hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 16/02/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bắn chết người rồi tự tử, có khởi tố vụ án không? Ai phải bồi thường?

Liên quan đến vụ nổ súng rồi tự tử ngày 15/02/2022 ở Võ Nhai, Thái Nguyên làm 02 người chết và 01 người bị thương, nhiều người gửi thắc mắc về cho chúng tôi rằng, nếu hung thủ đã tự tử, có phải chịu trách nhiệm gì hay không?

Tóm tắt vụ án: Theo thông tin ban đầu, khoảng 10h sáng 15-2, khi vợ chồng ông Lê Văn T. và bà Phạm Thị Đ., (cùng 51 tuổi, ở xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến) đang xây tường rào cho gia đình con trai ruột thì bị Lê Văn H. (41 tuổi, là hàng xóm) dùng súng bắn vào người. Sau khi gây án, Lê Văn H. dùng súng tự sát. Hậu quả, H. và ông Lê Văn T. tử vong, còn bà Phạm Thị Đ. bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Hung thủ đã chết, có khởi tố vụ án không?

Hành vi xâm phạm đến tính mạng người khác là hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, người vi phạm có thể phải đối mặt với hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, vụ án giết người vẫn có thể bị tạm ngừng.

Theo Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, có một số căn cứ làm cho vụ án hình sự không được khởi tố gồm:

1. Không có sự việc phạm tội;

2. Hành vi không cấu thành tội phạm;

3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;

4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;

5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

6. Tội phạm đã được đại xá;

7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;

8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố

Như vậy, nếu người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, vụ án không được khởi tố.

Ngoài ra, khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự; Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra

Tuy nhiên, chỉ đình chỉ điều tra và không khởi tố vụ án khi có căn cứ cho rằng nghi phạm là người duy nhất gây án và đã tử vong.  Trong trường hợp hung thủ gây án đã chết nhưng vụ án xác định còn người tổ chức, giúp sức hay xúi giục, cơ quan điều tra vẫn sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong đó:

- Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

- Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

- Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

ban chêt nguoi roi tu tu
Hiện trường vụ án bắn chết người rồi tự tử mới xảy ra ở Võ Nhai, Thái Nguyên

Người phạm tội đã chết, ai phải bồi thường?

Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý bất lợi mà người phạm tội phải gánh chịu trước Nhà nước do việc người đó thực hiện tội phạm. Trách nhiệm hình sự là kết quả của việc áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự, được thể hiện ở bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật, hình phạt và một số biện pháp cưỡng chế hình sự khác do luật hình sự quy định.

Do người phạm tội đã chết, trách nhiệm của người này trước Nhà nước bị đình chỉ. Vậy, trách nhiệm đối với người bị hại và gia đình họ phải làm sao?

Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định như sau:

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Tuy nhiên, người xâm phạm tính mạng của người khác đã chết, vì thế, trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về những người thừa kế của người thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ thực hiện trong phạm vi di sản do người chết để lại.

Bởi theo Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Cũng theo Điều 615, trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ trả tiền được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi tài sản do người chết để lại.

Còn trong trường hợp di sản đã được chia, thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ trả nợ, tương ứng theo tài sản người chết để lại, nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Về xác định mức bồi thường, Điều 591 quy định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;  Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại...);

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (hiện nay tương đương 149 triệu đồng).

Trên đây là một số thông tin liên quan đến việc bắn chết người rồi tự tử, có khởi tố vụ án không? Ai phải bồi thường? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X