Chiều 06/4/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 188/QĐ-HB về việc hủy bỏ Quyết định số 34/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết.
Hủy bỏ quyết định xử phạt Trịnh Văn Quyết 1,5 tỉ đồng
Ngày 18/01/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết, địa chỉ: B30-BT6 Đô thị Mỹ Đình 2, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Mức phạt tiền 1,5 tỉ đồng và bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.
Lý do là ông Trịnh Văn Quyết đã bán 74,8 cổ phiếu FLC vào ngày 10/01/2022 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.
Đến ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết.Cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành điều tra, xác minh đối với ông Trịnh Văn Quyết, các cá nhân thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/01; gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hành vi trên của ông Trịnh Văn Quyết đã đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.Vì thế, Cơ quan Cảnh sát điều tra có văn bản đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết.
Uy ban chứng khoán Nhà nước vừa hủy bỏ quyết định xử phạt Trịnh Văn Quyết 1,5 tỉ đồng (Ảnh minh họa)
Tại sao ông Quyết không phải nộp phạt 1,5 tỉ đồng?
Điều 13 Nghị định 118/2021 thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính đã hướng dẫn Hủy bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính như sau:
1. Người đã ban hành quyết định tự mình hoặc theo yêu cầu của những người quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không đúng đối tượng vi phạm;
b) Vi phạm quy định về thẩm quyền ban hành quyết định;
c) Vi phạm quy định về thủ tục ban hành quyết định;
d) Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
đ) Trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
e) Trường hợp quy định tại khoản 10 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
g) Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
Tho đó, khoản 3 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định như sau: Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.
Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có trách nhiệm xem xét, kết luận vụ việc và trả lời kết quả giải quyết bằng văn bản cho người có thẩm quyền đã chuyển hồ sơ. Nếu cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có quyết định khởi tố vụ án thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải huỷ bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chuyển toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tài liệu về việc thi hành quyết định xử phạt cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
Trong vụ việc của nguyên Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành khởi tố vụ án nên người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (Ủy ban chứng khoán Nhà nước) phải huỷ bỏ quyết định xử phạt 1,5 tỉ đã ban hành trước đó.Theo thông tin từ Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC), ngay sau khi nhận được thông báo, ông Quyết đã nộp phạt 1,5 tỉ đồng, đồng thời phối hợp chấp hành các quyết định khác liên quan.