hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 04/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Sử dụng ma túy, rượu bia gây tai nạn, tài xế ở Đà Nẵng có thể ngồi tù đến 10 năm?

Sau khi xảy ra tai nạn, công an quận đã xác minh Lương Duy Tân (42 tuổi) là người cầm lái. Sau khi đưa về đồn, kiểm tra xác định tài xế Tân có sử dụng bia rượu và ma túy khi lái xe.

Tóm tắt vụ việc: Vào khoảng 18h30 ngày 03/4/2022, một ô tô 7 chỗ mang biển kiểm soát 43A-505XX chạy trên đường Điện Biên Phủ (Đà Nẵng) từ hướng trung tâm thành phố đến quận Thanh Khê. Khi qua nút giao thông hầm chui Điện Biên Phủ, xe này tăng ga hướng về phía đường Lê Độ rồi đâm thẳng vào lò bánh mì Đồng Thạnh (60A Điện Biên Phủ).

Vào thời điểm xảy ra tai nạn, có khá nhiều nhân viên trong tiệm bánh và cả khách đang đứng chờ mua bên ngoài tiệm. Đặc biệt, còn có cả trẻ em.

Vụ việc diễn ra quá nhanh khiến những người này không kịp phản ứng. Nhiều người đã bị đè lấp trong những mảnh vụn. Ngay sau đó, người dân xung quanh đã lập tức đưa các nạn nhân đi cấp cứu.

Vụ tai nạn khiến 6 người là nhân viên và khách đang đợi mua bánh mỳ trước cửa hàng bị thương.

Theo ghi nhận, trước khi lao vào tiệm bánh mì, "ô tô điên" này còn xảy ra va chạm với 1 ô tô 16 chỗ trước khu vực đèn tín hiệu giao thông tại ngã 4 Điện Biên Phủ - Lê Độ.

Tại hiện trường, đầu ô tô 7 chỗ bị biến dạng, ô tô 16 chỗ bị móp méo bên hông, tủ bánh mì và nhiều đồ đạc trong tiệm bánh mì bị hư hỏng nặng, 1 chiếc xe máy dựng trên vỉa hè cũng bị hư hỏng.

Sử dụng bia rượu, ma túy khi tham gia giao thông bị phạt thế nào?

Theo các chuyên gia y tế, rượu bia là một chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh, làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, mất khả năng định hướng, mất khả năng điều khiển vận động. Vì thế, nếu người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia thì cồn sẽ tác động vào thần kinh dễ khiến người điều khiển phương tiện không làm chủ được và gây ra tai nạn.

Ngoài rượu, bia, nếu khi lái xe sử dụng ma túy đá sẽ bị ảo giác và không làm chủ được quá trình điều khiển phương tiện giao thông trên đường, từ đó dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Trở lại với vụ việc chiều tối ngày 03/4 tại Đà Nẵng, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai của lái xe, của nạn nhân và những người làm chứng, trích xuất camera giám sát và camera hành trình của phương tiện để xác định nguyên nhân sự việc, làm rõ hậu quả của vụ tai nạn đã gây ra để giải quyết theo quy định pháp luật.

Nếu đúng như thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông, tài xế dương tính với ma túy, có nồng độ cồn trong máu thì đây là những tình tiết thể hiện rõ về hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ dẫn đến gây thiệt hại về sức khỏe con người và tài sản.

Theo khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác, thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

- Không có giấy phép lái xe theo quy định;

- Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

- Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

- Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

- Làm chết 02 người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng.

Như vậy, tài xế vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác có thể bị phạt tù đến 10 năm.

Nếu không bị xử lý hình sự thì tài xế này sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt rất nặng quy định tại Nghị định 100/2019 như sau:

Loại xe/Đối tượng vi phạm

Hành vi

Mức phạt

Hình thức xử phạt bổ sung

Ô tô

Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

6-8 triệu đồng

Tước quyền sử dụng GPLX từ 10- 12 tháng

Có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

16-18 triệu đồng

Tước quyền sử dụng GPLX từ 16- 18 tháng

Có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;

30-40 triệu đồng

Tước quyền sử dụng GPLX từ 22- 24 tháng

Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy

30-40 triệu đồng

Tước quyền sử dụng GPLX từ 22- 24 tháng

tai xe dam vao tiem banh my o da nang
Tài xế đâm vào tiệm bánh mỳ ở Đà Nẵng bị phạt thế nào?

Tài xế gây tai nạn có phải bồi thường?

Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Như vậy, tài xế sẽ phải bồi thường cho những thiệt hại mà mình gây ra.

Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 xác định các nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:

- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình;

- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường...

Rất may mắn, cho đến nay, vụ tai nạn chưa gây thiệt hại nào về tính mạng con người mà chỉ có thiệt hại về tài sản và sức khỏe. Việc xác định mức bồi thường trước hết do hai bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

Theo đó, việc xác định thiệt  hại làm căn cứ bồi thường được thực hiện như sau:

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

- Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng;

- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút;

- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Trên đây là giải đáp tài xế đâm vào tiệm bánh mỳ ở Đà Nẵng đối mặt mức án nào? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X