hieuluat

Thông tư 83/2011/TT-BCA quản lý tài chính chế độ thi đua, khen thưởng trong Công an nhân dân

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Công anSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:83/2011/TT-BCANgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Trần Đại Quang
    Ngày ban hành:27/12/2011Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:15/02/2012Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Thi đua-Khen thưởng-Kỷ luật
  •  

    BỘ CÔNG AN
    ---------

    Số: 83/2011/TT-BCA

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    --------

    Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2011

     

     

    THÔNG TƯ

    Quy định về quản lý tài chính thực hiện chế độ thi đua, khen thưởng

    trong Công an nhân dân

     

    Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng (Nghị định số 42/2010/NĐ-CP);

    Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

    Bộ Công an quy định công tác quản lý tài chính thực hiện chế độ thi đua, khen thưởng trong Công an nhân dân như sau:

     

    Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

    Thông tư này quy định về nguyên tắc, mức, nội dung, nguồn kinh phí, thẩm quyền chi thi đua, khen thưởng; dự toán, chấp hành, quyết toán kinh phí chi thi đua, khen thưởng trong Công an nhân dân.

    Điều 2. Đối tượng áp dụng

    Thông tư này áp dụng đối với:

    1. Tập thể, cá nhân trong Công an nhân dân.

    2. Tập thể, cá nhân Công an xã, Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.

    3. Tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong tham gia công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

    Điều 3. Nguyên tắc chung

    1. Tuân thủ quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định tại Thông tư này.

    2. Bảo đảm công khai, chính xác, công bằng và kịp thời.

    Điều 4. Giải thích từ ngữ

    Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

    1. Đơn vị cấp Cục là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, các Vụ, Cục, Viện, đơn vị tương đương, các Học viện, nhà trường trực thuộc Bộ hoặc trực thuộc tổng cục.

    2. Công an địa phương là Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.

    3. Đơn vị cơ sở là các phòng, ban, trung đoàn, trại giam và đơn vị tương đương; Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các doanh nghiệp trong Công an nhân dân.

    4. Đơn vị trực thuộc cơ sở là Công an phường, thị trấn (nơi bố trí lực lượng Công an chính quy), đồn Công an, phân trại giam, tiểu đoàn, đại đội độc lập trực thuộc trung đoàn, đội công tác và đơn vị tương đương (được thành lập theo quyết định của Bộ Công an, có chi bộ độc lập; trực thuộc Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc trực thuộc phòng có quy mô lớn, có thành lập đảng bộ).

     

    Chương II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

     

    Điều 5. Mức chi

    1. Mức chi cụ thể cho tập thể, cá nhân được khen thưởng hoặc tặng danh hiệu thi đua thực hiện theo quy định tại các điều 70, 71, 72, 73, 74, 75 và 76 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP và Khoản 2 Điều này.

    2. Mức chi đối với một số tập thể

    a) Đối với đơn vị trực thuộc cơ sở đạt danh hiệu “Đơn vị tiên tiến” thì mức chi bằng 1/2 mức chi đối với đơn vị cơ sở;

    b) Đối với đơn vị trực thuộc cơ sở đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng” thì mức chi bằng 1/2 mức chi đối với đơn vị cơ sở;

    c) Đối với đơn vị cơ sở được tặng “Cờ thi đua của Bộ Công an” thì mức chi bằng 1/2 mức chi đối với đơn vị cấp Cục, Công an địa phương;

    d) Đối với cơ quan thuộc khối xã, phường, thị trấn, cơ quan hoặc doanh nghiệp được tặng “Cờ thi đua của Bộ Công an” thì mức chi bằng mức chi đối với đơn vị cấp Cục, Công an địa phương;

    e) Đối với đơn vị cấp Cục, Công an địa phương được Bộ Công an tặng Bằng khen trong tổng kết phong trào thi đua hàng năm thì mức chi bằng 10 lần mức lương tối thiểu chung;

    g) Đối với tập thể đơn vị được tặng danh hiệu “Đơn vị văn hóa, kiểu mẫu về điều lệnh” thì mức chi bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu chung;

    h) Đối với tập thể đơn vị trực thuộc cấp cơ sở được tặng danh hiệu “Đơn vị văn hóa, kiểu mẫu về điều lệnh” thì mức chi bằng 1/2 mức chi đối với tập thể đơn vị được tặng danh hiệu “Đơn vị văn hóa, kiểu mẫu về điều lệnh”.

    Điều 6. Nội dung chi thi đua, khen thưởng

    1. Chi tiền hoặc chi mua tặng phẩm lưu niệm kèm theo danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

    2. Chi in giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen, đặt các kỷ niệm chương, huy hiệu, cờ thi đua, khung bằng khen, khung giấy khen …

    3. Chi công tác tổ chức, chỉ đạo các phong trào thi đua.

    Điều 7. Thực hiện các nội dung chi thi đua, khen thưởng

    1. Bộ Công an quyết định khen thưởng thì Thường trực Hội đồng thi đua - khen thưởng của Bộ Công an (Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân) chịu trách nhiệm chi cho việc in bằng khen, đặt kỷ niệm chương, thêu cờ thi đua, làm khung bằng khen, hộp đựng kỷ niệm chương.

    2. Công an các đơn vị, địa phương quyết định khen thưởng thì chịu trách nhiệm chi cho việc in giấy khen, làm khung giấy khen, thêu cờ thi đua của Bộ Công an tặng đối với đơn vị cơ sở. Trường hợp Bộ Công an tặng bằng khen không kèm theo khung thì Công an các đơn vị, địa phương chi làm khung bằng khen.

