Chỉ sau vài ngày phát hiện vụ việc, chiều ngày 20/01/2022, Công an TP. Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Trung Huyên - người tình của mẹ cháu A - nạn nhân bị đóng đinh vào đầu, về hành vi giết người, theo Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Trước đó vào khoảng 13h ngày 18/01/2022, Công an huyện Thạch Thất nhận được tin báo về việc: Bệnh viện đa khoa Thạch Thất tiếp nhận 1 ca cấp cứu (bệnh nhân là trẻ em) trong tình trạng nguy kịch. Sau khi tiếp nhận, xác định tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc, Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an và các đơn vị liên quan tổ chức điều tra.
Ngay trong ngày 18/01, Cơ quan Công an đã triệu tập các đối tượng liên quan, gồm: Nguyễn Trung Huyên (sinh năm 1992; trú tại Thôn 5, Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội); nghề nghiệp: Thợ mộc; và N. T. L (sinh năm 1995; trú tại thôn 4, Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội), là mẹ đẻ cháu bé. Căn cứ tài liệu điều tra ban đầu và lời khai nhận của các đối tượng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ hình sự đối với đối tượng Nguyễn Trung Huyên.
Từ tháng 09/2021 đến nay, Huyên đã 4 lần bạo hành bé A. bằng các thủ đoạn như cho uống thuốc trừ sâu, bắt nuốt đinh, đánh gãy tay...
Trường hợp nào giết người bị tử hình?
Hiện nay, tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Trong đó, hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình được áp dụng nếu giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Giết 02 người trở lên;
- Giết người dưới 16 tuổi;
- Giết phụ nữ mà biết là có thai;
- Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
- Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
- Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
- Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
- Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
- Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
- Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
- Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
- Thuê giết người hoặc giết người thuê;
- Có tính chất côn đồ;
- Có tổ chức;
- Tái phạm nguy hiểm;
- Vì động cơ đê hèn.
Như vậy, hành vi giết người thuộc các trường hợp nêu trên có thể bị phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Để bị tuyên án tử hình, người phạm tội phải thực hiện hành vi giết người thuộc một trong các trường hợp trên. Tuy nhiên, không thể chắc chắn trường hợp nào bị tuyên án tử hình.
Thẩm phán mới là người quyết định hình phạt sẽ dựa trên các tình tiết tăng nặng, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, hậu quả và thiệt hại đã gây ra … để quyết định người phạm tội giết người có bị tử hình hay không.
Trong trường hợp của bé A, nếu thật sự nhân tình của mẹ bé là thủ phạm, người này sẽ có đến ba tình tiết thuộc khung hình phạt nặng nhất gồm: Giết người dưới 16 tuổi; thực hiện tội phạm một cách man rợ; vì động cơ đê hèn.Vì thế, rất có thể kẻ gây ra tội với bé A sẽ phải chịu án tử.
Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự đối với vụ án bé 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu (Ảnh minh họa)
Trường hợp nào kẻ giết người được giảm nhẹ hình phạt?
Theo Bộ luật Hình sự, các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
- Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
- Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
- Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
- Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
- Phạm tội vì bị người khác đe doạ hoặc cưỡng bức;
- Phạm tội do lạc hậu;
- Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
- Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
- Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
- Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
- Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.