩm quyền theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 của Quy trình này thì các hồ phải thực hiện việc xả nước về hạ du theo yêu cầu. Trường hợp mực nước hồ Buôn Tua Srah và Srêpôk 3 đã đến mực nước chết và lưu lượng đến hồ nhỏ hơn giá trị quy định tại khoản 1 Điều này thì vận hành xả nước với lưu lượng tương đương lưu lượng đến hồ.

    Điều 15. Vận hành các hồ trong các tình huống bất thường

    Việc xem xét, quyết định phương án vận hành các hồ để xử lý các tình huống bất thường phải căn cứ vào diễn biến tình hình mưa, lũ, yêu cầu về bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho hạ du và bảo đảm an toàn cho tính mạng, tài sản của nhân dân và các công trình, kết cấu hạ tầng khác.

    Chương III. VẬN HÀNH CÁC HỒ CHỨA TRONG MÙA CẠN

    Điều 16. Nguyên tắc vận hành trong thời gian vận hành mùa cạn

    1. Bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; bảo đảm cấp nước an toàn đến cuối mùa cạn.

    2. Căn cứ lưu lượng đến hồ, mực nước hồ và các khoảng mực nước quy định tại Phụ lục III để quyết định lưu lượng xả, thời gian xả phù hợp theo quy định của Quy trình này.

    3. Trường hợp mực nước hồ thấp hơn khoảng mực nước quy định tại Phụ lục III thì phải căn cứ vào dự báo dòng chảy đến hồ, yêu cầu sử dụng nước tối thiểu ở dưới hạ du để điều chỉnh giảm lưu lượng xả phù hợp với quy định của Quy trình nhằm đưa mực nước hồ về khoảng mực nước quy định tại Phụ lục III của Quy trình.

    Điều 17. Các thời kỳ vận hành hồ chứa trong mùa cạn

    1. Thời kỳ I, gồm các giai đoạn sau:

    a) Từ ngày 01 tháng 12 đến ngày 31 tháng 01;

    b) Từ ngày 01 tháng 6 đến ngày 31 tháng 7.

    2. Thời kỳ II: Từ ngày 01 tháng 02 đến ngày 31 tháng 5.

    Điều 18. Thẩm quyền quyết định vận hành hồ trong mùa cạn

    1. Chủ hồ được phép chủ động vận hành hồ nhưng phải tuân thủ các quy định tại Điều 19, Điều 20, Điều 21 và Điều 22 của Quy trình này, trừ các trường hợp phải điều chỉnh chế độ vận hành quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.

    2. Trong trường hợp vào đầu mùa cạn mà mực nước các hồ Buôn Tua Srah, Krông Búk hạ thấp hơn khoảng mực nước quy định tại Phụ lục III, thì căn cứ tình hình thực tế, lưu lượng đến hồ, mực nước hồ và dự báo lưu lượng đến hồ, Chủ hồ phải đề xuất phương án vận hành hồ, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, quyết định điều chỉnh lưu lượng, thời gian vận hành các hồ nhằm bảo đảm chậm nhất đến ngày 01 tháng 02 mực nước hồ không thấp hơn khoảng mực nước quy định tại Phụ lục III.

    3. Trường hợp 30 ngày liên tục mà mực nước các hồ Buôn Tua Srah, Krông Búk hạ vẫn thấp hơn khoảng mực nước quy định tại Phụ lục III, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì Chủ hồ phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk xem xét, quyết định điều chỉnh lưu lượng xả, thời gian xả phù hợp nhằm đưa dần mực nước hồ về khoảng mực nước quy định tại Phụ lục III của Quy trình này. Việc điều chỉnh chế độ vận hành (lưu lượng, thời gian) xả nước xuống hạ du của các hồ được thực hiện cho đến khi mực nước hồ không thấp hơn khoảng mực nước quy định tại Phụ lục III.

    4. Trường hợp xảy ra hạn hán với cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán từ cấp độ 2 trở lên (trừ các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này), căn cứ tình hình thực tế, lưu lượng đến hồ, mực nước hồ, dự báo lưu lượng đến hồ và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du, Chủ hồ lập phương án, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk để xem xét, quyết định chế độ vận hành hồ cho phù hợp với tình hình hạn hán và bảo đảm yêu cầu sử dụng nước tối thiểu đến cuối mùa cạn, bao gồm cả việc xem xét sử dụng một phần dung tích chết của các hồ thông qua việc xả nước qua các cửa van.

    5. Trường hợp trong thời gian vận hành mùa cạn quy định tại Điều 2 của Quy trình này mà xuất hiện một trong các tình huống bất thường dưới đây thì Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk quyết định việc vận hành các hồ theo chế độ vận hành trong mùa lũ quy định tại Quy trình này hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai:

    a) Khi Tổng cục Khí tượng Thủy văn cảnh báo ở hạ du xuất hiện hoặc có nguy cơ xuất hiện lũ, ngập lụt với cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai từ cấp độ 1 trở lên;

    b) Khi mực nước của một trong các hồ Buôn Tua Srah, Srêpôk 3, Krông Búk hạ đạt đến mực nước dâng bình thường mà mực nước tại một trong các Trạm thủy văn quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy trình này trên báo động I;

    c) Xảy ra sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố công trình;

    d) Các tình huống khác có nguy cơ đe dọa đến an toàn công trình, khu vực hạ du do Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk quyết định.

    Việc xem xét, quyết định phương án vận hành các hồ trong các tình huống bất thường quy định tại khoản này phải căn cứ vào diễn biến tình hình mưa, lũ và yêu cầu bảo đảm an toàn cho hạ du nhưng phải bảo đảm an toàn công trình.

    Điều 19. Vận hành hồ Buôn Tua Srah

    Hàng ngày, vận hành xả nước về hạ du để bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập theo quy định và bảo đảm vận hành xả nước liên tục không ít hơn 12 giờ/ngày, thời gian bắt đầu không muộn hơn 07 giờ sáng và bảo đảm tổng lưu lượng xả trung bình ngày như sau:

    1. Trường hợp mực nước hồ cao hơn khoảng mực nước quy định tại Phụ lục III:

    a) Không nhỏ hơn 50 m3/s đối với thời kỳ I;

    b) Không nhỏ hơn 60 m3/s đối với thời kỳ II.

    2. Trường hợp mực nước hồ nằm trong khoảng mực nước quy định tại Phụ lục III:

    a) Từ 45 m3/s đến 50 m3/s đối với thời kỳ I;

    b) Từ 55 m3/s đến 60 m3/s đối với thời kỳ II.

    3. Trường hợp mực nước hồ thấp hơn khoảng mực nước quy định tại Phụ lục III:

    a) Từ 40 m3/s đến 45 m3/s đối với thời kỳ I;

    b) Từ 50 m3/s đến 55 m3/s đối với thời kỳ II.

    Điều 20. Vận hành hồ Srêpôk 3

    Hàng ngày, vận hành xả nước về hạ du để bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập theo quy định và bảo đảm vận hành xả nước không ít hơn 12 giờ/ngày với tổng lưu lượng xả trung bình ngày như sau:

    1. Trường hợp mực nước hồ cao hơn 271,0 m:

    a) Không nhỏ hơn 92 m3/s đối với thời kỳ I;

    b) Không nhỏ hơn 102 m3/s đối với thời kỳ II.

    2. Trường hợp mực nước hồ nằm trong khoảng 269,0 m đến 271,0 m:

    a) Từ 87 m3/s đến 92 m3/s đối với thời kỳ I;

    b) Từ 97 m3/s đến 102 m3/s đối với thời kỳ II.

    3. Trường hợp mực nước hồ thấp hơn 269,0 m:

    a) Từ 82 m3/s đến 87 m3/s đối với thời kỳ I;

    b) Từ 92 m3/s đến 97 m3/s đối với thời kỳ II.

