Hiện nay, khi số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng vẫn rất cao, nhiều F0 biết bệnh nhưng không khai báo, tự điều trị tại nhà vì sợ nếu khai báo sẽ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống. Tuy nhiên, nếu F0 không khai báo sẽ đối mặt với 4 rủi ro nghiêm trọng sau.
1. Lây nhiễm cho những người xung quanh
Đây là rủi ro nghiêm trọng nhất, có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Những người này thường ở nhà tự chăm sóc sức khỏe hoặc vẫn ra ngoài đi làm bình thường, có khả năng lây nhiễm rất lớn ra cộng đồng hoặc lây nhiễm cho chính gia đình, đồng nghiệp của mình.
Hiện nay, có nhiều lý do dẫn đến việc người dân chủ quan, không khai báo khi test nhanh Covid-19 r a kết quả dương tính. Chẳng hạn như có các triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng hoặc khó khăn khi liên hệ với cơ quan y tế. Tuy nhiên, người dân vẫn cần liên hệ với cơ quan y tế để được hướng dẫn cách ly, tránh lây nhiễm bệnh dịch.
2. Không được chăm sóc y tế đúng mức
Theo hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM tại Công văn 8728/SYT-NVY, khi tiếp nhận thông tin, nhân viên y tế sẽ đến tận nhà dân kiểm tra trong vòng 24h để tiếp cận F0, xem xét nghiệm đúng không, cần thiết xét nghiệm lại. Sau đó đánh giá lại tình trạng bệnh và điều kiện cách ly của F0 và F1. Trong trường hợp F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà, phát tờ rơi hướng dẫn những điều cần tuân thủ; tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà; cấp phát thuốc điều trị COVID-19 theo quy định (cấp ngay gói A nếu F0 không có triệu chứng; cấp ngay gói A-C nếu F0 có triệu chứng nhẹ).
Trong quá trình F0 điều trị tại nhà, sẽ được theo dõi sức khỏe mỗi ngày, cập nhật diễn tiến vào phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”. Đồng thời, cán bộ y tế phải luôn sẵn sàng tiếp nhận điện thoại của người F0 để tư vấn hoặc khám chữa bệnh tại nhà trong trường hợp cần can thiệp y tế hoặc không liên hệ được.Khi F0 cách ly tại nhà có các dấu hiệu chuyển nặng, cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà hướng dẫn, xử trí cấp cứu cho người bệnh, đồng thời liên hệ Tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn, quận, huyện để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất.
Mặc dù không phải tất cả các F0 đều được phát thuốc nhưng khi khai báo, F0 vẫn nhận được các quyền lợi như: được đưa vào quản lý và chăm sóc cũng như can thiệp kịp thời khi trở nặng, nhanh chóng đưa lên tuyến trên… Các F1 cũng được theo dõi, quản lý, bảo vệ nhất là người già, bệnh nền.
Vì thế, nếu không khai báo, F0 bỏ "lỡ" rất nhiều quyền lợi cho bản thân và gia đình.
Nhiều rủi ro cho F0 không khai báo với cơ quan y tế (Ảnh minh họa)
3. Bỏ lỡ quyền lợi ốm đau nếu tham gia BHXH
Nếu F0 điều trị tại nhà tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn được hưởng quyền lợi nếu có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.
Nếu F0 "giấu bệnh" thì không được cấp giấy này và sẽ mất luôn quyền lợi khi người lao động ốm đau.
Thẩm quyền cấp chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH với F0 điều trị tại nhà thuộc về trung tâm y tế quận, huyện, Trạm y tế phường, xã, thị trấn chăm sóc và quản lý F0 tại nhà. Trong trường hợp Trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà thì bác sĩ được phân công trực tiếp chăm sóc F0 ký xác nhận vào vị trí "người hành nghề KB, CB", đơn vị chủ quản là Trung tâm y tế cấp huyện chịu trách nhiệm ký đóng dấu vào giấy chứng nhận hoặc ủy quyền bằng văn bản cho Trạm y tế phường, xã, thị trấn ký đóng dấu.Sau khi hoàn thành cách ly, điều trị tại nhà, người lao động là F0 liên hệ Trung tâm y tế để xin cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và nộp lại cho người sử dụng lao động trong vòng 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc để được hưởng quyền lợi.
4. Bị xử phạt nếu F0 không khai báo
Hiện nay, Covid-19 đã được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A. Đồng thời, tại Quyết định 447/QĐ-TTg năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc với tính chất của bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.Vì thế, F0 không khai báo, ngoài việc ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, của người khác thì còn bị xử phạt.
Ở mức độ nhẹ thì sẽ bị xử phạt theo điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 117/2020 như sau:
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:a) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
...
Ở mức độ nghiêm trọng hơn, F0 không khai báo, giấu bệnh dẫn đến làm lây nhiễm cho nhiều người khác hoặc làm bùng phát ổ dịch thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ Luật hình sự 2015.
Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
Trên đây là 4 rủi ro đối với F0 không khai báo. Nếu còn thắc mắc về những vấn đề khác liên quan tới dịch Covid-19, độc giả có thể liên hệ với chúng tôi qua holine 19006192 để được hỗ trợ.
>> F0 là gì? Tất cả thông tin F0 tại nhà cần biết>> F0 cách ly tại nhà có được hưởng BHXH không?