hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 25/05/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Con tâm thần sát hại bố dã man có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Một vụ án mạng nghiêm trọng vừa xảy ra tại Định Hóa - Thái Nguyên khiến nhiều người không khỏi "rùng mình".  Theo chính quyền địa phương, nghi phạm có khả năng bị bệnh tâm thần.

Con trai tâm thần sát hại cha ruột dã man

Theo thông tin từ Công an tỉnh Thái Nguyên, khoảng 16h20 ngày 23/5/2022, trên địa bàn xóm Trung Tâm, xã Thanh Định, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên xảy ra một vụ án mạng nghiêm trọng. Nạn nhân là ông N.V.L (SN 1962) bị con trai là Nguyễn Văn Long (SN 1984) dùng gậy gỗ đánh dẫn đến tử vong.

Sau khi vụ việc xảy ra, người dân đã báo lên chính quyền địa phương và nghi phạm Nguyễn Văn Long đã bị lực lượng Công an xã Thanh Định bắt giữ. Tại hiện trường, cơ quan công an đã thu giữ hung khí là một gậy gỗ.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do Long uống rượu say rồi dùng gậy đánh ông L tử vong.

Thông tin từ chính quyền xã Thanh Định (huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên), nghi phạm Nguyễn Văn Long (SN 1984, trú tại xã Thanh Định) được xác định là đối tượng bị tâm thần, đã được người nhà đưa đi điều trị tại bệnh viện nhiều lần.
Tuy nhiên, do dịch Covid-19, thời gian qua gia đình không thể đưa đi điều trị dẫn đến đối tượng lại phát bệnh. Trong khi đó, ông L - bố của Long cũng là người bị khuyết tật thần kinh.

Cơ quan điều tra cho biết, sau khi gây án, nghi phạm còn dùng hung khí đánh gãy tay một người phụ nữ có mặt tại hiện trường.

bi tam than giet nguoi co phai chiu trach nhiem hinh su
Nghi phạm giết người nghiêm trọng tại Thái Nguyên nghi bị tâm thần (Ảnh minh họa)

Bị tâm thần giết người có phải chịu trách nhiệm?

Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện...

Như vậy, trách nhiệm hình sự chỉ được đặt ra với người có năng lực trách nhiệm hình sự.

Và tương ứng với quy định này, Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau:

Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, có 03 trường hợp có thể xảy ra khi một người mắc bệnh tâm thần thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội:

- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần làm mất hoàn toàn khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà họ đã thực hiện.

- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần làm hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi đang mắc bệnh tâm thần nhưng vẫn có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì người bị tâm thần vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà họ đã thực hiện.

Và vì thế, để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần hay không, có mất khả năng nhận thức và điều khiến hành vi hay không, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 yêu cầu đây là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định.

Bản kết luận giám định là căn cứ để các cơ quan tố tụng xem xét trách nhiệm hình sự của người có hành vi gây thiệt hại cho xã hội.

Người thực hiện hành vi phạm tội chỉ được miễn trách nhiệm hình sự nếu tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người đó có kết luận giám định pháp y tâm thần của Hội đồng giám định pháp y về tâm thần kết luận họ đang mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Lúc này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

Họ vẫn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp kết luận của hội đồng giám định y khoa kết luận rằng họ chỉ bị hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự chứ không phải mất năng lực trách nhiệm hình sự.

Với hành vi giết bố dã man, nếu thời điểm phạm tội, đối tượng không bị mất năng lực trách nhiệm hình sự có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X