    Điều 21. Vận hành các hồ Buôn Kuốp, Srêpôk 4 và Nhà máy thủy điện Srêpôk 4A

    1. Đối với hồ Buôn Kuốp:

    Hàng ngày, phải vận hành xả nước về hạ lưu để bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập theo quy định và bảo đảm vận hành xả nước không ít hơn 12 giờ/ngày với tổng lưu lượng xả tương đương với lưu lượng đến hồ (với sai số cho phép+/-10%).

    2. Đối với hồ Srêpôk 4:

    a) Vận hành phát điện liên tục 24 giờ/ngày với lưu lượng không nhỏ hơn 90 m3/s;

    b) Trường hợp bất khả kháng mà không thể vận hành phát điện theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải vận hành xả nước liên tục qua đập về hạ lưu sông Srêpôk với lưu lượng không nhỏ hơn 27 m3/s đối với các tháng 12, tháng 3, tháng 4, tháng 6 và tháng 7; 64 m3/s đối với tháng 01; 40 m3/s đối với các tháng 02 và tháng 5.

    3. Đối với Nhà máy thủy điện Srêpôk 4A:

    Khi hồ Srêpôk 4 vận hành phát điện, Nhà máy thủy điện Srêpôk 4A phải vận hành cống xả nước đầu kênh để bảo đảm xả nước liên tục về sông Srêpôk với lưu lượng không nhỏ hơn 27 m3/s.

    4. Trong quá trình vận hành theo quy định tại Điều này, nếu có yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, thì các hồ phải phối hợp, vận hành xả nước về hạ du theo yêu cầu.

    Điều 22. Vận hành đối với các hồ Krông Búk hạ, Ea Rớt, Krông Nô 2, Krông Nô 3, Chư Pông Krông, Hòa Phú và Đrây H’Linh

    Hàng ngày, các hồ phải thực hiện vận hành xả nước về hạ du hồ, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập theo quy định và bảo đảm việc vận hành cấp nước cho hạ du như sau:

    1. Đối với hồ Krông Búk hạ:

    Ngoài việc vận hành hệ thống cống lấy nước đầu kênh để bảo đảm cấp đủ nước trong hệ thống, phải tham gia điều tiết, cấp nước cho hạ du nếu mực nước hồ nằm trong hoặc cao hơn khoảng mực nước quy định tại Phụ lục III của Quy trình này.

    2. Đối với hồ Ea Rớt:

    Ngoài việc vận hành hệ thống cống lấy nước đầu kênh để bảo đảm cấp đủ nước trong hệ thống phải tham gia điều tiết cấp nước cho hạ du.

    3. Đối với các hồ Krông Nô 2, Krông Nô 3, Chư Pông Krông, Hòa Phú và Đrây H’Linh:

    Vận hành xả nước xuống hạ du, bảo đảm tổng lưu lượng xả trung bình ngày tương đương với lưu lượng đến hồ (với sai số cho phép +/-10%).

    Chương IV. QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM, TỔ CHỨC VẬN HÀNH CÁC HỒ CHỨA VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN, BÁO CÁO

    Điều 23. Trách nhiệm của Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng

    1. Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk:

    a) Trong mùa lũ

    - Tổ chức xây dựng giải pháp lưu trữ, cập nhật các thông tin, số liệu khí tượng thủy văn, vận hành hồ chứa và công cụ tính toán, hỗ trợ tham mưu chỉ đạo điều hành việc vận hành các hồ;

    - Quyết định vận hành các hồ theo thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 của Quy trình này;

    - Tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, quyết định các phương án điều tiết, ban hành lệnh vận hành hồ theo quy định. Việc ban hành lệnh vận hành hồ phải trước ít nhất 04 giờ tính đến thời điểm mở cửa xả đầu tiên, trừ các trường hợp khẩn cấp, bất thường;

    - Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện lệnh vận hành hồ; chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó với lũ, lụt và xử lý các tình huống ảnh hưởng đến an toàn dân cư ở hạ du khi các hồ xả nước;

    - Chỉ đạo thông báo ngay tới Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện trên địa bàn có khả năng bị lũ, lụt do vận hành hồ khi ban hành lệnh vận hành hồ. Đồng thời phải thông báo cho Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn của các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai bằng các hình thức phù hợp.

    Đối với lệnh vận hành hồ Krông Nô 2, Krông Nô 3 còn phải thông báo ngay đến Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng.

    Đối với lệnh vận hành hồ Buôn Tua Srah và Chư Pông Krông còn phải thông báo ngay đến Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông.

    b) Trong mùa cạn

    Quyết định vận hành các hồ theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền trong trường hợp bất thường theo quy định tại khoản 5 Điều 18 của Quy trình này, đồng thời báo cáo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk để chỉ đạo, xử lý.

    2. Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông:

    a) Khi nhận được thông báo lệnh vận hành hồ Buôn Tua Srah, Chư Pông Krông từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, phải chỉ đạo thông báo ngay tới Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện trên địa bàn có khả năng bị lũ, lụt do vận hành hồ; đồng thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông;

    b) Chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó với lũ, lụt và xử lý các tình huống ảnh hưởng đến an toàn dân cư ở hạ du khi các hồ Buôn Tua Srah, Chư Pông Krông xả nước.

    3. Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng:

    a) Khi nhận được thông báo lệnh vận hành hồ Krông Nô 2, Krông Nô 3 từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, phải thông báo chỉ đạo ngay tới Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện trên địa bàn có khả năng bị lũ, lụt do vận hành hồ; đồng thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng;

    b) Chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó với lũ, lụt và xử lý các tình huống ảnh hưởng đến an toàn dân cư ở hạ du khi các hồ Krông Nô 2, Krông Nô 3 xả nước.

    4. Khi nhận được thông báo lệnh vận hành từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện phải chỉ đạo thông báo ngay đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khu vực hạ du bị ảnh hưởng, đồng thời chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, hạn chế thiệt hại do lũ lụt. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức thông báo để nhân dân biết và triển khai các biện pháp ứng phó.

    5. Việc thông báo các lệnh vận hành tới Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quy định tại khoản 4 Điều này được thực hiện bằng một trong các hình thức sau: văn bản, điện thoại, tin nhắn hoặc thông báo trực tiếp bằng các hình thức phù hợp khác. Trường hợp không thực hiện thông báo lệnh vận hành bằng văn bản, thì người nhận được thông báo phải thông báo lại bằng văn bản và lưu trữ để phục vụ việc kiểm tra, giám sát.

    Điều 24. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng

    1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk:

    a) Tổ chức thông tin, tuyên truyền, giải thích công khai Quy trình này trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh ở địa phương để các cơ quan và nhân dân trên địa bàn hiểu, chủ động phòng ngừa, ứng phó, hạn chế thiệt hại do lũ, lụt và chủ động bố trí kế hoạch sản xuất, lấy nước phù hợp với chế độ vận hành của các hồ theo quy định của Quy trình này nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước;

    b) Chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy trình này;

    c) Quyết định vận hành các hồ theo thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 và khoản 3, khoản 4 Điều 18 của Quy trình này;

    d) Chỉ đạo xây dựng phương án chủ động phòng, chống lũ, lụt, hạn hán và tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó với các tình huống lũ, lụt và hạn hán trên địa bàn; đồng thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn dân cư, hạn chế thiệt hại; chỉ đạo việc bảo đảm an toàn cho công trình có liên quan theo thẩm quyền;

    đ) Chỉ đạo thực hiện việc thiết lập, quản lý hành lang thoát lũ của các hồ chứa và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn đập theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

    e) Chỉ đạo xử lý các tình huống xả lũ khẩn cấp và ứng phó các sự cố khẩn cấp đối với hệ thống hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

    g) Chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước trên địa bàn thực hiện việc lấy nước phù hợp với thời gian, lịch vận hành của các hồ chứa theo quy định tại Quy trình này;

    h) Chỉ đạo các địa phương điều chỉnh lịch, thời vụ gieo trồng và kế hoạch sử dụng nước phù hợp với quy định của Quy trình này;

    i) Chỉ đạo các Chủ hồ lắp đặt camera, thiết bị quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến việc vận hành xả nước của hồ và truyền dữ liệu về các cơ quan, đơn vị theo quy định tại khoản 3 Điều 30 của Quy trình này.

