BỘ QUỐC PHÒNG ------- Số: 199/2016/TT-BQP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2016 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC NGÀY KỶ NIỆM; NGHI THỨC TRAO TẶNG, ĐÓN NHẬN HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG, DANH HIỆU THI ĐUA TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
Căn cứ Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 22 tháng 7 năm 2010 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao;
Căn cứ Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghỉ lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài; Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Theo đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định và hướng dẫn tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng
1. Thông tư này quy định và hướng dẫn tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, ngành, lực lượng (sau đây gọi chung là các đơn vị) thuộc Bộ Quốc phòng và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Yêu cầu của việc tổ chức ngày kỷ niệm; trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua
1. Phải bảo đảm đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước, Quân đội.
2. Phải thực hiện thống nhất, phù hợp với đặc thù của Quân đội và đơn vị, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, an toàn, không phô trương hình thức.
3. Phải gắn với phong trào thi đua quyết thắng, các cuộc vận động và nhiệm vụ của Quân đội, đơn vị.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
1. Năm tròn, năm lẻ 5, năm khác là số năm kỷ niệm (lần thứ) của các sự kiện. Cách tính năm tròn, năm lẻ 5, năm khác thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài; cụ thể:
a) Năm tròn là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là 0;
b) Năm lẻ 5 là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là 5;
c) Năm khác là số năm kỷ niệm có các chữ số cuối cùng còn lại.
Riêng Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: Năm tròn, năm lẻ 5 và năm khác được tính theo số thứ tự của năm dương lịch hiện tại.
2. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
3. Ngày truyền thống của đơn vị là ngày đơn vị được thành lập hoặc ngày diễn ra sự kiện quan trọng, đáng ghi nhớ, do cấp ủy, chỉ huy đơn vị đề nghị và được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận.
Chương II. KỶ NIỆM CÁC NGÀY LỄ LỚN CỦA ĐẤT NƯỚC
Điều 4. Ngày tết Nguyên đán
1. Các đơn vị tổ chức đón giao thừa và theo dõi Chủ tịch nước chúc Tết được phát trực tiếp trên chương trình Đài Truyền hình Việt Nam hoặc Đài Tiếng nói Việt Nam.
2. Các đơn vị tổ chức các hoạt động vui Tết, đón xuân, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.
Điều 5. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch)
1. Năm lẻ 5, năm khác:
a) Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ tham gia Lễ dâng hương do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức;
b) Các đơn vị tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
c) Các cơ quan thông tấn, báo chí trong Quân đội tổ chức tuyên truyền, đưa tin về sự kiện.
2. Năm tròn:
a) Các đơn vị tổ chức cho bộ đội theo dõi chương trình Đài Truyền hình Việt Nam hoặc Đài Tiếng nói Việt Nam phát trực tiếp Lễ dâng hương cấp quốc gia tại tỉnh Phú Thọ;
b) Các hoạt động khác tổ chức như năm lẻ 5, năm khác.
Điều 6. Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930), Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890)
1. Năm lẻ 5, năm khác:
a) Các đơn vị không tổ chức mít tinh kỷ niệm; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thi đua, cổ động trực quan, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng; tham gia lễ viếng, lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh do địa phương tổ chức (nếu có);
b) Các cơ quan thông tấn, báo chí trong Quân đội mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, đưa tin về sự kiện;
c) Các đơn vị văn hóa, nghệ thuật xây dựng và biểu diễn các chương trình nghệ thuật, tổ chức triển lãm, chiếu phim phục vụ bộ đội và nhân dân;
d) Trường hợp đặc biệt, Tổng cục Chính trị có hướng dẫn thực hiện cụ thể.
2. Năm tròn:
a) Các đơn vị tổ chức cho bộ đội theo dõi chương trình Đài Truyền hình Việt Nam hoặc Đài Tiếng nói Việt Nam phát trực tiếp Lễ kỷ niệm cấp quốc gia;
b) Tổng cục Chính trị xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động kỷ niệm trong Quân đội;
c) Các đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động kỷ niệm; chú trọng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống, cổ động trực quan, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; đẩy mạnh các hoạt động thi đua, lập thành tích chào mừng sự kiện; tổ chức các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa;
d) Các hoạt động khác tổ chức như năm lẻ 5, năm khác.
Điều 7. Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975); Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954); Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945)
1. Năm lẻ 5, năm khác:
a) Các đơn vị không tổ chức mít tinh kỷ niệm; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thi đua, cổ động trực quan, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng kỷ niệm; tham gia viếng các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang do địa phương tổ chức (nếu có);
b) Các Cơ quan thông tấn, báo chí trong Quân đội mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, đưa tin về sự kiện;
c) Các đơn vị văn hóa, nghệ thuật xây dựng và biểu diễn các chương trình nghệ thuật, tổ chức triển lãm, chiếu phim phục vụ bộ đội và nhân dân;
đ) Trường hợp đặc biệt, Tổng cục Chính trị có hướng dẫn thực hiện cụ thể.
