hieuluat
Chia sẻ email

Bị điều tra bổ sung, bà Hằng có được tại ngoại?

Ngày 6/9/2022, theo thông tin được công bố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã trả hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra, công an thành phố Hồ Chí Minh để tiến hành điều tra bổ sung. Lý do gì dẫn đến quyết định trên của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh? Nguyễn Phương Hằng liệu có tiếp tục bị tạm giam không?

Lý do trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án Nguyễn Phương Hằng là gì?

Dựa trên những thông tin được công bố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định trả lại hồ sơ để cơ quan cảnh sát Điều tra, công an thành phố Hồ Chí Minh tiến hành điều tra bổ sung vụ án của Nguyễn Phương Hằng (sinh năm 1971, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam), về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017.

Theo nguồn tin từ báo chí được tiếp cận, lý do Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung là để xác minh, làm rõ mức độ vi phạm pháp luật hình sự, vai trò của các đồng phạm khác trong vụ án; và có đề xuất/kiến nghị các cơ quan chức năng, cơ quan có liên quan tiến hành nhập vụ án do công an tỉnh Bình Dương khởi tố Nguyễn Phương Hằng nhằm làm rõ, giải quyết triệt để hành vi phạm tội của Hằng cùng các đồng phạm.

Điểm qua một số nội dung cơ bản của vụ việc, từ kết luận điều tra có được, Nguyễn Phương Hằng đã sử dụng 12 tài khoản mạng xã hội (gồm Youtube, Tiktok) để tổ chức, thực hiện nhiều buổi phát sóng trực tiếp (hay còn gọi là livestream) để trò chuyện, phát ngôn về nhiều vấn đề, nhiều nội dung khác nhau, những nội dung này được nhiều tài khoản mạng xã hội theo dõi, chia sẻ.

Một trong số những nội dung nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều tài khoản mạng là những câu chuyện về đời tư, cá nhân của nghệ sĩ Hoài Linh (tên thật là Võ Nguyễn Hoài Linh), nghệ sĩ Vy Oanh (tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Oanh) và bà Đặng Thị Hàn Ni. Hậu quả là gây ảnh hưởng lớn đến uy tín, danh dự, nhân phẩm và cuộc sống của những người nêu trên.

Nội dung được Nguyễn Phương Hằng chia sẻ trên mạng xã hội còn có sự giúp sức của nhiều người, nhiều tài khoản mạng xã hội khác như của Huỳnh Công Tân, Đặng Anh Quân, Nguyễn Đình Kim…

Qua quá trình điều tra, Nguyễn Phương Hằng đã khai nhận những thông tin mà mình có được để chia sẻ trên mạng xã hội là không có căn cứ, cũng chưa được kiểm chứng mà chỉ là do tự tìm hiểu qua mạng internet, báo chí,...

Trong thời gian tới, những đối tượng giúp sức cho Nguyễn Phương Hằng, chủ các tài khoản chia sẻ các buổi phát sóng trực tiếp của Nguyễn Phương Hằng sẽ được cơ quan cảnh sát Điều tra, công an thành phố Hồ Chí Minh cùng các cơ quan có thẩm quyền khác tiến hành trưng cầu giám định, tiếp tục xác minh, làm rõ. Sau khi có kết quả giám định, kết quả xác minh, cơ quan cảnh sát Điều tra, công an thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật.

Cơ quan cảnh sát Điều tra, công an thành phố Hồ Chí Minh nhận định hành vi của Nguyễn Phương Hằng xâm phạm nghiêm trọng đến quyền được Nhà nước bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của bị hại cũng như gây hậu quả xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, do đó, cần phải xử lý, giải quyết triệt để.

tra ho so dieu tra bo sung vu an nguyen phuong hang
Bà Phương Hằng trước khi bị bắt

Nguyễn Phương Hằng có tiếp tục bị tạm giam để điều tra hay không?

Câu hỏi được nhiều bạn đọc quan tâm là khi cơ quan cảnh sát Điều tra, công an thành phố Hồ Chí Minh tiến hành điều tra bổ sung thì Nguyễn Phương Hằng liệu có bị tiếp tục tạm giam hay sẽ được trả tự do?

Nguyễn Phương Hằng chính thức bị tạm giam từ ngày từ ngày 24/3/2022, thời hạn tạm giam là 03 tháng. Ngày 21/6/2022, cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục gia hạn thời hạn tạm giam thêm 2 tháng. Đến gần cuối tháng 08/2022, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có quyết định tạm giam thêm 19 ngày đối với Nguyễn Phương Hằng sau khi nhận được kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát Điều tra, công an thành phố Hồ Chí Minh.

Căn cứ quy định tại Điều 109 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn được cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với bị can khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để ngăn chặn tội phạm.

Cũng theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, thời gian điều tra bổ sung của cơ quan cảnh sát Điều tra, công an thành phố Hồ Chí Minh trong trường hợp này là không quá 02 tháng, cơ quan Điều tra có quyền thay thế, bổ sung, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn đang áp dụng đối với bị can trong thời gian điều tra bổ sung này.

Trong vụ việc này, cơ quan có thẩm quyền quyết định tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam bị can hay không thuộc về cơ quan cảnh sát điều tra, công an thành phố Hồ Chí Minh, thời hạn tạm giam (nếu áp dụng) cũng không quá 02 tháng (bằng thời gian tiến hành điều tra bổ sung).

Nói cách khác, quyền quyết định có tiếp tục tạm giam hay không thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng là cơ quan cảnh sát Điều tra, công an thành phố Hồ Chí Minh. Từ diễn biến phức tạp của vụ việc, những biện pháp đang được cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng, có thể nhận thấy, chưa có đủ căn cứ để khẳng định Nguyễn Phương Hằng được tại ngoại trong quá trình điều tra bổ sung.

Ngoài ra, người bào chữa của Nguyễn Phương Hằng cũng có quyền được yêu cầu/đề nghị cơ quan cảnh sát Điều tra, công an thành phố Hồ Chí Minh thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam thành bảo lĩnh, cấm đi khỏi nơi cư trú,... nếu xét thấy không còn căn cứ để áp dụng biện pháp tạm giam theo quy định pháp luật.

Do chưa được nghiên cứu hồ sơ vụ án cụ thể, các thông tin chúng tôi nhận được đều thông qua các phương tiện truyền thông, vì vậy, chúng tôi chỉ có thể đưa ra nhận định một phần tính chất pháp lý của vụ việc mà không thể có kết luận toàn bộ, đầy đủ.

Trên đây là giải đáp về trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án Nguyễn Phương Hằng, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X