hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 25/11/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tăng cường kiểm soát biến động dân cư, TP.HCM có lập chốt kiểm dịch?

Tại Công văn 3909/UBND-VX, UBND TP.HCM đã chỉ đạo kiểm soát về di biến động dân cư trên địa bàn. Điều này khiến nhiều người thắc mắc, liệu TP.HCM có lập các chốt kiểm dịch để kiểm soát người dân như trước?

Mục lục bài viết
  • TP.HCM có lập chốt kiểm dịch như trước không?
  • Sẽ quản lý người dân bằng cách nào?
  • TP.HCM giám sát y tế ra sao với người từ vùng dịch, cách ly?

TP.HCM có lập chốt kiểm dịch như trước không?

Công văn 3909/UBND-VX, TP.HCM chỉ đạo các quận, huyện tăng cường kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, nắm rõ tình hình người dân ra, vào địa bàn; nắm rõ thông tin những người có nguy cơ đang lưu trú và làm việc tại địa phương; người làm việc ở các tỉnh ngoài về địa phương lưu trú và người lưu trú các tỉnh ngoài về địa phương để có biện pháp quản lý phù hợp.

Nhiều người dân băn khoăn, nếu thực hiện kiểm soát chặt liệu TP.HCM có lập các chốt kiểm soát như trước, cần những giấy tờ gì khi ra, vào thành phố?

Thượng tá Lê Mạnh Hà, phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM, thông tin trên Tuổi trẻ rằng, TP.HCM sẽ không thiết lập các chốt kiểm soát để kiểm tra di biến động dân cư như trước.

Và biến động dân cư chính là sự thay đổi về dân cư, thường trú, tạm trú chứ không phải là việc lực lượng chức năng kiểm soát người dân đi lại ở các chốt kiểm dịch.

Công an TP.HCM hiện nay cũng đang thực hiện các công tác quản lý di biến động dân cư như:

- Đăng ký thường trú, tạm trú

- Rà soát hộ khẩu kiểm tra những người có mặt thực tế ở địa phương

- Rà soát, đối chiếu, so sánh dữ liệu dân cư, cấp mã số định danh cá nhân.

Ngoài ra, công an cũng kiểm tra những người ở diện thường trú, tạm trú, người đang lưu trú ở các khách sạn, nhà nghỉ... để khai báo để quản lý chặt chẽ, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Việc rà soát nhằm đặt ra những chỉ tiêu, điều chỉnh hướng dẫn cho người dân phù hợp nhất, thuận tiện khi thông báo về mã định danh cá nhân.

tphcm co lap chot kiem dich
TP.HCM có lập chốt kiểm dịch để kiểm soát di biến động dân cư? Ảnh minh họa.

Sẽ quản lý người dân bằng cách nào?

Theo thông tin ở trên, có thể thấy TP.HCM sẽ không kiểm soát di biến động dân cư tại các chốt như trước, nhưng yêu cầu người dân từ các tỉnh thành khác đến TP.HCM đăng ký tạm trú, tạm vắng để các quận, huyện có thể nắm được số liệu người dân đến địa bàn để kiểm soát.

Cũng theo thông tin trên Tuổi Trẻ, chủ tịch UBND quận Gò Vấp khuyến cáo người dân từ các tỉnh, thành khác về TP.HCM, nhất là từ các nơi có nguy cơ cao về dịch Coid-19, khi đến quận Gò Vấp phải tiến hành khai báo y tế với chính quyền địa phương và chấp hành đầy đủ các quy định phòng chống dịch.

Việc khai báo cư trú, khai báo y tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận vắc xin, được theo dõi sức khỏe và chăm sóc y tế.

Còn tại quận Phú Nhuận, chủ tịch UBND quận Phú Nhuận cho biết, hiện quận đã triển khai đến các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ yêu cầu người đến lưu trú thực hiện khai báo y tế bằng mã QR nhằm đồng bộ dữ liệu, kiểm soát việc di chuyển của người dân.

Mặt khác, cảnh sát khu vực, tổ dân phố cũng sẽ kiểm soát chặt người đến tạm trú, tạm vắng, nhất là trong khu vực nhà trọ công nhân.

Việc kiểm soát di biến động dân cư giúp quận kiểm soát được việc tiêm chủng vắc xin của người đến địa bàn đồng thời tổ chức tiêm vét vắc xin cho người dân, người lao động đến từ địa phương khác nhưng chưa tiêm đủ liều vắc xin.

TP.HCM giám sát y tế ra sao với người từ vùng dịch, cách ly?

Đầu tháng 11, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành Công văn 8072/SYT-NVY hướng dẫn việc giám sát y tế đối với người đến/về TP.HCM từ địa phương có dịch cấp độ 4 hoặc cách ly y tế. Cụ thể:

- Người dân cần tự giác báo ngay với cơ quan y tế phường, xã, thị trấn hoặc trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức.

- Căn cứ thông tin về cấp độ dịch của các địa phương được công bố, nếu xác định là người đi từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa), Ban chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn sẽ quyết định biện pháp giám sát y tế phù hợp.

+ Những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19: thẻ xanh trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều hoặc F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về đến địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh):

Tự theo dõi sức khỏe tại nhà, tự cách ly tại nơi cư trú 7 ngày và xét nghiệm Covid-19 1 lần vào ngày đầu tiên.

+ Những người chưa tiêm đủ liều vắc xin Covid-19: thực hiện cách ly tại nhà, nơi cư trú 14 ngày; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo; xét nghiệm Covid-19 vào ngày đầu tiên, ngày thứ 7 và ngày thứ 14.

Trên đây là các thông tin liên quan đến thắc mắc TP.HCM có lập chốt kiểm dịch? Nếu còn băn khoăn hoặc có thêm vướng mắc, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất.

>> TP.HCM thay đổi việc kiểm soát người ra, vào thành phố?

Có thể bạn quan tâm

X