Mới đây, một tài xế ô tô trong lúc đưa đón học sinh quên đóng cửa xe nên khi đánh lái mạnh để tránh xe ngược chiều, một nam sinh rơi đã rơi ra ngoài và bị chính chiếc xe này tông tử vong. Nhiều người đang “thắc mắc” mức phạt tài xế này có thể phải đối mặt?
Tài xế có thể bị xử lý Tội vô ý làm chết người
Theo Điều 128 Bộ Luật Hình sự:
Điều 128. Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Theo đó, vô ý làm chết người là hành vi của một người mà thuộc một trong 02 trường hợp sau:
- Họ không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước;
- Thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.
Để phân biệt tội vô ý làm chết người và tội giết người thì ý thức của người phạm tội là dấu hiệu đặc trưng. Khi phạm tội vô ý làm chết người, người phạm tội có lỗi vô ý, bao gồm cả vô ý do cẩu thả và vô ý vì quá tự tin.
Làm chết người do lỗi vô ý vì cẩu thả là trường hợp người phạm tội do thiếu cẩn trọng khi thực hiện hành vi. Tuy nhiên, người phạm tội không thấy trước khả năng gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước.
Với việc vô ý làm chết người vì quá tự tin, người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra và có thể ngăn ngừa được nhưng cuối cùng hậu quả đó vẫn xảy ra.
Trong trường hợp này, tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội vô ý làm chết người với khung hình phạt 05 năm tù giam.
Không đóng cửa xe làm chết người, lái xe bị xử lý thế nào? (Ảnh minh họa)
Phải bồi thường cho nạn nhân
Khi tài xế vô ý làm chết người sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được xác định bởi một số nguyên tắc sau:
- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời;
- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình;
- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường;
- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Như vậy, mức bồi thường khi gây tai nạn chết người do 02 bên thỏa thuận. Nếu không thể thỏa thuận được, Điều 591 Bộ luật Dân sự cũng quy định cụ thể các căn cứ để xác định mức bồi thường cho người mất do tai nạn gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Thiệt hại khác do luật quy định;
- Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cũng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 1.490.000 x 100 = 149.000.000 đồng).
Trên đây là một số phân tích về việc không đóng cửa xe làm chết người, lái xe bị xử lý thế nàoo, dựa trên các thông tin báo chí đã đưa tin. Nếu còn thắc mắc, hãy để lại câu hỏi để chúng tôi hỗ trợ.