2. Năm tròn:
a) Các đơn vị tổ chức cho bộ đội theo dõi chương trình Đài Truyền hình Việt Nam hoặc Đài Tiếng nói Việt Nam phát trực tiếp Lễ kỷ niệm cấp quốc gia;
b) Tổng cục Chính trị chủ trì, phối hợp với các cơ quan xây dựng kế hoạch của Bộ Quốc phòng về tổ chức các hoạt động kỷ niệm; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thi đua trong Quân đội;
c) Bộ Tổng Tham mưu chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện đề án mít tinh, duyệt binh, diễu binh, diễu hành của Nhà nước; chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện;
d) Các đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động kỷ niệm; chú trọng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống, cổ động trực quan, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; đẩy mạnh các hoạt động thi đua, lập thành tích chào mừng sự kiện; tổ chức các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa;
đ) Các hoạt động khác tổ chức như năm lẻ 5, năm khác.
Chương III. KỶ NIỆM NGÀY SINH CỦA CÁC ĐỒNG CHÍ LÃNH ĐẠO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC ĐÃ TỪ TRẦN; KỶ NIỆM NĂM MẤT CỦA CÁC DANH NHÂN
Điều 8. Kỷ niệm ngày sinh của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã từ trần
1. Thẩm quyền quyết định và tần suất tổ chức kỷ niệm ngày sinh của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã từ trần thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài.
2. Tổ chức kỷ niệm ngày sinh của các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã từ trần:
a) Kỷ niệm lần đầu tiên:
Các đơn vị tổ chức cho bộ đội theo dõi chương trình Đài Truyền hình Việt Nam hoặc Đài Tiếng nói Việt Nam phát trực tiếp Lễ kỷ niệm cấp quốc gia;
Các đơn vị đóng quân trên địa bàn quê hương của đồng chí Lãnh đạo phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia tổ chức các hoạt động kỷ niệm.
b) Các lần kỷ niệm tiếp theo:
Các đơn vị đóng quân trên địa bàn quê hương của đồng chí Lãnh đạo tham gia dâng hương tại nơi lưu niệm đồng chí Lãnh đạo do địa phương tổ chức; tham gia hội thảo khoa học hoặc tọa đàm về thân thế, sự nghiệp và những cống hiến đối với cách mạng của đồng chí Lãnh đạo; tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng do địa phương tổ chức.
3. Tổ chức kỷ niệm ngày sinh của các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội đã từ trần:
Các đơn vị đóng quân trên địa bàn quê hương của đồng chí Lãnh đạo chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia tổ chức các hoạt động kỷ niệm do địa phương tổ chức (nếu có).
4. Ngoài các nội dung quy định tại Khoản 2, 3 Điều này, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm:
a) Tổng cục Chính trị chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục trong Quân đội;
b) Các đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về thân thế, sự nghiệp và công lao của đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước;
c) Các cơ quan thông tấn, báo chí trong Quân đội mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, đưa tin về sự kiện;
d) Các cơ quan nghiên cứu, học viện, nhà trường có thể tổ chức các cuộc hội thảo khoa học hoặc tọa đàm về thân thế, sự nghiệp và công lao của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Điều 9. Kỷ niệm năm mất của các danh nhân được Đảng, Nhà nước công nhận
1. Năm lẻ 5, năm khác:
a) Các đơn vị đóng quân trên địa bàn quê hương của danh nhân chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức một số hoạt động phù hợp, thiết thực, hiệu quả;
b) Các cơ quan thông tấn, báo chí trong Quân đội tổ chức tuyên truyền, đưa tin về sự kiện.
2. Năm tròn:
a) Các đơn vị đóng quân trên địa bàn quê hương của danh nhân chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia tổ chức các hoạt động kỷ niệm do địa phương tổ chức;
b) Các đơn vị tổ chức tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến xuất sắc của danh nhân;
c) Các cơ quan thông tấn, báo chí trong Quân đội tổ chức tuyên truyền, đưa tin về sự kiện.
Chương IV. KỶ NIỆM CÁC NGÀY LỄ QUỐC TẾ
Điều 10. Kỷ niệm ngày sinh của V.I.Lênin (22-4-1870), C.Mác (05-5-1818), Ph.Ăng-ghen (28-11-1820), Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga (07-11-1917)
1. Năm lẻ 5, năm khác:
a) Các đơn vị tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cổ động trực quan. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, các cơ quan nghiên cứu, học viện, nhà trường Quân đội tổ chức một số hoạt động kỷ niệm như: Tọa đàm, triển lãm, giới thiệu sách;
b) Các cơ quan thông tấn, báo chí trong Quân đội và các đơn vị tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp và những cống hiến của V.I.Lênin, C.Mác, Ph.Ăng-ghen, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam.
2. Năm tròn:
a) Lãnh đạo Bộ Quốc phòng tham gia Đoàn đại biểu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hoa tại Tượng đài V.I.Lênin ở Hà Nội vào ngày sinh của V.I.Lênin và Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga;
b) Tổng cục Chính trị chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục trong Quân đội. Các đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục chào mừng kỷ niệm;
c) Các đại biểu Quân đội dự Hội thảo khoa học và Lễ kỷ niệm do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức;
d) Các cơ quan thông tấn, báo chí trong Quân đội tuyên truyền, đưa tin về sự kiện.
