hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 30/12/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Từ vụ bé gái 8 tuổi: Có được thay đổi tội danh sau khi đã khởi tố hay không?

Vụ việc bé gái 8 tuổi bị "mẹ kế" bạo hành đến mất mạng vẫn đang khiến dư luận xã hội sôi sục bởi hiện người này chỉ bị bắt giam và khởi tố với Tội hành hạ người khác.

Theo Công an quận Bình Thạnh, kết quả pháp y xác định bé gái bị phù phổi cấp và trên người có nhiều vết bầm. Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định Tr có dấu hiệu bạo hành bé A nên ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Tr với Tội hành hạ người khác.

Trình tự tố tụng vụ án hình sự qua mấy giai đoạn?

Quy trình tự tố tụng một vụ án hình sự trải qua 4 giai đoạn: Khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử.

- Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền tiến hành xác định có hay không có các các dấu hiệu của tội phạm trong hành vi được thực hiện, đồng thời ban hành quyết định về việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến hành vi đó.

- Điều tra: Điều tra vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng hình sự, trong đó cơ quan điều tra căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự và dưới sự kiểm soát của Viện Kiểm sát tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm thu thập và củng cố các chứng cứ, nghiên cứu các tình tiết của vụ án hình sự, phát hiện nhanh chóng và đầy đủ tội phạm, cũng như người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự...

- Truy tố: Trong giai đoạn này, Viện Kiểm sát căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, đánh giá một cách toàn diện, khách qua các tài liệu của vụ án hình sự (bao gồm cả kết luận điều tra và quyết định đề nghị truy tố) do cơ quan điều tra chuyển đến nhằm ra quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng; trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc là đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án hình sự...

- Xét xử: Tòa án có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự tiến hành áp dụng các biện pháp chuẩn bị cho việc xét xử và đưa vụ án hình sự ra xét xử.

Quá trình cụ thể diễn ra như sau: Khi phát hiện có vụ án hình sự theo các căn cứ tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, cơ quan, cá nhân cá thẩm quyền khởi tố vụ án và tiến hành điều tra. Sau khi kết thúc quá trình điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định truy tố vụ án dựa vào kết luận điều tra, sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn xét xử.

thay doi toi danh sau khi da khoi to
Sau khi khởi tố vụ án Tội hành hạ người khác có được thay đổi tội danh? (Ảnh minh họa)

Có được thay đổi tội danh sau khi đã khởi tố hay không?

Trong 04 giai đoạn nêu trên, giai đoạn nào được thay đổi tội danh sau khi đã khởi tố?

Trong giai đoạn khởi tố, Điều 156 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) quy định:

1. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra; ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định còn tội phạm khác chưa bị khởi tố.

Như vậy, trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát đều có quyền thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra

Trong giai đoạn truy tố vụ án, Theo Điều 236 BLTTHS:

Điều 236. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố

...

4. Quyết định khởi tố, quyết định thay đổi, quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, bị can trong trường hợp phát hiện còn có hành vi phạm tội, người phạm tội khác trong vụ án chưa được khởi tố, điều tra.

5. Quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để yêu cầu điều tra bổ sung.

Như vậy, khi xem xét kết quả điều tra, Viện kiểm sát có thể ra quyết định truy tố vụ án hoặc ra quyết định thay đổi, quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, bị can. Ngoài ra, trong trường hợp nhận thấy tội danh đã khởi tố không đúng, Viện kiểm sát có thể trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Trong giai đoạn xét xử, Điều 298 BLTTHS quy định:

Điều 298. Giới hạn của việc xét xử

1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.

2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.

3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.

Như vậy, Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố. Nếu xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại.

Như vậy, được thay đổi tội danh sau khi đã khởi tố.

Trên đây là giải đáp thắc mắc có được thay đổi tội danh sau khi đã khởi tố hay không? Nếu vẫn còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X