Hà Nội đã trải qua hơn 01 tuần có số ca mắc Covid-19 đứng đầu cả nước và liên tục lập đỉnh. Trước tình hình này, Hà Nội đã làm gì để kiểm soát dịch?
Siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch ở nhiều quận
Ngày 24/12/2021, Hà Nội đã ban hành Thông báo 851/TB-UBND đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, Hà Nội có 8 quận ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao), gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm và Tây Hồ. Các quận này đã quyết định điều chỉnh, siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.Cụ thể, nhà hàng, quán ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang về, đóng cửa trước 21h hằng ngày. Cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại chợ cóc, chợ tạm. Các cơ sở lưu trú hoạt động không quá 50% công suất.
Không tổ chức hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Những người tham gia phải tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, tuân thủ 5K, cài đặt và quét mã QR.
Ngoài ra, các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp chuyển sang dạy và học theo hình thức trực tuyến.Đối với mỗi quận lại có thêm các biện pháp phòng dịch khác.
Xem thêm: Chuyển sang "vùng cam", các quận Hà Nội thay đổi biện pháp chống dịch thế nào?
Hà Nội làm gì để kiểm soát dịch khi số ca nhiễm tăng cao (Ảnh minh họa)
Hà Nội triển khai các giải pháp giảm tử vong do Covid-19
Mới đây, Sở Y tế Hà Nội vừa có Văn bản số 23401/SYT-NVY chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai các giải pháp giảm tử vong do Covid-19.Sở này đề nghị, với ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định nhiễm Covid-19 cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận, điều trị kịp thời.
Người bệnh đến khám, chữa bệnh phải được sàng lọc kỹ, đặc biệt lưu ý hỏi về lịch sử tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 (100% đối với người bệnh phải nhập viện, ghi nhận tại phiếu khám vào viện).
Các cơ sở khám, chữa bệnh sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao: Người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng Covid-19.
Ngoài ra, mỗi cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 chuyển độ. Việc tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch, yêu cầu tất cả bệnh viện không được từ chối, bảo đảm người bệnh được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất, sau khi ổn định, bệnh viện thực hiện khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp.
Các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; rà soát lại cơ sở hạ tầng, hệ thống ôxy (bình, bồn, chai, thiết bị phụ trợ) bảo đảm tồn trữ và cung cấp ôxy y tế cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến các bệnh viện theo phân tầng điều trị.
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, trong dịp Tết Nguyên đán và tết dương lịch sắp tới, nếu Hà Nội không quyết liệt thì dịch sẽ bùng phát mạnh và mất kiểm soát. Chính vì vậy, thành phố phải có giải pháp đúng nguy cơ tình hình dịch bệnh theo cấp độ của từng địa bàn, để đưa ra những giải pháp ngăn chặn trước số ca mắc đang tiếp tục tăng cao. |
Trên đây là giải đáp thắc mắc Hà Nội làm gì để kiểm soát dịch khi số ca mắc Covid-19 liên tục lập đỉnh. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ giải đáp.