hieuluat
Chia sẻ email

Công ty có được đuổi việc vì nhân viên không đi du lịch?

Mới đây, mạng xã hội lan tràn hình ảnh 01 Quyết định cho nghỉ việc đối với các nhân viên từ chối tham gia chuyến du lịch cùng công ty. Theo quy định hiện hành, Công ty có được đuổi việc vì nhân viên không đi du lịch cùng công ty (teambuilding)?

Công ty cho nghỉ việc vì không đi "teambuilding"

Theo bản Quyết định lan truyền trên mạng, Công ty này đã ra quyết định cho nghỉ việc đối với các nhân viên không tham gia chuyến du lịch Cát Bà. Theo đó, công ty cho rằng nhân viên từ chối tham gia hoạt động, phong trào ngoại khóa là không có tinh thần tập thể, tinh thần gắn kết đồng đội nên không phù hợp với công ty.

Dưới đây là chi tiết bản Quyết định hiện đang được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.

.

Theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

- Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

- Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

- Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;

- Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;

- Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

- Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

- Người lao động cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

Như vậy, nếu người sử dụng lao động (doanh nghiệp) cho nhân viên nghỉ việc do không đi du lịch cùng công ty nghĩa là đã làm sai quy định của pháp luật.

cong ty co duoc duoi viec vi nhan vien khong di teambuilding

Bị chấm dứt hợp đồng trái luật, được bồi thường thế nào?

Nếu xác định chính xác mình bị chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, người lao động có thể thực hiện theo một trong các cách sau để đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình một cách nhanh nhất:

Cách 1: Khiếu nại (Căn cứ: Nghị định 24/2018/NĐ-CP)

- Khiếu nại lần đầu: Tới chính doanh nghiệp

Nếu không được giải quyết hoặc người lao động không đồng ý với giải quyết đó thì khiếu nại lần hai hoặc trực tiếp khởi kiện tại Tòa án.

- Khiếu nại lần hai: Tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

+ Thời hiệu khiếu nại: Trong 30 ngày (45 ngày với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn), kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu, người lao động có quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

+ Thời hạn giải quyết: Không quá 45 ngày (60 ngày với vụ việc phức tạp), kể từ ngày thụ lý; ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn là không quá 60 ngày (90 ngày với vụ việc phức tạp), kể từ ngày thụ lý.

Nếu không được giải quyết đúng thời hạn hoặc không đồng ý với việc giải quyết, người lao động có thể khởi kiện tới Tòa án.

Cách 2: Hòa giải

Căn cứ Điều 188 Bộ luật Lao động 2019, các bên có thể yêu cầu hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động (nhưng không bắt buộc)

Cách 3: Khởi kiện

Việc khởi kiện thực hiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để yêu cầu giải quyết tranh chấp liên quan đến đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật.

Nếu người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì căn cứ Điều 41 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ:

- Nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

- Nếu người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì người sử dụng lao động vẫn phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và thêm trợ cấp thôi việc để chấm dứt hợp đồng lao động.

- Nếu Người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền phải trả nêu trên, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

Trên đây là giải đáp công ty có được đuổi việc vì nhân viên không đi teambuilding? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X