hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 28/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Trường hợp nào bị tạm hoãn xuất cảnh?

Tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp ngăn chặn áp dụng trong tố tụng hình sự, áp dụng khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh có dấu hiệu bỏ trốn. 

Trường hợp nào bị tạm hoãn xuất cảnh?

Tạm hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp ngăn chặn trọng tố tụng hình sự.

Theo đó, để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn như giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.

Theo Điều 124 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với những người sau đây khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn:

- Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ;

- Bị can, bị cáo.

Trong đó:

+ Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố: Là những người chưa bị khởi tố hình sự nhưng bị người khác tố giác về hành vi phạm tội hoặc hành vi có dấu hiệu tội phạm hoặc bị cơ quan, tổ chức kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố về hình sự mà qua việc kiểm tra, xác minh thấy có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm.

+ Bị can là người đã bị khởi tố về hình sự; bị cáo là người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Bị can, bị cáo là các đối tượng đã bị khởi tố về hình sự nhưng được tại ngoại điều tra, truy tố, xét xử hoặc chờ thi hành án và họ đang có hành vi chuẩn bị xuất cảnh ra nước ngoài nhằm trốn tránh việc xử lí hành vi phạm tội hoặc trốn tránh việc thi hành án.

Biện pháp ngăn chặn nói chung và biện pháp tạm hoãn xuất cảnh nói riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nhằm khắc phục tình trạng người phạm tội xuất cảnh, bỏ trốn ra nước ngoài, nhất là các trường hợp đang trong giai đoạn bị thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố.

Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không được quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.

Hiện nay, Bộ luật Tố tụng Dân sự và Luật Tố tụng Hành chính không quy định về biện pháp ngăn chặn này.

truong hop nao bi tam hoan xuat canh
Trường hợp nào bị tạm hoãn xuất cảnh? (Ảnh minh họa)

Ai có quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh?

Theo Điều 124 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh.

Đối chiếu với khoản 1 Điều 113, những người có thẩm quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh gồm:

- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;

- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;

- Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.

Ngày 26/3/2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết là một tháng.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến trường hợp nào bị tạm hoãn xuất cảnh? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X