Năm 2022 từng là năm được mong đợi với nhiều cán bộ, công chức bởi "cuộc hẹn" cải cách tiền lương. Tuy nhiên, trên thực tế, liệu tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức năm 2022 có tăng như kỳ vọng?
Năm 2022 vẫn không cải cách tiền lương
Tại ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 02 Quốc hội khóa XV - ngày 13/11/2021, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Về chính sách tiền lương, với 465/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức đồng ý lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.
Về thời điểm tiếp tục cải cách tiền lương, Quốc hội chưa xác định được thời điểm chính xác mà "sẽ tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương nhằm tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách vào thời điểm phù hợp".
Đồng thời, Quốc hội cũng thông qua việc ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.
Trước đó, ngày 21/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27 về cải cách tiền lương năm 2021. Tuy nhiên, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thống nhất lùi thời điểm cải cách tiền lương đến ngày 01/7/2022 do tác động tiêu cực của Covid-19. Gần đây, Ban Chấp hành Trung ương họp đã thống nhất chưa cải cách tiền lương năm 2022 mà lùi cải cách tiền lương không thời hạn đến một thời điểm thích hợp.
Nguyên nhân của việc tiếp tục lùi cải cách tiền lương này vẫn do những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, khiến cho ngân sách phải chi nhiều cho công tác phòng chống dịch như kinh phí mua kit xét nghiệm, mua vắc xin phòng Covid-19, chi hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch...
Tại Nghị quyết 23/2021/QH15 ban hành ngày 23/7/2021, Quốc hội yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách, thực hiện cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo an sinh xã hội; ưu tiên cho giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung cao hơn các nguồn lực cho bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia trong tình hình mới. Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2022. Không sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho đầu tư xây dựng cơ bản và các mục đích khác, trừ trường hợp Nghị quyết của Quốc hội cho phép. |
Xem thêm: Năm 2022 có cải cách tiền lương không?
Năm 2022, cải cách tiền lương tiếp tục "lỡ hẹn" (Ảnh minh họa)
Năm 2022 có tăng lương cơ sở không?
Lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay đều được tính theo công thức: Lương cơ sở x Hệ số lương.
Trước khi Ban Chấp hành Trung ương lên "lộ trình" để cải cách tiền lương, lương của cán bộ, công chức hầu như vẫn được tăng hằng năm là bởi lương cơ sở được điều chỉnh tăng. Nay, khi cải cách tiền lương tiếp tục "lỡ hẹn", vật giá leo thang, lạm phát, liệu lương cơ sở có tăng không?
Lần tăng lương cơ sở gần nhất là 01/7/2019. Tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP đã ấn định lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng. Năm 2020 và 2021 không có văn bản nào điều chỉnh mức lương này, vẫn giữ nguyên mức lương cơ sở, nghĩa là đã 02 năm lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức vẫn giữ nguyên.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, với tình hình dịch bệnh hiện nay, việc tăng lương cơ sở là khó khả thi. Vì thế, Ủy ban này đã đồng ý với phương án Chính phủ trình, lùi thời điểm tăng lương cơ sở.Mặc dù chưa có thông tin chính thức về việc có tăng lương cơ sở năm 2022 hay không, tuy nhiên, khả năng năm 2022 tiếp tục là một năm lương cơ sở không được điều chỉnh.
Với việc lùi cải cách tiền lương và không tăng lương cơ sở trong năm 2022, có thể thấy, lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức trong năm tới vẫn giữ nguyên.
Trên đây là thông tin về tiền lương của cán bộ công chức viên chức năm 2022. Nếu còn có thêm vướng mắc, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.