THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 1942/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC VÀ XỬ LÝ NƯỚC THẢI KHU VỰC
DÂN CƯ, KHU CÔNG NGHIỆP THUỘC LƯU VỰC SÔNG ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2030
---------------------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030 với các nội dung chính như sau:
1. Phạm vi quy hoạch
Toàn bộ diện tích lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (khoảng 47.000 km2) thuộc ranh giới hành chính của 11 tỉnh, thành phố bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận và một phần của tỉnh Đắk Lắk (xã Đắk Nuê và xã Kroong Nô thuộc huyện Lắk).
2. Quan điểm quy hoạch
- Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch sử dụng đất; Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 tại Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ; định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1930/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan.
- Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cho các khu dân cư và các khu công nghiệp bảo đảm hệ thống thoát nước hoạt động ổn định, bền vững trên cơ sở xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa, nước thải từ thu gom, chuyển tải đến xử lý theo từng lưu vực, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.
- Sử dụng công nghệ, thiết bị xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành về xử lý nước thải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương; ưu tiên áp dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng và tính đến khả năng nâng cấp trong tương lai; khuyến khích việc tái sử dụng nước thải sau xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho từng mục đích sử dụng khác nhau.
- Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống thoát nước.
3. Mục tiêu quy hoạch
- Cụ thể hóa Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2007.
- Dự báo nhu cầu thoát nước và xử lý nước thải; xác định các vùng tiêu thoát nước; xác định phương án thoát nước, xử lý nước thải và nhu cầu đầu tư trong từng giai đoạn.
- Làm cơ sở cho việc lập, rà soát các quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thuộc phạm vi lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
- Đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải.
4. Nội dung quy hoạch
a) Quy hoạch tiêu thoát nước vùng
- Các chỉ tiêu tính toán:
+ Hệ số tiêu cho đô thị loại đặc biệt và các khu công nghiệp tập trung: 15 ÷ 20 l/s.ha;
+ Hệ số tiêu cho các đô thị (từ loại V đến loại I): 12 ÷ 15 l/s.ha;
+ Hệ số tiêu cho khu vực dân cư nông thôn: 8 ÷ 10 l/s.ha.
- Quy hoạch tiêu thoát nước vùng:
+ Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai được chia thành 07 vùng tiêu bao gồm:
. 02 vùng tiêu là sông La Ngà và sông Bé áp dụng giải pháp tiêu thoát nước tự chảy hoàn toàn.
. 05 vùng tiêu là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây (01 phần khu vực tỉnh Long An), các sông nhỏ ven biển có địa hình thấp hơn mực nước sông trong mùa lũ áp dụng giải pháp tiêu thoát nước tự chảy kết hợp với tiêu động lực.
+ Trong từng lưu vực của vùng tiêu, giải pháp tiêu thoát nước sử dụng hệ thống hồ điều hòa, hồ cảnh quan trong lưu vực nhằm tăng cường chế độ tiêu tự chảy, giảm thiểu chi phí đầu tư, quản lý hệ thống công trình đầu mối tiêu động lực; cải thiện môi trường sinh thái và góp phần tạo dựng mỹ quan đô thị.
+ Mặt phủ tự nhiên thấm nước được khống chế ngay từ ban đầu; hạn chế tối đa chuyển đổi diện tích mặt nước hiện có sang mục đích sử dụng khác. Nhằm giảm thiểu úng ngập trong quá trình đô thị hóa, dưới tác động của biến đổi khí hậu, diện tích mặt nước tối thiểu là F ≥ 5% diện tích lưu vực thoát nước.
+ Khu vực ven biển, địa hình thấp ngoài việc kiểm soát tiêu úng, phải kiểm soát đến tiêu chua, ngăn mặn do triều cường, ứng phó với nước biển dâng.
b) Quy hoạch thoát nước mưa
- Khu vực đô thị:
+ Các đô thị được chia thành các lưu vực thoát nước bảo đảm thoát nước nhanh và triệt để; cải tạo, xây dựng mới các hồ điều hòa, trạm bơm và các trục thoát nước chính trong đô thị.
+ Đối với các đô thị tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bình Dương cần tăng cường tối đa hệ thống hồ điều hòa tiếp nhận và điều tiết nước mưa.