    2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông:

    a) Tổ chức thông tin, tuyên truyền, giải thích công khai Quy trình này trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh ở địa phương để các cơ quan và nhân dân trên địa bàn hiểu, chủ động phòng ngừa, ứng phó, hạn chế thiệt hại do lũ, lụt và chủ động bố trí kế hoạch sản xuất, lấy nước phù hợp với chế độ vận hành của các hồ theo quy định của Quy trình này nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước;

    b) Chỉ đạo xây dựng phương án chủ động phòng, chống lũ, lụt, hạn hán và tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó với các tình huống lũ, lụt và hạn hán trên địa bàn; đồng thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn dân cư, hạn chế thiệt hại khi các hồ Buôn Tua Srah và Chư Pông Krông vận hành xả nước bảo đảm an toàn công trình hoặc vận hành trong các tình huống bất thường;

    c) Chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước trên địa bàn thực hiện việc lấy nước phù hợp với thời gian, lịch vận hành của các hồ Buôn Tua Srah và Chư Pông Krông theo quy định tại Quy trình này.

     

     3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng:

    a) Tổ chức thông tin, tuyên truyền, giải thích công khai Quy trình này trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh ở địa phương để các cơ quan và nhân dân trên địa bàn hiểu, chủ động phòng ngừa, ứng phó, hạn chế thiệt hại do lũ, lụt và chủ động bố trí kế hoạch sản xuất, lấy nước phù hợp với chế độ vận hành của các hồ theo quy định của Quy trình này nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước;

    b) Chỉ đạo xây dựng phương án chủ động phòng, chống lũ, lụt, hạn hán và tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó với các tình huống lũ, lụt và hạn hán trên địa bàn; đồng thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn dân cư, hạn chế thiệt hại khi các hồ Krông Nô 2 và Krông Nô 3 vận hành xả nước bảo đảm an toàn công trình hoặc vận hành trong các tình huống bất thường;

    c) Chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước trên địa bàn thực hiện việc lấy nước phù hợp với thời gian, lịch vận hành của các hồ Krông Nô 2 và Krông Nô 3 theo quy định tại Quy trình này.

    Điều 25. Trách nhiệm của Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai

    Chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó với tình huống lũ, lụt, hạn hán ở hạ du theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai và pháp luật về thủy lợi.

    Điều 26. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương

    1. Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Chủ hồ thực hiện việc bảo đảm an toàn các hồ thủy điện.

    2. Chỉ đạo, đôn đốc các hồ thủy điện thực hiện việc vận hành giảm lũ và vận hành điều tiết nước cho hạ du theo quy định của Quy trình này; thực hiện chế độ quan trắc, dự báo và cung cấp thông tin, số liệu cho các cơ quan, đơn vị theo quy định của Quy trình này; lắp đặt hệ thống báo động, thông tin đến các hộ dân vùng hạ lưu nhận biết các tín hiệu khi các hồ chứa thủy điện tiến hành xả lũ.

    3. Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia chỉ thực hiện huy động điện của các nhà máy thủy điện vào hệ thống điện Quốc gia nếu phù hợp với yêu cầu về vận hành giảm lũ cho hạ du trong mùa lũ, bảo đảm tích nước cuối mùa lũ và các yêu cầu về thời gian, lưu lượng xả của từng hồ trong mùa cạn theo quy định của Quy trình này, trừ trường hợp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo quy định.

    4. Chỉ đạo việc xem xét, đưa ra khỏi thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo quy định của pháp luật về điện lực khi các hồ chứa phải điều chỉnh chế độ vận hành theo quy định tại các khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 18 của Quy trình này.

    5. Chỉ đạo xử lý các tình huống xả lũ khẩn cấp và ứng phó các sự cố khẩn cấp đối với hệ thống công trình thủy điện trên lưu vực sông Srêpôk theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

    Điều 27. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

    1. Trong mùa lũ:

    a) Chỉ đạo việc bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi có liên quan theo thẩm quyền;

    b) Chỉ đạo xử lý các tình huống xả lũ khẩn cấp và ứng phó các sự cố khẩn cấp đối với hệ thống công trình thủy lợi trên lưu vực sông Srêpôk theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

    2) Trong mùa cạn:

    a) Chỉ đạo địa phương, đơn vị liên quan tổ chức rà soát, kiểm tra, sẵn sàng cho việc lấy nước khi các hồ xả nước, đảm bảo không gây lãng phí nước;

    b) Chỉ đạo các địa phương và các cơ quan có liên quan chủ động điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước cho nông nghiệp phù hợp với khả năng nguồn nước trong những trường hợp cần thiết.

    Điều 28. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

    1. Tổ chức công bố, hướng dẫn, tập huấn thực hiện Quy trình. Chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước và các Cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc vận hành các hồ chứa theo Quy trình này và tổ chức xây dựng công cụ giám sát, tính toán, hỗ trợ tham mưu chỉ đạo điều hành việc vận hành các hồ theo , thẩm quyền.

    2. Chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức thực hiện việc quan trắc, dự báo, cảnh báo và cung cấp thông tin, số liệu khí tượng thủy văn theo quy định của Quy trình này.

    3. Chỉ đạo Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Chủ hồ thực hiện việc chia sẻ thông tin và thông báo kịp thời thông tin về vận hành và xả nước của hệ thống hồ chứa thủy điện cho các cơ quan chức năng của Campuchia theo quy định.

    4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan quyết định việc điều chỉnh lưu lượng, thời gian vận hành các hồ theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Quy trình này.

    5. Tổ chức xây dựng hệ thống trao đổi thông tin, dữ liệu vận hành các hồ và các thông tin, số liệu có liên quan thống nhất trên toàn lưu vực.

    6. Trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk khi cần thiết.

    Điều 29. Trách nhiệm của Bộ trưởng các bộ, ngành liên quan

    Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

    1. Chỉ đạo bảo đảm an toàn các công trình, kết cấu hạ tầng và các hoạt động khác có liên quan đến khai thác, sử dụng nước trên sông, suối thuộc phạm vi quản lý.

    2. Chỉ đạo các tổ chức trực thuộc, các cơ quan có liên quan xây dựng biện pháp xử lý các sự cố do lũ gây ra và lập kế hoạch sử dụng nước phù hợp với Quy trình này.

    Điều 30. Trách nhiệm của Chủ hồ

    1. Thực hiện vận hành hồ chứa theo quy định của Quy trình này.

    2. Theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn; thực hiện chế độ quan trắc, dự báo và cung cấp thông tin, số liệu và chế độ báo cáo theo quy định của Quy trình này.

    3. Lắp đặt camera, thiết bị quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến việc vận hành xả nước của hồ chứa; truyền dữ liệu về Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Cục Quản lý tài nguyên nước và vê hệ thống giám sát tự động, trực tuyến việc vận hành xả nước của các hồ chứa theo quy định. Riêng đối với các hồ thủy điện còn phải truyền dữ liệu về Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia và Cục Điều tiết điện lực; các hồ Krông Nô 2, Krông Nô 3 còn phải truyền dữ liệu về Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng; các hồ Buôn Tua Srah và Chư Pông Krông còn phải truyền dữ liệu về Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông.

