Mới đây, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ ra 6 hình thức lừa đảo trực tuyến mới nhất vừa xuất hiện thời gian gần đây.
Mạo danh công an để lừa cung cấp thông tin, kê khai thông tin tài sản
Công an TP. Hà Nội gần đây đã liên tục cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dân.
Theo đó, tội phạm thường sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống số điện thoại công khai của cơ quan Công an,… gọi điện thông báo bị hại đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh,… dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam khiến nạn nhân sợ hãi.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không nên nghe và làm theo các yêu cầu, hướng dẫn của người lạ. Đồng thời cũng không cung cấp thông tin cá nhân để tránh bị đánh cắp thông tin phục vụ cho những hành vi phạm tội của đối tượng.
Nếu có liên quan, Cơ quan Công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức,… sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo hoặc gửi giấy mời/giấy triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, thông qua Cảnh sát khu vực hoặc Công an xã chuyển giấy mời/giấy triệu tập đến thân nhân gia đình và người mà cơ quan Công an muốn làm việc.
Người dân tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.
Lập fanpage, website giả mạo trang của Cục An ninh mạng
Trên mạng xã hội có xuất hiện các trang có tên Cục An ninh mạng hoặc Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Các trang này đưa ra các nội dung, thông tin khuyến cáo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến và nêu biện pháp phòng chống, cũng như cung cấp các dịch vụ pháp lý hỗ trợ công dân như tư vấn lấy lại tiền lừa đảo, hỗ trợ xử lý các vụ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bản chất là đối tượng lừa đảo đã lợi dụng tâm lý muốn lấy lại tiền của các nạn nhân, khiến họ bị lừa và tiếp tục lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản của họ.
Theo Cục An toàn thông tin, người dân có thể kiểm tra các trang thông tin chính thống của cơ quan Công an tại phần "liên kết website" trên Cổng thông tin điện tử có địa chỉ mps.gov.vn, bocongan.gov.vn của Bộ Công an.
Giả mạo ứng dụng, giao diện các website Dịch vụ công
Người dân nhận được cuộc gọi của các đối tượng giả mạo cán bộ Cơ quan Nhà nước, Công an phường… đề nghị cài đặt ứng dụng dịch vụ công quốc gia (do đối tượng gửi đường link cho người dân như: https://viet.lgovn.cc...) thực hiện cập nhập thông tin cá nhân.
Sau khi người dân cài đặt ứng dụng giả mạo lên điện thoại, đối tượng chiếm quyền điều khiển (màn hình bị tối đen, bị hại không thao tác được trên màn hình, không tắt nguồn được).
Sau khi chiếm quyền sử dụng điện thoại, đối tượng truy cập vào các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử trên điện thoại của bị hại và thực hiện giao dịch chuyển tiền để chiếm đoạt.
Hiện nay Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia chỉ cung cấp duy nhất thông qua tên miền https://dichvucong.gov.vn/. Các dịch vụ công trực tuyến khác cung cấp thông qua tên miền có đuôi: “.gov.vn”.
Cổng dịch vụ công quốc gia hiện cũng chưa phát triển ứng dụng riêng cho điện thoại. Nếu có đối tượng hướng dẫn cài đặt ứng dụng dịch vụ công quốc gia lên điện thoại là lừa đảo, tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng này.
Lưu ý không cài đặt các ứng dụng từ nguồn không chính thống, chưa được xác minh trên các trang web, kho ứng dụng không chính hãng, từ các đường link lạ. Chỉ truy cập, tải và cài đặt ứng dụng chính thức thông qua các kho ứng dụng Google Play và Apple Store, kiểm tra thông tin tác giả (nhà phát triển).
Không cài đặt ứng dụng giả mạo vì dễ bị chiếm đoạt tài sản.
Nhận làm thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe online
Hiện nay, dịch vụ làm thay thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe dễ dàng được tìm kiếm trên mạng với mức phí từ 400.000 – 600.000 đồng, tùy theo nhu cầu. Và nhiều người đã thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo cung cấp dịch vụ cấp, đổi giấy phép lái xe online.
Theo Cục An toàn thông tin thì khi có nhu cầu xin cấp mới, đổi bằng lái xe, người dân nên tự thực hiện thủ tục theo phương thức trực tiếp tại Sở Giao thông Vận tải hoặc trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh đó không nên chia sẻ thông tin cá nhân, không giao dịch chuyển khoản khi chưa xác minh danh tính của các đối tượng lạ. Nếu đã bị lừa cần khẩn trương trình báo, tìm sự hỗ trợ từ cơ quan Công an.
Lừa đảo thông qua dịch vụ làm visa giá rẻ
Một số đối tượng lập website, tài khoản Facebook giả mạo các công ty xuất khẩu lao động uy tín, đăng tải hình ảnh tiễn người ra nước ngoài đi xuất khẩu lao động ở sân bay để tạo lòng tin.
Các đối tượng cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi với chi phí làm visa chỉ bằng một nửa so với công ty chính ngạch.
Người lao động được khuyến cáo khi có nhu cầu làm visa, cần tra cứu danh sách doanh nghiệp được cấp phép trên trang dolab.gov.vn của Cục Quản lý lao động ngoài nước (thuộc Bộ LĐTBXH).
Người dân cũng cần lưu ý là không cung cấp số Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân, mã OTP... cho bất cứ ai hoặc trên bất kỳ website lạ nào. Khi phát hiện ra dấu hiệu lừa đảo hoặc đã bị lừa, cần nhanh chóng tố giác với cơ quan có thẩm quyền để hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại.
Lừa đảo thông qua dịch vụ xuất khẩu lao động
Nhiều người dân đã nộp tiền để được đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc theo chương trình lao động thời vụ E-8 qua một công ty ở Quảng Ninh.
Chương trình lao động thời vụ E-8 là hoạt động hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Hàn Quốc, do cơ quan chức năng của địa phương tổ chức triển khai và không có sự tham gia của doanh nghiệp.
Do đó, các hoạt động tư vấn quảng cáo, thu hồ sơ hay đưa người lao động đi nước ngoài đều là vi phạm quy định.
Người dân cần xác minh tìm hiểu thật kỹ qua website chính thức của các cơ quan quản lý, tránh việc chuyển tiền rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo.
Trên đây là thông tin về 6 hình thức lừa đảo trực tuyến mới nhất.
Bài viết vẫn chưa giải quyết hết thắc mắc của bạn? Đừng ngần ngại, hãy gọi ngay cho chúng tôi theo số 19006192 để hỗ trợ, giải đáp