+ Đối với các đô thị ở khu vực hạ lưu sông Đồng Nai thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận việc thoát nước mưa phải được tính toán phù hợp với biên độ triều. Xây dựng mới các hồ điều hòa, kết hợp cống ngăn triều để thoát nước mưa nhằm giảm công suất trạm bơm.
+ Khu vực đô thị hiện hữu: Cải tạo, nâng cấp hoàn thiện hệ thống thoát nước chung để thoát nước mưa, kết hợp giải pháp xây dựng cống bao thu gom và dẫn nước thải về nhà máy xử lý nước thải.
+ Khu vực đô thị mới: Xây dựng hệ thống thoát nước mưa riêng đồng bộ với phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị bao gồm mạng lưới thoát nước mưa, kênh mương, hồ điều hòa, trạm bơm và các công trình thoát nước tại chỗ (thấm, trữ nước,...); nước mưa được thoát ra sông, kênh, hồ không phải xử lý, và khuyến khích việc tái sử dụng nước mưa.
+ Các đô thị từ loại III trở lên được phân chia làm 99 lưu vực thoát nước (chi tiết xem tại Phụ lục - Bảng 1).
+ Dự kiến xây dựng các công trình đầu mối tiêu thoát nước mưa đối với các đô thị từ loại III trở lên thuộc phạm vi lưu vực sông Đồng Nai gồm 54 hồ điều hòa, bao gồm: 30 hồ tại Thành phố Hồ Chí Minh, 05 hồ tại thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), 04 hồ tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), 04 hồ tại thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), 03 hồ tại thành phố Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh), 03 hồ tại thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), 05 hồ tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) có tổng diện tích khoảng 1.814 ha và 06 trạm bơm thoát nước tại Thành phố Hồ Chí Minh có tổng công suất khoảng 144,65 m3/s. Ngoài ra, các địa phương tiếp tục triển khai các dự án theo quy hoạch thủy lợi, quy hoạch thoát nước và quy hoạch chống ngập úng đã được phê duyệt.
- Khu vực nông thôn:
+ Lựa chọn hệ thống thoát nước phù hợp với hệ thống thủy lợi và điều kiện của địa phương.
+ Đối với sông, suối chảy qua khu vực dân cư cần cải tạo, gia cố bờ, chống sạt lở; tận dụng tối đa mặt nước (ao, hồ tự nhiên và nhân tạo), mặt phủ tự nhiên thấm nước để thoát nước mặt theo chế độ tự chảy.
+ Đối với khu dân cư tập trung nằm trên sườn đồi, núi phải có các giải pháp thiết kế mương chặn, hướng dòng, không chảy tràn qua khu dân cư.
- Khu công nghiệp:
Các khu công nghiệp xây dựng hệ thống thoát nước riêng cho nước mưa và nước thải; nước mưa được thoát trực tiếp ra sông, kênh, mương, hồ theo quy hoạch.
c) Quy hoạch thoát nước thải và xử lý nước thải
- Các chỉ tiêu tính toán:
+ Tiêu chuẩn thoát nước thải ≥ 80% tiêu chuẩn cấp nước
STT | Khu vực thoát nước | Lưu lượng nước thải (lít/người/ngày đêm) |
Năm 2020 | Năm 2030 |
1 | Đô thị | 90 - 145 | 100 - 160 |
2 | Nông thôn | 65 | 80 |
3 | Khu công nghiệp | 20 - 40 m3/ha/ngày đêm |
+ Chất lượng nước thải sau xử lý phải đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
- Dự báo tổng lượng nước thải tại các đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư tập trung nông thôn phát sinh thuộc lưu vực sông Đồng Nai như sau:
STT | Hạng mục | Lượng nước thải phát sinh (m3/ngày đêm) |
Năm 2020 | Năm 2030 |
1 | Nước thải đô thị | 3.300.000 | 5.223.000 |
2 | Nước thải nông thôn | 294.000 | 556.000 |
3 | Nước thải công nghiệp | 895.000 | 1.476.000 |
Tổng cộng | 4.489.000 | 7.255.000 |
- Quy hoạch thoát nước thải khu đô thị và khu công nghiệp:
Các giải pháp thoát nước và xử lý nước thải phù hợp với định hướng thoát nước trong quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch thoát nước chuyên ngành của các địa phương thuộc lưu vực sông Đồng Nai.
