hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 09/12/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thủ đoạn lừa đảo qua mạng phổ biến hiện nay là gì? Làm sao để tránh?

Hiện nay hình thức lừa đảo qua mạng diễn ra phổ biến bằng nhiều hình thức tinh vi. Người dân nếu không để ý có thể dễ dàng bị sập bẫy. Vậy làm sao để có thể tránh được những hình thức lừa đảo này?

Mục lục bài viết
  • Các hình thức lừa đảo qua mạng phổ biến hiện nay
  • Làm gì để không “sập bẫy” lừa đảo qua mạng?
  • Hành vi lừa đảo qua mạng, phạt thế nào?

Các hình thức lừa đảo qua mạng phổ biến hiện nay

Lừa đảo qua mạng diễn ra quanh năm, tuy nhiên vào thời điểm cuối năm vấn nạn này càng diễn ra nhiều với nhiều thủ đoạn hơn.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an vừa qua đã thông tin về các thủ đoạn lừa đảo hiện nay, đặc biệt là hình thức lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Trung tướng Tô Ân Xô cũng nêu 04 hình thức lừa đảo phổ biến gồm:

1. Giả là người quen của lãnh đạo cấp cao hay các cơ quan trọng yếu bằng cách cung cấp ảnh, video đã được cắt ghép trước đó của bản thân với lãnh đạo nhằm tạo niềm tin rồi hứa hẹn xin việc, chạy án, xin dự án… và chiếm đoạt tiền.

2. Dùng dịch vụ giả mạo số điện thoại của cơ quan công an, Viện kiểm soát hay tòa án để gây sức ép cho người dân để yêu cầu chuyển tiền.

3. Đóng giả nhân viên bưu điện, điện lực và thông báo nhận bưu phẩm, báo nợ cước internet, nợ tiền điện hoặc giả danh cảnh sát giao thông gọi điện thông báo về phạt nguội, tố cáo gây tai nạn nhằm khai thác thông tin cá nhân

Sau đó, trên cơ sở thông tin có được, kẻ lừa đảo làm giả lệnh bắt, khởi tố nhằm đe dọa nạn nhân. Có trường hợp còn yêu cầu người dân lập tài khoản ngân hàng để chuyển tiền vào đó và phải cung cấp mật khẩu, mã OTP cho chúng để chiếm đoạt tiền.

4. Giả mạo nhân viên ngân hàng, lừa người dân vay vốn, mở thẻ tín dụng thông qua các website. Sau đó, gửi văn bản giả xác nhận phê duyệt khoản vay, yêu cầu nạn nhân nộp phí hoặc trả góp.

Tội phạm còn mạo danh nhân viên trung tâm mua sắm, đài truyền hình hay công ty xổ số thông báo trúng thưởng. Sau đó, yêu cầu người dân chuyển trước một khoản tiền để đóng thuế để nhận thưởng rồi chiếm đoạt số tiền đó.

cac hinh thuc lua dao qua mang
Người dân cần cảnh giác trước các hình thức lừa đảo qua mạng. Ảnh minh họa.

Làm gì để không “sập bẫy” lừa đảo qua mạng?

Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô đưa ra những khuyến cáo để người dân tránh bị mất mát tài sản hoặc có thể còn bị vướng lao lý.

- Cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc điện thoại bằng số điện thoại cố định và người gọi đến tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, lực lượng Công an, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại.

- Không được cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà … khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người gọi điện.

Đặc biệt lưu ý, không nghe và thực hiện yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.

Bởi thực tế, lực lượng chức năng, nhất là Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập và sẽ làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng.

- Người dân cần thường xuyên kiểm tra, cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản các mạng xã hội.

- Không cho mượn hay cho thuê các giấy tờ cá nhân, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho những người không quen biết.

Việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt thực hiện qua Internet banking, Mobile banking rất khó khăn. Vì vậy khi có nghi ngờ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tàn sản nên thông báo ngay cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.

Hành vi lừa đảo qua mạng, phạt thế nào?

Hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản qua mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hình thức xử lý tội danh này được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tùy vào tính chất, mức độ hành vi, đối tượng lừa đảo qua mạng có thể bị phạt tù đến 20 năm hoặc chung thân và phạt tiền đến 100 triệu đồng.

Cụ thể:

1. Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm:

Nếu dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng

hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạt tù từ 02 - 07 năm, nếu phạm tội thuộc 01 trong các trường hợp:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạt tù từ 07 - 15 năm:

Nếu chiếm đoạt tài sản từ 200 – dưới 500 triệu đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội.

4. Phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân:

Nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để thực hiện hành vi phạm tội.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Vừa rồi là những thông tin liên quan đến các hình thức lừa đảo qua mạng và cách tránh. Nếu còn thắc mắc, độc giả có thể liên hệ để được hỗ trợ nhanh và sớm nhất tại hotline  19006199 

>> Lừa đảo bao nhiêu tiền thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X