Với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán, ngày 29/3/2022, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.
Tội thao túng thị trường chứng khoán có mức phạt lên đến 7 năm tù
Theo thông tin trên Tuổi trẻ, hành vi sai phạm thao túng thị trường chứng khoán của bị can Trịnh Văn Quyết bị xác định được thực hiện từ đầu tháng 12/2021.
Bị can Trịnh Văn Quyết cùng với bà Bùi Hải Huyền (tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của tập đoàn FLC) đã chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty con sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức, thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán FLC với tần suất lớn nhằm tạo ra cung cầu giả để đẩy giá lên cao.
Trịnh Văn Quyết cùng những người giúp sức đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, số lượng đặt mua chiếm 12% và số lượng đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng thị trường.
Hành vi tạo cung cầu giả này đã đẩy giá cổ phiếu FLC từ hơn 14.000 đồng/cổ phiếu ngày 01/12/2021 liên tục tăng, cao nhất là 24.000 đồng/cổ phiếu.
Sau khi giá cổ phiếu FLC được "thổi" lên cao ngất ngưởng thì chủ tịch tập đoàn này chỉ đạo người thân bán ra 175 triệu cổ phiếu. Tổng số cổ phiếu FLC nhóm của ông Quyết bán ra đã khớp lệnh là 74,8 triệu, với giá trung bình là 22.500 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số cổ phiếu này đã được bán "chui", không công bố trước khi thực hiện giao dịch.
Tổng số tiền bị can Trịnh Văn Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là gần 1.700 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính số tiền hơn 530 tỉ đồng. Tuy nhiên ngay sau khi xảy ra việc bán chui cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu do ông Quyết bán ra và quyết định xử phạt ông Quyết 1,5 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.
Đáng chú ý, sau khi bị phát hiện, để đối phó với cơ quan chức năng, bị can Quyết đã giao cho người thân sử dụng các tài khoản chứng khoán mở tại Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS liên tục đặt lệnh mua cổ phiếu FLC với số lượng lớn để đẩy giá cổ phiếu, tạo thanh khoản giả. Giá cổ phiếu FLC đã được "thổi" từ 12.000 đồng/cổ phiếu lên 14.500 đồng/cổ phiếu (ngày 22/3).Vì thế, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán.
Theo Điều 211 Bộ luật Hình sự, người nào sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; hoặc thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo... có thể bị phạt tiền từ 02 - 04 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu:
- Thu lợi bất chính 1,5 tỷ đồng trở lên;
- Tái phạm nguy hiểm.
Như vậy, mức phạt mà Chủ tịch FLC đối mặt lên đến 07 năm tù giam hoặc phạt tiền đến 04 tỷ đồng.
Chủ tịch FLC bị khởi tố về tội thao túng thị trường chứng khoán (Ảnh minh họa)
Ông Quyết có thể chỉ bị phạt tiền thay vì phạt tù?
Điều 35 Bộ luật Hình sự quy định, phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây:
- Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định;
- Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
Với khung hình phạt tối đa là 07 năm tù, tội thao túng thị trường chứng khoán được xếp vào nhóm tội nghiêm trọng, đồng thời có quy định phạt tiền là hình phạt chính.
Còn theo Điều 50 Bộ luật Hình sự 2015, khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ nêu trên, Tòa án còn phải căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn về việc áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Việc áp dụng hình phạt tiền trên thực tiễn còn mang tính tùy nghi, tùy thuộc vào Hội đồng xét xử mà chưa có hướng dẫn pháp luật cụ thể.
Do đó, khi xét xử, Tòa án có thể căn cứ tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự để quyết định áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với tất cả các tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng mà trong điều luật có quy định hình phạt chính là hình phạt tiền.
Tại Điều 211 Bộ luật Hình sự, tội thao túng chứng khoán có quy định hình phạt tiền là hình phạt chính. Vì thế, nếu bị khởi tố về tội thao túng chứng khoán, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết có thể chỉ bị phạt tiền thay vì phạt tù. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng vẫn thuộc về Tòa án nhân dân.Trên đây là một số thông tin liên quan đến việc Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết có thể chỉ bị phạt tiền thay vì phạt tù. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.