hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 05/06/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Lịch cắt điện phải được báo trước cho người dân bao lâu?

Mất điện đột ngột trong thời tiết nắng nóng khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Vậy lịch cắt điện phải được báo trước cho người dân bao lâu? Nếu không thông báo thì bị phạt ra sao?

Mục lục bài viết
  • Lịch cắt điện phải được báo trước cho người dân bao lâu?
  • Không thông báo cắt điện, công ty điện lực bị phạt thế nào?
  • Khi bị cắt điện đột ngột, người dân có thể làm gì?

Lịch cắt điện phải được báo trước cho người dân bao lâu?

Theo nội dung Điều 27 Luật Điện lực hiện hành và Điều 14 Nghị định 137/2013/NĐ-CP, khi cắt hoặc giảm mức cung cấp điện sinh hoạt thì người dân phải được thông báo:

- Trong trường hợp không khẩn cấp: Thông báo trước ít nhất 05 ngày bằng cách thông báo trong 03 ngày liên tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức khác;

- Trường hợp khẩn cấp (sự cố, trường hợp bất khả kháng mà bên bán điện không kiểm soát được…): đơn vị cung cấp điện phải thông báo trong thời gian 24 giờ về nguyên nhân và thời gian dự kiến cấp điện trở lại.

Ngoài ra, trong trường hợp người dân thực hiện các hành vi bị cấm khi sử dụng điện nêu tại Điều 7 Luật Điện lực 2004 (ví dụ: câu trộm điện, phá hoại thiết bị - công trình điện lực…) thì bên cung cấp điện có quyền ngừng cấp điện ngay sau khi lập Biên bản vi phạm hành chính mà không cần báo trước.

Như vậy, trong trường hợp cắt điện do thiếu nguồn điện thì bên bán điện phải thông báo trước cho người dân biết ít nhất 05 ngày.

Lịch cắt điện phải được báo trước cho người dân bao lâu?
Lịch cắt điện phải được báo trước cho người dân bao lâu? (Ảnh minh họa)

Không thông báo cắt điện, công ty điện lực bị phạt thế nào?

Theo khoản 3 Điều 7 Luật Điện lực 2004, đóng hoặc cắt điện trái quy định là một trong những hành vi bị cấm thực hiện trong hoạt động điện lực. Cho nên, khi bên bán điện không thông tin trước cho người dân về việc cắt, giảm điện sẽ được coi là vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt dựa theo tính chất, mức độ.

Cụ thể, căn cứ nội dung điểm b khoản 7 Điều 11 Nghị định 134/2013 và khoản 12 Điều 7 Nghị định 17/2022, công ty Điện lực không tiến hành thông báo cắt điện hoặc thực hiện không đúng theo nội dung thông báo sẽ bị phạt hành chính từ 50 – 60 triệu đồng.

Bên cạnh đó, người có thẩm quyền và trách nhiệm cung ứng điện mà cắt điện vô căn cứ hoặc không thông báo dẫn đến một trong những hậu quả sau đây thì có thể phải ngồi tù tới 07 năm:

- Làm chết từ 02 người trở lên;

- Gây thương tích/tổn hại sức khỏe của 03 người trở lên với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 201%;

- Gây thiệt hại tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ/hành nghề từ 01 – 05 năm.

(Căn cứ: Điều 199 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi năm 2017).

Khi bị cắt điện đột ngột, người dân có thể làm gì?

Việc cắt điện đột ngột khiến cuộc sống sinh hoạt – làm việc của người dân gặp nhiều bất tiện. Cho nên khi bị cắt điện đột ngột thì người dân cần:

- Kiểm tra nguyên nhân mất điện: xác minh ngay nguyên do mất điện trong nhà (quá tải, chập, cháy…)

- Kiểm tra việc thanh toán tiền điện: Khoản 6 Điều 23 Luật Điện lực 2004 và khoản 9 Điều 1 của Luật sửa đổi Luật điện lực vào năm 2012 quy định rõ, trường hợp bên mua điện chưa trả tiền mà bên bán điện đã thông báo 02 lần thì bên bán điện có quyền cắt điện sau 15 ngày kể từ ngày thông báo của lần đầu tiên.

Khi bị cắt điện, cần kiểm tra liệu mình đã thanh toán tiền điện chưa
Khi bị cắt điện, cần kiểm tra liệu mình đã thanh toán tiền điện chưa (Ảnh minh họa)

Lúc này, người dân cần nhanh chóng thanh toán tiền điện chậm nộp và tiền phí cấp điện trở lại. Người dân có thể đến trực tiếp công ty điện lực nơi mình đang ở, đóng tiền online… để thực hiện.

- Liên hệ với đơn vị điện lực để tìm hiểu nguyên nhân và nắm được lịch cắt điện. Ngoài ra, người dân có thể tự tra cứu lịch cắt điện để chủ động trong sinh hoạt.

>>>Xem tiếp: Ai cũng nên biết: Cách tra cứu lịch cắt điện trên Zalo

- Sử dụng các sản phẩm thay thế: Việc cắt điện thường xuất hiện vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao…, cho nên người dân và đặc biệt những hộ kinh doanh cần chuẩn bị các sản phẩm phát điện để đảm bảo hoạt động kinh doanh – sinh hoạt.

Ví dụ: dùng quạt năng lượng mặt trời, máy phát điện…

- Tìm nơi tránh nóng: Khi mất điện đột ngột, các phụ huynh có thể đến những nơi có cung cấp điện để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho cả gia đình (đặc biệt là cho trẻ nhỏ).

Ví dụ: Trung tâm thương mại, nhà nghỉ, những nơi thoáng mát (biển, hồ…)

Trên đây là phần giải đáp cho câu hỏi lịch cắt điện phải được báo trước cho người dân bao lâu? Nếu còn thắc mắc khác, xin mời quý khách liên hệ hotline  19006192 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X