Điều 11. Kỷ niệm ngày lễ quốc tế khác
1. Năm lẻ 5, năm khác:
a) Các đơn vị tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cổ động trực quan chào mừng sự kiện;
b) Các cơ quan thông tấn, báo chí trong Quân đội tuyên truyền, đưa tin về sự kiện.
2. Năm tròn:
a) Tổng cục Chính trị chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động kỷ niệm;
b) Các đơn vị tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cổ động trực quan, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, triển lãm chào mừng kỷ niệm;
c) Các cơ quan thông tấn, báo chí trong Quân đội tuyên truyền, đưa tin về sự kiện.
Chương V. KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM, NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN VÀ NGÀY TRUYỀN THỐNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
Mục 1. KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22-12-1944, NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22-12-1989)
Điều 12. Tổ chức kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ngày hội Quốc phòng toàn dân
1. Năm khác:
a) Các đơn vị tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thi đua, cổ động trực quan, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng kỷ niệm;
b) Các cơ quan thông tấn, báo chí trong Quân đội tổ chức tuyên truyền, đưa tin về sự kiện.
2. Năm lẻ 5:
a) Tổng cục Chính trị chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng chỉ đạo, tổ chức các hoạt động kỷ niệm cấp Bộ Quốc phòng;
b) Các đơn vị tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cổ động trực quan, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hội thi, hội thao, giao lưu, tọa đàm; tổ chức các hoạt động thi đua, đền ơn, đáp nghĩa;
c) Các cơ quan thông tấn, báo chí trong Quân đội đẩy mạnh tuyên truyền về lịch sử và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, về xây dựng nền quốc phòng toàn dân; đưa tin về các hoạt động kỷ niệm;
d) Các đơn vị văn hóa, nghệ thuật xây dựng và biểu diễn các chương trình nghệ thuật, tổ chức triển lãm, chiếu phim phục vụ bộ đội và nhân dân.
3. Năm tròn:
a) Các đơn vị tổ chức cho bộ đội theo dõi chương trình Đài Truyền hình Việt Nam hoặc Đài Tiếng nói Việt Nam phát trực tiếp Lễ kỷ niệm cấp quốc gia;
b) Tổng cục Chính trị và các cơ quan chức năng tham mưu, giúp Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương có liên quan tổ chức các hoạt động kỷ niệm cấp quốc gia;
c) Các đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động kỷ niệm; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống, cổ động trực quan, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hội thi, hội thao, giao lưu, tọa đàm; đẩy mạnh các hoạt động thi đua, lập thành tích chào mừng kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ngày hội Quốc phòng toàn dân; tổ chức các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa;
d) Các cơ quan thông tấn, báo chí trong Quân đội mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền sâu rộng về lịch sử, truyền thống, chức năng, nhiệm vụ, chiến công, thành tích của Quân đội nhân dân Việt Nam, thành tựu xây dựng nền quốc phòng toàn dân; đưa tin về các hoạt động kỷ niệm;
đ) Các đơn vị văn hóa, nghệ thuật xây dựng và biểu diễn các chương trình nghệ thuật đặc biệt, tổ chức trưng bày triển lãm, chiếu phim phục vụ bộ đội và nhân dân.
Điều 13. Xây dựng và phê duyệt kế hoạch, đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm năm lẻ 5, năm tròn Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ngày hội Quốc phòng toàn dân
1. Năm lẻ 5:
a) Tổng cục Chính trị chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định;
b) Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng căn cứ kế hoạch của Bộ Quốc phòng, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ.
2. Năm tròn:
a) Tổng cục Chính trị chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng xây dựng đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm; gửi xin ý kiến các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương có liên quan; tổng hợp, hoàn chỉnh dự thảo đề án; báo cáo Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Tổng cục Chính trị chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch thực hiện đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm trong Quân đội, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định;
c) Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng căn cứ đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và kế hoạch của Bộ Quốc phòng, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ.
3. Thời gian xây dựng và trình phê duyệt đề án, kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm trước ngày kỷ niệm ít nhất 01 năm.
Mục 2. KỶ NIỆM NGÀY TRUYỀN THỐNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
Điều 14. Điều kiện, thẩm quyền quyết định công nhận ngày truyền thống của các đơn vị
1. Đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên có đủ các điều kiện sau đây được xét công nhận ngày truyền thống:
a) Có văn bản của cấp có thẩm quyền về việc thành lập hoặc tài liệu lịch sử chứng minh sự ra đời, ngày diễn ra sự kiện quan trọng, đáng ghi nhớ đối với đơn vị;
b) Có quá trình xây dựng và phát triển ổn định từ 10 năm trở lên.
2. Thẩm quyền quyết định công nhận ngày truyền thống của các đơn vị:
a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định công nhận ngày truyền thống của các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, các ngành, lực lượng có tính chất toàn quân, toàn quốc;
b) Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng quyết định công nhận ngày truyền thống của các đơn vị thuộc quyền.
