VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ----------------------- Số: 36/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------------------------- Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2014 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG
TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2013 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NĂM 2014
NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Ngày 07 tháng 01 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của ngành tài nguyên và môi trường. Tham dự Hội nghị có tập thể lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị và cán bộ chủ chốt của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2013, kế hoạch công tác năm 2014 và phát biểu tham luận của một số Bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến phát biểu chỉ đạo Hội nghị như sau:
I. Đánh giá kết quả công tác năm 2013
Nhất trí với những đánh giá nêu trong Báo cáo tổng kết của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả về các thành tích, kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế. Năm 2013, bối cảnh thế giới có những diễn biến phức tạp, nền kinh tế phục hồi chậm; kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức; thiên tai, bão, lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế đất nước; dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, đất nước ta đã hoàn thành cơ bản mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu năm 2013 mà Trung ương Đảng, Quốc hội đề ra.
Trong thành tựu, kết quả chung của đất nước năm 2013, có sự đóng góp rất quan trọng của ngành tài nguyên và môi trường. Ngành đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực được giao. Toàn ngành đã hoàn thành việc chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 vừa qua; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo tinh thần Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội. Đến nay, trên phạm vi cả nước đã cấp được 41 triệu giấy chứng nhận với tổng diện tích 22,7 triệu ha, đạt trên 94% diện tích cần cấp giấy chứng nhận và đạt 96% tổng số trường hợp sử dụng đất cần cấp giấy chứng nhận, đáp ứng được yêu cầu mà Quốc hội đề ra. Số lượng giấy chứng nhận được cấp trong năm 2013 cao gấp 3,6 lần so với năm 2012.
Công tác quản lý tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản đã có nhiều cố gắng. Công tác quản lý cấp phép hoạt động khoáng sản đã được chấn chỉnh; đang quyết liệt kiểm soát, ngăn chặn tình trạng “chảy máu” tài nguyên khoáng sản. Nguồn tài nguyên nước đang dần được quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả; ý thức tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước của nhân dân, doanh nghiệp dần được nâng cao. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tiếp tục được đẩy mạnh; nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo vệ môi trường đã được phát hiện và xử lý nghiêm; chất lượng môi trường tại một số lưu vực sông, khu, cụm công nghiệp và làng nghề đang từng bước được cải thiện. Công tác theo dõi, dự báo tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước có rất nhiều cố gắng, tiến bộ, đóng góp tích cực vào việc phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại thiên tai. Ngành tài nguyên và môi trường cũng đã tranh thủ có hiệu quả sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những kết quả, thành tích đạt được, ngành tài nguyên và môi trường cũng đã nghiêm túc nhìn nhận những mặt còn tồn tại, hạn chế như Báo cáo tổng kết đã nêu để phấn đấu nỗ lực khắc phục, giải quyết trong năm 2014 và thời gian tới.
II. Về mục tiêu nhiệm vụ năm 2014 và những năm tiếp theo Nhất trí với các nhiệm vụ, kế hoạch năm 2014 của ngành tài nguyên và môi trường được đề ra trong Báo cáo tổng kết của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong quá trình thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ có liên quan và các địa phương cần lưu ý tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, trước hết cần chú trọng 3 lĩnh vực trọng tâm sau:
- Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế và các cơ chế, chính sách quản lý nhà nước của ngành tài nguyên và môi trường bảo đảm kịp thời, chất lượng, sát thực tế; đồng thời lưu ý việc phổ biến pháp luật để nâng cao hiệu lực, hiệu quả pháp luật.
- Chú trọng việc xây dựng chiến lược, quy hoạch bảo đảm chất lượng, khả thi.
- Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện sai phạm để chấn chỉnh, xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời phát hiện những cơ chế, chính sách không còn phù hợp để sửa đổi, bổ sung kịp thời.
2. Về công tác quản lý từng lĩnh vực:
a) Tăng cường quản lý chặt chẽ, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên của đất nước.
- Trước hết là về quản lý đất đai: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, là nguồn tài nguyên quý giá và tư liệu sản xuất đặc biệt, là nguồn vốn rất lớn của đất nước, cần phải được quản lý chặt chẽ, hiệu quả. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương về đất đai và xuất phát từ thực tiễn đất nước, từ những mong muốn chính đáng của người dân, của toàn xã hội để xây dựng, ban hành văn bản pháp luật để bảo đảm quản lý chặt chẽ, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, Nhà đầu tư và người sử dụng đất. Năm 2014, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và các Bộ có liên quan tập trung xây dựng các Nghị định trình Chính phủ ban hành và có hiệu lực ngay sau ngày 01 tháng 7 năm 2014, thời điểm Luật đất đai sửa đổi bắt đầu có hiệu lực; tập trung ban hành các Thông tư, Thông tư liên Bộ để khi Luật có hiệu lực sẽ đi vào cuộc sống, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong cơ chế quản lý đất đai hiện nay, làm giảm số vụ khiếu kiện về đất đai thời gian tới. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương cần tăng cường công tác phổ biến pháp luật về đất đai để nhân dân đồng tình ủng hộ, thực hiện.
