Gần 2 năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống kinh tế - xã hội. Giáo dục cũng là ngành bị ảnh hưởng nặng nề. Năm nay, các cấp học ở nhiều địa phương đã có gần nửa năm học trực tuyến, tác động đến tâm lý học sinh, sinh viên.
Học trực tuyến ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục
Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 12/11 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc dạy - học trong thời gian dịch bệnh Covid đã ảnh hưởng đến lĩnh vực giáo dục một cách nghiêm trọng.
Do dịch Covid, học sinh, sinh viên nhiều nơi phải nghỉ học; học trực tuyến, học gián đoạn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý giáo viên, học sinh, gia đình và cả chất lượng giáo dục nói chung.
Theo Thủ tướng, việc dạy – học trong thời gian qua chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt trong tình thế chưa tiêm phủ vắc xin cho học sinh, cũng như điều kiện phòng, chống dịch chưa đáp ứng yêu cầu.
Cũng trong phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với việc không thể học trực tuyến kéo dài.
Chính vì vậy, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giáo dục Đào tạo cùng Bộ Y tế phối hợp, khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình và phương án cụ thể từng bước mở cửa lại trường học trong năm nay.
Sáng 14/11, tại trụ sở Chính phủ, trong buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, dịch bệnh đã tác động đến đời sống của hàng triệu thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non, giáo viên ngoài công lập về thu nhập gây khó khăn trong đời sống, nên sớm mở trường học là điều cần cân nhắc, thực hiện.
Cần đổi mới phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá phù hợp tình hình dịch bệnh. Ảnh minh họa
Khi nào nên mở cửa trường học?
Trước Quốc hội ngày 12/11, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu quan điểm bảo đảm tổ chức dạy - học an toàn, chất lượng, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Để mở cửa trường học, Thủ tướng đưa ra những giải pháp như:
- Chỉ đạo nghiên cứu, đẩy nhanh việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em
- Chuẩn bị tốt điều kiện phòng, chống dịch tại các trường học
- Tổ chức dạy học linh hoạt bằng nhiều phương thức phù hợp
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục
Bên cạnh đó, cần đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá học sinh phù hợp; rà soát, tinh giản nội dung chương trình học, đồng thời nâng cao năng lực cho giáo viên. Mặt khác thực hiện hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho giáo viên, học sinh, gia đình…
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nếu tiêm phủ vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em rồi mới mở cửa trường học là không phù hợp vì hiện nay nguồn vắc xin vẫn khan hiếm. Nếu có đủ vắc xin vẫn phải tiêm đủ liều để có kháng thể cũng mất khá nhiều thời gian, dẫn đến thời gian năm học bị kéo dài, ảnh hưởng lớn đến học sinh.
PGS.TS Trần Đắc Phu có đề xuất khi mở cửa trường, các lớp học nên tổ chức độc lập với nhau, tránh giao lưu giữa các lớp. Nếu dịch xảy ra ở lớp nào, chỉ đánh giá nguy cơ ở lớp đấy. Các lớp khác không có yếu tố dịch tễ, vẫn tổ chức dạy học bình thường.
Như vậy, thời gian mở cửa trường học phải căn cứ tình hình, nguy cơ lây nhiễm ở từng địa phương, bên cạnh đó phải có các kế hoạch, biện pháp dạy - học cụ thể nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Rà soát lại chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh
Trong cuộc gặp đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngày 14/11, Thủ tướng chính phủ cho rằng mặc dù dịch bệnh có những ảnh hưởng nặng nề, nhưng cũng là cú hích để:
- Thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo của mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và cả ngành giáo dục
- Nâng cao khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới
- Cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới trong giáo dục.
Việc Chính phủ giải quyết tạo điều kiện cho ngành giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là điều cần thiết.
Theo đó Bộ Giáo dục Đào tạo, phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương nghiên cứu thí điểm kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến căn cứ vào tình hình dịch bệnh ở từng khu vực và độ bao phủ vắc xin.
Việc thí điểm sẽ triển khai ở những nơi an toàn, mở rộng dần, có thể cho học sinh đầu cấp, cuối cấp, sinh viên học trực tiếp hoặc kết hợp trực tiếp – trực tuyến.
Đối với giáo viên, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát lại chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên ngoài công lập và đề xuất phương án phù hợp để giải quyết các vấn đề phát sinh.
Đối với học sinh, cần được quan tâm, hỗ trợ, nhất là tại các tỉnh, thành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid. Hiện nay, nhiều nơi đã thực hiện giảm học phí cho học sinh nhưng một số nơi vẫn chưa làm.
Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh chương trình cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên. Với trẻ mồ côi do Covid, cần có chính sách bài bản, dài hơi…
Thủ tướng cũng cho rằng, với tình hình diễn biến dịch như hiện nay, cần xây dựng nhiều phương án dạy và học ứng phó với dịch bệnh. Để thuận lợi cho việc học trực tuyến, nhất là vùng sâu, vùng xa, ... cần tiếp tục nâng cấp hạ tầng viễn thông và hỗ trợ sóng miễn phí, trang thiết bị học, triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em" hiệu quả hơn…
* Một số tỉnh, thành cho học sinh đi học lại từ tuần này
Sau khi đánh giá, xác định cấp độ dịch các tỉnh, thành đã lên lên kế hoạch cho học sinh vùng có nguy cơ thấp và trung bình được quay trở lại trường học trực tiếp từ hôm nay, 15/11.
- Sở GD-ĐT Nghệ An quyết định chuyển từ hình thức dạy học trực tuyến sang hình thức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến cho học sinh lớp 12 ở thành phố Vinh, bắt đầu từ ngày 15/11.
- Tại Phú Thọ: học sinh thuộc thành phố Việt Trì, huyện Phù Ninh, Trường THPT Phong Châu đi học trực tiếp trở lại từ ngày 15/11.
- Tại Lâm Đồng: UBND TP.Bảo Lộc cũng thống nhất chủ trương cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy - học trực tiếp từ ngày 15/11.
- Đồng Nai cũng đã có kế hoạch cho sinh viên, học sinh các cấp trở lại trường học từ ngày 22/11 - 1/12. Sẽ chọn từ 1 - 4 cơ sở giáo dục tại mỗi huyện, thành phố để tổ chức cho học sinh đi học trở lại.
Theo Công văn 1467/BGDĐT-GDTC ban hành Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trường học thì 6 tiêu chí an toàn khi học sinh đến trường gồm: 1. 100% cán bộ, giáo viên và học sinh được đo thân nhiệt trước khi vào lớp học 2. Tất cả học sinh mầm non, tiểu học được đón và giao nhận tại cổng trường. 3. Giãn cách trong và ngoài lớp học, phòng làm việc, phòng chức năng, phòng sinh hoạt 4. Lau khử khuẩn, vệ sinh các bề mặt tiếp xúc, khu rửa tay, nhà vệ sinh, xe đưa đón… 5. Kiểm tra, rà soát, bổ sung kịp thời xà phòng, dung dịch sát khuẩn… 6. Thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, nhắc nhở việc thực hiện quy định phòng, chống dịch |
Vừa rồi là những thông tin liên quan đến vấn đề mở cửa trường học. Nếu bạn còn có thêm vướng mắc, có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
>> Học sinh đi học trở lại thế nào sau khi phân cấp độ dịch?