    4. Việc truyền dữ liệu vận hành hồ về hệ thống thông tin, giám sát việc vận hành hồ của Cục Quản lý tài nguyên nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia và Cục Điều tiết điện lực theo quy định tại khoản 3 Điều này phải được thực hiện hàng ngày.

    5. Thực hiện việc thông báo, cảnh báo để bảo đảm an toàn cho người dân và các hoạt động có liên quan trên sông suối ở khu vực hạ lưu đập, nhà máy trước khi vận hành xả lũ qua tràn, bắt đầu xả nước phát điện hoặc các trường hợp gia tăng đột ngột lưu lượng xả về hạ du.

    6. Trong mùa lũ:

    a) Trách nhiệm thực hiện lệnh vận hành được quy định như sau:

    - Thực hiện lệnh vận hành hồ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk;

    - Trường hợp xảy ra tình huống bất thường, không thực hiện được theo đúng lệnh vận hành, Chủ hồ phải báo cáo ngay với người ra lệnh vận hành.

    b) Khi thực hiện lệnh vận hành các cửa xả, Chủ hồ phải thông báo ngay tới các cơ quan, đơn vị được quy định như sau: Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk; Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên và Chủ hồ các hồ bậc dưới liền kề. Riêng đối với Chủ hồ Krông Nô 2, Krông Nô 3 còn phải thông báo ngay tới Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng; Chủ hồ Buôn Tua Srah và Chư Pông Krông còn phải thông báo ngay tới Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông;

    c) Thực hiện việc vận hành bảo đảm an toàn công trình theo quy định tại Điều 12 của Quy trình này. Khi vận hành bảo đảm an toàn công trình, phải báo cáo ngay tới Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk; Bộ Công Thương đối với các hồ thủy điện. Riêng đối với Chủ hồ Krông Nô 2, Krông Nô 3 còn phải báo cáo ngay tới Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng; Chủ hồ Buôn Tua Srah và Chư Pông Krông còn phải báo cáo ngay tới Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông;

    d) Chủ hồ Srêpôk 4 phải thực hiện thông báo kịp thời mọi thông tin như đã cam kết cho phía Campuchia theo quy định tại khoản 3 Điều 33 của Quy trình này;

    đ) Việc thông báo tới các cơ quan quy định tại điểm b, điểm c và điểm d khoản này được gửi qua fax hoặc chuyển bản tin bằng mạng vi tính hoặc đọc trực tiếp bằng điện thoại hoặc bằng máy thông tin vô tuyến điện, sau đó văn bản gốc phải được gửi cho các cơ quan, đơn vị nêu trên để theo dõi, đối chiếu và lưu hồ sơ quản lý;

    e) Khi xuất hiện các trường hợp bất thường quy định tại Điều 7 của Quy trình này, phải báo cáo ngay và kèm theo phương án đề xuất để xem xét, quyết định việc vận hành hồ tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk. Riêng đối với Chủ hồ Krông Nô 2, Krông Nô 3 còn phải thông báo ngay và kèm theo phương án đề xuất tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng; Chủ hồ: Buôn Tua Srah và Chư Pông Krông còn phải thông báo ngay và kèm theo phương án đề xuất tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông.

    7. Trong mùa cạn:

    a) Tổ chức vận hành hồ với lưu lượng, thời gian xả theo đúng quy định của Quy trình này; bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo đảm cấp nước an toàn đến cuối mùa cạn, đầu mùa lũ; chỉ được chào bán điện năng lên thị trường điện phù hợp với yêu cầu về thời gian, lưu lượng xả theo quy định của Quy trình này;

    b) Đề xuất phương án, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk và Bộ Tài nguyên và Môi trường để thống nhất phương án điều tiết nước cho hạ du nếu xảy ra sự cố mà không thể vận hành hồ theo quy định của Quy trình này;

    c) Đề xuất phương án, báo cáo Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk để xem xét, quyết định việc vận hành nếu xảy ra các tình huống bất thường quy định tại khoản 5 Điều 18 của Quy trình này;

    d) Đề xuất phương án, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chế độ vận hành nếu xảy ra các tình huống hạn hán, thiếu nước theo quy định tại Điều 18 của Quy trình này;

    đ) Đối với Chủ hồ Srêpôk 4 còn có trách nhiệm thông báo bằng fax hoặc chuyển bản tin bằng mạng vi tính hoặc bằng máy thông tin vô tuyến điện cho Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; Ủy ban sông Mê Công Campuchia; Tỉnh trưởng tỉnh Mondulkiri và Công ty Thủy lợi Mondulkiri nhằm đảm bảo thông tin cho các cơ quan liên quan phía Campuchia để kịp thời phối hợp và có ứng xử cần thiết;

    e) Trong trường hợp vận hành bình thường, Chủ hồ Srêpôk 4 thông báo kế hoạch xả nước 02 tuần tiếp theo bằng fax hoặc chuyển bản tin bằng mạng vi tính hoặc bằng máy thông tin vô tuyến điện trước 07 ngày cho Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Ủy ban sông Mê Công Campuchia, Tỉnh trưởng tỉnh Mondulkiri và Công ty Thủy lợi Mondulkiri;

    g) Hàng ngày, hồ bậc trên phải thông báo kế hoạch xả nước tới hồ bậc dưới liền kề. Riêng Chủ hồ Srêpôk 4 phải thông báo kế hoạch vận hành xả nước cho Giám đốc Nhà máy thủy điện Srêpôk 4A. Đồng thời, Giám đốc Nhà máy thủy điện Srêpôk 4A phải thông báo kế hoạch phát điện cho Chủ hồ Srêpôk 4.

    Điều 31. Trách nhiệm về an toàn các công trình

    1. Lệnh vận hành các hồ điều tiết lũ trái với các quy định trong Quy trình này dẫn đến công trình đầu mối, hệ thống các công trình thuỷ lợi, giao thông và dân sinh ở hạ du bị mất an toàn thì người ra lệnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

    2. Việc thực hiện sai lệnh vận hành dẫn đến công trình đầu mối, hệ thống các công trình thuỷ lợi, giao thông và dân sinh ở hạ du bị mất an toàn thì Chủ hồ liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

    3. Trong quá trình vận hành công trình nếu phát hiện có nguy cơ xảy ra sự cố công trình đầu mối, đòi hỏi phải điều chỉnh tức thời thì Chủ hồ liên quan có trách nhiệm báo cáo sự cố, đề xuất phương án khắc phục với Bộ Công Thương đối với các hồ thủy điện, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đối với các hồ Krông Búk hạ và Ea Rớt để chỉ đạo xử lý, khắc phục sự cố; đồng thời phải báo cáo ngay tới Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk để chỉ đạo công tác phòng, chống lũ cho hạ du. Riêng đối với Chủ hồ Krông Nô 2, Krông Nô 3 còn phải báo cáo ngay tới Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng; Chủ hồ Buôn Tua Srah và Chư Pông Krông còn phải báo cáo ngay tới Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông.

    4. Nếu phát hiện sự cố các công trình thủy lợi ở hạ du thì Ủy ban nhân dân tỉnh nơi xảy ra sự cố có trách nhiệm báo cáo và đề xuất phương án khắc phục với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý, đồng thời báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

    5. Hàng năm, phải thực hiện tổng kiểm tra trước mùa lũ theo quy định. Chủ hồ có trách nhiệm tổ chức kiểm tra các trang thiết bị, các hạng mục công trình và tiến hành sửa chữa để đảm bảo vận hành theo chế độ làm việc quy định; đồng thời báo cáo tới Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk; Bộ Công Thương đối với các hồ thủy điện; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với hồ thủy lợi để theo dõi, chỉ đạo. Riêng đối với Chủ hồ Krông Nô 2 và Krông Nô 3 còn phải báo cáo tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng; Chủ hồ Buôn Tua Srah và Chư Pông Krông còn phải báo cáo tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông.