    3. Công an các đơn vị, địa phương chi cho công tác tổ chức, chỉ đạo các phong trào thi đua không quá 20% tổng số kinh phí thi đua, khen thưởng của từng cấp để thực hiện các nhiệm vụ sau:

    a) Tổ chức các cuộc họp của Hội đồng thi đua - khen thưởng;

    b) Xây dựng, tổ chức và triển khai các phong trào thi đua; tập huấn nghiệp vụ thi đua, khen thưởng; tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua; hội nghị sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến;

    c) Phát động các phong trào thi đua theo đợt, chuyên đề, thường xuyên, cao điểm; các hoạt động thi đua, khen thưởng cụm, khối; kiểm tra, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện phong trào thi đua;

    d) Phục vụ trực tiếp cho công tác tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua.

    Điều 8. Nguồn kinh phí thi đua, khen thưởng

    1. Công an các đơn vị, địa phương hưởng kinh phí thi đua, khen thưởng từ ngân sách nhà nước được Bộ Công an giao trong dự toán ngân sách hàng năm.

    2. Đối với doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có thu, nguồn kinh phí thi đua, khen thưởng lấy từ quỹ thi đua, khen thưởng của doanh nghiệp, đơn vị.

    Điều 9. Thẩm quyền chi kinh phí thi đua, khen thưởng

    1. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị ra quyết định khen thưởng thì chịu trách nhiệm chi tiền thưởng theo quy định từ nguồn kinh phí thi đua, khen thưởng do cơ quan, đơn vị mình quản lý.

    2. Cơ quan các đơn vị, địa phương khen thưởng tập thể, cá nhân thuộc đơn vị, địa phương mình thì chi trong phạm vi kinh phí thi đua, khen thưởng được giao.

    3. Tập thể, cá nhân thuộc Công an các đơn vị, địa phương được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an khen thưởng thì Bộ Công an chi qua Công an các đơn vị, địa phương.

    4. Tập thể, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền quyết định khen thưởng thuộc Công an xã, Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong tham gia công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì thực hiện như sau:

    a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thẩm quyền ra quyết định khen thưởng tổng kết thi đua hàng năm thì có trách nhiệm chi.

    b) Các bộ, ngành trung ương, các doanh nghiệp nhà nước có thẩm quyền quyết định khen thưởng thì có trách nhiệm chi.

    c) Tập thể, cá nhân có thành tích thuộc Công an xã, Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong tham gia công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội được lãnh đạo Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương quyết định khen thưởng hoặc Bộ Công an đề nghị Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định khen thưởng thì Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương chi; mức chi như đối với tập thể, cá nhân trong Công an nhân dân và được thanh toán theo nguồn kinh phí sau:

    - Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho tập thể, cá nhân thuộc các bộ, ngành trung ương hoặc địa phương được Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định khen thưởng theo đề nghị của Bộ Công an hoặc được lãnh đạo Bộ Công an quyết định khen thưởng (tập thể, cá nhân thuộc các bộ, ngành trung ương) do ngân sách Bộ Công an chi;

    - Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng được lãnh đạo Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương quyết định khen thưởng thì Công an các đơn vị, địa phương chi từ kinh phí do ngân sách địa phương cấp hàng năm cho công tác an ninh theo Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

    Điều 10. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí chi thi đua, khen thưởng

    1. Việc lập dự toán, cấp phát, quản lý và quyết toán kinh phí chi thi đua, khen thưởng thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành.

    2. Kinh phí chi cho công tác thi đua, khen thưởng được hạch toán, quyết toán vào mục, tiểu mục tương ứng trong mục lục ngân sách nhà nước thực hiện trong Công an nhân dân.

    3. Cuối năm, kinh phí thi đua, khen thưởng còn dư không sử dụng hết được chuyển năm sau để tiếp tục sử dụng cho công tác thi đua, khen thưởng.

    Điều 11. Tổ chức thực hiện

    1. Khi tập thể, cá nhân được khen thưởng, Phòng Công tác chính trị, Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phối hợp với Phòng Tài chính, Phòng Tài chính - Kế toán, Phòng Tài vụ, Phòng Tài Vụ - Kế toán, Phòng Hậu cần, Phòng Hậu cần - Kỹ thuật, Phòng Chính trị - Hậu cần, Phòng Hậu cần - Tài vụ của Công an các đơn vị, địa phương giải quyết chi theo chế độ quy định tại Thông tư này.

    2. Cục Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân hướng dẫn cụ thể việc chi tiền thưởng theo mức lương tối thiểu chung.

    3. Mức tiền thưởng quy định tại Thông tư này được thực hiện từ ngày 15/6/2011.

     

    Chương III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

     

    Điều 12. Hiệu lực thi hành

    Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2012 và thay thế Thông tư số 20/2007/TT-BCA-V22 ngày 09/10/2007 của Bộ Công an hướng dẫn công tác quản lý tài chính thực hiện chế độ khen thưởng trong lực lượng Công an nhân dân.

    Điều 13. Trách nhiệm thi hành

    1. Cục trưởng Cục Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

    2. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

    Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc nảy sinh thì phản ánh về Bộ Công an (qua Tổng cục xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Cục Tài chính) để kịp thời hướng dẫn.

     

    BỘ TRƯỞNG

    Thượng tướng Trần Đại Quang

     

     

     

     

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X