hieuluat
Chia sẻ email

Căn cứ nào để Quốc tang đồng bào tử vong vì Covid-19?

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội đã đề xuất tổ chức một ngày Quốc tang cho những người là nạn nhân đã mất vì dịch Covid-19. Căn cứ pháp lý nào cho việc này?

Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một đại biểu Quốc hội đã cho biết, cho đến nay, cả nước có 22.500 người bị tử vong do Covid-19. Mất mát này là hết sức to lớn. Từ sau năm 1975 đến nay, tổn thất về người này này là lớn nhất, nhiều nhất. Bởi vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép tổ chức một ngày Quốc tang cho những người là nạn nhân đã mất vì dịch Covid-19, bởi trên thế giới cũng đã có một số nước đã thực hiện việc này.

Cơ sở pháp lý nào cho việc tổ chức Quốc tang đồng bào?

Quốc tang tại Việt Nam là nghi thức tang lễ cao nhất ở Việt Nam, được hiểu là cả nước cùng để tang.

Tại Thông báo số 19/TB-TW về kết luận của Bộ Chính trị quy định tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước có đoạn:

Đồng ý tổ chức lễ quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm hoạ đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn tính mạng, của cải của nhân dân. Chính phủ ban hành văn bản quy định cụ thể về các trường hợp này.

Hiện nay, chưa có văn bản nào của Chính phủ cụ thể hóa chủ trương này của Đảng. Tuy nhiên, trên tinh thần của Thông báo 19, đại biểu Quốc hội đã đề xuất việc tổ chức Quốc tang cho đồng bào. Ngoài ra, đại biểu này cũng trình bày thêm các lý do để cho thấy sự cần thiết tổ chức một ngày Quốc tang:

- Con số 22.500 người đã mất vì dịch Covid-19 vừa qua là rất lớn, rất đáng để đất nước dừng cuộc họp để tổ chức Quốc tang;

- Hầu hết những người bị mất trong đại dịch ra đi trong sự xa cách người thân và vì dịch bệnh đã không được tổ chức mai táng chu toàn (theo quy định, người nhà tuyệt đối không được thăm viếng tử thi trong suốt thời gian lưu giữ cho tới khi khâm liệm xong. Ngoài ra, phải vận chuyển thi hài thẳng tới nơi hỏa táng hoặc nơi chôn. Người nhà người bệnh không được lên xe chuyển thi hài. Thực tế, tại TP.HCM và những địa phương có dịch bùng phát mạnh, người nhà chỉ biết người thân đã mất sau khi nhận được tro cốt).

- Nhắc nhở người dân không được lơ là trong phòng chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, để tưởng niệm những hy sinh mất mát này, Quốc hội, Chính phủ nên lấy một ngày làm Ngày tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19 và đề xuất lấy ngày 27/4 tức là ngày bùng phát đợt dịch thứ 4.

Trước đây, ngày 05/11/2020, trong phiên họp Quốc hội, một đại biểu của Đoàn Hà Nội cũng đề xuất xem xét bổ sung thực hiện nghi thức Quốc tang đối với trường hợp có nhiều đồng bào thiệt mạng trong các thảm họa thiên tai, như thiệt hại trong đợt mưa lũ, sạt lở ở miền Trung. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa từng có tiền lệ hay quy định cụ thể về việc này.

Đề xuất tổ chức Quốc tang cho đồng bào mất vì Covid-19 hiện nay nhận được đông đảo sự ủng hộ của người dân.
quoc tang dong bao tu vong vi covid
Căn cứ nào để Quốc tang đồng bào tử vong vì Covid-19? (Ảnh minh họa)

Lễ Quốc tang được tổ chức thế nào?

Hiện nay, chưa có bất cứ văn bản nào hướng dẫn về việc tổ chức Quốc tang cho đồng bào. Việc này cũng chưa từng có tiền lệ ở nước ta từ trước đến nay.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn tổ chức lễ Quốc tang cho cán bộ thì có quy định:

Thời gian tổ chức Lễ Quốc tang là 02 (hai) ngày. Trong thời gian này các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang (có kích thước bằng 1/10 chiều rộng lá cờ, chiều dài theo chiều dài của lá cờ và chỉ treo cờ đến 2/3 chiều cao của cột cờ, dùng băng vải đen buộc không để cờ bay), không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.

Trên đây là cơ sở pháp lý về việc Quốc tang đồng bào tử vong vì Covid. Nếu còn có thêm vướng mắc, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X