Điều 15. Quy trình xét công nhận ngày truyền thống của các đơn vị
1. Hồ sơ đề nghị công nhận ngày truyền thống gồm:
a) Tờ trình của đơn vị đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định công nhận ngày truyền thống; trong đó, làm rõ sự cần thiết, những căn cứ, ý nghĩa của việc xác định ngày truyền thống;
b) Trích biên bản hội nghị đảng ủy (thường vụ đảng ủy) về việc xác định ngày truyền thống;
c) Các tài liệu, tư liệu lịch sử có liên quan để xác định ngày truyền thống của đơn vị như; Bản sao văn bản của cấp có thẩm quyền về việc thành lập; trích biên bản các cuộc hội thảo; ý kiến của các tập thể, cá nhân chứng kiến ngày diễn ra sự kiện được chọn làm ngày truyền thống và văn bản liên quan khác (nếu có).
2. Quy trình xét công nhận:
a) Đối với ngày truyền thống thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:
- Đơn vị đề nghị công nhận ngày truyền thống lập 02 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này gửi về Cục Tuyên huấn;
- Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Tuyên huấn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, báo cáo Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quyết định công nhận; trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cục Tuyên huấn có văn bản thông báo và nêu rõ lý do để đơn vị hoàn thiện theo yêu cầu.
b) Đối với ngày truyền thống thuộc thẩm quyền quyết định của thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng:
- Đơn vị đề nghị công nhận ngày truyền thống lập 02 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này gửi về Cơ quan Chính trị đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng;
- Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan Chính trị đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, trình Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng ban hành quyết định công nhận; trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cơ quan Chính trị đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng có văn bản thông báo và nêu rõ lý do để đơn vị hoàn thiện theo yêu cầu.
c) Hồ sơ đề nghị công nhận ngày truyền thống của ngành, lực lượng do cơ quan quản lý ngành, lực lượng lập theo quy định tại Điểm a, b Khoản này.
Điều 16. Tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống của các đơn vị
1. Năm khác:
Đơn vị tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cổ động trực quan, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hội thi, hội thao, giao lưu, tọa đàm, thi đua chào mừng kỷ niệm ngày truyền thống đơn vị.
2. Năm lẻ 5:
a) Đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động kỷ niệm bảo đảm an toàn, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả;
b) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cổ động trực quan, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hội thi, hội thao, giao lưu, tọa đàm; củng cố doanh trại, cảnh quan môi trường; thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm ngày truyền thống của đơn vị; tổ chức các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa;
c) Đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên tổ chức gặp mặt truyền thống.
3. Năm tròn:
a) Đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động kỷ niệm bảo đảm an toàn, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả;
b) Cơ quan chính trị đơn vị biên soạn đề cương tuyên truyền về truyền thống của đơn vị và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động kỷ niệm; tăng cường các hoạt động giáo dục truyền thống, cổ động trực quan, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hội thi, hội thao, giao lưu, tọa đàm; củng cố doanh trại, cảnh quan môi trường; đẩy mạnh các hoạt động thi đua, lập thành tích chào mừng kỷ niệm ngày truyền thống của đơn vị; tổ chức các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa;
c) Đẩy mạnh tuyên truyền về truyền thống, thành tích và các hoạt động của đơn vị trên các phương tiện thông tin đại chúng;
d) Đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên tổ chức lễ kỷ niệm trong hội trường hoặc ngoài trời, duyệt đội ngũ trong trường hợp tổ chức ngoài trời. Trường hợp tổ chức duyệt binh, diễu binh, diễu hành phải báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.
Điều 17. Xây dựng và phê duyệt kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm năm lẻ 5, năm tròn ngày truyền thống của đơn vị
1. Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm năm lẻ 5, năm tròn ngày truyền thống của đơn vị gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Mục đích, yêu cầu;
b) Nội dung các hoạt động kỷ niệm:
- Hoạt động tuyên truyền, giáo dục;
- Hoạt động thi đua, khen thưởng;
- Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hội thi, hội thao;
- Hoạt động hội thảo khoa học, giao lưu, tọa đàm, gặp mặt;
- Hoạt động chính sách, dân vận;
- Tổ chức lễ kỷ niệm (hoặc gặp mặt truyền thống); trong đó, xác định rõ: Thời gian, địa điểm, chương trình, thành phần.
c) Tổ chức thực hiện;
d) Kinh phí bảo đảm.
Ngoài các nội dung trên, căn cứ tình hình thực tế, đơn vị có thể xác định một số nội dung khác phù hợp.
2. Thời gian xây dựng và phê duyệt kế hoạch:
a) Các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch trước ngày kỷ niệm truyền thống ít nhất 01 năm;
b) Các đơn vị cấp sư đoàn và tương đương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch trước ngày kỷ niệm truyền thống ít nhất 09 tháng;
c) Các đơn vị cấp trung đoàn và tương đương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch trước ngày kỷ niệm truyền thống ít nhất 06 tháng.
3. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch:
a) Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng:
- Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm năm lẻ 5 ngày truyền thống do cơ quan chính trị chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng, trình thủ trưởng đơn vị phê duyệt, sau đó gửi văn bản về Cục Tuyên huấn;
- Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm năm tròn ngày truyền thống của đơn vị do Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phê duyệt; riêng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm năm tròn ngày truyền thống của Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt.
b) Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm của các đơn vị còn lại do thủ trưởng cấp trên trực tiếp phê duyệt;
c) Kế hoạch tổ chức kỷ niệm năm lẻ 5, năm tròn ngày truyền thống của ngành, lực lượng do cơ quan quản lý ngành, lực lượng xây dựng; trình thủ trưởng cấp trên trực tiếp của cơ quan quản lý ngành, lực lượng phê duyệt;
d) Đối với kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị có trách nhiệm thẩm định trước khi trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt.
