Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, vấn đề học sinh đến trường bảo đảm an toàn là sự quan tâm của nhiều phụ huynh khi cho con em đi học trở lại.
Để tránh lây nhiễm Covid cho học sinh, cần làm gì?
Hà Nội đã cho học sinh lớp 12 trên toàn địa bàn thành phố các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên học trực tiếp kết hợp học trực tuyến từ 6/12. Trước đó, học sinh lớp 9 của 18 quận, huyện thị xã đã được đến trường.
UBND TP.HCM cũng ban hành kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Theo đó, các trường sẽ thí điểm dạy học trực tiếp từ ngày 13/12 đối với lớp 1, 9, 12 trong 2 tuần.
Thông tin trên Vietnamnet, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật HCDC TP.HCM đã đưa ra khuyến cáo chống dịch Covid-19 tại trường THPT như sau:
Với cha mẹ học sinh
Cụ thể, cha mẹ học sinh không được đến trường nếu bản thân đang trong thời gian cách ly tại nhà hoặc có biểu hiện sốt, ho, khó thở.
Phụ huynh phải nhắc nhở học sinh đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay khi đến trường, khi ra về và vào các thời điểm cần thiết khác.
Bên cạnh đó, gia đình cần theo dõi sức khỏe học sinh tại nhà, nếu có các biểu hiện ho, sốt, khó thở phải thông báo đến nhà trường và đưa con đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.
Ngoài ra, gia đình phải có trách nhiệm phối hợp với nhà trường trong phòng, chống dịch Covid-19.
Với học sinh
- Phải đeo khẩu trang
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay khi đến trường, khi ra về và những thời điểm cần thiết.
- Không được khạc nhổ, vứt rác và khẩu trang bừa bãi, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
- Thông báo với cha mẹ và giáo viên nếu có các biểu hiện như sốt, ho, khó thở để được khám, tư vấn, điều trị.
- Thực hiện giãn cách theo hướng dẫn của giáo viên, ban giám hiệu nhà trường
- Khai báo y tế bằng ứng dụng điện thoại (nếu có) hoặc bằng giấy.
Cũng như phụ huynh, học sinh phải có trách nhiệm phối hợp với nhà trường phòng, chống dịch Covid-19.
Với giáo viên, người lao động tại trường
- Không được đến trường nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà hoặc có biểu hiện như sốt, ho, khó thở.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn
- Giáo viên phải nhắc nhở học sinh rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay
- Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện giãn cách trong các hoạt động theo quy định.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường... (Ảnh minh họa)
Xử trí khi phát hiện F0 tại trường học ở TP.HCM, Hà Nội
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trong một hội nghị trực tuyến mới đây cho rằng, các địa phương phải triển khai tập huấn về công tác phòng, chống dịch cho cán bộ y tế học đường, đặc biệt là cán bộ y tế thuộc trường ngoài công lập.
Từng trường xây dựng phương án, kịch bản xử lý khi trường học có 1 học sinh hoặc giáo viên F0, phương án này cũng phải được ban chỉ đạo cấp huyện duyệt.
Tại TP.HCM
Ngày 03/12/2021, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Công văn 9038/SYT-NVY hướng dẫn tạm thời Phương án kiểm soát Covid-19 trong trường học.
Cụ thể, nếu có trường hợp học sinh phát hiện nhiễm Covid-19 tại cơ sở giáo dục thì xử trí theo các bước:
- Thông báo kết quả cho trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, tổ an toàn Covid-19 của cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh; cách ly tạm thời F0; thông báo cho trạm y tế địa phương…
- Đánh giá tình hình sức khỏe của F0, nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SPO2 dưới 96% thì liên hệ và chuyển đến bệnh viện.
Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ: tư vấn, hướng dẫn phụ huynh đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp cận xử lý theo quy định.
- Tạm ngưng tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Các lớp học khác hoạt động bình thường.
- Theo dõi F1 tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học với F0, khi đã có kết quả xét nghiệm âm tính thì:
+ F1 đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19: đi học và làm việc bình thường; tuân thủ 5K, xét nghiệm lại vào ngày 03, 07 và tiếp tục mỗi 07 ngày (test nhanh) đến khi không còn phát hiện F0; khai báo sức khỏe cho nhà trường mỗi ngày và xét nghiệm ngay khi có triệu chứng.
+ F1 chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin nhưng có yếu tố nguy cơ như béo phì, mắc bệnh nền: cách ly tại nhà theo quy định, khai báo sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường và nơi cư trú; xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 14 hoặc ngay khi có triệu chứng.
Với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu có 1 ca dương tính Covid-19: cho toàn bộ học sinh trong cùng lớp (F1) cách ly tại nhà theo quy định.
Tại Hà Nội
Theo Công văn 4156/SGDĐT-CTTT, khi phát hiện F0 tại trường học, cần:
- Thông báo cho F0, yêu cầu không tự ý di chuyển, không tiếp xúc gần với người xung quanh dưới 01 mét.
- Phong tỏa tạm thời toàn bộ trường học và lớp nào ở yên lớp đó.
Diện phong tỏa có thể toàn bộ trường học hoặc từng tầng/khu vực học, làm việc, phòng học có liên quan đến F0 căn cứ theo dịch tễ.
- Có thể tổ chức ngay việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất cả học sinh, giáo viên, người lao động đang ở trường hoặc theo khu vực, dãy lớp học, tầng lớp học, tùy tình hình dịch tễ.
- Tất cả học sinh, giáo viên, người lao động đang có mặt tại trường ở nguyên tại chỗ trong khi chờ kết quả xét nghiệm.
F0 khỏi bệnh và có giấy ra viện tiếp tục thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú đủ 14 ngày thì mới trở lại trường học.
Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch tại địa phương sẽ quyết định việc hoạt động trở lại của trường học đó.
Trên đây là thông tin liên quan đến vấn đề tránh lây nhiễm Covid cho học sinh. Nếu bạn còn có vướng mắc, có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
>> Học sinh Hà Nội đi học từ 06/12, trường học phải đảm bảo tiêu chí gì?