hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 06/01/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Vụ Tịnh Thất Bồng Lai: Ông L.T.V đối diện mức án nào? Có được giảm nhẹ do tuổi cao?

Ngày 05/01/2022, Công an tỉnh Long An đã khởi tố vụ án liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai. Trong đó, ông Lê Tùng Vân bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lợi dụng quyền tự do dân chủ  xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân... và tội loạn luân.

Mục lục bài viết
  • Hành vi loạn luân có thể bị phạt đến 15 năm tù
  • Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể đi tù chung thân
  • Mức phạt tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân
  • Người trên 70 tuổi phạm tội có được giảm hình phạt?
Tóm tắt vụ việc: Giai đoạn năm 1990, ông Vân lập ra Trại dưỡng lão - cô nhi Thánh Đức ở huyện Bình Chánh, giới thiệu là cơ sở nuôi trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa… chuyên tiếp nhận các khoản từ thiện từ khắp nơi đổ về.

Đến năm 2007, tụ điểm này bị phanh phui hoạt động không phép nên chính quyền huyện Bình Chánh đã dẹp bỏ cơ sở trên.

Đến năm 2014, ông Vân lại xuất hiện với vai trò đứng đầu “Tịnh thất Bồng Lai”. Thực tế, theo xác minh của cơ quan chức năng tỉnh Long An, “Tịnh thất Bồng Lai” không phải là cơ sở tu viện Phật giáo. Những đứa trẻ được giới thiệu là “chú tiểu”, trẻ mồ côi… sự thật là đang sống cùng mẹ ruột, có giấy tờ khai sinh nhưng tên cha bị giấu đi.

Vụ việc này đã khiến dư luận bức xúc trong thời gian dài.

Mới đây, nguông tin cho rằng, Công an tỉnh Long An đã ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Lê Tùng Vân về các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và có thể thêm Tội loạn luân.

Hành vi loạn luân có thể bị phạt đến 15 năm tù

Theo thông tin trên tờ Pháp Luật TP.HCM: “Kết quả giám định ADN xác định ông Vân có hành vi loạn luân. Công an đã thực hiện lệnh bắt tạm giam với ông Vân".

Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội loạn luân như sau:

Điều 184. Tội loạn luân

Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Trước đây, khoản 12 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 quy định “Những người cùng dòng máu về  trực hệ là cha, mẹ đối với con; ông, bà đối với cháu nội và cháu ngoại”.

Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã sửa quy định này để có tính chất bao quát hơn rằng: "Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau".

Tuy nhiên, cần xác định rõ tính chất tự nguyện và độ tuổi của các đối tượng có yếu tố giao cấu với ông L.T.V mới xác định được chính xác tình tiết loạn luân là định tội danh hay chỉ là tình tiết định khung hình phạt.

Cụ thể, trường hợp những người thực hiện hành vi quan hệ tình dục với ông L.T.V đã từ đủ 16 tuổi trở lên và tự nguyện thì L.T.V phải đối mặt với khung hình phạt từ 01 đến 05 năm tù theo quy định Điều 184 về Tội loạn luân.

Trường hợp hành vi quan hệ tình dục với người từ đủ 13 tuổi dưới 16 tuổi (nạn nhân tự nguyện) mà có tính chất loạn luân thì sẽ xử lý hình sự về tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo Điều 145 Bộ luật Hình sự.

Điều 145. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Có tính chất loạn luân;

d) Làm nạn nhân có thai;
...

Theo đó, tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là "Có tính chất loạn luân", thậm chí là "Làm nạn nhân có thai" nên hình phạt sẽ ở khung là phạt tù từ 03 - 10 năm tù.

Nếu như trường hợp L.T.V quan hệ trái ý muốn của nạn nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hiếp dâm theo Điều 141 Bộ luật Hình sự với tình tiết tăng nặng là "Có tính chất loạn luân"; "Làm nạn nhân có thai" với khung hình phạt từ 07 - 15 năm tù giam.

le tung van doi mat muc an nao
Ông L.T.V bị khởi tố về 3 tội danh (Ảnh minh họa)

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể đi tù chung thân

Theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có mức phạt tối đa lên đến tù chung thân. Cụ thể:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Trong đó, với trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; hoặc lợi dụng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, người vi phạm đối mặt mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Mức phạt tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân

Điều 331 Bộ luật Hình sự quy định về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau:

- Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Như vậy khung hình phạt cao nhất của Tội này lên đến 07 năm tù giam.

Người trên 70 tuổi phạm tội có được giảm hình phạt?

The thông tin từ Công an, ông L.T.V bị khởi tố về 03 tội danh.

Hiện nay, trường hợp khi bị kết án về nhiều tội danh thì tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân.

Nếu hình phạt cao nhất chỉ là tù có thời hạn thì tổng hợp hình phạt sẽ không quá 30 năm tù.

Theo Điều 51 Bộ luật Hình sự, người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên thuộc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, theo Điều 54, để được nhận hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật thì người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.

Trên đây là giải đáp ông Lê Tùng Vân đối diện mức án nào? Có được giảm nhẹ do tuổi cao? Nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X