+ Đối với các đô thị:
Các đô thị từ loại III trở lên đang sử dụng mạng lưới thoát nước chung, đề xuất giải pháp xây dựng hệ thống thoát nước hỗn hợp trên cơ sở mạng lưới thoát nước chung hiện có và xây dựng mới hệ thống thoát nước nửa riêng (gồm cống bao, giếng tách dòng,...) để đưa nước thải về nhà máy xử lý tập trung.
Các đô thị mới, đô thị loại IV, V từng bước xây dựng hệ thống thoát nước riêng cho nước mưa và nước thải. Nước thải được thu gom về nhà máy xử lý nước thải tập trung và được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.
Xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tại các đô thị phù hợp với quy mô dân số và tính chất của đô thị; công suất nhà máy được tính toán trên cơ sở tỷ lệ tiếp cận dịch vụ thoát nước theo từng giai đoạn phát triển của đô thị.
+ Đối với các khu công nghiệp:
Xây dựng hệ thống thoát nước riêng, thu gom xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.
+ Dự kiến xây dựng 51 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị từ loại III trở lên thuộc phạm vi lưu vực hệ thống sông Đồng Nai với công suất đến năm 2020 là 2.502.800 m3/ngày đêm và đến năm 2030 là 4.181.500 m3/ngày đêm (chi tiết xem tại Phụ lục - Bảng 2). Các địa phương triển khai các dự án thoát nước cho các đô thị còn lại theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành của địa phương đã được phê duyệt.
- Định hướng thoát nước thải đối với khu dân cư nông thôn:
+ Các khu dân cư tập trung theo cụm: Do lượng nước thải không nhiều (tùy theo địa hình) sử dụng giải pháp hồ sinh học để xử lý nước thải;
+ Các khu dân cư tập trung theo tuyến: Nước thải được xử lý cục bộ theo từng hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình (bể tự hoại, hầm biogas,...);
+ Kiểm soát chất lượng nước tại các khu vực sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản trong nông nghiệp.
- Định hướng thoát nước thải làng nghề:
Nước thải từ các làng nghề phải được thu gom, xử lý cục bộ đạt các yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải ra nguồn tiếp nhận hoặc hệ thống thoát nước đô thị.
d) Lựa chọn công nghệ xử lý nước thải
Căn cứ vào điều kiện cụ thể, các địa phương lựa chọn công nghệ và thiết bị xử lý nước thải cho phù hợp; ưu tiên công nghệ và thiết bị hiện đại, chất lượng cao, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; khuyến khích sử dụng thiết bị công nghệ xử lý nước thải được sản xuất trong nước.
đ) Yêu cầu đối với chất lượng nước thải xả vào lưu vực hệ thống sông Đồng Nai
- Đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai theo các mục tiêu sử dụng, trong toàn lưu vực được chia thành các đoạn sông cần đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo các quy chuẩn kỹ thuật như sau:
+ Yêu cầu chất lượng nước thải sau xử lý phải đạt tiêu chuẩn loại A của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường hiện hành đối với các đoạn sông từ thượng lưu sông Đồng Nai đến Long Thành (tỉnh Đồng Nai); từ thượng lưu sông Sài Gòn đến Bến Than (huyện Củ Chi - Thành phố Hồ Chí Minh); toàn bộ sông Bé, sông La Ngà; từ thượng lưu sông Vàm Cỏ Đông đến Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh); từ thượng lưu sông Dinh đến thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu);
+ Các đoạn sông còn lại, nước thải sau xử lý tối thiểu đạt tiêu chuẩn loại B của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường hiện hành; khuyến khích các nhà máy xử lý nước thải xử lý đạt tiêu chuẩn loại A theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường hiện hành.
- Đối với các trạm xử lý nước thải hiện hữu thuộc lưu vực sông Đồng Nai cần rà soát và có các giải pháp thích hợp đảm bảo yêu cầu xả nước thải sau xử lý theo mục tiêu bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai.