4. Hồ sơ đề nghị phê duyệt kế hoạch gồm:
a) Tờ trình của đơn vị đề nghị;
b) Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống của đơn vị.
Điều 18. Các hình thức động viên của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm ngày truyền thống của đơn vị
1. Nhân dịp kỷ niệm năm tròn ngày truyền thống, các đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên được cấp có thẩm quyền xét, đề nghị Thư khen của Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
a) Các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, các ngành, lực lượng có tính chất toàn quốc đạt thành tích xuất sắc được cấp có thẩm quyền xét, đề nghị Thư khen của Chủ tịch nước;
b) Các đơn vị còn lại được cấp có thẩm quyền xét, đề nghị Thư khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
2. Quy trình đề nghị thư khen:
a) Hồ sơ đề nghị gồm:
- Tờ trình của đơn vị cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng đề nghị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư khen (hoặc trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị Chủ tịch nước gửi thư khen), kèm theo tờ trình của thủ trưởng các cấp đề nghị cấp trên trực tiếp;
- Bản sao quyết định công nhận ngày truyền thống của đơn vị;
- Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm năm tròn ngày truyền thống của đơn vị;
- Báo cáo tóm tắt truyền thống và thành tích của đơn vị. Trong đó, cần khái quát đặc điểm tình hình, chức năng, nhiệm vụ, truyền thống, những chiến công, thành tích nổi bật trong quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành; tổng hợp các hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua mà Đảng, Nhà nước và Quân đội đã trao tặng;
- Dự thảo nội dung thư khen.
b) Quy trình thực hiện:
- Đối với Thư khen của Chủ tịch nước: Đơn vị lập 02 bộ hồ sơ theo quy định tại Điểm a Khoản này gửi về Cục Tuyên huấn trước ngày tổ chức lễ kỷ niệm 03 tháng. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Tuyên huấn có trách nhiệm thẩm định, báo cáo Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị Chủ tịch nước gửi Thư khen. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cục Tuyên huấn có văn bản thông báo và nêu rõ lý do để đơn vị hoàn thiện theo yêu cầu;
- Đối với Thư khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Đơn vị lập 02 bộ hồ sơ theo quy định tại Điểm a Khoản này gửi về Cục Tuyên huấn trước ngày tổ chức lễ kỷ niệm 02 tháng. Chậm nhất ngày 15 hằng tháng, Cục Tuyên huấn có trách nhiệm thẩm định hồ sơ đề nghị của các đơn vị có kỷ niệm năm tròn ngày truyền thống trong tháng liền kề, báo cáo Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cục Tuyên huấn có văn bản thông báo và nêu rõ lý do để đơn vị hoàn thiện theo yêu cầu.
c) Hồ sơ đề nghị thư khen cho ngành, lực lượng do cơ quan chức năng quản lý ngành, lực lượng lập theo quy định tại Điểm a, b Khoản này.
3. Việc gửi điện mừng, lẵng hoa, bức trướng hoặc hình thức động viên khác của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm ngày truyền thống của đơn vị chỉ được thực hiện khi có ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lãnh đạo (đơn vị không làm văn bản đề nghị).
Điều 19. Sản xuất, ban hành và trao tặng biểu trưng, huy hiệu; làm phim truyền thống; xuất bản sách, các ấn phẩm văn hóa nhân dịp kỷ niệm năm tròn, năm lẻ 5 ngày truyền thống của đơn vị
1. Các đơn vị có chủ trương sản xuất, ban hành và trao tặng biểu trưng, huy hiệu; làm phim truyền thống; xuất bản sách, các ấn phẩm văn hóa nhân dịp kỷ niệm năm tròn, năm lẻ 5 ngày truyền thống của đơn vị phải được xác định trong kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm, đồng thời có kế hoạch riêng để tổ chức thực hiện và báo cáo theo quy định.
2. Kế hoạch sản xuất, ban hành và trao tặng biểu trưng, huy hiệu; làm phim truyền thống; xuất bản sách, các ấn phẩm văn hóa của đơn vị do cơ quan chức năng xây dựng, thủ trưởng đơn vị phê duyệt và báo cáo, chịu trách nhiệm trước cấp trên về việc tổ chức triển khai thực hiện. Kế hoạch của các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng gửi về Cục Tuyên huấn (kèm theo ma két hoặc bản vẽ thiết kế biểu trưng, huy hiệu; kịch bản phim truyền thống; bản thảo sách, ấn phẩm văn hóa).
