Theo Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ ngày 29/4 đến ngày 11/11, Hà Nội đã ghi nhận 5.612 ca Covid-19, trong đó, số ca cộng đồng là 2.175 ca. Thời gian gần đây, số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng, thậm chí có hôm đạt kỷ lục nhưng Hà Nội vẫn không thực hiện giãn cách, vì sao?
Hà Nội sẽ còn tiếp tục tăng cấp độ dịch?
Thực tế, việc tăng ca nhiễm Covid-19 trong thời gian gần đây đã được dự báo trước khi Thành phố gỡ bỏ giãn cách xã hội, người dân từ các khu vực có dịch về Hà Nội dẫn đến tình trạng lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, việc cách ly tập trung còn có thể có nguy cơ lây nhiễm chéo, khiến tỉ lệ ca mắc trong khu vực này cũng tăng lên.
Đây là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khi trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, việc không công bố tỉ lệ % bao nhiêu F0 không có triệu chứng dẫn đến khó có thể nhận định, đánh giá chính xác về tình hình dịch ở Hà Nội.
Đánh giá về cấp độ dịch của Hà Nội trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết, hiện nay 30 quận huyện, thị xã của Hà Nội vẫn ở cấp độ 2. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh hiện nay, các ca nhiễm tăng, nếu người dân không thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch thì tới đây, tỉ lệ nhiễm còn tăng cao hơn và cấp độ dịch cũng sẽ tăng theo.
Số ca nhiễm Covid-19 tăng, Hà Nội vẫn không thực hiện giãn cách xã hội? Ảnh minh họa.
Tại sao Hà Nội không giãn cách xã hội?
So với các đợt dịch trước, số ca nhiễm Covid tại Hà Nội tăng mạnh, thậm chí có hôm đạt kỉ lục từ trước đến nay, là vào ngày 09/11 vừa qua với 222 ca nhiễm mới, trong đó có tới 105 ca cộng đồng. Tại sao Hà Nội không giãn cách xã hội là thắc mắc chung của nhiều người dân.
Sau thời gian dài giãn cách vì dịch bệnh, không chỉ riêng Hà Nội mà với các tỉnh, thành khác cũng đã tác động đến nền kinh tế, cuộc sống, tâm lý người dân. Việc giãn cách xã hội là điều không ai mong muốn, vì vậy cần có các biện pháp nhằm thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới.
Chính vì thế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Về nội dung này, Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch 243/KH-UBND, yêu cầu hàng quán ăn uống đóng cửa trước 21h, đám cưới không tập trung quá 30 người, hoạt động thể dục, thể thao công suất tối đa 50%, không quá 30 người trong cùng thời điểm. Và đến thời điểm hiện tại, Hà Nội vẫn tiếp tục dừng các hoạt động như vũ trường, karaoke, massage, quán bar, bán hàng rong, vé số dạo, trò chơi điện tử.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng đã có khuyến cáo đối với người dân về từ các tỉnh, thành có dịch:
- Cần tuân thủ nghiêm việc theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong thời gian 7 ngày kể từ ngày về Hà Nội.
- Luôn thực hiện nghiêm thông điệp 5K
- Khai báo y tế, chủ động thông báo với chính quyền nơi cư trú, lưu trú để được xét nghiệm và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch theo quy định.
Ngoài ra, cũng đặc biệt lưu ý người dân nếu có 01 trong các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, khó thở, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác... cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm Covid-19 miễn phí.
Về hướng dẫn thực hiện các biện pháp y tế đối với người đến/về Hà Nội từ các địa phương khác, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Công văn 17403/SYT-NVY.
Theo đó, đối với người đến/về Hà Nội, không phải xuất trình kết quả xét nghiệm Covid-19; không chỉ định xét nghiệm trong việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm với người đến từ nơi có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế (vùng phong toả), các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ khi đến từ nơi có dịch cấp độ 3.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng, khi đã xác định sống chung an toàn với dịch bệnh, nên nếu có triệu chứng, người dân cần phải đi khám ngay để được hướng dẫn và điều trị kịp thời. Song song đó, các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất… cần có xét nghiệm định kỳ cho người lao động để phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.
Mặt khác, nên tập trung tiêm vắc xin cho đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền, đồng thời xem xét cho F1 và F0 triệu chứng nhẹ cách ly tại nhà, vì thực tiễn kinh nghiệm tại TP.HCM khi cho F0 có triệu chứng nhẹ điều trị , F1 cách ly tại nhà, tỉ lệ tử vong đã giảm rõ rệt.
Việc cách ly, điều trị tại nhà còn giúp làm giảm tải áp lực lên y tế tuyến đầu, với F1 sẽ giảm tốn kém, ít ảnh hưởng tâm lý cho người dân.
Tuy nhiên, theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, hiện Hà Nội chưa có chủ trương điều trị, cách ly F0, F1 tại nhà vì vẫn có đủ nguồn lực; chỉ khi F0, F1 tăng vượt quá khả năng mới tính đến phương án cách ly F1, F0 không triệu chứng tại nhà.
Cũng về vấn đề Hà Nội sẽ không thực hiện phong tỏa, giãn cách theo diện rộng như trước, PGS TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội trao đổi trên VnExpress rằng, Hà Nội sẽ linh hoạt xử lý các ổ dịch theo nguyên tắc "nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy", khi xác định sống chung với dịch bệnh thì số ca nhiễm tăng là điều khó tránh khỏi.
Bên cạnh đó, sẽ dựa vào đánh giá nguy cơ ở từng nơi để phong tỏa mở rộng hay thu hẹp căn cứ theo mối liên hệ, giao tiếp... có thể chỉ một tầng trong 01 tòa nhà, 1 ngõ…thay vì diện rộng như trước để vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo an sinh xã hội.
Trên đây là các thông tin liên quan đến vấn đề tại sao Hà Nội không giãn cách xã hội. Nếu còn băn khoăn hoặc có thêm vướng mắc, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất.
>> Sẽ không yêu cầu trình xét nghiệm Covid-19?