5. Khái toán kinh phí đầu tư
a) Nhu cầu vốn đầu tư
Ước tính vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước (bao gồm hệ thống thoát nước mưa, nước thải, trạm xử lý nước thải) trong phạm vi lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2020 và năm 2030 là:
- Từ nay đến năm 2020 khoảng 99.100 tỷ đồng.
- Từ 2020 đến năm 2030 khoảng 69.200 tỷ đồng.
b) Nguồn vốn đầu tư:
- Vốn ngân sách nhà nước.
- Vốn ODA, vốn tài trợ nước ngoài.
- Vốn tín dụng đầu tư.
- Vốn hợp pháp từ các nhà đầu tư trong, ngoài nước.
- Vốn huy động từ các thành phần kinh tế khác.
6. Đề xuất các dự án ưu tiên xây dựng giai đoạn 2014 - 2020
a) Thành phố Hồ Chí Minh:
- Thực hiện giai đoạn II của Dự án Cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh, nâng công suất lên 300.000 m3/ngày đêm.
- Hệ thống thoát nước, thu gom và nhà máy xử lý nước thải lưu vực số 3 (Tân Hóa - Lò Gốm), công suất 168.000 m3/ngày đêm.
- Hệ thống thoát nước, thu gom và nhà máy xử lý nước thải lưu vực số 4 (Nam Sài Gòn), công suất 82.000 m3/ngày đêm.
- Hệ thống thoát nước, thu gom và nhà máy xử lý nước thải cho lưu vực số 5 (Đông Sài Gòn) và lưu vực 9 (Nhiêu Lộc - Thị Nghè), công suất 450.000 m3/ngày đêm.
- Hệ thống thoát nước, thu gom và nhà máy xử lý nước thải lưu vực số 8 (Tham Lương - Bến Cát), công suất 250.000 m³/ngày đêm.
b) Tỉnh Đồng Nai:
- Thực hiện giai đoạn 1 dự án hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải các khu vực của thành phố Biên Hòa, công suất 71.000 m3/ngày đêm.
- Hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải khu vực trung tâm và lân cận của Đô thị mới Nhơn Trạch, công suất 54.000 m3/ngày đêm.
- Hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải cho khu vực trung tâm và đô thị mở rộng phía Nam thị xã Long Khánh, công suất 15.000 m3/ngày đêm.
c) Tỉnh Long An:
- Nâng cấp hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải thành phố Tân An, công suất 27.800 m3/ngày đêm.
- Hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải thị trấn Bến Lức, công suất 7.000 m3/ngày đêm.
d) Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:
- Hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý trung tâm thành phố Vũng Tàu, công suất 82.600 m3/ngày đêm.
- Hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải cho các khu vực phường 11 và phường 12, công suất 11.100 m3/ngày đêm.
- Hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải thành phố Bà Rịa, công suất 12.000 m3/ngày đêm.
đ) Tỉnh Bình Dương:
Hệ thống thoát nước thành phố Thủ Dầu Một và nâng cấp nhà máy xử lý nước thải Nam Bình Dương lên công suất 34.000 m3/ngày đêm.
e) Tỉnh Bình Phước:
Hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải thị xã Đồng Xoài, công suất 13.300 m3/ngày đêm.
g) Tỉnh Tây Ninh:
Hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải thành phố Tây Ninh, công suất 5.000 m3/ngày đêm.
h) Tỉnh Đắk Nông:
Hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải thị xã Gia Nghĩa, công suất 6.000 m3/ngày đêm.
i) Tỉnh Lâm Đồng:
- Dự án hệ thoát nước và nhà máy xử lý nước thải thành phố Đà Lạt, giai đoạn II, nâng công suất nhà máy xử lý nước Cam Ly lên 14.000 m³/ngày đêm.
- Hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải khu vực trung tâm thành phố Bảo Lộc, công suất 23.800 m3/ngày đêm.
k) Tỉnh Bình Thuận:
Hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải trung tâm thành phố Phan Thiết, công suất 24.000 m3/ngày đêm.
l) Tỉnh Ninh Thuận:
Nâng cấp hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải khu vực trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm lên công suất 26.300 m3/ngày đêm.