    6. Trường hợp có sự cố công trình và trang thiết bị, không thể sửa chữa xong trước ngày 31 tháng 7, Chủ hồ phải báo cáo ngay tới các cơ quan theo quy định tại khoản 5 Điều này để chỉ đạo xử lý.

    Điều 32. Chế độ quan trắc, dự báo trong mùa lũ

    1. Trong điều kiện thời tiết bình thường, khi chưa xuất hiện tình huống thời tiết có khả năng gây mưa lũ theo quy định tại khoản 2 Điều này, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Chủ hồ phải thực hiện chế độ quan trắc, dự báo như sau:

    a) Hàng ngày, Tổng cục Khí tượng Thủy văn chỉ đạo, phân công các đơn vị trực thuộc thực hiện 01 bản tin dự báo tại các Trạm Thủy văn Giang Sơn, Bản Đôn và Đức Xuyên vào 15 giờ;

    b) Hàng ngày, Chủ hồ phải thực hiện việc quan trắc, dự báo như sau:

    - Tổ chức quan trắc lượng mưa theo quy định; quan trắc, tính toán mực nước hồ, lưu lượng đến hồ, lưu lượng xả qua đập tràn, qua nhà máy, qua cống lấy nước đầu kênh (đối với hồ chứa thủy lợi) ít nhất 04 lần vào các thời điểm: 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ, 19 giờ;

    - Thực hiện bản tin dự báo 01 lần vào 9 giờ. Nội dung bản tin dự báo phải bao gồm lưu lượng đến hồ, mực nước hồ thời điểm hiện tại và các thời điểm 06 giờ, 12 giờ, 18 giờ, 24 giờ tới; dự kiến tổng lưu lượng xả tại các thời điểm 06 giờ, 12 giờ, 18 giờ và 24 giờ tới.

    2. Khi dự báo có mưa, lũ hoặc xuất hiện lũ, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Chủ hồ phải thực hiện chế độ quan trắc, dự báo và duy trì cho đến khi kết thúc đợt lũ như sau:

    a) Tổng cục Khí tượng Thủy văn chỉ đạo, phân công các đơn vị trực thuộc:

    - Thực hiện các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm gây mưa, lũ lớn. Tần suất ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai (sau đây gọi tắt là quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai);

    - Thực hiện việc thu thập số liệu quan trắc mưa, mực nước tại các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục Khí tượng Thủy văn trên hệ thống sông Srêpôk theo quy định;

    - Thực hiện các bản tin dự báo, cảnh báo lũ, lũ khẩn cấp tại các Trạm Thủy văn Giang Sơn, Bản Đôn và Đức Xuyên. Tần suất thực hiện bản tin dự báo theo quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai;

    - Theo dõi, dự báo và phát hiện thời điểm mực nước tại các Trạm Thủy văn Giang Sơn, Bản Đôn và Đức Xuyên đạt mực nước tương ứng với các chế độ vận hành của các hồ theo quy định của Quy trình này.

    b) Chủ hồ phải thực hiện việc quan trắc, dự báo như sau:

    - Tổ chức quan trắc lượng mưa theo quy định; quan trắc, tính toán mực nước hồ, lưu lượng đến hồ, lưu lượng xả qua đập tràn, qua nhà máy, qua cống lấy nước đầu kênh (đối với hồ chứa thủy lợi) ít nhất 15 phút một lần;

    - Thực hiện bản tin dự báo lũ đến hồ định kỳ 03 giờ 01 lần. Nội dung bản tin dự báo gồm mực nước hồ, lưu lượng đến hồ thời điểm hiện tại và các thời điểm 06 giờ, 12 giờ, 18 giờ, 24 giờ tới, trong đó phải dự báo thời gian xuất hiện đỉnh lũ đến hồ; dự kiến tổng lưu lượng xả tại các thời điểm 06 giờ, 12 giờ, 18 giờ, 24 giờ tới;

    - Đối với Chủ hồ Buôn Tua Srah, Srêpôk 3 và Krông Búk hạ còn phải theo dõi, phát hiện thời điểm lưu lượng đến hồ đạt giá trị tương ứng với các chế độ vận hành của hồ theo quy định của Quy trình này và báo cáo tới Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk.

    3. Hàng năm, trước thời gian bắt đầu được phép tích nước quy định tại điểm d khoản 2 Điều 7 của Quy trình này, Tổng cục Khí tượng Thủy văn phải thực hiện bản tin dự báo diễn biến thời tiết, thủy văn trong 10 ngày tới trên lưu vực sông Srêpôk để phục vụ việc điều hành vận hành các hồ theo quy định tại Điều 13 của Quy trình này.

    Điều 33. Trách nhiệm cung cấp thông tin, báo cáo trong mùa lũ

    1. Trong điều kiện thời tiết bình thường, khi chưa xuất hiện tình huống thời tiết có khả năng gây mưa lũ, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Chủ hồ phải thực hiện việc cung cấp thông tin, số liệu như sau:

    a) Tổng cục Khí tượng Thủy văn chỉ đạo, phân công các đơn vị trực thuộc phải cung cấp bản tin dự báo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 của Quy trình này cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, các Chủ hồ trước 16 giờ hàng ngày;

    b) Chủ hồ phải cung cấp bản tin dự báo và số liệu quan trắc, tính toán quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 của Quy trình này cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên và các đơn vị quản lý, vận hành các hồ bậc dưới liền kề trước 10 giờ hàng ngày.

    2. Khi dự báo có mưa, lũ hoặc xuất hiện mưa lũ, Chủ hồ, Tổng cục Khí tượng Thủy văn phải thực hiện việc cung cấp số liệu, thông tin như sau:

    a) Tổng cục Khí tượng Thủy văn chỉ đạo, phân công các đơn vị trực thuộc phải cung cấp bản tin dự báo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 32 của Quy trình này cho Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị quản lý, vận hành các hồ.

    Khi mực nước tại Trạm Thủy văn Giang Sơn, Bản Đôn, Đức Xuyên đạt mực nước tương ứng với các chế độ vận hành của hồ theo quy định của Quy trình này thì phải thông báo ngay cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị quản lý, vận hành các hồ Buôn Tua Srah, Srêpôk 3 và Krông Búk hạ.

    b) Chủ hồ phải cung cấp ngay bản tin dự báo kèm theo số liệu quan trắc, tính toán quy định tại điểm b khoản 2 Điều 32 của Quy trình này cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên và các Chủ hồ bậc dưới liền kề.

    3. Chủ hồ Srêpôk 4 đóng vai trò đầu mối cung cấp thông tin cho phía Campuchia về vận hành, xả nước theo Quy trình như sau:

    a) Trong trường hợp vận hành bình thường, thông báo kế hoạch xả nước 02 tuần tiếp theo bằng đường fax hoặc chuyển bản tin bằng mạng vi tính hoặc bằng máy thông tin vô tuyến điện trước 07 ngày cho các cơ quan: Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Ủy ban sông Mê Công Campuchia, Tỉnh trưởng tỉnh Mondulkiri và Công ty Thủy lợi Mondulkiri;

    b) Trong trường hợp vận hành đặc biệt (xả nước, tích nước, ...) có kế hoạch trước, thông báo trước 07 ngày bằng đường fax hoặc chuyển bản tin bằng mạng vi tính hoặc bằng máy thông tin vô tuyến điện cho Ủy ban sông Mê Công Việt Nam để thông báo cho phía Campuchia;

    c) Trong trường hợp xả lũ khẩn cấp, thông báo bằng đường fax hoặc chuyển bản tin bằng mạng vi tính hoặc bằng máy thông tin vô tuyến điện hoặc trực tiếp qua điện thoại khẩn cho các cơ quan: Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Ủy ban sông Mê Công Campuchia, Tỉnh trưởng tỉnh Mondulkiri và Công ty Thủy lợi Mondulkiri, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đảm bảo thông tin kịp thời cho các cơ quan liên quan của Campuchia, hạn chế tối đa tổn thất do xả lũ.

