Cho rằng vợ mình đi ngoại tình, T.V.V - một người đàn ông ở tỉnh Quảng Nam đã ghen tuông, nhẫn tâm ném con gái mới 5 tuổi xuống sông Trường Giang dẫn đến cháu bé chết do ngạt nước.
Ngay sau đó, T.V.V đã bị bắt giữ.
Ném con xuống sông có phạm tội giết người?
Hành vi giết người là một hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trực tiếp đến tính mạng người khác và phải chịu hình phạt rất nghiêm khắc của pháp luật.
Theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, hình phạt cao nhất với tội giết người lên đến tù chung thân hoặc tử hình nếu:- Giết 02 người trở lên;
- Giết phụ nữ mà biết là có thai;
- Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
- Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
- Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
- Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
- Có tính chất côn đồ;
- Tái phạm nguy hiểm;
Theo đó, muốn xác định một người có phạm tội hay không cần xác định có đầy đủ bốn yếu tố: Khách thể, chủ thể, yếu tố khách quan, yếu tố chủ quan.
Đối với tội giết người, các yếu tố này xác định như sau:- Mặt chủ thể của tội phạm: Người phạm tội phải là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ.
- Mặt khách thể của tội phạm: Tội phạm xâm phạm đến mối quan hệ liên quan đến tính mạng của con người được pháp luật hình sự bảo vệ; quyền được sống của con người được pháp luật bảo vệ.- Mặt khách quan của tội phạm:
+ Về hành vi: Người phạm tội dùng mọi thủ đoạn nhằm tước đoạt mạng sống của người khác. Hành vi này có thể được thể hiện dưới hai dạng hành vi khác nhau là hành vi hành động và hành vi không hành động (Trường hợp này, người cha có hành động ném con gái xuống sông).
+ Về mặt hậu quả: Mục đích tước đoạt mạng sống của người khác.
- Mặt chủ quan của tội phạm:
+ Về lỗi: Người thực hiện hành vi do lỗi cố ý, bao gồm lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp.
Cố ý phạm tội trực tiếp là hành vi của người phạm tội, mà khi đó người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình có thể tước đoạt mạng sống của người khác, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
Còn cố ý phạm tội gián tiếp là hành vi của người phạm tội, mà khi đó người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình có thể tước đoạt mạng sống của người khác, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.
+ Mục đích: Nhằm tước đoạt mạng sống của người khác.
Trường Giang là một con sông lớn, việc ném trẻ 5 tuổi xuống sông "lành ít, dữ nhiều". Vì thế, có thể thấy hành vi người cha ném con gái xuống sông (nếu là người có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự) có thể phải chịu trách nhiệm về tội giết người (có thể là lỗi cố ý gián tiếp).Trường hợp này, giết người dưới 16 tuổi nên khung hình phạt cao nhất lên đến tử hình.
Do ghen tuông, người cha đã mang con gái 5 tuổi ném xuống sông
Phạm tội trong tình trạng ghen tuông có được giảm nhẹ hình phạt?
Điều 125 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh như sau: Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Ngoài ra, một trong các tình tiết giảm nhẹ được quy định trong Bộ luật Hình sự gồm: Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, bé gái 5 tuổi chỉ là nạn nhân, không hề có hành vi trái pháp luật nào xảy ra, vì thế, người phạm tội không thể được xác định giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hoặc người cha phạm tội do ghen tuông không được coi là có tình tiết giảm nhẹ hình phạt.Vì thế, nếu có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, người cha phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về Tội giết người.