7. Đánh giá môi trường chiến lược
a) Tác động tích cực đến môi trường:
- Đảm bảo môi trường nước của lưu vực sông Đồng Nai không bị ô nhiễm do nước thải của các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người.
- Tạo môi trường tốt và nâng cao điều kiện sống, làm việc tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, thu hút đầu tư.
- Góp phần phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với các đô thị, các khu công nghiệp trong lưu vực sông.
- Bảo vệ sức khỏe cho người dân.
b) Dự báo các tác động tới môi trường khi thực hiện quy hoạch:
Trong quá trình thi công xây dựng mạng lưới thoát nước công trình xử lý nước thải sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và sức khỏe của người dân quanh khu vực xây dựng như: Ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm nguồn nước mặt,...; giai đoạn vận hành thử và nghiệm thu công trình có thể chưa bảo đảm chất lượng tiêu chuẩn môi trường dẫn đến ảnh hưởng chất lượng nước của các nguồn tiếp nhận (sông, hồ), chất thải trong quá trình xử lý nước thải gây ô nhiễm môi trường.
c) Các giải pháp giảm thiểu tác động đến môi trường:
- Giải pháp thiết kế, công nghệ hợp lý bảo đảm xử lý nước thải theo quy định về môi trường.
- Xây dựng các biện pháp thi công hợp lý nhằm giảm ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn đối với phương tiện vận chuyển, thi công cơ giới trên công trường.
- Xây dựng và thực hiện các quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý bùn thải từ hệ thống thoát nước (mạng lưới thoát nước và nhà máy xử lý nước thải).
- Xây dựng các giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường khi xảy ra các sự cố trên hệ thống thu gom và chuyển tải nước thải về nhà máy xử lý.
- Xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra chất lượng nước thải sau xử lý xả ra môi trường theo quy định.
- Nâng cao năng lực quản lý, vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.
- Các biện pháp hỗ trợ khác.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Xây dựng:
- Tổ chức công bố Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo các hình thức phù hợp và bàn giao hồ sơ quy hoạch cho các địa phương theo quy định hiện hành.
- Hướng dẫn các địa phương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành thoát nước trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Các Bộ, ngành liên quan:
Theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng lưu vực sông Đồng Nai tổ chức thực hiện quy hoạch theo quy định.
3. Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng thực hiện thống nhất, có hiệu quả Quy hoạch này.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng lưu vực sông Đồng Nai:
- Tổ chức rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành thoát nước trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp với kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống thoát nước đáp ứng cho từng giai đoạn; xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn vốn triển khai quy hoạch này.
- Rà soát và lập kế hoạch sử dụng đất cho các công trình thoát nước và xử lý nước thải.
- Chỉ đạo tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh theo quy định hiện hành.
- Tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về vệ sinh môi trường, bảo vệ hệ thống thoát nước, vai trò của hệ thống thoát nước với môi trường.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh; Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Y tế, Khoa học và Công nghệ; - Thành ủy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk; - Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KGVX; - Lưu: Văn thư, KTN (3b). | KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG Hoàng Trung Hải |
PHỤ LỤC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1942/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)
Bảng 1: Tổng hợp các lưu vực thoát nước thải tại các đô thị từ loại III trở lên thuộc phạm vi lưu vực sông Đồng Nai
STT | Tỉnh/Thành phố | Số lưu vực thoát nước |
I | Thành phố Hồ Chí Minh | 06 |
II | Tỉnh Đồng Nai | |
1 | Thành phố Biên Hòa | 11 |
2 | Thị xã Long Khánh | 04 |
3 | Đô thị mới Nhơn Trạch | 08 |
III | Tỉnh Long An | |
1 | Thành phố Tân An | 04 |
2 | Thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức | 02 |
IV | Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu | |
1 | Thành phố Vũng Tàu | 18 |
2 | Thành phố Bà Rịa | 04 |
V | Tỉnh Bình Dương | |
1 | Thành phố Thủ Dầu Một | 02 |
VI | Tỉnh Bình Phước | |
1 | Thị xã Đồng Xoài | 04 |
VII | Tỉnh Tây Ninh | |
1 | Thành phố Tây Ninh | 08 |
VIII | Tỉnh Đắk Nông | |
1 | Thị xã Gia Nghĩa | 02 |
IX | Tỉnh Lâm Đồng | |
1 | Thành phố Đà Lạt | 07 |
2 | Thành phố Bảo Lộc | 08 |
X | Tỉnh Bình Thuận | |
1 | Thành phố Phan Thiết | 06 |
XI | Tỉnh Ninh Thuận | |
1 | Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm | 05 |
Tổng cộng | 99 |
Bảng 2: Tổng hợp dự kiến xây dựng các trạm xử lý nước thải sinh hoạt cho các đô thị từ loại III trở lên thuộc phạm vi lưu vực sông Đồng Nai
STT | Nhà máy xử lý nước thải | Công suất (m3/ngày đêm) |
Hiện trạng | Năm 2020 | Năm 2030 | Vị trí dự kiến |
I | Thành phố Hồ Chí Minh | 141.000 | 1.862.000 | 3.076.000 | |
1 | Nhà máy lưu vực số 1 (Tàu Hũ, Bến Nghé - Đôi, Tẻ) | 141.000 | 300.000 | 512.000 | Xã Bình Hưng |
2 | Nhà máy lưu vực số 2 (Tây Sài Gòn) | | 138.000 | 230.000 | Quận Tân Phú |
3 | Nhà máy lưu vực số 3 (Tân Hóa - Lò Gốm) | | 168.000 | 270.000 | Huyện Bình Chánh |
4 | Nhà máy lưu vực số 4 (Nam Sài Gòn) | | 82.000 | 132.000 | Quận 7 |
5 | Nhà máy lưu vực số 5 (Đông Sài Gòn và Nhiêu Lộc - Thị Nghè) | | 450.000 | 850.000 | Quận 2 |
6 | Nhà máy lưu vực số 6 (Bắc Sài Gòn II) | | 82.000 | 132.000 | Quận 9 |
7 | Nhà máy lưu vực số 7 (Bắc Sài Gòn I) | | 142.000 | 230.000 | Quận Thủ Đức |
8 | Nhà máy lưu vực số 8 (Tham Lương - Bến Cát) | | 250.000 | 310.000 | Quận Gò Vấp |
9 | Nhà máy lưu vực số 10 (Bình Tân) | | 110.000 | 180.000 | Quận Bình Tân |
10 | Nhà máy lưu vực số 11 (rạch Cầu Dừa) | | 72.000 | 120.000 | Quận 12 |
11 | Nhà máy lưu vực 12 (Tây Bắc Thành phố) | | 68.000 | 110.000 | Tây Bắc Thành phố |
II | Tỉnh Đồng Nai | | | | |
| Thành phố Biên Hòa | | 145.000 | 266.000 | |
1 | Nhà máy Hố Nai | | 19.000 | 38.000 | Phường Hố Nai |
2 | Nhà máy Tam Hiệp | | 52.000 | 80.000 | Phường Tam Hiệp |
3 | Nhà máy Long Thành | | 74.000 | 148.000 | Xã Long Hưng |
