hieuluat

Thông báo 90/TB-VPCP xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Văn phòng Chính phủSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:90/TB-VPCPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông báoNgười ký:Nguyễn Hữu Vũ
    Ngày ban hành:19/04/2011Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:19/04/2011Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Tài nguyên-Môi trường
  • VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
    --------------------
    Số: 90/TB-VPCP
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
    --------------------------
    Hà Nội, ngày 19 tháng 04 năm 2011
     
     
    THÔNG BÁO
    Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ HOÀNG TRUNG HẢI TẠI
     HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC KIỂM ĐIỂM, ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC
    HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 64/2003/QĐ-TTG VỀ XỬ LÝ TRIỆT ĐỂ CÁC CƠ SỞ GÂY Ô
    NHIỄM MÔI TRƯỜNG NGHIÊM TRỌNG
     
     
    Ngày 02 tháng 4 năm 2011, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Y tế, Xây dựng, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ; các thành viên Ban chỉ đạo liên ngành thực hiện Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi nghe báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường và ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
    1. Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là một chủ trương và quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc xóa bỏ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững đất nước. Qua gần 8 năm triển khai thực hiện, Quyết định đã được các bộ, ngành, địa phương, dư luận xã hội hưởng ứng và đã đạt được một số kết quả nhất định. Bước đầu đã hình thành được một số cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai, nguồn lực, khuôn khổ pháp lý xử lý nghiêm minh đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhận thức của các cơ quan từ trung ương đến địa phương, người dân và doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường đã được nâng lên một bước.
    Thay mặt Chính phủ, biểu dương những nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là đối với 35 tỉnh, thành phố đã hoàn thành tốt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
    2. Tuy nhiên, việc triển khai xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn một số hạn chế tồn tại như: vẫn còn hơn một trăm cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa hoàn thành xử lý ô nhiễm, 6 địa phương chưa có cơ sở nào được chứng nhận đã hoàn thành xử lý ô nhiễm, 15 địa phương chậm triển khai rà soát và bổ sung các cơ sở gây ô nhiễm cần phải xử lý; sự phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giữa các Bộ, ngành và địa phương còn chưa đồng bộ, hiệu quả, công tác thanh tra, kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức.
    3. Để tăng cường hơn nữa việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong giai đoạn tới để phấn đấu đến năm 2020 không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung ngay vào một số nhiệm vụ cụ thể sau:
    a) Bộ Tài nguyên và Môi trường:
    - Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tiến hành rà soát, thống kê, lập Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
    - Khẩn trương hoàn thiện và hướng dẫn thực hiện các cơ chế chính sách về công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
    - Nghiên cứu, xây dựng Đề án tăng cường năng lực thực thi pháp luật và hệ thống thanh tra về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý IV năm 2011.
    - Nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 35/2008/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo hướng tạo cơ chế thông thường, giúp cơ sở tiếp cận hiệu quả hơn với nguồn vốn ngày khi thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.
    b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
    - Nghiên cứu, sửa đổi quy chế quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất theo hướng cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở địa phương giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất.
    - Bảo đảm nguồn vốn đầu tư phát triển cho công tác xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.
    c) Bộ Tài chính:
    - Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra việc quản lý, phân bổ và sử dụng nguồn chi sự nghiệp môi trường tại các Bộ, ngành và địa phương.
    - Nghiên cứu, đề xuất tăng dần và điều chỉnh lại cơ cấu phân bổ nguồn chi sự nghiệp môi trường để hỗ trợ triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
    - Nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính cho công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
    d) Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường phổ biến, hỗ trợ chuyển giao các mô hình công nghệ xử lý môi trường trong và ngoài nước được phép sử dụng và khuyến khích sử dụng tại Việt Nam.
    e) Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư và bản thân cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
    g) Các Bộ: Công Thương, Y tế, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng chủ động rà soát, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để xử lý ô nhiễm môi trường triệt để; chỉ đạo giải quyết dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc phạm vi quản lý của mình.
    h) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
    - Chỉ đạo giải quyết dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc phạm vi quản lý của mình; chủ động, ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của tỉnh cho các đối tượng thuộc khu vực công ích theo Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.
    - Tổ chức rà soát, lập kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 thuộc địa bàn quản lý, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
    Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, địa phương biết và thực hiện./.
     

    Nơi nhận:
    - Thủ tướng, các PTTg Chính phủ;
    - Các Bộ: TNMT, CT, YT, CA, QP, GTVT, XD, NN&PTNT, TC, KHCN, KHĐT, LĐTBXH;
    - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
    - VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: TH, KTTH, KTN; Cổng TTĐT;
    - Lưu: Văn thư, KGVX (3b). Th.
    KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
    PHÓ CHỦ NHIỆM




    Nguyễn Hữu Vũ
     
     
  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X