Một sự cố y tế rất nghiêm trọng vừa xảy ra tại huyện Quốc Oai, Hà Nội, đó là sự cố tiêm chủng nhầm cho 18 trẻ đang được dư luận rất quan tâm.
Tuy nhiên, trong quá trình tiêm chủng đã tiêm nhầm vắc xin ngừa Covid-19 của Hãng Pfizer cho 18 trẻ từ 02 - 06 tháng tuổi. Sau sự việc, Hà Nội đã đưa 18 trường hợp trẻ bị tiêm nhầm vắc xin trên đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để được chăm sóc, theo dõi.
Tiêm nhầm vắc xin bị xử phạt hành chính
Theo Thông tư 34/2018/TT-BYT về hoạt động tiêm chủng hướng dẫn thực hiện tiêm chủng như sau:
- Kiểm tra vắc xin, dung môi và bơm tiêm, kim tiêm trước khi sử dụng;
- Cho đối tượng tiêm chủng hoặc cha, mẹ, người giám hộ của trẻ xem lọ vắc xin trước khi tiêm chủng;
- Thực hiện tiêm đúng đối tượng chỉ định tiêm chủng, đúng vắc xin, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời điểm…
Như vậy, trong quá trình tiêm chủng vắc xin, cán bộ y tế đã không thực hiện đúng hướng dẫn tiêm chủng nên mới để xảy ra sai sót nghiêm trọng như vậy.
Trong trường hợp sức khỏe 18 cháu bé bình thường, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, cán bộ tiêm chủng sẽ bị xử phạt hành chính.
Cụ thể, khoản 4 Điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định mức phạt với các hành vi vi phạm về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế như sau:
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tiêm chủng đúng chỉ định, không bảo đảm an toàn trong khi tiêm chủng;
...
Như vậy, việc tiêm nhầm vắc xin có thể bị xử phạt đến 10 triệu đồng.
Ngoài ra, cơ sở y tế có thể bị đình chỉ toàn bộ hoặc một phần hoạt động trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng. Nggười vi phạm bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.
Việc tiêm nhầm vắc xin Covid-19 cho trẻ là sự cố y tế nghiêm trọng (Ảnh minh họa)
Có thể bị xử lý hình sự
Trường hợp không may mắn, nếu sức khỏe các cháu bị ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến tính mạng, cán bộ y tế để xảy ra sự việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể như sau:
Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Khung hình phạt cao nhất với tội này hiện nay lên đến 12 năm tù giam nếu làm chết 03 người trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên...
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, trường hợp người có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, trừ trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.Trên đây là giải đáp thắc mắc tiêm nhầm vắc xin Covid-19 cho trẻ bị xử lý thế nào? Nếu còn vướng mắc, độc giả vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.