- Đối với quản lý tài nguyên nước: Nước là thành phần thiết yếu của cuộc sống, nước ta là một quốc gia thiếu nước, do vậy cần kiểm soát, quản lý hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên này, gồm cả nước mặt và nước ngầm. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành các quy trình vận hành liên hồ chứa để sử dụng tốt nhất nguồn nước trong cả mùa mưa và trong mùa cạn; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy trình vận hành; kiểm tra giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm an toàn và hiệu quả. Những công trình không bảo đảm an toàn, phải giảm mức nước, hoặc không được tích nước. Tập trung hoàn thành việc xây dựng quy trình vận hành liên hồ, cần chú ý lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các cấp chính quyền địa phương và người dân tại những khu vực bị ảnh hưởng, có cơ chế giám sát của cộng đồng dân cư đối với việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa đi đôi với chế tài xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Năm 2014 hoàn thành quy trình vận hành liên hồ chứa hệ thống hồ mùa mưa, năm 2015 hoàn thành quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn. Tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực nhằm kiểm soát, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nước liên quốc gia.
- Về tài nguyên khoáng sản: Công tác quản lý khoáng sản trong năm 2013 đã có chuyển biến mạnh mẽ, tích cực; nhưng vẫn còn một số nơi cấp phép khai thác khoáng sản chưa đúng quy định, việc khai thác và vận chuyển khoáng sản trái phép gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng và đặc biệt là ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra,... Vì lợi ích lâu dài của đất nước, Bộ Tài nguyên và môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường quản lý nghiêm theo quy định pháp luật, bảo đảm khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả, bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường. Kiên quyết đình chỉ các hoạt động khai thác trái phép, khai thác không hiệu quả, hoặc gây ô nhiễm môi trường và hạn chế, kiểm soát nghiêm ngặt việc xuất khẩu khoáng sản thô theo đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, trong năm 2014 ngành tài nguyên và môi trường, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần chỉ đạo quản lý chặt chẽ, chấn chỉnh ngay việc khai thác cát gây sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống, gây bức xúc cho người dân.
Tăng cường công tác điều tra, đánh giá khoáng sản trên đất liền, trên biển, đặc biệt tại những khu vực có tiềm năng lớn về khoáng sản để làm rõ trữ lượng, chất lượng khoáng sản, làm cơ sở xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản.
b) Chú trọng công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật bảo vệ môi trường trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2014). Tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông, khu, cụm công nghiệp và làng nghề; phối hợp với Bộ Xây dựng tập trung nghiên cứu, chỉ đạo quản lý tốt vấn đề xử lý chất thải rắn, nước thải và rác thải y tế. Ngành tài nguyên và môi trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tập trung điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số vụ án “điểm” về gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng nhằm răn đe, tăng hiệu quả phòng ngừa.
c) Tăng cường công tác dự báo khí tượng thủy văn và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục hiện đại hóa công nghệ, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng của công tác dự báo, cảnh báo thiên tai để tham mưu, chỉ đạo kịp thời hoạt động phòng, chống, giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai gây nên. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác khí tượng thủy văn, đặc biệt là công tác dự báo và thông tin phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao vai trò của Việt Nam trong các hoạt động hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu; tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế, các nhà tài trợ trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
d) Về quản lý tổng hợp thống nhất biển và hải đảo: Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xác định rõ đối tượng, phạm vi, phương thức quản lý của Bộ trong quản lý tổng hợp thống nhất biển và hải đảo. Tập trung xây dựng Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo đúng lịch trình; tích cực triển khai Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các nhiệm vụ, dự án điều tra tài nguyên - môi trường biển, nhất là dự án điều tra, nghiên cứu tiềm năng khí hydrat (băng cháy). Tập trung củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý về môi trường biển từ Trung ương đến địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về vai trò quan trọng của công tác quản lý biển và hải đảo đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biển và hải đảo.
3. Toàn ngành tài nguyên và môi trường và các địa phương cần tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc hai Nghị quyết của Trung ương số 19-NQ/TW ngày 31 tháng 10 năm 2012 và số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 gắn với các thể chế, pháp luật để thực hiện tốt chủ trương của Trung ương về các lĩnh vực quan trọng: chính sách, pháp luật đất đai; ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong chiến lược phát triển bền vững đất nước.
III. Về các đề xuất, kiến nghị Cơ bản nhất trí với những kiến nghị nêu trong Báo cáo tổng kết của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan giải quyết theo thẩm quyền; những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan và địa phương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc CP; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, KTTH, KGVX, ĐMDN, V.III, PL; - Lưu: VT, KTN (3b). | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Hữu Vũ |