    4. Chủ hồ Srêpôk 3 và Srêpôk 4 A phải chia sẻ và thông báo kịp thời các thông tin về vận hành, điều tiết hồ Srêpôk 3 và Nhà máy thủy điện Srêpôk 4A cho Chủ hồ Srêpôk 4 nhằm bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ thông báo cho phía Campuchia.

    5. Trách nhiệm báo cáo:

    Các Chủ hồ có trách nhiệm báo cáo kết quả vận hành giảm lũ và trạng thái làm việc của công trình, việc báo cáo được thực hiện như sau:

    a) Chậm nhất 02 ngày sau khi kết thúc đợt lũ, các Chủ hồ phải báo cáo kết quả vận hành giảm lũ, trạng thái làm việc sau đợt lũ của hồ và các thông tin có liên quan đến Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk; Bộ Công Thương và Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia đối với các hồ thủy điện; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với các hồ Krông Búk hạ, Ea Rớt; Cục Quản lý tài nguyên nước để theo dõi, chỉ đạo. Riêng đối với Chủ hồ Krông Nô 2, Krông Nô 3 còn phải báo cáo Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng; Chủ hồ Buôn Tua Srah và Chư Pông Krông còn phải báo cáo Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông;

    b) Hàng năm, chậm nhất sau 15 ngày khi kết thúc mùa lũ quy định tại Điều 2 của Quy trình này, các Chủ hồ phải báo cáo kết quả vận hành trong mùa lũ, trạng thái làm việc trong mùa lũ của hồ, các đề xuất, kiến nghị và các thông tin có liên quan đến Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai;

    Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk; Bộ Công Thương, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia đối với các hồ thủy điện; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôi với các hồ Krông Búk hạ, Ea Rớt; Cục Quản lý tài nguyên nước để theo dõi, chỉ đạo.

    6. Phương thức cung cấp thông tin, số liệu:

    Việc cung cấp các thông tin, số liệu cho các cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này được thực hiện theo một trong các phương thức sau:

    a) Bằng fax;

    b) Chuyển bản tin bằng liên lạc;

    c) Chuyển bản tin bằng mạng vi tính;

    d) Thông tin trực tiếp qua điện thoại;

    đ) Liên lạc bằng máy thông tin vô tuyến điện;

    e) Các hình thức thông tin, liên lạc khác.

    Điều 34. Chế độ quan trắc, dự báo và trách nhiệm cung cấp thông tin, báo cáo trong mùa cạn

    1. Trách nhiệm tổ chức quan trắc, dự báo:

    a) Tổng cục Khí tượng Thủy văn có trách nhiệm chỉ đạo, phân công các đơn vị trực thuộc:

    - Tổ chức đo đạc, quan trắc các trị số khí tượng thủy văn: số liệu mưa, mực nước của toàn bộ mạng quan trắc thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục Khí tượng Thủy văn trên hệ thống sông Srêpôk;

    - Nhận định xu thế diễn biến thời tiết, thủy văn trong tháng tới trên lưu vực sông Srêpôk vào ngày 02 hàng tháng.

    b) Chủ hồ phải thực hiện việc quan trắc, dự báo như sau:

    - Tổ chức đo đạc, quan trắc lượng mưa theo quy định; quan trắc lưu lượng đến hồ, lưu lượng qua đập tràn, qua nhà máy, qua cống lấy nước đầu kênh (đối với hồ chứa thủy lợi), mực nước thượng, hạ lưu hồ ít nhất 02 lần một ngày vào lúc 07 giờ và 19 giờ;

    - Đối với Chủ hồ Buôn Tua Srah còn phải tổ chức dự báo lưu lượng đến hồ, mực nước hồ Buôn Tua Srah 10 ngày tới vào các ngày 01, 11 và 21 hàng tháng;

    - Đối với Chủ hồ Krông Búk hạ còn phải tổ chức dự báo lưu lượng đến hồ, mực nước hồ Krông Búk hạ 30 ngày tới vào ngày 01 hàng tháng.

    2. Trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu:

    a) Tổng cục Khí tượng Thủy văn: Chỉ đạo, phân công các đơn vị trực thuộc cung cấp các số liệu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia và các đơn vị quản lý, vận hành các hồ Buôn Tua Srah và Krông Búk hạ các số liệu quy định tại điểm a khoản 1 Điều này trong 10 ngày qua trước 16 giờ các ngày 01, 11,21 hàng tháng;

    b) Chủ các hồ Buôn Tua Srah và Krông Búk hạ phải cung cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Cục Quản lý tài nguyên nước, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên và Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia các số liệu sau:

    - Mực nước thượng lưu, mực nước hạ lưu các hồ; lượng mưa; lưu lượng đến hồ, lưu lượng xả về hạ du thực tế 10 ngày qua trước 11 giờ các ngày 01, 11,21 hàng tháng;

    - Lưu lượng đến hồ, lưu lượng xả về hạ du dự kiến 10 ngày tới trước 11 giờ vào các ngày 01, 11,21 hàng tháng.

    c) Chủ hồ Srêpôk 3 phải thông báo kịp thời các thông tin về vận hành, điều tiết hồ Srêpôk 3 cho Chủ hồ Srêpôk 4 nhằm đảm bảo duy trì lưu lượng xả về hạ du theo quy định của Quy trình này.

    d) Hàng ngày, Chủ các hồ: Krông Nô 2, Krông Nô 3, Chư Pông Krông, Ea Rớt, Buôn Kuốp, Hòa Phú, Đrây H’Linh, Srêpôk 3, Srêpôk 4 và Nhà máy thủy điện Srêpôk 4A cung cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Cục Quản lý tài nguyên nước, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên và Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia các số liệu quan trắc lưu lượng đến hồ, lưu lượng qua đập tràn, qua nhà máy, mực nước thượng và hạ lưu hồ.

    3. Phương thức cung cấp thông tin, số liệu:

    Việc cung cấp các thông tin, số liệu cho các cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực hiện theo một trong các phương thức sau:

    a) Bằng fax;

    b) Chuyển bản tin bằng liên lạc;

    c) Chuyển bản tin bằng mạng vi tính;

    d) Thông tin trực tiếp qua điện thoại;

    đ) Liên lạc bằng máy thông tin vô tuyến điện;

    e) Các hình thức thông tin, liên lạc khác.

    Điều 35. Trong quá trình thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk, nếu có nội dung cần sửa đổi, bổ sung, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan kiến nghị bằng văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

    KT. THỦ TƯỚNG

    PHÓ THỦ TƯỚNG

    Trịnh Đình Dũng

     

    Phụ lục I

    BẢNG THÔNG SỐ KỸ THUẬT CHỦ YẾU CỦA CÁC HỒ CHỨA

    (kèm theo Quyết định số 1612/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ)

    TT

    Thông số

    Đơn vị

    Krông

    Búk Hạ

    Ea Rớt

    Krông Nô 2

    Krông Nô 3

    Buôn Tua Srah

    Chư Pông Krông

    Buôn

    Kuốp

    Hòa

    Phú

    Đrây

    H’linh

    Srêpôk

    3

    Srêpôk

    4

    Srêpôk

    4A

    I

    Các đặc trưng lưu vực

    1

    Diện tích lưu vực

    km2

    452

    48,5

    484

    942

    2.930

    3080

    7.980

    8680

    8800

    9.410

    9.560

    9.560

    2

    Lưu lượng TB nhiều năm

    m3/s

    8,57

    1,08

    28

    31,1

    102

    101

    217

    238

    250

    245

    245

    3

    Lưu lượng đỉnh lũ kiểm tra

    m3/s

    1760

    1166

    2849

    2996

    5.809

    4368

    11.190

    8480

    8507

    12.270

    12.323

    4

    Lưu lượng đỉnh lũ thiết kế

    m3/s

    1320

    839

    2308

    2429

    4.267

    3653

    8000

    6550

    7228

    8.760

    8.856

    II

    Hồ chứa

    1

    Loại hình điều tiết hồ

    Năm

    Năm

    Ngày

    Ngày

    Năm

    Ngày

    Ngày

    Ngày

    Ngày

    Ngày

    Ngày

    Ngày

    2

    Mực nước dâng bình thường

    m

    483,0

    502,2

    620

    555,00

    487,5

    429,3

    412

    302,0

    293,8

    272

    207

    186,59

    3

    Mực nước chết

    m

    469,0

    489,3

    619

    554,5

    465

    429,3

    409

    301,3

    290,8

    268

    204

    185,50

    4

    Mực nước lũ kiểm tra

    m

    485,07

    503,59

    621,44

    560,56

    489,5

    434,27

    414,5

    306,83

    297,80

    275

    210,48

    5

    Mực nước lũ thiết kế

    m

    484,01

    502,85

    620,05

    559,85

    487,82

    435,21

    305,89

    297,41

    6

    Dung tích toàn bộ (Wtb)

    106m3

    109,34

    18,53

    9,356

    18,64

    786,9

    2,90

    63,24

    5,01

    2,28

    218,99

    25,94

    3,94

    7

    Dung tích hữu ích (Whi)

    106m3

    95,74

    16,2

    0,839

    0,87

    522,6

    14,7 .

    1,01

    1,53

    62,85

    8,44

    0,78

    8

    Dung tích chết (Wc)

    106m3

    13,60

    1,73

    8,517

    17,76

    264,2

    2,90

    48,54

    4,0

    0,75

    156,13

    17,50

    3,16

    III

    Đập tràn

    1

    Số cửa van

    Cửa

    3

    3

    4

    Tự do

    3

    Tự do+ Cửa

    5

    Tự do+ Cửa

    Tự do

    5

    5

    2

    Cao trình ngưỡng tràn

    m

    475

    496

    609

    555

    473,5

    423,3

    396

    302/296

    293,8

    256,5

    191,5

    3

    Kích thước mỗi cửa van (BxH)

    mxm

    7x8

    7x7,59

    9x11

    110

    12x14,8

    8x6,65

    15x16

    8x6

    480

    15x15,5

    15x16

    4

    Q xả tràn ứng với MNTK

    m3/s

    1057

    584,84

    2291

    2394

    4.216

    1458

    11.180

    1871

    11.600

    IV

    Nhà máy

    3 nhà máy

    1

    Lưu lượng thiết kế (Qtk)

    m3/s

    65,19

    73,1

    204,9

    210

    316

    438,3

    412,8

    507,42

    492

    2

    Cột nước thiết kế

    m

    61,56

    28,12

    46,50

    98,5

    7,5

    60

    3

    Công suất lắp máy (Nlm)

    MW

    30

    18

    86

    8,0

    280

    29

    34

    220

    80

    64

    4

    Số tổ máy

    2

    2

    2

    2

    2

    2

    2

    2

    2

    Phụ lục II

    BẢNG TRA VÀ BIẾU ĐỒ QUAN HỆ MỰC NƯỚC, DIỆN TÍCH VÀ DUNG TÍCH

     (kèm theo Quyết định số 1612/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ)

    Quyết định 1612/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk
    1. Hồ Buôn Tua Srah

    W (106 m3)

    Z (m)

    427,0

    430,0

    435,0

    440,0

    445,0

    450,0

    455,0

    460,0

    465,0

    470,0

    475,0

    480,0

    485,0

    490,0

    495,0

    500,0

    F (km2)

    0,0

    0,770

    1,85

    4,15

    7,07

    8,89

    10,7

    12,5

    14,7

    17,3

    20,0

    25,2

    32,6

    41,6

    52,5

    64,7

    W (106m3)

    0,0

    0,770

    7,13

    21,8

    49,5

    89,3

    138

    196

    264

    344

    437

    550

    694

    879

    1114

    1406

    Text Box: F (km2)

    2. Hồ Buôn Kuốp

    Quyết định 1612/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk

    Z(m)

    381

    385

    386

    387

    388

    389

    390

    391

    392

    393

    394

    395

    396

    397

    398

    399

    F(km2)

    0,0

    0,210

    0,290

    0,370

    0,440

    0,550

    0,740

    0,900

    1,04

    1,22

    1,36

    1,49

    1,63

    1,81

    1,97

    2,14

    W (106m3)

    0,0

    0,340

    0,59

    0,92

    1,32

    1,82

    2,46

    3,28

    4,25

    5,37

    6,66

    8,08

    9,64

    11,4

    13,3

    15,3

    Z(m)

    400

    401

    402

    403

    404

    405

    406

    407

    408

    409

    410

    411

    412

    413

    414

    415

    F(km2)

    2,36

    2,58

    2,79

    3,05

    3,21

    3,66

    3,88

    4,10

    4,30

    4,51

    4,71

    4,95

    5,57

    6,82

    11,5

    23,6

    W(106m3)

    17,6

    20,0

    22,7

    25,6

    28,8

    32,2

    36,0

    39,9

    44,1

    48,6

    53,2

    58,0

    63,2

    69,4

    78,5

    95,7

    3. Hồ Srêpôk 3

               F (km2)

    Quyết định 1612/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk

    Z(m)

    222

    224

    226

    228

    230

    232

    234

    236

    238

    240

    242

    244

    246

    248

    250

    F (km2)

    0,00

    0,001

    0,002

    0,01

    0,03

    0,11

    0,11

    0,25

    0,44

    0,66

    0,94

    1,28

    1,84

    2,34

    2,94

    W(106m3)

    0,00

    0,001

    0,004

    0,02

    0,06

    0,19

    0,41

    0,76

    1,45

    2,53

    4,12

    6,33

    9,43

    13,6

    18,9

    Z(m)

    252

    254

    256

    258

    260

    262

    264

    266

    268

    270

    272

    274

    276

    278

    280

    F (km2)

    3,68

    4,56

    5,63

    6,65

    7,93

    9,31

    10,7

    11,9

    13,7

    15,8

    17,7

    19,5

    21,6

    23,8

    26,3

    W (106m3)

    25,5

    33,7

    43,9

    56,1

    70,7

    87,9

    107,9

    130,5

    156,1

    185,6

    219,0

    256,2

    297,3

    342,7

    392,6

    4. Hồ Srêpôk 4

    F (km2)

    Quyết định 1612/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk

    Z(m)

    175

    183

    185

    187

    188

    190

    194

    196

    198

    200

    202

    204

    206

    208

    210

    212

    F(km2)

    0,00

    0,01

    0,06

    0,13

    0,19

    0,34

    0,74

    0,95

    1,21

    1,49

    1,98

    2,37

    2,92

    3,41

    4,00

    4,74

    W (106m3)

    0,00

    0,02

    0,10

    0,28

    0,44

    0,96

    3,17

    4,86

    7,01

    9,71

    13,17

    17,50

    22,78

    29,10

    36,50

    45,23

    5. Hồ krông Búk Hạ

    Quyết định 1612/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông SrêpôkF (km2)


    Z(m)

    458

    459

    460

    461

    462

    463

    464

    465

    466

    467

    468

    469

    470

    471

    472

    F(km2)

    0,01

    0,11

    0,34

    0,4

    0,54

    0,84

    1,21

    1,56

    1,97

    2,37

    2,74

    3,13

    3,62

    44

    4,51

    W(106m3)

    0,00

    0,05

    0,26

    0,64

    1,11

    1,79

    2,81

    4,19

    5,95

    8,12

    10,67

    13,6

    17,0

    20,8

    25,1

    Z(m)