| Đô thị mới Nhơn Trạch | | 96.000 | 142.000 | |
4 | Nhà máy số 1 | | 54.000 | 72.000 | Gần cảng Đồng Tranh |
5 | Nhà máy số 2 | | 14.000 | 28.000 | Xã Long Tân |
6 | Nhà máy số 3 | | 14.000 | 28.000 | Xã Hiệp Phước |
7 | Nhà máy số 4 | | 14.000 | 14.000 | Xã Vĩnh Thanh |
| Thị xã Long Khánh | | 34.000 | 46.000 | |
8 | Nhà máy số 1 | | 19.000 | 26.000 | Phía Bắc Thị xã |
9 | Nhà máy số 2 | | 15.000 | 20.000 | Phía Đông Thị xã |
III | Tỉnh Long An | | | | |
| Thành phố Tân An | | 27.800 | 46.300 | |
1 | Nhà máy số 1 | | 11.000 | 18.900 | Xã Bình Tâm |
2 | Nhà máy số 2 | | 11.300 | 18.400 | Xã Hương Thọ Phú |
3 | Nhà máy số 3 | | 5.500 | 9.000 | Phía Tây Nam thành phố |
| Thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức | | 7.000 | 14.000 | |
4 | Nhà máy Bắc Bến Lức | | 3.000 | 5.500 | Phía Bắc TT |
5 | Nhà máy Nam Bến Lức | | 4.000 | 8.500 | Phía Nam TT |
IV | Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu | | | | |
| Thành phố Vũng Tàu | | 98.400 | 145.900 | |
1 | Nhà máy Rạch Bà | | 82.600 | 121.400 | Phường 11 |
2 | Nhà máy Cây Khế | | 11.100 | 16.400 | Phường 12 |
3 | Nhà máy Long Sơn | | 3.600 | 6.500 | Xã Long Sơn |
4 | Nhà máy Gò Găng | | 1.100 | 1.600 | Đảo Gò Lăng |
| Thành phố Bà Rịa | | 25.800 | 43.500 | |
5 | Nhà máy Kinh Dinh | | 3.000 | 5.400 | Phường Kim Dinh |
6 | Nhà máy Đông Nam | | 22.800 | 38.100 | Đông Nam Bà Rịa |
V | Tỉnh Bình Dương | | | | |
| Thành phố Thủ Dầu Một | 17.650 | 34.000 | 70.000 | |
1 | Nhà máy Nam Bình Dương | 17.650 | 34.000 | 70.000 | Phường Phú Thọ |
VI | Tỉnh Bình Phước | | | | |
| Thị xã Đồng Xoài | | 13.300 | 20.300 | |
1 | Nhà máy Tiến Hưng | | 13.300 | 20.300 | Phường Tân Xuân |
VII | Tỉnh Tây Ninh | | | | |
| Thành phố Tây Ninh | | 25.000 | 68.000 | |
1 | Nhà máy số 1 | | 5.000 | 5.000 | Phường 3 |
2 | Nhà máy số 2 | | 20.000 | 40.000 | Phía Đông TP |
3 | Nhà máy số 3 | | | 5.000 | Tân Hòa |
4 | Nhà máy số 4 | | | 14.000 | Phía Bắc TP |
5 | Nhà máy số 5 | | | 4.000 | Xã Thạnh Tân |
VIII | Tỉnh Đắk Nông | | | | |
| Thị xã Gia Nghĩa | 500 | 10.900 | 16.600 | |
1 | Nhà máy Sùng Đức | 500 | 6.000 | 9.200 | Xã Đắk Nia |
2 | Nhà máy Đắk Nia | | 4.900 | 7.400 | Xã Đắk Nia |
IX | Tỉnh Lâm Đồng | | | | |
| Thành phố Đà Lạt | 7.400 | 32.000 | 54.000 | |
1 | Nhà máy Cam Ly | 7.400 | 14.000 | 20.000 | Phường 6 |
2 | Nhà máy Đa Thiện | | 18.000 | 34.000 | Phường 1 |
| Thành phố Bảo Lộc | | 23.800 | 56.300 | |
3 | Nhà máy số 1 | | 23.800 | 43.300 | Phường Lộc Sơn |
4 | Nhà máy số 2 | | | 13.000 | Phường Lộc Châu |
X | Tỉnh Bình Thuận | | | | |
| Thành phố Phan Thiết | | 36.000 | 65.600 | |
1 | Nhà máy số 1 | | 24.000 | 48.000 | Phường Phú Hài |
2 | Nhà máy số 2 | | 6.800 | 10.300 | Phường Đức Long |
3 | Nhà máy Hàm Tiến | | 2.200 | 3.600 | Phường Hàm Tiến |
4 | Nhà máy Mũi Né | | 1.400 | 1.700 | Phường Mũi Né |
5 | Nhà máy Hòn Rơm | | 1.600 | 2.000 | KĐT Hòn Rơm |
XI | Tỉnh Ninh Thuận | | | | |
| Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm | 5.000 | 31.800 | 51.000 | |
1 | Nhà máy số 1 | 5.000 | 26.300 | 40.500 | Phường Mỹ Đông |
2 | Nhà máy số 2 | | 5.500 | 10.500 | Phường Đô Vinh |
TỔNG CỘNG | 171.550 | 2.502.800 | 4.181.500 | |