hieuluat
Chia sẻ email

Bán thịt lợn nhiễm dịch tả Châu Phi, bị phạt thế nào?

Theo Cục Thú y, tính đến tháng 10/2021, cả nước đã xảy ra gần 1.900 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 53 tỉnh, thành phố trên cả nước. Những người đem thịt lợn bệnh, chết bán ra ngoài bị xử lý thế nào?

Câu hỏi: Chào anh chị. Hàng xóm nhà em có lợn bị ốm và chết, em không biết có bị dịch tả lợn hay không. Họ có nói em là bán rẻ cho để em đem ra chợ bán (em làm nghề bán thịt). Nếu bị phát hiện em có bị phạt nặng không?

Chào bạn. Trước hết, việc đem bán thịt lợn chết ra thị trường tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Về mặt pháp lý, Điều 5 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định một trong những hành vi bị cấm là:

4. Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay, giá thịt lợn hơi liên tục giảm, vì thế, nhiều người lo lắng, thịt lợn bệnh đã bị “tuồn” ra thị trường.

Với những người biết là heo chết dô dịch, chết không rõ nguyên nhân nhưng vẫn đem bán ra thị trường, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả.

Bán heo bệnh bị xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 90/2017/NĐ-CP:

Điều 8. Vi phạm về chống dịch bệnh động vật trên cạn

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh dịch đã được công bố trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm;

b) Mang đi tiêu thụ thân thịt, phụ phẩm, sản phẩm khác của động vật bị giết mổ bắt buộc chưa được xử lý bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y;

Ngoài ra, Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP cũng quy định:

Điều 4. Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm

4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;

b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự...

Như vậy, người bán thịt lợn chết có thể bị xử phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng. Ngoài ra, bị buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm vi phạm.

muc phat voi nguoi ban thit lon benh
Người bán thịt lợn bệnh có thể bị xử lý hình sự (Ảnh minh họa)

Bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính thì người nào buôn bán thịt lợn bị bệnh dịch còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. Cụ thể:

Ðiều 317. Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm...

Hiện nay, khung hình phạt cao nhất với tội này lên đến 20 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Biết mua phải heo bệnh, có đòi bồi thường được không?

Câu hỏi: Em thương mua thịt heo ở hàng quen. Gần đây em biết người này gần đây ham heo chết rẻ nên đã đem ra chợ bán. Em có thể yêu cầu bồi thường được không?

Chào bạn. Điều 13 Bộ luật Dân sự nêu rõ:

Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Vì thế, nếu bạn chứng minh được mình bị thiệt hại thì có thể yêu cầu bồi thường, đồng thời phải chứng minh được thiệt hại đó (thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, tổ chức...).

Khi hai bên thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại thì thực hiện theo thỏa thuận đó. Tuy nhiên, trong trường hợp hai bên không thỏa thuận, bạn có quyền khởi kiện tại Tòa án.

Trên đây là mức phạt với người bán thịt lợn bệnh. Nếu còn thắc mắc, hãy để lại câu hỏi để chúng tôi hỗ trợ bạn.

Có thể bạn quan tâm

X