Điều 20. Tổ chức gặp mặt báo chí, mời phóng viên báo chí đến phản ánh các hoạt động đơn vị và đưa tin lễ kỷ niệm ngày truyền thống
1. Các đơn vị có tổ chức gặp mặt báo chí nhân dịp kỷ niệm năm tròn ngày truyền thống của đơn vị phải được xác định trong kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm, đồng thời xây dựng kế hoạch riêng để tổ chức thực hiện.
a) Kế hoạch tổ chức gặp mặt báo chí của đơn vị do cơ quan chính trị xây dựng, thủ trưởng đơn vị phê duyệt và báo cáo, chịu trách nhiệm trước cấp trên về việc tổ chức triển khai thực hiện;
b) Kế hoạch của các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng gửi về Cục Tuyên huấn.
2. Việc mời phóng viên báo chí đến phản ánh các hoạt động của đơn vị nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống thực hiện theo quy định của Luật Báo chí và Quy chế quản lý báo chí trong Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 164/2014/TT-BQP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; việc cung cấp thông tin cho phóng viên báo chí phải khách quan, chân thực, chấp hành nghiêm Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo Thông tư số 133/2013/TT-BQP ngày 05 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Điều 21. Thành phần dự gặp mặt kỷ niệm năm lẻ 5 ngày truyền thống, lễ kỷ niệm năm tròn ngày truyền thống của các đơn vị
1. Đối với kỷ niệm năm lẻ 5 ngày truyền thống, căn cứ vào tình hình thực tế, đơn vị mời thành phần và số lượng đại biểu dự gặp mặt cho phù hợp. Cơ cấu thành phần dự gặp mặt gồm:
a) Đại biểu thủ trưởng và cơ quan cấp trên trong trường hợp đơn vị có kết hợp trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua;
b) Đại biểu cán bộ, chiến sĩ đã từng công tác tại đơn vị;
c) Đại biểu hoặc toàn thể sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan - binh sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng của đơn vị.
2. Đối với kỷ niệm năm tròn ngày truyền thống, căn cứ tính chất, quy mô lễ kỷ niệm, đơn vị xác định thành phần và số lượng đại biểu dự lễ kỷ niệm cho phù hợp. Cơ cấu thành phần dự lễ gồm:
a) Đại biểu thủ trưởng và cơ quan cấp trên;
b) Đại biểu cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương nơi đóng quân;
c) Đại biểu cơ quan, đơn vị bạn;
d) Đại biểu cán bộ, chiến sĩ đã từng công tác tại đơn vị;
đ) Đại biểu hoặc toàn thể sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan - binh sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng của đơn vị.
3. Việc mời các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị dự lễ kỷ niệm năm tròn ngày truyền thống của đơn vị thực hiện như sau:
a) Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng:
- Mời Lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Chỉ mời 01 đồng chí Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước (1 trong 4 đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội). Khi có chủ trương mời, đơn vị phải có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
- Mời Lãnh đạo Bộ Quốc phòng: Chỉ mời 01 đồng chí Lãnh đạo Bộ Quốc phòng;
- Mời Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị: Chỉ mời 01 Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, 01 Thủ trưởng Tổng cục Chính trị.
b) Đối với các cơ quan cấp cục, các sư đoàn, vùng hải quân, vùng cảnh sát biển và tương đương: Được mời 01 đồng chí Lãnh đạo Bộ Quốc phòng; 01 Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, 01 Thủ trưởng Tổng cục Chính trị.
4. Các đơn vị được mời chuyên gia, học viên nước ngoài đang công tác, học tập tại đơn vị (nếu có) tham dự gặp mặt truyền thống hoặc lễ kỷ niệm. Đối với các trường hợp khác, việc mời khách nước ngoài, đơn vị phải có tờ trình báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.
5. Khách mời là lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, đại biểu gia đình liệt sĩ do thường vụ (đảng ủy) đơn vị thống nhất, quyết định.
Điều 22. Tổ chức lễ kỷ niệm
1. Quy định chung:
a) Cấp tổ chức: Trung đoàn và tương đương trở lên;
b) Địa điểm: Ngoài trời hoặc trong hội trường;
c) Thời gian: Không quá 02 giờ.
2. Trang trí lễ kỷ niệm:
a) Lễ kỷ niệm tổ chức ngoài trời:
Theo hướng từ ngoài nhìn vào:
- Khẩu hiệu “ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM QUANG VINH MUÔN NĂM” nền màu đỏ, chữ màu vàng, kiểu chữ chân phương, in hoa, đứng; treo ở chính giữa, phía trên phông chính;
- Phía trước lễ đài là cột cờ và Quốc kỳ được treo sẵn;
- Tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trên bục, ở vị trí 1/3 phông nền tính từ trái qua phải;
- Tên đơn vị tổ chức lễ: Được thể hiện bằng kiểu chữ chân phương, in hoa, đứng, trên nền phông về phía bên trái lễ đài. Tùy theo diện tích phông chính, có thể bố trí tên đơn vị về phía bên phải nền phông, trên tiêu đề buổi lễ;
- Tiêu đề buổi lễ: Được thể hiện bằng kiểu chữ chân phương, in hoa, đứng, trên nền phông về phía bên phải. Nếu kết hợp trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng phải ghi đầy đủ danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng cao nhất được đón nhận;
- Địa danh và ngày, tháng, năm tổ chức buổi lễ: Được thể hiện bằng chữ in thường, nghiêng; bố trí ở hàng cuối cùng phía dưới tiêu đề buổi lễ;
- Trên bục đặt tượng Bác, bục phát biểu, bàn đại biểu trang trí hoa. Lẵng hoa của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng được đặt ở vị trí trang trọng;
- Hai bên lễ đài treo hai khẩu hiệu cổ động;
- Trên sân và khu vực tổ chức buổi lễ trang trí cờ và khẩu hiệu cổ động.
