hieuluat
Chia sẻ email

[Tin quan trọng] Từ 01/01/2025, người dùng Chứng minh nhân dân cần biết điều này

Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước, chính thức đổi tên Luật và sửa đổi nhiều quy định liên quan đến Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, đáng chú ý CMND sẽ không còn được sử dụng từ 2025.

Chứng minh nhân dân sẽ không còn được sử dụng từ năm 2025

Theo Điều 2 Nghị định 05/1999/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 170/2007/NĐ-CP, CMND có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp (dù là CMND 9 số hay 12 số).

Trong khi đó, thực tế từ ngày 01/01/2021, Bộ Công an đã triển khai cấp CCCD gắn chip thay cho CMND, CCCD mã vạch.

Theo đó, những công dân đã được cấp Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân mã vạch từ cuối năm 2020 được tiếp tục sử dụng đến hết năm 2035.

Và bắt đầu từ năm 2036, cả Chứng minh nhân dân lẫn CCCD mã vạch chính thức bị "khai tử", việc sử dụng CMND, CCCD mã vạch sau thời điểm này là không còn có giá trị.

Như vậy, đáng ra theo quy định trên thì Chứng minh nhân dân cấp từ cuối năm 2020 được dùng đến cuối năm 2035 (theo đúng quy định về giá trị hiệu lực 15 năm của loại giấy tờ này).

Và từ năm 2036, nếu công dân vẫn dùng CMND mà chưa đổi sang CCCD gắn chip mới bị phạt.

Tuy nhiên, Điều 46 Quy định chuyển tiếp tại dự thảo Luật Căn cước (mới đây đã được Quốc hội thông qua) có quy định rằng:

Đối với thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ, có thể được cấp đổi sang thẻ Căn cước khi công dân có yêu cầu.

Tuy nhiên đối với Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Bên cạnh đó, Chứng minh nhân, Căn cước công dân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 - trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Theo đó, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.

Khoản 3 Điều 46 dự thảo Luật này cũng khẳng định, cơ quan quản lý nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Như vậy, CMND được dùng đến thời điểm là hết 31/12/2024, từ 01/01/2025 loại giấy tờ này không còn giá trị sử dụng.

Người dùng Chứng minh nhân dân cần biết thông tin này từ năm 2025

5 loại giấy tờ cần cập nhật khi đổi từ CMND sang Căn cước gắn chip

Cập nhật thông tin bảo hiểm xã hội/VssID

Sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH), thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) của công dân không thể hiện trực tiếp thông tin số CMND/CCCD trên sổ. Do đó, không cần làm thủ tục đổi sổ BHXH, thẻ BHYT mới khi đổi từ CMND qua thẻ CCCD gắn chip.

Tuy nhiên, để thực hiện các thủ tục liên quan như tra cứu quá trình tham gia BHXH, tra cứu thời hạn BHYT…thì cần thực hiện cập nhật thông tin hồ sơ BHXH, thẻ BHYT. Việc cập nhật này có thể thực hiện online.

Cập nhật thông tin trên Sổ đỏ

Thông tư 14/2023/TT-BTNMT sửa đổi, bổ sung quy định về việc ghi thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất từ ngày 16/10/2023.

Theo đó, cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú.

Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”;

Nếu chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi “Giấy khai sinh số…” hoặc “số định danh cá nhân”.

Có thể thấy, thông tin số CMND/CCCD của người sử dụng, sở hữu đất đai được ghi nhận trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Tuy việc thay đổi số CMND/CCCD không làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất và cũng không bắt buộc người sử dụng đất phải cập nhật thay đổi. Tuy nhiên, để tránh những rủi ro trong các giao dịch mua bán (nếu có) về sau, chủ sở hữu đất nên cập nhật thông tin cho khớp số trên thẻ CCCD gắn chip.

Thay đổi thông tin đăng ký thuế

Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 36 Luật Quản lý thuế 2019 thì người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế nếu có thay đổi thông tin đăng ký thuế thì phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi.

Do đó, trong trường hợp người nộp thuế là cá nhân đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì khi thay đổi thông tin đăng ký thuế (ví dụ CMND, CCCD…) thì phải thông báo đến cơ quan thuế để được cập nhật, chỉnh sửa.

Đối với cá nhân có ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập thực hiện đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế cho cá nhân và người phụ thuộc thì thông báo cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi.

Hộ chiếu

Người được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh phải làm thủ tục cấp mới Hộ chiếu khi giấy tờ xuất nhập cảnh bị hỏng, thay đổi thông tin về nhân thân, đặc điểm nhận dạng, xác định lại giới tính. Đây là quy định tại thoản 1, Điều 23 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019.

Việc thay đổi số CMND thành số CCCD gắn chip được xem là thay đổi thông tin nhân thân nên thuộc trường hợp phải cấp đổi hộ chiếu. Do đó, khi đổi từ CMND sang Căn cước gắn chip, công dân phải thực hiện thủ tục cấp mới Hộ chiếu.

Thông tin tài khoản ngân hàng

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước nói chung và các Ngân hàng nói chung, khi thực hiện các giao dịch tại ngân hàng người dân bắt buộc xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh như CMND/CCCD/hộ chiếu còn hạn.

Do vậy khi đổi từ CMND sang CCCD gắn chip, các thông tin tại ngân hàng sẽ không khớp với giấy tờ tùy thân.

Để đảm bảo thực hiện thông suốt các giao dịch tại ngân hàng, người dân nên đến ngân hàng thay đổi lại thông tin liên quan giấy tờ tùy thân.

Trên đây là thông tin về vấn đề Người dùng Chứng minh nhân dân cần biết thông tin này từ năm 2025. Nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ, giải đáp sớm nhất.

Có thể bạn quan tâm

X