    473

    474

    475

    476

    477

    478

    479

    480

    481

    482

    483

    484

    485

    486

    487

    F (km2)

    5,04

    5,53

    6,23

    6,68

    7,28

    7,78

    8,36

    9,19

    9,84

    10,5

    11,1

    11,8

    12,4

    13,1

    13,8

    W(106m3)

    29,9

    35,2

    41,1

    47,5

    54,5

    62,0

    70,1

    78,9

    88,4

    98,5

    109,3

    120,8

    132,9

    145,7

    159,1

    6. Hồ Ea Rớt

    Quyết định 1612/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk

    Z(m)

    480,0

    482,0

    484,0

    486,0

    488,0

    490,0

    492,0

    494,0

    496,0

    498,0

    500,0

    502,0

    503,0

    504,0

    505,0

    506,0

    F(km2)

    0,0

    0,043

    0,134

    0,208

    0,313

    0,45

    0,616

    0,856

    1,16

    1,51

    1,95

    2,40

    2,62

    2,85

    3,06

    3,31

    W (106m3)

    0,0

    0,050

    0,280

    0,660

    1,22

    2,05

    3,20

    4,78

    6,94

    9,76

    13,4

    18,0

    20,6

    23,5

    26,5

    29,8

    7. Hồ krông Nô 2

                                   F(km2)

    Quyết định 1612/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk

    Z(m)

    588,5

    590

    592

    594

    596

    598

    600

    602

    604

    606

    608

    F(km2)

    0,000

    0,000

    0,003

    0,02

    0,07

    0,126

    0,17

    0,207

    0,241

    0,277

    0,313

    W(106m3)

    0,000

    0,001

    0,006

    0,046

    0,187

    0,44

    0,781

    1,194

    1,677

    2,231

    2,858

    Z(m)

    610

    612

    614

    616

    618

    620

    622

    624

    626

    628

    F (km2)

    0,349

    0,391

    0,456

    0,558

    0,69

    0,838

    1,002

    1,198

    1,435

    1,707

    W(106m3)

    3,555

    4,338

    5,25

    6,367

    7,747

    9,423

    11,427

    13,822

    16,691

    20,106

    8. Hồ Krông Nô 3

    Quyết định 1612/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk

    Z(m)

    520

    522

    524

    526

    528

    530

    532

    534

    536

    538

    540

    F(km2)

    0

    0,003

    0,016

    0,033

    0,07

    0,113

    0,147

    0,184

    0,244

    0,34

    0,448

    W (106m3)

    0

    0,002

    0,019

    0,066

    0,167

    0,349

    0,609

    0,94

    1,366

    1,948

    2,734

    Z(m)

    542

    544

    546

    548

    550

    552

    554

    556

    558

    560

    562

    F(km2)

    0,554

    0,758

    0,897

    1,091

    1,277

    1,463

    1,647

    1,848

    2,163

    2,474

    2,884

    W (106m3)

    3,734

    5,04

    6,694

    8,678

    11,043

    13,781

    16,889

    20,382

    24,389

    29,023

    34,376

    9. Hồ Hòa Phú

    Quyết định 1612/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk

    Z(m)

    294,0

    298,0

    299,0

    300,0

    301,0

    302,0

    303,0

    304,0

    305,0

    306,0

    307,0

    F(km2)

    0,0

    0,560

    0,791

    1,125

    1,277

    1,60

    2,002

    2,289

    2,767

    2,904

    3,124

    W (106m3)

    0,0

    0,746

    1,418

    2,371

    3,571

    5,007

    6,804

    8,949

    11,473

    14,308

    17,321

    10. Hồ Đrây H’linh

    Quyết định 1612/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk

    Z(m)

    277,83

    279,83

    281,83

    283,83

    285,83

    287,83

    289,83

    291,83

    293,83

    295,83

    297,83

    299,83

    301,83

    W(106m3)

    0,005

    0,014

    0,032

    0,080

    0,188

    0,312

    0,542

    1,096

    2,280

    3,013

    4,209

    5,191

    6,271

     

    Phụ lục III

    KHOẢNG MỰC NƯỚC ĐỂ ĐIỀU HÀNH CÁC HỒ TRONG MÙA CẠN

    (kèm theo Quyết định số 1612/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ)

    -------------------------

     

    STT

    Khoảng thời gian (ngày/tháng)

    Khoảng mực nước (m)

    Từ

    Đến

    Buôn Tua Srah

    Krông Búk hạ

    Từ

    Đến

    Từ

    Đến

    1

    01/12

    10/12

    482,0

    484,2

    482,2

    483,0

    2

    11/12

    20/12

    482,0

    484,1

    3

    21/12

    30/12

    482,0

    484,0

    4

    01/1

    10/01

    481,8

    483,9

    480,5

    482,2

    5

    11/1

    20/01

    481,6

    483,5

    6

    21/1

    31/01

    481,0

    483,1

    7

    01/2

    10/02

    480,6

    482,6

    477,3

    480,2

    8

    11/2

    20/02

    480,0

    482,0

    9

    21/2

    28/02

    (29/02)

    479,5

    481,6

    10

    01/3

    10/3

    479,0

    481,2

    474,2

    478,3

    11

    11/3

    20/3

    478,0

    480,5

    12

    21/3

    31/3

    477,2

    479,9

    13

    01/4

    10/4

    476,5

    479,0

    473,1

    477,8

    14

    11/4

    20/4

    474,8

    477,5

    15

    21/4

    30/4

    473,2

    476,0

    16

    01/5

    10/5

    471,7

    474,8

    469,0

    469,0

    17

    11/5

    20/5

    470,6

    473,6

    18

    21/5

    31/5

    469,5

    472,6

    19

    01/6

    10/6

    468,5

    471,3

    469,0

    472,2

    20

    11/6

    20/6

    467,5

    470,4

    21

    21/6

    30/6

    467,0

    470,0

    22

    01/7

    10/7

    466,8

    469,8

    470,4

    473,3

    23

    11/7

    20/7

    466,6

    469,6

    24

    21/7

    31/7

    466,5

    469,5

     

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Tài nguyên nước của Quốc hội, số 17/2012/QH13
    Ban hành: 21/06/2012 Hiệu lực: 01/01/2013 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Luật Phòng chống thiên tai của Quốc hội, số 33/2013/QH13
    Ban hành: 19/06/2013 Hiệu lực: 01/05/2014 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    03
    Luật Tổ chức Chính phủ của Quốc hội, số 76/2015/QH13
    Ban hành: 19/06/2015 Hiệu lực: 01/01/2016 Tình trạng: Đã sửa đổi
    Văn bản căn cứ
    04
    Luật Khí tượng thủy văn của Quốc hội, số 90/2015/QH13
    Ban hành: 23/11/2015 Hiệu lực: 01/07/2016 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    05
    Luật Thủy lợi của Quốc hội, số 08/2017/QH14
    Ban hành: 19/06/2017 Hiệu lực: 01/07/2018 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    06
    Nghị định 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc quản lý an toàn đập, hồ chứa nước
    Ban hành: 04/09/2018 Hiệu lực: 04/09/2018 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    07
    Quyết định 1201/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk
    Ban hành: 23/07/2014 Hiệu lực: 15/08/2014 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hết hiệu lực
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Quyết định 1612/QĐ-TTg ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủ
    Số hiệu:1612/QĐ-TTg
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:13/11/2019
    Hiệu lực:01/12/2019
    Lĩnh vực:Tài nguyên-Môi trường, Nông nghiệp-Lâm nghiệp
    Ngày công báo:01/12/2019
    Số công báo:919&920-12/2019
    Người ký:Trịnh Đình Dũng
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

    Quyết định 1612/QĐ-TTg ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk (.pdf)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

    Quyết định 1612/QĐ-TTg ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk (.doc)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X