hieuluat
Chia sẻ email

Tại sao Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị bắt? Mức án đối mặt thế nào?

Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an cho biết, ông Dũng, 61 tuổi, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) tạm giam ngày 05/4/2022.

Tại sao Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị bắt?

Ngày 05/4, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng - chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ông Dũng bị điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trung tướng Tô Ân Xô - chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an - cho biết cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Kết quả điều tra xác định, trong thời gian từ tháng 07/2021 đến tháng 03/2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Ngoài ông Dũng, Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 người khác gồm:

Đỗ Hoàng Việt - phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

Nguyễn Mạnh Hùng - chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh.

Trần Hồng Sơn - chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil; phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

Nguyễn Khoa Đức - chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty CP Cung điện Mùa Đông.

Lê Văn Thịnh - phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

Phùng Thế Tính - nguyên giám đốc Trung tâm Tài chính kế toán Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

Trong đó, Đỗ Hoàng Việt là con trai ruột của ông Dũng.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với các bị can nêu trên.

tai sao chu tich tan hoang minh bi bat
Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh vừa bị tạm giam ngày 05/4/2022

Chủ tịch Tân Hoàng Minh đối diện mức án nào?

Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

- Tái phạm nguy hiểm;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

- Dùng thủ đoạn xảo quyệt.

Đáng chú ý, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;

- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Như vậy, mức án cao nhất mà Chủ tịch Tân Hoàng Minh có thể phải đối mặt là tù chung thân do đã phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. Trong khi đó, Điều 5 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

X