b) Lễ kỷ niệm tổ chức trong hội trường:
Trang trí cơ bản như lễ kỷ niệm tổ chức ngoài trời, chỉ khác:
- Cờ xếp bố trí ở 1/3 chiều rộng của nền phông tính từ trái sang; trên cờ xếp gắn búa liềm và sao vàng cao ngang nhau, búa liềm bố trí ở giữa 1/2 phần cờ bên trái, sao vàng bố trí ở giữa 1/2 phần cờ bên phải;
- Tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trên bục, ở giữa cờ, dưới búa liềm và sao vàng;
- Tên đơn vị và tiêu đề buổi lễ không cao quá tâm sao vàng;
- Phía trong, hai bên hội trường treo hai khẩu hiệu cổ động;
- Phía ngoài hội trường trang trí cờ và khẩu hiệu cổ động.
3. Chương trình buổi lễ:
a) Thông báo chương trình;
b) Báo cáo cấp trên;
c) Chào cờ, hát quốc ca;
d) Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu;
đ) Thủ trưởng đơn vị đọc diễn văn;
e) Đọc Thư khen của Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (nếu có):
- Đại diện lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đọc Thư khen;
- Nếu Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vừa gửi Thư khen vừa đến dự và phát biểu thì không đọc Thư khen.
g) Công bố quyết định khen thưởng và trao thưởng (nếu có);
h) Thủ trưởng cấp trên hoặc đại biểu khách mời phát biểu;
i) Thủ trưởng đơn vị phát biểu đáp từ;
k) Duyệt đội ngũ (trường hợp tổ chức ngoài trời);
l) Kết thúc buổi lễ.
4. Bộ Tổng Tham mưu quy định cụ thể về trang phục, trang bị, bố trí đội hình, công tác chuẩn bị và thứ tự tiến hành buổi lễ.
Điều 23. Việc hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động kỷ niệm năm tròn ngày truyền thống của đơn vị
1. Hằng năm, Bộ Quốc phòng hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhân kỷ niệm năm tròn ngày truyền thống cho các đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên. Đối tượng và mức hỗ trợ cụ thể do Tổng cục Chính trị đề xuất, Cục Tài chính thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt.
2. Tháng 3 hằng năm, các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng lập danh sách các đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên có kỷ niệm năm tròn ngày truyền thống trong năm liền kề gửi về Cục Tuyên huấn để tổng hợp.
3. Quý II hằng năm, Cục Tuyên huấn lập dự toán ngân sách hỗ trợ cho các đơn vị thuộc đối tượng áp dụng tại Khoản 1 Điều này có kỷ niệm năm tròn ngày truyền thống của năm liền kề gửi Cục Tài chính thẩm định, báo cáo Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.
Chương VI. NGHI THỨC CÔNG BỐ, TRAO TẶNG, ĐÓN NHẬN HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG, DANH HIỆU THI ĐUA
Điều 24. Các hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua tổ chức công bố quyết định, trao tặng, đón nhận
1. Các hình thức danh hiệu vinh dự Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, huân chương, huy chương.
2. Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
3. Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chiến sĩ thi đua toàn quân, huy hiệu, kỷ niệm chương; Cờ thi đua của Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng, các ngành, các phong trào thi đua, các cuộc vận động.
4. Cờ thi đua của các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; Bằng khen, Giấy khen, các danh hiệu thi đua thuộc thẩm quyền khen thưởng của thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
5. Giấy khen, các danh hiệu thi đua thuộc thẩm quyền khen thưởng của thủ trưởng các đơn vị từ cấp sư đoàn và tương đương đến cấp trung đoàn và tương đương.
Điều 25. Yêu cầu của việc tiến hành trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua
1. Không tổ chức riêng lễ trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; chỉ tổ chức kết hợp trong lễ kỷ niệm ngày truyền thống, gặp mặt truyền thống, lễ ra quân huấn luyện, phát động thi đua, các hội nghị sơ kết, tổng kết hoặc các lễ, hội nghị khác (trừ trường hợp trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng đối với thành tích xuất sắc đột xuất, khen thưởng thành tích kháng chiến, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động).
2. Chỉ công bố, trao tặng và đón nhận một lần đối với mỗi quyết định khen thưởng. Không tổ chức diễu hành hoặc đón rước từ cấp này, địa điểm này đến cấp khác, địa điểm khác.
3. Đại diện lãnh đạo tập thể được khen thưởng trực tiếp đón nhận quyết định khen thưởng, hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua của tập thể. Cá nhân được khen thưởng trực tiếp đón nhận quyết định khen thưởng, hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua. Trường hợp truy tặng, đại diện gia đình của người được truy tặng nhận thay.
4. Trao tặng hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua theo thứ tự từ cao đến thấp. Trường hợp cùng một hình thức khen thưởng thì trao tặng cho tập thể trước, cá nhân sau; trao tặng trước, truy tặng sau.
