hieuluat
Chia sẻ email

Người được cấp tống đạt vắng mặt, phải làm thế nào?

Tống đạt là gì? Trường hợp không tống đạt được văn bản, giấy tờ thì phải quyết thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn làm rõ hơn về các vấn đề này.

Tống đạt là gì? Có những hình thức tống đạt nào?

Câu hỏi: Em có nghe nhiều về tống đạt giấy tờ, văn bản. Vậy tống đạt là gì? Trong tố tụng dân sự thì tống đạt được thực hiện theo hình thức nào? Em cảm ơn! - Hải Phạm (Quảng Ninh).

Tại khoản 2 Điều 2 Nghị định  08/2020/NĐ-CP quy định về tống đạt như sau:

2. Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan;

Trong tố tụng dân sự, theo Điều 173 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, việc tống đạt được thực hiện theo các cách sau:

- Tống đạt trực tiếp; qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được ủy quyền thực hiện tống đạt.

- Tống đạt bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của đương sự hoặc người tham gia tố tụng.

- Niêm yết công khai.

- Thông báo trên báo, đài, tivi,...

- Tống đạt bằng các phương thức khác....

Các văn bản tố tụng nào cần được cấp, tống đạt và thông báo?

Câu hỏi: Trong tố tụng dân sự thì những văn bản nào phải được cấp, tống đạt và thông báo?- Thu Vũ (Hải Phòng).

Những văn bản cần phải cấp, tống đạt, thông báo là những văn bản có liên quan đến quyền, nghĩa của người liên quan đến vụ việc dân sự.

Theo Điều 171 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, các văn bản này gồm:

- Thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong tố tụng dân sự;

- Bản án, quyết định của toà án;

- Quyết định kháng nghị của viện kiểm sát; các văn bản của cơ quan thi hành án dân sự;

- Các văn bản tố tụng khác.

Trong quá trình tố tụng, tuỳ theo loại văn bản tố tụng, cơ quan ban hành v và người có thẩm quyền của các cơ quan này sẽ tiến hành cấp, tống đạt hoặc thông báo cho những người tham gia tố tụng và những người liên quan.

tong dat la gi

Tổng đạt là gì? Có những phương thức tống đạt nào? (Ảnh minh họa)


Cấp tống đạt văn bản tố tụng do ai thực hiện?

Câu hỏi: Theo quy định pháp luật tố tụng dân sự thì ai là người thực hiện cấp tống đạt văn bản? Đương sự có được thực hiện tống đạt không? Tôi cảm ơn – Như Quỳnh

Theo khoản 2 Điều 172 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người thực hiện cấp, tống đạt văn bản tố tụng gồm:

- Người tiến hành tố tụng, người của cơ quan ban hành văn bản tố tụng được giao nhiệm vụ thực hiện tống đạt.

- UBND xã nơi người tham gia tố tụng dân sự cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người tham gia tố tụng dân sự làm việc khi Tòa án có yêu cầu.

- Đương sự, người đại diện của đương sự hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện tống đạt trong những trường hợp được pháp luật quy định.

- Nhân viên dịch vụ bưu chính.

- Người có chức năng tống đạt...

Như vậy, trong một số trường hợp nhất định, đương sự cũng có quyền thực hiện tống đạt văn bản tố tụng dân sự hoặc được thông báo về các văn bản tố tụng: Bản án, giấy mời, giấy triệu tập,... của tòa án cấp sơ thẩm, phúc phẩm.

Người được cấp tống đạt vắng mặt, phải làm thế nào?

Câu hỏi: Trường hợp tống đạt Giấy triệu tập mà đương sự vắng mặt tại nơi cư trú thì phải giải quyết như thế nào? Tôi cảm ơn! – Thúy Nguyễn (Hải Hậu).

Về vấn đề này, tại khoản Điều 177 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:

Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản và giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng nơi cư trú với họ hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc để thực hiện việc ký nhận hoặc điểm chỉ và yêu cầu người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt, thông báo. Biên bản phải được lưu trong hồ sơ vụ án.

Theo quy định trên, khi người được tống đạt vắng mặt thì người thực hiện tống đạt phải lập văn bản và giao cho người thân cùng nơi cư trú với người vắng mặt hoặc cho tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn,... để ký nhận.

Đồng thời, yêu cầu những người này cam kết sẽ giao lại cho người được tống đạt. Biên bản này sẽ được lưu lại trong hồ sơ vụ án.

Trường hợp không tống đạt được Giấy triệu tập cho đương sự, người thực hiện tống đạt phải lập biên bản về việc không thực hiện được tống đạt có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc công an xã, phường, sau đó thực hiện niêm yết công khai văn bản cần tống đạt theo quy định.

Chi phí tống đạt của Thừa phát lại hiện nay là bao nhiêu?

Câu hỏi: Xin hỏi theo quy định mới nhất thì mức chi phí tống đạt văn bản, giấy tờ của Thừa phát lại hiện nay có cao không? Cụ thể là bảo? Tôi cảm ơn!

Tống đạt là một trong những chức năng phổ biến của Thừa phát lại. Theo quy định tại Điều 62 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, chi phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự được xác định dựa trên thỏa thuận của các cơ quan này với Văn phòng Thừa phát lại.

Theo đó, khung mức chi phí tối thiểu là 65.000 đồng/việc và tối đa là 130.000 đồng/việc.

Trường hợp tống đạt ngoài địa bàn cấp tỉnh; ở vùng đảo, quần đảo ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì có thể thỏa thuận chi phí với Văn phòng Thừa phát lại, gồm:

- Chi phí phát sinh thực tế (không vượt quá chế độ công tác phí theo quy định của áp dụng với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập);

- Tiền công theo ngày làm việc của người thực hiện việc tống đạt (không vượt quá mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc tại cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập).

Vừa rồi là những thông tin liên quan đến tống đạt là gì. Nếu còn có thêm vướng mắc, có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X