hieuluat
Chia sẻ email

Bị khởi tố, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đối mặt mức án nào?

Ngày 29/3/2022, Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc "thao túng" và "che giấu thông tin chứng khoán".

Mục lục bài viết
  • Tại sao ông Trịnh Văn Quyết bị bắt?
  • Ông Trịnh Văn Quyết đối mặt với mức án nào?
  • Tại sao ông Trịnh Văn Quyết bị tạm giam?

Tại sao ông Trịnh Văn Quyết bị bắt?

Theo thông tin trên Tuổi trẻ, ngày 29/3/2022, cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán.

Cơ quan điều tra đã áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam, đồng thời ra lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết để phục vụ điều tra.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh trên.

Theo trung tướng Tô Ân Xô, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã tiến hành điều tra, xác minh với ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán", "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hành vi trên của ông Trịnh Văn Quyết đã đủ yếu tố cấu thành tội "thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Từ các căn cứ trên, ngày 29/3/2022, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết. Đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan.

Ngày 26/3/2022, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã bị Cơ quan điều tra ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh một tháng để phục vụ điều tra.

Trước đó, vào tháng 01/2022, chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã từng có hành vi "bán chui" cổ phiếu làm rúng động dư luận và làm chao đảo thị trường chứng khoán.

Cụ thể, sau nhiều ngày cổ phiếu FLC được "đánh lên" với giá rất cao thì ngày 10/01, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.

Đáng chú ý, chỉ trong một phiên giao dịch, có tới gần 135 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh, cao bất thường (thông thường trung bình chỉ giao dịch 15-40 triệu cổ phiếu mỗi ngày).

Sau khi sự việc người đứng đầu Tập đoàn FLC "bán chui" cổ phiếu, thị trường chứng khoán chao đảo, nhà đầu tư liên tục bán tháo cổ phiếu FLC và các cổ phiếu liên quan đến ông Quyết, đồng thời hàng chục mã cổ phiếu khác cũng "đỏ sàn".

Ngay say đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/01 của ông Trịnh Văn Quyết.

Ngày 18/01, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỉ đồng, mức cao nhất theo quy định, đồng thời, đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 05 tháng.

.trinh van quyet doi mat muc an nao
Ông Trịnh Văn Quyết vừa bị tạm giam với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán


Ông Trịnh Văn Quyết đối mặt với mức án nào?

Theo khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019, thao túng thị trường chứng khoán là một trong các hành vi bị cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 01 - dưới 03 tỷ đồng, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 02 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

- Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

- Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;

- Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;

- Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;

- Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Nếu thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư 03 tỷ đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm thì người có hành vi vi phạm có thể đối mặt với mức phạt tiền từ 02 - 04 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 250 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết có thể phải đối mặt với mức án 07 năm tù giam hoặc bị phạt tiền đến 04 tỷ đồng.


Tại sao ông Trịnh Văn Quyết bị tạm giam?

Với khung hình phạt cao nhất lên đến 07 năm tù giam, tội thao túng thị trường chứng khoán được xếp vào tội phạm nghiêm trọng.

Theo Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

- Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

- Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

- Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

- Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

- Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X