3 loại lương sẽ tăng từ 01/7/2024 là tin vui đối với hàng chục triệu người lao động. Cụ thể đó là những khoản nào, cùng tìm hiểu…
Thứ nhất, tăng lương của cán bộ, công chức, viên chức
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo tinh thần của Nghị quyết 27.
Theo Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện hành, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Cụ thể chính sách tiền lương mới sẽ mở rộng quan hệ tiền lương từ hệ số lương hiện nay từ 1 - 2,34 – 10 lên thành 1 - 2,68 - 12.
Với việc mở rộng quan hệ tiền lương, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với mức lương khởi điểm của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay.
Mức lương khởi điểm trung bình cho công chức, viên chức có trình độ đại học cũng sẽ tăng với hệ số lương mới là 2,68, cao hơn hệ số 2,34 hiện nay.
Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương Bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên hệ số 12.
Có thể thấy, từ ngày 1/7/2024 tiền lương trung bình của công chức, viên chức tăng khoảng 30%. Mức tăng lương cụ thể sẽ phụ thuộc vào vị trí việc làm, hiệu quả công việc,…của từng đối tượng.
Cơ cấu thu nhập của cán bộ, công chức và viên chức theo vị trí việc làm gồm:
- Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương)
Bảng lương được thực hiện theo vị trí việc làm và không thấp hơn so với hiện hành.
- Các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).
Khi thực hiện cải cách tiền lương, cán bộ công chức, viên chức sẽ được hưởng hương và các khoản phụ cấp tùy theo vị trí việc làm gồm 9 khoản phụ cấp: kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, khu vực, trách nhiệm công việc, lưu động, theo nghề, công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang, phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng
- Bổ sung tiền thưởng, và quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Cơ cấu tiền lương mới bổ sung thêm khoản tiền thưởng chiếm 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm các khoản phụ cấp.
Nghị quyết 27 xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong 05 bảng lương mới với tinh thần bảng lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
01/7/2024 là thời điểm tăng lương của hàng triệu người lao động.
Thứ hai là tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Bên cạnh việc cải cách tiền lương công chức thì tại Nghị quyết 104/2023/QH15 cũng đề cập đến việc tăng lương hưu, trợ cấp BHXH, cụ thể là đề cập đến nâng mức lương hưu và các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Về thực hiện chính sách tiền lương:
1. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Trước đó, liên quan đến điều chỉnh lương hưu, BHXH Việt Nam đề xuất điều chỉnh tăng thêm 8% cho người hưởng hưu trí cả khu vực công và tư; kinh phí dự kiến là hơn 8.800 tỷ đồng.
Trong cuộc họp vào ngày 6/3 với lãnh đạo Chính phủ, Bộ LĐTBXH đã đề xuất từ ngày 01/7/2024 lương hưu, trợ cấp BHXH sẽ tăng 15%.
Như vậy, hiện nay, mức lương hưu tăng bao nhiêu phần trăm từ ngày 01/7/2024 chưa có thông tin cụ thể. Chính phủ sẽ có văn bản quy định chi tiết về vấn đề này trước thời điểm cải cách tiền lương. HieuLuat sẽ cập nhật khi có thông tin mới nhất.
Thứ ba, tăng lương tối thiểu vùng [Dự kiến]
Cuối tháng 3/2024, Bộ LĐTBXH đã xây dựng dự thảo Nghị định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo đó, đề xuất mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng.
Cụ thể, đề xuất Chính phủ điều chỉnh các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng như sau:
Vùng I là: 4.960.000 đồng/tháng;
Vùng II là: 4.410.000 đồng/tháng;
Vùng III là: 3.860.000 đồng/tháng;
Vùng IV là: 3.450.000 đồng/tháng.
Như vậy, mức lương tối thiểu nêu trên tăng từ 200.000 đồng – 280.000 đồng, tương ứng tăng tỷ lệ 6% so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Bộ Nội vụ cũng đã thống nhất với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thời điểm tăng lương tối thiểu năm 2024 vào ngày 01/7, trùng với thời điểm cải cách tiền lương khu vực Nhà nước.
Mức điều chỉnh lương tối thiểu này cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu đến hết năm 2024, dự kiến cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025.
Nếu Chính phủ thông qua đề xuất tăng lương tối thiểu vùng người lao động sẽ được hưởng thêm nhiều quyền lợi.
Trên đây là thông tin về 3 loại tiền lương được điều chỉnh tăng từ 01/7/2024.
Nếu cần giải đáp về các quy định của pháp luật, hãy gọi ngay các chuyên viên pháp lý theo số 19006192 để được hỗ trợ