5. Trong khi công bố, trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua, người không có trách nhiệm không tặng hoa, không quay phim, chụp ảnh trên lễ đài.
6. Việc mời Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự lễ trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua, đơn vị phải có tờ trình báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.
Điều 26. Nghi thức công bố, trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua
1. Công bố quyết định khen thưởng:
a) Đại diện lãnh đạo của cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng hoặc của đơn vị tổ chức buổi lễ công bố toàn văn quyết định khen thưởng;
b) Quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước: Trước khi công bố, người công bố mời Tổ Quân kỳ (nếu có) và đại diện tập thể hoặc cá nhân được khen thưởng lên vị trí nghe công bố quyết định khen thưởng;
c) Quyết định khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ và các cấp khác: Sau khi công bố, người công bố mời đại diện tập thể hoặc cá nhân có tên trong quyết định khen thưởng lên vị trí nhận thưởng.
2. Trao hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua:
a) Người trao là đại diện các lãnh đạo, chỉ huy tham dự buổi lễ;
b) Trao theo thứ tự gắn Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu kèm theo danh hiệu) trước; sau đó trao Bằng và trao Cờ Anh hùng (đối với tập thể được đón nhận danh hiệu Anh hùng);
c) Đối với đơn vị có Quân kỳ: Người trao gắn Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu kèm theo danh hiệu) lên góc cao Quân kỳ. Vị trí gắn Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu kèm theo danh hiệu) trên Quân kỳ được thực hiện theo thứ hạng từ cao xuống thấp;
Đối với tập thể không có Quân kỳ: Người trao trao Bằng đã gắn sẵn Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu kèm theo danh hiệu) ở góc trên, bên trái của Bằng nhìn từ ngoài vào;
d) Trao tặng cho cá nhân: Người trao gắn Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu kèm theo danh hiệu) lên ngực áo bên trái người đón nhận, sau đó trao Bằng. Vị trí gắn Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu kèm theo danh hiệu) trên ngực áo được thực hiện theo thứ hạng từ cao xuống thấp;
đ) Truy tặng: Người trao trao Bằng đã gắn sẵn Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu kèm theo danh hiệu) cho đại diện gia đình cá nhân được truy tặng.
3. Đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua:
a) Vị trí nhận thưởng:
- Tổ chức ngoài trời: Chính giữa phía trước đội hình đơn vị, hướng lên lễ đài;
- Tổ chức trong hội trường: Chính giữa sân khấu, hướng về phía đại biểu.
b) Đội hình nhận thưởng: Nếu có nhiều tập thể, cá nhân cùng nhận thì đứng nghiêm, thành đội hình hàng ngang tại vị trí nhận thưởng;
c) Đón nhận các hình thức khen thưởng do Chủ tịch nước ký quyết định: Người đón nhận khen thưởng lên vị trí nhận thưởng đứng nghiêm để nghe công bố quyết định và đón nhận khen thưởng;
Trường hợp có gắn Huân chương, Huy chương, Huy hiệu kèm theo danh hiệu lên Quân kỳ: Tổ Quân kỳ và người chỉ huy, chính ủy hoặc chính trị viên (nếu không có chính ủy, chính trị viên thì một đồng chí cấp phó là bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy) lên vị trí nhận thưởng nghe công bố quyết định và đón nhận khen thưởng;
d) Đón nhận các hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua do Thủ tướng Chính phủ và các cấp khác ký quyết định: Sau khi nghe công bố quyết định, người đón nhận được mời lên vị trí để đón nhận khen thưởng;
đ) Trong trường hợp cần thiết, đại diện tập thể hoặc cá nhân được khen thưởng phát biểu ý kiến sau khi đón nhận khen thưởng.
4. Bộ Tổng Tham mưu quy định cụ thể động tác trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; động tác của người phục vụ nghi thức trao.
Chương VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 27. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2017 và thay thế Thông tư số 27/2005/TT-BQP ngày 21 tháng 02 năm 2005 của Bộ Quốc phòng về hướng dẫn nghi thức tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm; trao tặng và đón nhận Danh hiệu vinh dự Nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các hình thức khen thưởng trong Quân đội; Quyết định số 159/2007/QĐ-BQP ngày 29 tháng 10 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế về ngày truyền thống và các hoạt động kỷ niệm nhân ngày truyền thống của Quân đội và các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Điều 28. Trách nhiệm thi hành
1. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng, thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Quốc phòng (qua Tổng cục Chính trị) để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ (để b/c); - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; - Tổng Tham mưu trưởng; - Các đồng chí Thứ trưởng BQP; - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; - Văn phòng Chính phủ; - Các cơ quan, đơn vị trực thuộc BQP (74); - Các cục: Quân huấn/BTTM, Tuyên huấn /TCCT(3); - Cục Kiểm tra văn bản QPPL/Bộ Tư pháp; - Vụ Pháp chế BQP; - Công báo, Cổng TTĐT CP, Cổng TTĐT BQP; - Lưu: VT, NCTH; Tr96. | BỘ TRƯỞNG Đại tướng Ngô Xuân Lịch |