Đăng nhập / Đăng ký
Văn bản pháp luật

Bà Phương Hằng bị khởi tố tội gì? Tại sao bị tạm giam?

Thứ Năm, 24/03/2022 Theo dõi Hiểu Luật trên

Một thông tin được cho rằng đang rất "nóng" hiện nay là bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Bà Phương Hằng bị khởi tố về tội gì?

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, mới đây, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đã phê chuẩn quyết định này.

Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định cụ thể như sau: Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Nếu người phạm tội mà gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Các yếu tố cấu thành tội này được xác định như sau:

Khách thể

Tội phạm này lợi dụng các quyền tự do dân chủ của mình do Hiến pháp quy định dẫn đến xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Khách quan

Người phạm tội có hành vi lợi dụng các quyền: Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tội giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Các quyền tự do, dân chủ nêu trên là những quyền cơ bản của con người được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ. Hiến pháp cho phép công dân sử dụng các quyền này để bảo vệ quyền và lợi ích của mình nhưng không xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân khác. Vì thế, những cá nhân lợi dụng các quyền đó để xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân khác là trái pháp luật.

Chủ quan

Là lỗi cố ý (trực hoặc gián tiếp).  Động cơ, mục đích không là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.

Chủ thể

Người có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định.

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Nguyễn Phương Hằng từ ngày 16/02/2022 đến ngày 29/4/2022.


Bà Nguyễn Phương Hằng vừa bị Công an TP.HCM bắt tạm giam (Ảnh minh họa)

Tại sao bà Phương Hằng bị bắt tạm giam?

Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

Ngoài ra, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

1) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

2) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

3) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

4) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

5) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Bộ luật Hình sự 2017 đã chia tội phạm thành 04 loại sau:

- Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

- Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

- Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

- Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Đối chiếu với quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự, người phạm tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng (tùy từng khung hình phạt). Vì thế, có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam nếu thuộc trường hợp 1), 2), 3), 4), 5) nêu trên.

Trong khoảng 01 năm trở lại đây, bà Nguyễn Phương Hằng thường xuyên livestream "gọi tên" nhiều người nổi tiếng. Bà Hằng đã "tố" nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành, MC Đại Nghĩa... ăn chặn tiền quyên góp cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2020.

Tuy nhiên, sau khi cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vào cuộc đã kết luận các nghệ sĩ này không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp, ủng hộ để cứu trợ đồng bào miền Trung nên không khởi tố vụ án hình sự.

Sau đó, bà Hằng bị ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thủy Tiên, ca sĩ Vy Oanh, ông Võ Hoàng Yên, nghệ sĩ Hoài Linh, nhà báo Hàn Ni, nhà báo Đức Hiển, bà Đinh Thị Lan... tố cáo về hành vi vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Có thể bạn quan tâm

Hỏi đáp pháp luật

Tin xem nhiều