Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 515/QĐ-UBND | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Hồ Quốc Dũng |
Ngày ban hành: | 12/11/2010 | Hết hiệu lực: | 30/12/2019 |
Áp dụng: | 12/11/2010 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Tài nguyên-Môi trường |
ỦY BAN NHÂN DÂN Số: 515/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Quy Nhơn, ngày 12 tháng 11 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
---------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong lĩnh vực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường;
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng sở, ban, cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY CHẾ PHỐI HỢP
GIỮA SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 515 /QĐ-UBND ngày12 /11/2010 của UBND tỉnh Bình Định)
Nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy chế phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường với các nội dung sau:
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích
Quy chế phối hợp này nhằm phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bên tham gia phối hợp.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
Việc tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp phải tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các lĩnh vực liên quan.
Quan hệ phối hợp được thực hiện trên cơ sở thẩm quyền chức năng, nhiệm vụ của từng bên; bảo đảm hiệu quả trong công tác phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường; phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo đúng thẩm quyền.
Quan hệ phối hợp, vừa phát huy tính chủ động, vừa đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất thường xuyên giữa các bên để quản lý về bảo vệ môi trường có hiệu quả trên toàn tỉnh.
Chương 2.
NỘI DUNG VÀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP
Điều 3. Công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch
1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và thực hiện quyết định, chỉ thị quy hoạch, kế hoạch 5 năm, hàng năm, chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Trước ngày 31/5 hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn bằng văn bản về các nhiệm vụ trọng tâm đối với hoạt động bảo vệ môi trường của năm tiếp theo và gửi đến Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để xây dựng kế hoạch.
Thường xuyên hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm, hàng năm, chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở cấp huyện.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:
Ban hành và thực hiện kế hoạch 5 năm, hàng năm, chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện.
Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường năm tiếp theo của địa phương, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/6 để tổng hợp xây dựng kế hoạch của tỉnh.
Điều 4. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật
1. Đối với công tác truyền thông nhân các dịp kỷ niệm về môi trường:
Hằng năm, nhân các dịp kỷ niệm về môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và cung cấp các thông tin, tài liệu hướng dẫn để Ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai công tác truyền thông môi trường. Tại những địa bàn được chọn tổ chức các hoạt động kỷ niệm cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để việc tổ chức đạt kết quả tốt.
Sau 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đợt truyền thông kỷ niệm, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, đánh giá, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường:
Hằng năm, tùy theo điều kiện cụ thể, Sở Tài nguyên và môi trường có trách nhiệm tổ chức tối thiểu 01 lớp tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác môi trường ở cấp huyện và cấp xã để phổ biến các quy định mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và nâng cao kỹ năng nghiệp vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường tại địa phương. Trong quá trình triển khai công tác tuyên truyền, nếu Ủy ban nhân dân cấp huyện có yêu cầu hỗ trợ tài liệu chuyên môn hoặc giảng viên, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cử cán bộ tham gia phối hợp và cung cấp đầy đủ tài liệu.
Điều 5. Công tác thẩm định hồ sơ môi trường
1. Thẩm định Báo cáo Đánh giá tác động môi trường:
Trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm mời đại diện Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án tham gia phiên họp Hội đồng thẩm định. Trường hợp Sở Tài nguyên và Môi trường cần tổ chức kiểm tra thực tế địa điểm thực hiện dự án, thu thập thông tin trước phiên họp Hội đồng thẩm định thì Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm cử cán bộ tham gia phối hợp và cung cấp các thông tin liên quan.
Sau khi có kết quả thẩm định, Sở Tài nguyên và Môi trường gửi Quyết định Phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường của Ủy ban nhân dân tỉnh cho Ủy ban nhân dân cấp huyện liên quan.
2. Thẩm định và xác nhận Bản cam kết bảo vệ môi trường:
Trong quá trình thẩm định Bản cam kết bảo vệ môi trường, đối với các dự án có tính phức tạp về mặt môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện có thể đề nghị (bằng văn bản) Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ thẩm định. Trong thời gian ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường phải có văn bản trả lời.
Sau khi cấp Giấy xác nhận bản Cam kết bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm gửi một (01) Bản Cam kết bảo vệ môi trường đã xác nhận kèm theo Giấy xác nhận về Sở Tài nguyên và Môi trường; đồng thời chịu sự kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường về công tác xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường.
Điều 6. Công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường
1. Phân cấp thực hiện công tác thanh tra kiểm tra:
Việc thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh - dịch vụ được thực hiện theo phân cấp tại các quy định hiện hành. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra các dự án, cơ sở thuộc diện lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án Bảo vệ môi trường do cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt (gọi tắt là cơ sở thuộc cấp tỉnh quản lý). Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra các cơ sở có quy mô lập Bản Cam kết Bảo vệ môi trường, Đề án Bảo vệ môi trường do cấp huyện xác nhận. (gọi tắt là cơ sở thuộc cấp huyện quản lý).
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện thanh tra, kiểm tra các cơ sở thuộc cấp huyện quản lý đối với một số nội dung chưa được phân cấp như: quản lý chất thải nguy hại, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp . . .
2. Tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra định kỳ
2.1. Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường
Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường lập danh sách các cơ sở thuộc cấp tỉnh quản lý cần thanh tra, kiểm tra, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện để chủ động phối hợp. Dựa trên danh sách đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường lựa chọn, lập danh sách các cơ sở cần kiểm tra để phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường và danh sách các cơ sở kiểm tra về chất thải nguy hại, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày 30/01 để phối hợp. Theo kế hoạch, khi Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm cử cán bộ tham gia và cung cấp thông tin hỗ trợ cho công tác thanh tra, kiểm tra.
Sau khi có kết quả thanh tra, kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo kết quả cho Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2.2. Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện
Trước ngày 15/01 hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm lập danh sách các cơ sở thuộc cấp huyện quản lý dự kiến sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra trong năm cần có sự hỗ trợ của Sở Tài nguyên và Môi trường, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để cử cán bộ tham gia phối hợp.
3. Tổ chức hoạt động kiểm tra đột xuất.
Đối với các trường hợp kiểm tra đột xuất (theo phản ánh của đường dây nóng, đơn khiếu nại, văn bản đề nghị của các cơ quan quản lý nhà nước) các cơ sở thuộc cấp tỉnh quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì thực hiện và cần nhanh chóng thông báo nội dung, địa điểm để cấp huyện cử cán bộ phối hợp tham gia kiểm tra. Việc thông báo này có thể thực hiện bằng điện thoại.
Đối với các trường hợp kiểm tra đột xuất (theo phản ánh của đường dây nóng, đơn khiếu nại, văn bản đề nghị của các cơ quan quản lý nhà nước) các cơ sở thuộc cấp huyện quản lý, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thực hiện và có thể đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ. Việc thông báo này có thể thực hiện bằng điện thoại hoặc bằng văn bản.
Đối với các trường hợp phản ánh nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết cơ quan tiếp nhận thông tin (Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân các huyện) nhanh chóng điện thoại thông báo nội dung phản ánh (trong trường hợp nhận phản ánh sự việc bằng đường dây nóng) hoặc chuyển đơn, văn bản cho cơ quan đúng thẩm quyền giải quyết. Đối với các vụ việc được phản ánh bằng đường dây nóng có tính nguy cấp, cơ quan nhận thông tin cần triển khai ngay việc kiểm tra hiện trường để ngăn chặn, giảm thiểu hậu quả. Lập biên bản sự việc và bàn giao hồ sơ cho cơ quan đúng thẩm quyền. Sau khi giải quyết xong sự việc, cơ quan thụ lý thông báo kết quả bằng văn bản cho cơ quan cung cấp thông tin.
Điều 7. Ứng phó sự cố môi trường
Sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn cấp huyện, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực để ứng phó sự cố kịp thời.
Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường để Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ứng phó sự cố. Việc ứng phó sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cử cán bộ tham gia hỗ trợ.
Trường hợp Sở Tài nguyên và Môi trường được Ủy ban nhân dân tỉnh giao chủ trì ứng phó sự cố, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải cử cán bộ phối hợp khi có đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Điều 8. Chế độ thông tin, báo cáo
1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cung cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện các thông tin sau:
Thông tin về các văn bản pháp quy mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Kết quả quan trắc, đánh giá hiện trạng môi trường hằng năm và thông tin, số liệu về các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái môi trường và các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trên địa bàn các huyện.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm cung cấp cho Sở Tài nguyên và Môi trường các thông tin sau:
Kết quả công tác xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của năm trước (gửi trước ngày 15/01 hàng năm).
Công tác theo dõi, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu về tài nguyên - môi trường và phát triển bền vững tại địa phương (gửi trước ngày 30/5 hàng năm).
Điều 9. Công tác xét chọn khen thưởng về bảo vệ môi trường
Trước ngày 31/12 hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện lập danh sách các cá nhân tập thể có thành tích nổi bật trong công tác bảo vệ môi trường và 01 xã/phường/thị trấn dẫn đầu trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để xem xét, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng theo quy định hoặc đề xuất xét tặng các giải thưởng khác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng về bảo vệ môi trường của các cá nhân, đơn vị, khi có đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm hỗ trợ cung cấp thông tin để Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền, quyết định. Khi có kết quả bình xét Sở Tài nguyên và Môi trường phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện biết.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Triển khai thực hiện
1. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân các huyện, thành phố triển khai thực hiện Quy chế này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những vấn đề cần bổ sung: sửa đổi, Ủy ban nhân dân cấp huyện phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để kịp thời tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Quyết định 515/QĐ-UBND Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường
In lược đồCơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định |
Số hiệu: | 515/QĐ-UBND |
Loại văn bản: | Quyết định |
Ngày ban hành: | 12/11/2010 |
Hiệu lực: | 12/11/2010 |
Lĩnh vực: | Tài nguyên-Môi trường |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Hồ Quốc Dũng |
Ngày hết hiệu lực: | 30/12/2019 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |